Cơn cám dỗ ở nước ngoài: cán bộ ngoại giao Việt Nam ở Nam Phi buôn sừng tê giác bị triệu hồi

21 Tháng Mười Một, 2008 | Tin Việt Nam

 









Bà Vũ Mộc Anh. Hình Mail & Guardian


 


Lại một lần nữa, một cán bộ ngoại giao của Việt Nam bị dính dáng đến việc mua bán sừng tê giác tại Nam Phi khiến Hà Nội phải ra lệnh triệu hồi. Tin một nữ nhân viên sứ quán Việt Nam liên quan vụ buôn lậu đồ cấm đã được loan tải trên hầu hết các phương tiện truyền thông thế giới làm nhà nước Việt Nam bẽ mặt.


 


Đây không phải lần đầu tiên nhân viên ngoại giao Việt Nam, đại diện cho quốc gia ở nước ngoài, làm điều sai trái gây tiếng xấu cho đất nước.


 


Người ta còn nhớ trước khi Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, viên đại sứ Việt Nam tại Liên  Hiệp Quốc thời đó là Lê Văn Bàng (?) đã bị phú lít Mỹ bắt gặp đang bắt nghêu sò (không có giấy phép) ở một bãi biển của Mỹ, một việc làm cũng được coi là vi phạm luật pháp của nước chủ nhà, nhưng nhẹ hơn.


 


Viên đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khai rằng ông không biết bắt nghêu sò không có “lai-xần” là bất hợp pháp. May mà chính phủ Mỹ không làm ùm chuyện này lên.


 


Như vụ buôn lậu sừng tê giác mới đây thì cả thế giới đều biết. Và báo chí trong nước cũng đã đưa tin hay có những bài bình luận về sự cố này.


 


Sau đây là bản tin của báo Dân Trí:


 


Xung quanh vụ cán bộ ngoại giao Việt Nam ở Nam Phi bị nghi buôn sừng tê giác


 



 


Trong thông cáo ra ngày 19/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Ngay sau khi báo chí Nam Phi đưa tin truyền hình Nam Phi ghi được hình nhân viên Đại sứ quán Việt Nam giao dịch mua bán sừng tê giác, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi xác minh ngay thông tin và báo cáo về nước”.


 


“Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã quyết định triệu hồi bà Vũ Mộc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người có liên quan đến tin đã đưa, về nước để tường trình và làm rõ sự việc.”


 


Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định một lần nữa chủ trương của bộ “là nghiêm khắc xử lý mọi hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và các hành vi tiêu cực khác”.


 


Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).


 


Tin tức từ Nam Phi


 


Tờ báo có uy tín Mail & Guardian nói nhân viên này bị chương trình truyền hình 50/50 về tự nhiên của Nam Phi ghi hình đang nhận sừng tê giác từ một tay buôn lậu ngay trước cửa sứ quán ở thủ đô Pretoria cách đây hai tháng.


 


Chương trình này thực hiện phóng sự điều tra giữa lúc có lo ngại nạn buôn bán sừng tê giác đang ở mức báo động.


 


Sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đang xác minh làm rõ sự có mặt của một chiếc xe hơi mang biển số sứ quán xuất hiện trong cùng đoạn băng ghi hình của chương trình 50/50.


 


Tuy nhiên, một nguồn tin cao cấp từ Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại cho báo giới biết không có nhân viên nào nhận có hành vi như báo chí nói.


 


Về phía mình, bà Anh vẫn bác bỏ cáo buộc là bà tham gia mua bán sừng tê giác, một trong các loài động vật có tên trong sách đỏ. Bà Anh chỉ nhận là bà đã cầm hộ sừng tê giác cho hai người Việt Nam.


 


Vấn đề của Nam Phi


 


Một nhà hoạt động môi trường ở Nam Phi nói rằng chính chính sách của chính phủ Nam Phi cũng làm cho việc chống buôn lậu sừng tê giác thêm khó khăn.


 


Bà Michele Pickover từ tổ chức Bảo vệ Quyền động vật châu Phi (ARA) cho biết Nam Phi cấp giấy phép cho một số tổ chức và cá nhân được quyền săn bắn và buôn bán tê giác. Họ chỉ cấm những trường hợp săn bắn và buôn bán không được cấp phép. Theo bà Pickover, chính sách này sẽ mang lại hậu quả khủng khiếp.


 


”Quan điểm của tôi và của ARA là nếu Nam Phi không chấm dứt chính sách coi tê giác là hàng hóa, họ sẽ không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề”, bà nói. ”Nếu người ta có thể được cấp phép để bắn tê giác và buôn tê giác thì làm sao có thể kiểm soát được việc buôn bán trái phép”.


 


Theo bà, những người săn bắn trái phép luôn có thể  “rửa tê giác” bằng giấy phép mà chính phủ cấp cho những người khác.”Chính phủ vẫn muốn kiếm tiền từ tê giác trong khi nói rằng họ muốn cấm buôn bán trái phép. Chúng tôi coi chính phủ của chúng tôi là người đã để xảy ra vấn đề này”.


 


Sừng tê giác đang được bán với giá cao tại châu Á vì dân địa phương coi sừng này như một loại thuốc kích dục.