Bàn về rượu: bài 5

19 Tháng Mười, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

 

 

Thật ra, mua rượu ở đâu rẻ nhất? Theo dõi các quảng cáo giá rượu. Một tiệm rượu lớn mới khai trương. Khoa học gia Pháp: rượu đỏ cũng như rượu trắng.

 

Như đã nói trong tuần qua, một số tiệm phát hành thẻ hội viên câu lạc bộ rượu miễn phí mà cũng có tiệm (công ty) bắt đóng niên liễm hoặc cho miễn phí thẻ hội viên trong một thời gian dài.

 

Theo chỗ Thụy Văn tôi biết, tiệm Vintage Cellars có phát hành thẻ hội viên câu lạc bộ rượu Vintage Cellars Wine membership) cho người nào muốn có thông tin về rượu, nghĩa là khi nào có “món ngon của lạ gì” như có những loại rượu gì mới ra, bán với giá đặc biệt như thế nào, thì họ sẽ “hú” qua bản tin rượu (Cellars Press hay Newsletters), gởi đến cho hội viên, như trường hợp Thụy Văn tôi kể cho bạn đọc trong số báo trước về chai rượu Penfolds Grange 1994.

 

Thẻ hội viên Wine Club của Vintage Cellars được cấp miễn phí (ghi tên xin ở tiệm đó). Khi đã trở thành hội viên, bạn nên đưa cho người bán hàng quẹt vào máy tính khi trả tiền. Và đến khi nào bạn chi tiền mua rượu đến số tiền $500 thì Vintage Cellars sẽ gởi về nhà cho bạn một lá thư chúc mừng kèm một miếng giấy gọi là Cellar Share.

 

Với một cái Cellar Share, bạn có quyền đến tiệm đó mua một chai rượu trị giá đến $20. bạn có thể cất giữ Cellar Share đó đợi tiêu thêm $500 tiền rượu khác tại tiệm này để nhận thêm một tờ giấy Cellar Share thứ hai. Với hai tờ Cellar Share, bạn có quyền ra tiệm rượu Vintage Cellars để đổi một hay nhiều chai rượu vang, rượu mạnh trị giá đến $40.

 

Có được 4 tờ Cellar Share, bạn có thể đem đổi một chai rượu Michael Shiraz hay những chai rượu có giá trị đến $85.

 

Nếu trong một thời gian dài bạn tiêu số tiền  rượu đến… $5,000 thì bạn sẽ được gởi cho cả thảy trước sau 10 tờ giấy Cellar Share. Dồn 10 Cellar Share sẽ được quyền mua một hay nhiều chai rượu vang, một chai Macallan whisky 25 năm hay một chai cognac hiệu Courvoisier XO… tùy tiệm ấn định và tùy rượu đó hiện có trong tiệm hay không, hoặc chọn lựa số chai rượu tương đương, mà trị giá tổng cộng là $230.

 

Tiêu $5,000 để được một (hay nhiều chai) rượu trị giá $230 là chuyện nghe tức cười, nhưng thiên hạ vẫn làm. Như bạn đọc thấy, những người có thẻ Fly Buys, đi chợ mua sắm đều chìa thẻ ra để lấy điểm. Mua hoặc tiêu bất cứ thứ gì trị giá $5 nằm trong hệ thống tính điểm Fly Buys, thì sẽ được cho 1 điểm.

 

Muốn có một cái vé khứ hồi Melbourne đi Gold Coast, bạn phải cần đến 28,000 điểm, có nghĩa là phải tiêu số tiền… $14,000. Bạn có nên bán cái nhà tiêu pha để được cái vé máy bay nội địa, hay chỉ cần bỏ vài trăm bạc mà mua cho nhanh gọn? Nhưng xã hội tiêu thụ luôn tìm cách chỉ cho giới tiêu thụ những cách tiêu mà có lợi, vì… có còn hơn không.

 

 

 

Quảng cáo: có xạo không?

