SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC & VV… (8) Sài Gòn ăn trưa

28 Tháng Ba, 2008 | Ăn uống

 

Nơi tiệm ăn kia đã có lần phải “ngồi đồng” bầy mưu tính kế thanh toán cho chủ nhân, sau khi lũ bạn xỏ lá đớp hít tưng bừng rồi từ từ phân tán mỏng mất hút. Rạp ciné bên kia đường từng bao lần đã đưa em vào tỉ tê hú hí, gọi là giao lưu tình cảm. Con đường này đã đưa em về dưới mưa nhiều lần, khiến lúc quay về nổi cơn cảm cúm ho hen sù sụ. Nhớ quá đi thôi, khi bây giờ “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”!

 

Mới lang thang một lúc, mồ hôi đã chảy có giọt, trong khi bụng bắt đầu cồn cào. Nhìn đồng hồ thấy gần 12  giờ trưa, hẳn nào! Cho kỷ niệm đi chỗ khác chơi để quay về với thực tế là giải quyết vấn đề bao tử. Kỷ niệm có đẹp mấy cũng dẹp. Có thực mới vực được kỷ niệm.

 

Chợt nhớ đến mấy câu hỏi của ngài thi sĩ Du Tử Lê trong bài “Khúc Thụy Du: ”Vì sao tay anh lạnh? vì sao thân  anh run? vì sao chân không vững? Vì sao và vì sao? “. Vì đói chứ còn quái gì nữa!

 

Mỗi lần bụng đói meo, y như rằng người viết có những triệu chứng như vậy.  Đùa ngài Du Tử Lê một phát cho vui, chỉ sợ ngài giận. Lần tới sang Cali, ngài lại không cho đi ăn cơm Bắc Nguyễn Huệ nữa thì phiền lắm.  Ở đó cũng thịt đông dưa chua, trứng đúc thịt, dồi lòng, canh cá thì là, vv… chẳng khác gì Bà Cả Đọi.

 

Bạn muốn ăn trưa ở đâu? Khoái ăn món gì? Thôi, đi ăn cơm cho chắc bụng!  Đang đói mà đến với Bà Cả Đọi, không gì bằng. Quán cũ của Bà Cả trong hẻm đường Nguyễn Huệ nay không còn bán cơm, tuy nhiên bà vẫn cư ngụ tại địa điểm rất quen thuộc với dân nhà báo và nghệ sĩ một thời, sau khi người viết khám phá ra vào năm 67 và đặt cho tiệm cơm không tên của bà cái hỗn danh “Bà Cả Đọi”. 

 

Tác giả và cô Hường (đứng, con gái Bà Cả Đọi), bà chủ một tiệm phở trên đường Pasteur ngày xưa, con trai tiệm ăn Đức Trọng

 

Năm nay Bà Cả đã già, mắt kém và sức khoẻ dĩ nhiên chẳng còn được như xưa, nhưng vẫn còn nhớ vanh vách những khách hàng thân quen, thường ăn theo kiểu…”à la ghi”, khi nào rủng rỉnh sẽ thanh toán một lèo cho tiện. 

 

Vào Sài Gòn từ những năm 40, nhưng bà vẫn luôn gắn bó với sinh quán là làng Đồng Nhân, gần Hà Nội. Và Đồng Nhân đã được dùng để đặt tên cho 2 quán cơm “Bà Cả Đọi” hiện nay. Điểm 1 ở số 42 Trương Định, góc Lê Thánh Tôn.  Điểm 2 ở số 11 Tôn Thất Thiệp. Cả hai tiệm này đều do con cái bà đứng ra điều hành với số nhân viên lên đến hàng chục mạng.

 

Đến đúng giờ cao điểm tại điểm 1,  cả trên lẫn dưới đều đông hết sức, chen chúc mãi mới vào được bên trong. Cô con gái bà tên Hường bận túi bụi sau chiếc bàn đặt thức ăn lớn, cạnh một nồi cơm khổng lồ. Cô Hường tay múc nhanh như chớp, miệng đốc thúc tíu tít liên hồi trong khi mồ hôi, mồ kê ướt đẫm cả tóc tai, quần áo.

