Người dân Việt Nam lại biểu tình khi tàu Trung Quốc phá cáp tàu thăm dò dầu khí VN lần thứ hai

14 Tháng Sáu, 2011 | Tin Việt Nam

 









Nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (thứ nhất và thứ ba, từ trái sang) tham gia cuộc biểu tình hôm 12/6 tại Hà Nội. Hình BBC


 


Quan hệ ngoại giao Việt-Trung đang ở trong tình trạng căng thẳng sau các vụ Việt Nam cáo buộc là Trung Quốc phá thiết bị thăm dò dầu khí ở ngay trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hai sự kiện xảy ra hôm 26 tháng 5 và  9 tháng 6 đối với hai tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 và Viking 2 đã khiến dư luận Việt Nam hết sức công phẫn.


 


Hành động phá cáp này bị Việt Nam lên án là “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng”, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Hai bên đều có các động thái mạnh mẽ, như Trung Quốc loan báo tập trận hải quân ở Biển Đông, còn Việt Nam nói sẽ bắn đạn thật ở ngoài khơi Quảng Nam ngày thứ Hai dầu tuần này và Việt Nam đã làm.


 


Căng thẳng leo thang đã khiến Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ôn hòa. Trong khi đó, Việt Nam công khai ngỏ lời hoan nghênh sự tham gia của quốc tế trước nguy cơ xung đột leo thang với Trung Quốc.


Hôm thứ Bảy 11 tháng 6, khi được hãng thông tấn Reuters hỏi về khả năng Mỹ hoặc các nước khác có thể đóng vai trò trong quá trình giải quyết tranh chấp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”


 


Phản ứng của người dân Việt Nam


Cuộc tuần hành ôn hòa hôm 5 tháng 6  đã có sự tham gia của hàng trăm người ở Hà Nội và hàng nghìn người ở TP Hồ Chí Minh. Một nhân chứng ở Hà Nội nói sáng 12 tháng 6 rằng đám đông “lúc đầu khoảng vài chục người” hội tụ tại vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu vào khoảng 8 giờ 20 phút sáng.


Chỉ sau chưa đến nửa tiếng, cuộc biểu tình chuyển sang thành dạng tuần hành, từ địa điểm nói trên hướng về trung tâm thành phố và con số người tham gia tăng lên. Nhiều người tham gia biểu tình vẫn mặc áo T-shirt màu đỏ-vàng của lá cờ Việt Nam và giương cao các biểu ngữ “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”, “Phản đối Trung Quốc xâm lấn biển Việt Nam”, “Phản đối Trung Quốc gây hấn Việt Nam”…


Đặc biệt lần này đoàn người ở Hà Nội còn mang biểu ngữ “Trung Quốc hãy thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC”. Một số người mang chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hàng chữ “Quân đội Nhân dân Việt Nam muôn năm”. Được biết sau hai tiếng đồng hồ, cuộc biểu tình đã kết thúc.


 


Trong khi đó, một đạo diễn điện ảnh và là nhà thơ khi tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước vào sáng 12 tháng 6 đã bị cảnh sát câu lưu trong thời gian ngắn tại Hà Nội.


Khi đạo diễn này đang tham gia cuộc diễu hành cùng với nhóm biểu tình quần chúng, mà theo ông có tới 300 người tham gia từ buổi sáng và đi xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm của Thủ đô, tới đoạn rẽ ở phố Tràng Thi, thì ông bất ngờ bị cảnh sát bắt giữ. “Khi đoàn người bắt đầu rẽ vào đường Tràng Thi, thì có hai công an tới khoác tay tôi và nói là mời tôi vào đồn,” đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói với BBC hôm thứ Bảy tuần qua.


Ông Tuấn cho hay sau khi bị đưa vào trụ sở Công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông đã đề nghị công an cho gặp lãnh đạo và ông kịch liệt phản đối việc bị bắt giữ này. “Các anh ốp tay tôi như là tội phạm, như vậy là không được,” đạo diễn này phản kháng với lãnh đạo của công an nơi ông bị câu lưu.


“Tôi là một công dân, tôi đi biểu tình chống Trung Quốc là để đấu tranh ngoại giao, trong khi chúng ta chưa có các biện pháp khác, cứng rắn hơn.”


“Việc đấu tranh như thế để nâng cao tinh thần của toàn dân như vậy là rất tốt, tại sao các anh lại cản trở và tại sao các anh lại ốp tôi vào đây?” đạo diễn thuật lại với BBC.


Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết sau đó ông đã gọi điện cho Trung tướng Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, là nơi mà ông cho biết vẫn thường xuyên cộng tác, viết bài. “Sau đó, có thể họ đã trao đổi với nhau và thả tôi ra.”


Ông Tuấn cho biết ông đang cân nhắc và có thể sẽ gửi khiếu nại về sự việc:  “Có thể tôi sẽ viết, tôi đã trực tiếp nói với họ, có thể tôi sẽ gửi tới các nơi cần thiết. Nhưng có lẽ họ cũng ‘cà chớn’ thôi chứ tôi nghĩ là họ biết tôi đi biểu tình là vì cái gì.”


Bình luận về tác động của cuộc biểu tình và diễu hành sáng thứ Bảy, nhà thơ kiêm tác giả kịch bản từng cộng tác với nhiều tờ báo và trang văn học, nghệ thuật trong và ngoài nước này nhận định: “Nếu được bật đèn xanh, có thể hàng vạn người rầm rập đi theo. Chính quyền mà không tính toán cẩn thận, nó sẽ xẹp mất, lúc huy động, người ta cũng chẳng muốn đi nữa.”


Nguồn: BBC