 

Nói về quảng cáo, thì theo Thụy Văn tôi thấy, tiệm rượu Dan Murphy’s quảng cáo dữ dằn nhất. Hầu như tuần nào họ cũng có quảng cáo trên hai nhật báo địa phương ở Melbourne là The Age và Herald Sun. Họ đề rõ ràng giá cả của mấy chục chai rượu, với giá thị trường (trade recommanded price) và bên cạnh đó là giá của họ (my price). So sánh, ta có thể thấy sự khác biệt giá cả gần một nửa.

 

Giá trị thị trường mà Dan Murphy’s đề ra có phải là giá mà các cửa tiệm hàng bán lẻ lớn và những tiệm rượu nhỏ thường bán không là chuyện khó mà biết một cách chính xác. Bởi vì giá cả là do chủ nhân đặt và thường là phải làm sao để có thể cạnh tranh với những cửa tiệm khác.

 

Nhưng có một điều, theo kinh nghiệm của Thụy Văn tôi, một khi Dan Murphy’s đã quảng cáo giá cả rõ ràng trên mặt báo, thì hầu như giá cả ngày hôm đó (hay trong tuần lễ đó) là giá rẻ thật, và có thể gọi là rẻ nhất.

 

Lối quảng cáo của Dan Murphy’s rất quả quyết với những giòng chữ như: “Chớ có phí thì giờ quý báu của quý vị ở các tiệm khác… Chúng tôi bảo đảm giá cả rượu chúng tôi rẻ nhất… Quý vị có khùng mới đi mua rượu ở các nơi khác…” và đồng thời cũng hung hăng con bọ xít với các đối thủ qua cái “logo” trước tên tiệm trong trang quảng cáo rằng: “Nếu bất cứ ai mà dám hạ giá thấp hơn giá của tôi, thì tôi sẽ hạ xuống nữa, để mãi mãi là nơi luôn luôn bán giá rẻ nhất”. Quảng cáo như rứa thì thôi!

 

Hãy quên cái giá thị trường (trade recommanded price -giá của chúng nó) mà Dan Murphy’s ghi ra trên quảng cáo, nhưng với một chai rượu giá khoảng $20, “my price” của tiệm này thường rẻ hơn vài đô so ở các tiệm khác.

 

Nhưng đó là giá của mấy chục chai rượu có quảng cáo giá trên báo thôi nhé, chứ Dan Murphy’s có cả ngàn tên rượu khác nhau, và nếu tới khu vực rượu giá từ $20 trở lên mà không được quảng cáo trên báo “giá của chúng nó và giá của tôi”, thì chưa chắc đã rẻ hơn các tiệm khác đâu. Có khi còn đắt hơn nữa là khác.

 

Cách đây mấy tuần, khi Dan Murphy’s tổ chức triển lãm rượu Shiraz và cho 200 người đầu tiên uống thử rượu Penfolds Grange 1994, Thụy Văn tôi thấy họ đề giá chai rượu này là $295. Một tuần sau, như đã nói trong số báo trước, tiệm Vintage Cellars quảng cáo chai Grange 1994, tuy được tiệm ghi với giá $329, nhưng đặc biệt sẽ bán cho khách hàng nào có thẻ hội viên với giá $279 và ai mua một lúc bất cứ 12 chai rượu nào, thì giá chai rượu Grange 1994 còn xuống $251.10.

 

Nhưng do số lượng bán đặc biệt có hạn, nên Vintage Cellars yêu cầu nhanh chân kẻo hụt. Mà Thụy Văn tôi thì rất có thể trễ chuyến tàu này rồi, vì chưa trúng số Tattslotto bốn con loại System để mua chai rượu đó.

 

Cũng cuối tuần qua, Thụy Văn tôi có ghé tới tiệm Dan Murphy’s để quan sát thị trường, coi tình hình giá cả rượu của Dan Murphy’s thì thấy chai rượu Grange 1994 lồng trong tủ kính tiệm đề $389.00.

 

Rõ ràng, giá cả rượu thay đổi hàng tuần, và có khi hàng ngày. Như cách đây 5 tuần lễ Dan Murphy’s quảng cáo đại hạ giá rầm rộ trên báo chí và còn gởi cả quảng cáo bươm bướm tới hộp thư các nhà ở vùng miền đông Melbourne.

