Xôn xao tin đại hồng thủy nhấn chìm Lào Cai

16 Tháng Tám, 2011 | Tin Việt Nam









Quầng sáng xuất hiện trên bầu trời Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai)


 

Trưa ngày 16/8, một quầng sáng lạ xuất hiện trên bầu trời ở Lào Cai khiến người dân đồn thổi rằng sắp có một trận đại hồng thủy nhấn chìm tỉnh này như năm 2008.


Vào khoảng từ 12 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút ngày 16/8, một quầng sáng lạ xuất hiện trên bầu trời Lào Cai. Rất nhiều người dân hiếu kỳ đã ngước lên trời để nhìn và suy đoán. Nhiều người cho rằng, đây là một hiện tượng lạ, nó như một điềm báo báo hiệu sắp có trận lụt lịch sử xảy ra giống như năm 2008.

Tuy nhiên, TTXVN dẫn lời ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện tại tỉnh năm 2008 là hiện tượng quang học của tự nhiên, do mây che mặt trời. Loại mây này có cấu trúc bởi vô vàn những tinh thể băng nhỏ tạo thành. Độ cao đáy mây cách mặt đất khoảng 7 km, nhiệt độ trong đám mây -20°


Quầng chỉ xuất hiện vào ban ngày (có mặt trời), hoặc ban đêm (có mặt trăng) trong mùa hạ và mùa thu hàng năm. Quầng mặt trời, mặt trăng là hiện tượng quang học, do ánh sáng của mặt trời hoặc mặt trăng chiếu qua đám mây tầng cao (độ cao khoảng 7 – 8km); mây có cấu trúc là các tinh thể băng, ánh sáng mặt trời, mặt trăng bị khúc xạ, phản xạ sinh ra những vòng tròn.


Trường hợp khuyết là nửa vòng tròn, với tâm là mặt trời (hoặc mặt trăng). Quầng mặt trời, mặt trăng có 7 màu như màu sắc của cầu vồng, tuy nhiên, sự sắp xếp màu của quầng ngược lại với cầu vồng: Trong cùng là màu đỏ, tiếp đến là da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

Khi quầng mặt trời xuất hiện là lúc thời tiết khô ráo, không mưa, trời có nắng to. Trung bình khoảng 4 đến 5 năm, Trạm Khí tượng Lào Cai thường quan trắc được hiện tượng quầng mặt trời hoặc quầng mặt trăng.

Như vậy, hiện tượng vầng sáng xuất hiện trên bầu trời Lào Cai là hiện tượng rất bình thường, không phải là hiện tượng lạ như nhiều người dân đồn thổi.


Nguồn vietnamnet