 

Nhờ có chút tình… “phe đảng” nên được xếp ngồi ngoài “balcon” trên lầu, sau khi đã “order” ở tầng dưới. Ngồi ăn trên “balcon” nhìn thẳng xuống ngã tư Trương Định và Lê Thánh Tôn mới thấy được cảnh sinh hoạt ào ào và ầm ầm của dân Sài Gòn giữa trời nắng chang chang, khói bụi mịt mờ với tiếng còi xe đinh tai, nhức óc.

 

Về lại hải ngoại đến cả tháng sau vẫn thấy lỗ tai lùng bùng. Chưa đầy 5 phút, một mâm cơm ngon lành đã được bầy ra trên bàn.  Đã lâu không được ăn những món đặc thù dân tộc này chắc bạn hẳn sẽ có được một chầu ăn ngon căng bụng. Mấy miếng dồi trường đẫy đà và trắng phau cùng với những miếng dồi huyết mượt mà thế kia không hấp dẫn sau được.

 

Đừng ngại, chơi với mắm tôm vắt chanh và vài lát ớt sẽ biết ngay đời là gì.  Đừng quên điểm thêm mấy lá ngò gai và húng quế.  Vi trùng hay vi khuẩn gì cũng thây kệ.  Chúng nó chắc cũng no nê và đã đi… ngủ trưa rồi, chắc chả màng gì đến việc tác hại bụng dạ bạn và tôi.

 

Tô canh rau đay riêu cua thứ thiệt với từng tảng riêu nổi lềnh bềnh thế kia, húp vào chắc sướng mê tơi, mát cả tim, gan, phèo, phổi. Đừng quên đĩa cà pháo đi kèm. Cái đĩa có mẻ một chút cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bạn hỏi món gì mà có xương xẩu, mỡ màng và một lớp da vàng óng thế kia?

 

Thưa, đó là giả cầy. Bạn khoái món thịt chó,  nhưng ở hải ngoại lâu ngày bị… tuyên truyền, đầu độc là ăn thịt chó kém văn minh, nên xơi món này cũng đỡ ghiền với đầy đủ mùi vị riềng, mẻ, mắm tôm. Món heo giả chó này, vừa ăn vừa tưởng tượng là thịt chó thật cũng đậm đà tinh thần dân tộc biết bao. Hơn nữa còn giữ được tính cách văn minh, tân tiến.

 

Nhưng hôm nào  mời bạn làm một chầu cầy tơ 12 món, chắc gì bạn còn muốn làm người văn minh, tiến bộ.  Làm đại một trận, ra hải ngoại ta lại văn minh tiếp, có ai cấm cản đâu. À này, bạn đừng quên ăn kèm cái món giả cầy với mấy cọng rau ngổ, cắn thêm mấy miếng riềng tươi cho nó bốc. Sướng chưa? 

 

Bạn thèm món mặn?  Đã có ngay một lát cá thu kho hay vài con tôm kho tầu.  Không khoái cá tôm? Thiếu gì thịt thà để bạn gọi. Này nhé: heo kho, sườn heo ram mặn, thịt đông, bò kho gừng, đậu hũ nhồi thịt, trứng đúc thịt, mực nhồi thịt, vv… Dĩ nhiên gà cũng có nhiều món, nhưng thời kỳ “gà nạn “ này đành phải bóp bụng thèm thuồng món gà “đi bộ” luộc, điểm những cọng lá chanh cắt chỉ.

 

Trong cái không khí nóng nực này, chắc bạn đang khát… bia. Làm một hai cái “Ken”, bảo đảm là tỉnh táo. Đừng ngại Bà Cả không có mồi. Bạn có quyền “order” một đĩa ốc hấp lá gừng, một đĩa bò nướng lá lốt, bò chả đùm hay một đĩa gỏi ngó sen, vv… Hy vọng bạn sẽ không có điều gì khiếu nại. 

 

(còn tiếp)