 

Dan Murphy’s quảng cáo chai rượu Wirra Wira Church Block 1997 loại “gu” hỗn hợp Cabernet Shiraz Merlot với giá “bọn chúng” là $20.45, nhưng “giá của tôi” chỉ có $13,90. Thụy Văn tôi thấy trong thời gian đó có một số tiệm bán với giá $19.90.  Sự khác biệt là $6.

 

Như chai Reynell Basket Pressed Cabernet Sauvignon  đời 1995 là một chai rượu khá ngon, uống rất thơm và dịu, màu đỏ tím trông rất hấp dẫn, Dan Murphy’s quảng cáo giá “bọn chúng” $40.48 nhưng “giá của tôi” chỉ $27.90. Trong thời gian đó, Thụy Văn tôi đi dò tìm ở tiệm đối thủ khác, thấy chai Reynell này đề giá $37.

 

Thụy Văn tôi thích hai chai rượu giá bình dân Coldstream Hills loại Chardonnay và Sauvignon Blanc đời 1988, nhất là chai sau có mùi trái cây rất ư là “dân tộc” mà Thụy Văn tôi không đoán ra được mùi trái cây gì, chỉ biết là thơm dịu dàng, rất ư là hương đồng cỏ nội. Hai chai loại rượu đó cách đây 5 tuần được đề giá $15.90 trong khi giá của “bọn chúng” là $27.26.

 

Uống quen đâm ghiền, đi một số tiệm khác tuy thấy có hiệu Coldstream Hills, nhưng không có đúng chai rượu tên đó và đời đó để so sánh giá cả. Tuần qua, đọc báo thấy Dan Murphy’s quảng cáo “my price” của Coldstream Hills Chardonnay 1988 với giá xuống còn $14.90, nhưng không thấy chai Sauvignon Blanc mùi dịu dàng kia. Nhưng thấy rẻ hơn thì muốn đi mua thử một chai. Lên đến nơi, xem ở quầy hàng thấy giá của chai Sauvignon Blanc kia nay lên $16.95. Vậy chỉ trong một tháng, giá có thay đổi lên hoặc xuống hơn 5%.

 

 

Chai rượu… liền khúc ruột: nên so sánh giá cả

 

Nói theo giọng điệu đảng Dân Chủ hay mấy cơ quan xã hội thì thực phẩm rất quan trọng (xin lỗi các nhà chính trị đã quên không biết chi tiết này nhé khi tranh luận về thuế GST và việc miễn thuế cho thực phẩm vì đồng ý ai cũng ăn, nhưng hình như gia đình ngưỡi nghèo họ ăn nhiều hơn, xài giấy cầu tiêu nhiều hơn, và thường có đông nhân khẩu hơn) Thụy Văn tôi thấy việc chọn rượu để mua với giá rẻ cũng quan trọng… ngang hàng với  việc được miễn 10% thuế GST.

 

Nếu bạn là người mới gia nhập làng uống rượu vang thì không nói làm gì, nhưng nếu là người đã uống khá nhiều và có thói quen uống một vài tên rượu của một số nhà làm rượu, thì xin hãy nhớ cái tên đó để mà có thể so sánh giá cả (xin nhắc nhở, vào các tiệm rượu lớn hơn chớ có trả giá mất công, có thể làm mình chỉ mất mặt, vì họ bán rượu giống như ở siêu thị vậy, không có chuyện kì kéo bớt một thêm hai. Thấy giá thích hợp thì mua, không thì bỏ đi, khỏi cần phải chê đắt khen rẻ, trừ khi chủ tiệm chạy theo hỏi mình tại sao không mua thì mới ở thế “bị ép” mà trả lời rằng tại vì có cái tiệm kia nó rẻ hơn!

 

Nhưng có những lúc mua rượu ở tiệm khác rẻ hơn Dan Murphy’s. Nói có sách, mách có chứng nhé: tuần qua, Dan Murphy’s quảng cáo chai Seaview Shiraz 1997 với giá $8,90 (giá của “chúng nó” là $14.47) trong khi đó ở tiệm Vintage Cellars đề giá $8.99 khi mua một lúc bất cứ 12 chai nào (any 12 bottle buy).

