Khánh Ly và Trịnh Công Sơn: cá mè một lứa

26 Tháng Bảy, 2022 | Tin Việt Nam,Bình Luận
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Khánh Ly đêm 8/7/2022. Theo ca sĩ Quang Thành, bà Ngân thường xuyên dự các đêm nhạc của Khánh Ly tại Việt Nam kể từ tháng 5/2014. Photo Đông Đô via Nguyễn Mạnh Hà/ BBC

Trịnh Công Sơn (TCS) đã chết cách đây 21 năm ở tuổi 62. Có thể nói chưa thấy có nhạc sĩ khi chết được nhiều người ái mộ ra đường tiễn đưa như vậy. TCS  được nhiều người yêu thương nhưng cũng có rất nhiều người ghét bỏ, gọi ông bằng những cái tên rất có thể làm người nghe chướng tai nhưng cũng có thể đúng một phần nào với con người và thái độ của ông.

Trước 1975, ông được coi là một người nổi loạn với thời cuộc, là một nhạc sĩ phản chiến, một thi sĩ viết nhạc mang âm hưởng cửa thiền nên được giới trẻ trí thức hâm mộ. Dù nhạc ông thời đó không thịnh hành trong dân gian và giới bình dân như Trúc Phương, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ… nhưng ông có một chỗ đứng riêng và được trọng vọng. Cũng nhờ vậy mà ông được giới có quyền thế thích văn nghệ bao che để chỉ cà phê, thuốc lá, rượu và viết nhạc… chống chiến tranh mà phần lớn chống chính quyền Miền Nam và đồng minh Hoa Kỳ. Thật là một sự bất công.

Cựu Thiếu tá Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên Liên Thành viết bài nói TCS là tên cộng sản nằm vùng, nhưng cáo buộc này không có bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên ngày 30.4.1975 ông lên Đài Phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối vòng tay lớn” kêu gọi anh em nghệ sĩ ở lại để phục vụ cách mạng và coi  những người bỏ nước ra đi là phản bội quê hương.  Nói giống cộng sản nhưng muốn bám cộng sản vào giờ thứ 25 cũng không được, TCS phải chạy trốn về Huế, một thời gian bị bắt đi lao động cho đến ngày được Thủ tướng Võ Văn Kiệt nâng đỡ đưa vào Sài Gòn và từ đấy, TCS trở thành một loại “công thần” văn nghệ của chế độ, được hưởng những đặc ân nằm mơ cũng không thấy, kéo dài đến khi ông ta chết.

Thế mà khi có người quen biết TCS như họa sĩ Trịnh Cung kể về cuộc sống và tư cách của TCS thì vô số các nhà văn và nghệ sĩ của đảng hay không còn yêu đảng nhất trí phê bình hay mạt sát Trịnh Cung vì ông họa sĩ dám đụng đến thần tượng của họ, người được họ coi như thánh hay ngang hàng với đại thi hào Nguyễn Du. TCS có tài viết lời nhạc nhưng tư cách thì đáng chê, vì gió chiều nào theo chiều ấy để được ăn uống sung sướng và được người ta mặc áo thụng vái lạy.

Ảnh thật, người thật – Không phải ảnh photoshop: Khánh Ly mặc áo dài vàng 3 sọc đỏ, trong một buổi văn nghệ của người Việt tị nạn cs ở Los Angeles vào năm 1982 – Nguồn ảnh: FORUM Phố Xưa (Nguồn chú thích và hình: Trần Văn Giang, website Chúng tôi muốn tự do)

 

TCS đã chết, nhưng một người đã giúp nhạc TCS đi vào lòng người (thật ra hai bên cùng giúp nhau) vẫn không cho ông chết, bắt ông phải sống mãi như “Bác Hồ” bằng cách đi hát và thuyết pháp về ông, một con người mà bà ta coi như  cha, là bậc thầy.  Thật ra, Khánh Ly hát hay không phải nhờ sự huấn luyện dạy dỗ của TCS bởi khi cộng sản vào, ai không có bằng cấp muốn vào ngành đó,  thì phải đi học lại. TCS nằm trong số đó  khi bị “đày” ở Huế.

Khánh Ly có tiếng hát trời cho. Nhiều ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn ngày xưa đọc nốt nhạc không đi mà vẫn là danh ca, được hâm hộ, được mời hát, tiền vào như nước. Nhưng lúc này, Khánh Ly đi đó đây kể chuyện mình nhờ sự chỉ dạy của “thầy” TCS là nói quá, và cũng để hát ít là điều khán giả không mong ở một ca sĩ.

Tại sao nhiều ca sĩ trở về Việt Nam hát kiếm sống mà không bị người ở hải ngoại chỉ trích, mạt sát nhiều mà Khánh Ly chỉ mới trở về khoảng mười năm nay lại chịu rìu búa dư luận như vậy? Cũng giống “thầy” TCS, Khánh Ly trở cờ. Mọi người còn nhớ ngày trước đi đâu Khánh Lý cũng được hoan nghênh, đón tiếp nồng hậu bởi nhiều lúc bà mang trên vai, trên ngực lá cờ vàng 3 dọc đỏ của VNCH, chế độ đã giúp bà nổi tiếng như TCS. Nhưng nay còn đâu những hình ảnh nguyên chiếc áo dài bằng lá cờ VNCH bà mang trên người và câu nói “chừng nào còn cộng sản thì tôi không về”?

Cộng sản vẫn còn đó, vẫn còn kềm kẹp, cướp đất đai ruộng vườn của dân, làm giàu trên xương máu dân nghèo. Vẫn còn những người lên tiếng đòi sự công bằng, dân chủ bị bắt giam khiến quốc tế phải lên tiếng. Nhưng Khánh Ly chỉ biết hát, biết bắt tay những khán giả hâm mộ như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân và hát những bài được phép hát để kiếm tiền, để tìm lại chút danh vọng ở tuổi gần đất xa trời. Khánh Ly có quyền làm điều bà muốn như đi tị nạn cộng sản nay về ôm lấy cộng sản. Nếu người đời chê trách, nguyền rủa thì phải chấp nhận thôi nhé!

(Xã luận báo giấy TVTS số 1895 ngày 20.7.2022)