 

Chai Wynn Coonawarra Cabernet Sauvignon 1996 Dan Murphy’s quảng cáo với giá $16.95 (giá của “chúng nó” là $24.70)  nhưng ở tiệm Vintage Cellars cùng thời gian bán $16.99 cho những ai một lúc mua bất cứ 12 nào (nhắc lại, giá này là giá đã bớt vì Vintage Cellars có chính sách bớt 10% cho người mua 12 chai và 5% cho người mua 6 chai).

 

Rõ ràng nếu mua một, hai chai rượu trong trường hợp này thì việc Dan Murphy’s tự cho không ai có giá rẻ bằng là đúng. Nhưng nếu mua 12 chai thì giá hai bên bằng nhau. Và nếu mua nhiều, thì mua ở Vintage Cellars sẽ lợi hơn, vì nếu mua rượu tới $500 sẽ được cho cái phiếu Cellar Share đem ra đổi chai rượu trị giá đến $20. Và nếu người nào có thẻ giảm giá Shareholder Discount Card do làm cổ đông công ty Coles Myers, thì còn được bớt thêm 5% nữa và được tính điểm Fly Buys.

 

Thật là quá rắc rối phải không bạn? Nhưng cuộc đời mua bán, sắm sửa trong xã hội tiêu thụ này là như rứa.

 

Nói thì nói vậy, cũng có những lúc tiệm rượu nhỏ có bán một vài loại rượu rẻ hơn ở các tiệm rượu lớn, vì chi phí điều hành tiệm rượu nhỏ ít, nên chủ nhân dám bán rẻ một vài loại rượu. Ngoài ra, khi đi ăn nhà hàng, ghé tạt tiệm nhỏ bên cạnh mua chai rượu cũng đỡ mất công, nhờ vậy mà các tiệm rượu nhỏ cũng sống được.

 

Một nhận xét của riêng Thụy Văn tôi khi mua rượu Pháp loại cognac thì mua ở các tiệm rượu nhỏ của Việt Nam thường rẻ hơn ở các tiệm lớn của Úc nhiều. Đó là do kinh nghiệm và sự quan sát giá cả của Thụy Văn của các tiệm rượu. Chẳng hạn tuần qua, Thụy Văn tôi thấy chai rượu Pháp loại armagnac (có vị hơi khác cognac) hình con phượng hoàng màu xanh có tên Grand Armagnac Janneaux XO ở một tiệm rất lớn của Úc đề giá $400 trong khi một tiệm nhỏ Việt Nam đề giá $320. Mà hình như vào tiệm Việt Nam thì có thể kỳ kéo bớt một thêm hai?

 

 

Nước Úc: niềm đam mê rượu

 

Tuần qua, đọc báo Úc thấy in hình Tổng trưởng Y tế liên bang -Bác sĩ Michael Wooldridge- ngồi trong hầm rượu riêng của ông, tay đang cầm ly rượu vang đỏ với lời ghi chú của nhà báo rằng “niềm đam mê của ông là quần vợt và rượu”. Không một chính khách ở Quốc hội liên bang nào có hầm rượu với nhiều loại rượu khác nhau như ông Wooldridge.

 

Người đứng đầu ngành y tế mà chụp hình ngồi nhấp nháp rượu đỏ thì rượu không còn là một độc dược nữa nếu biết sử dụng một cách đúng đắn. Cũng vì dân Úc thích uống rượu và số lượng rượu xuất cảng ngày càng tăng, nên đã có thêm nhiều người nhảy vào thị trường sản xuất rượu.

 

Vào đầu năm 1998, ở nước Úc có 998 nhà làm rượu, nhưng qua đầu năm 1999 đã có 1104 nhà. Kỹ nghệ rượu đóng góp một phần lớn hơn vào số thu $500 triệu của kỹ nghệ du lịch Úc.

 

Tại Adelaide, chính phủ liên bang, tiểu bang và giới kỹ nghệ rượu bỏ ra $37 triệu để thành lập một trung tâm có tên là National Wine Centre với mục đích giới thiệu rượu Úc, dạy cách thưởng thức rượu và nghiên cứu kỹ thuật để làm cho rượu ngon hơn nữa.

 

Và tại khu vực làm rượu nổi tiếng Barossa Valley của tiểu bang Nam Úc, người ta còn thành lập một trung tâm du lịch loại 4 sao để thu hút du khách trên thế giới đến thưởng thức rượu Úc.

 

Như bạn đọc có thể biết tiệm rượu Dan Murphy’s được thành lập rất lâu đời, từ năm 1878 lận, nhưng cách đây một năm đã được công ty cửa hàng bách hóa Woolworths mua lại với giá nghe đâu là $40 triệu. Mà đối thủ của Woolworths là Coles Myers, chủ nhân của hai cửa hàng nổi tiếng là Vintage Cellars và Liquorland. Hiện tại, khắp các nước Úc có 45 cửa tiệm bán lẻ Vintage Cellars và 383 tiệm bán lẻ rượu Liquorland.

 

Nhưng Coles Myers vẫn chưa hài lòng, vẫn thấy anh chàng đối thủ Woolworths hung hăng quá với những cửa tiệm Dan Murphy’s rộng bát ngát. Bởi vậy, đầu tuần này Coles Myers đã cho khai trương một cửa hàng rượu mới ở vùng Glen Iris có tên là Quaffers.

 

Cửa tiệm này rộng hơn nửa cái sân banh football với diện tích 1,900 mét vuông. Đây là cái tiệm Quaffers thứ ba ở Úc. Hai cửa tiệm với tên hiệu này đã được Coles Myers khánh thành ở Sydney cách đây khoảng hai năm. Tiệm Quaffers ở Melbourne lớn hơn gấp ba lần tiệm ở Sydney.

 

Tiệm rượu Quaffers đầu tiên ở Melbourne được chọn xây cất ở Glen Iris với mục đích thu hút giới khá giả, những người uống rượu thường xuyên, mà Glen Iris là trung tâm của các khu ngoại ô giàu có ở miền đông Melbourne (như Dan Murphy’s cũng nằm ở khu khá giả vậy).

 

Công ty Coles Myers đang còn dự trù xây thêm một tiệm Quaffers thứ hai ở Melbourne, sẽ khánh thành trong vòng nửa năm tới. Nếu không có gì trở ngại vào phút chót, tiệm Quaffers đã khai trương vào ngày Thứ Ba tuần này, ở trung tâm thương mại Tooronga Village Shopping Centre. Dân mê rượu cũng nên đến xem cho biết sự đời.

 

 

 

Rượu nào cũng tốt cả với điều kiện…

 

Lâu nay có huyền thoại cho rằng uống rượu đỏ tốt nhất bởi vì rượu đỏ làm tan chất mỡ trong máu, giảm cholesterol, trị chứng bệnh lú ở người già, giúp giảm tỷ lệ tử vong vì bệnh tim, lại còn trị được sự mù mắt ở nơi người lớn tuổi… Nói theo kẻ theo đạo rượu… rượu là thuốc tiên trị bá bệnh.

 

Trong một thập niên qua, huyền thoại này càng được củng cố khi các cuộc nghiên cứu ở Pháp cho thấy người Pháp có tỷ lệ chết thấp nhất do uống nhiều rượu đỏ… Bordeaux.

 

Người Mỹ, người Úc sau đó tin như tin vào… Kinh Thánh. Mới đây Thụy Văn cũng đã lập lại niềm tin đó qua một số bài viết. Thế nhưng, tuần qua, huyền thoại rượu đỏ chứa bá bệnh không còn nữa.

 

Một nhà bác học Pháp sau nhiều năm nghiên cứu đã tuyên bố rượu đỏ chẳng có cái gì độc đáo để trị bá bệnh như người ta tưởng. Rượu vang đỏ cũng như rượu vang trắng, giống nhau hoàn toàn. Rượu nào cũng là rượu, kể cả những thứ rượu mạnh khác, đều chứa chất cồn (alcohol) và chính chất cồn này làm tan lượng mỡ trong máu.

 

Nhà bác học này kết luận: uống rượu chỉ có lợi nếu biết uống điều độ. Dẫu sao đi nữa, đấy cũng là tin vui cho dân mê rượu và các nhà sản xuất rượu.

 

(TVTS 688 – 2.6.1999)