HOÀNG HOA HỘI: “Vẻ vang Mít tộc

29 Tháng Tám, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

  

Đã là tuyệt cú mèo: Black Label  của Wolf Blass (shiraz + cabernet sauvignon)

 

Trong thời gian mấy tuần qua, LNĐ nhận được một số thư độc giả – hội viên Hoàng Hoa Hội cũng như “chuẩn” hội viên – thắc mắc hoặc hỏi ý kiến về rượu vang, cho nên tuần này xin được dành trọn kỳ báo để viết về rượu này.

 

Shiraz hay Cabernet?

 

Độc giả T. Nguyễn ở NSW hỏi: Tôi nghe nói về vang đỏ, Úc nổi tiếng với loại rượu shiraz, nhưng một người bạn Úc lại nói với tôi rằng shiraz là loại rượu tầm thường, và đề cao cabernet sauvignon và merlot. Sự thật ra sao?

 

– Người bạn Úc của ông vừa đúng vừa sai. Đúng ở chỗ cho shiraz là loại rượu tầm thường. Xưa nay, đa số dân trồng nho đã đồng ý liệt kê 6 giống nho sau đây – 3 trắng, 3 đỏ – là nho quý phái (noble):  sauvignon blanc – riesling – chardonnay – cabernet sauvignon – merlot. Như vậy là không có shiraz!

 

Thế nhưng, cũng giống như  việc nhận xét các cô gái, “quý phái” là một chuyện, có “đáng yêu” hay không lại là một chuyện khác. Hoặc nói về xe hơi, nếu liệt kê ra 6 hiệu xe xịn nhất thế giới thì dứt khoát Toyota phải nhường chỗ cho các hãng như Mercedes-Benz, BMW, Audi của Đức, Rolls-Royce của Anh, Ferrari, Lamboghini, Masareti của Ý, v.v… Nhưng khi nói về mức độ ưa chuộng thì hiện nay Toyota là số 1 thế giới.

 

Rượu shiraz của Úc cũng thế thôi. Vì điều kiện phong thổ của Úc thích hợp với giống nho shiraz, cho nên người ta trồng nho này nhiều hơn các giống nho khác. Rồi từ đó, tìm tòi và rút tỉa kinh nghiệm để cho những chai shiraz ngon nhất thế giới, chẳng hạn chai “Grange” của hãng Penfolds, chai “Platinum Label” của hãng Wolf Blass… Có thể ví von hai shiraz này là xe “Lexus” của hãng Toyota!

 

Không phải LNĐ chê dân Úc, nhưng nếu quen biết nhiều và bỏ công tìm hiểu, ta sẽ thấy tỷ lệ người sành rượu vang cũng không cao lắm. Mặc dù số người uống rượu vang ngày càng gia tăng, tỷ lệ uống bia hiện vẫn còn cao hơn nhiều. Và trong số uống ruợu vang ấy, đa số lại uống rượu dưới 15 đô-la một chai, thì kiến thức và khả năng thưởng thức của họ không thể sánh với các hội viên Hoàng Hoa Hội được. LNĐ nói thật chứ không nói đùa!

 

Thành thử, trong khi bản thân vẫn ưa chuộng cabernet sauvignon (dân Úc gọi tắt là “Cav”), bởi nó dung hòa cả 3 yếu tố “sắc, hương, vị” – giống như một người con gái vừa đẹp vừa sang vừa biết cách chiều chuộng – LNĐ vẫn phải nhìn nhận shiraz là loại rượu đáng đồng tiền bát gạo nhất của Úc; nghĩa là cùng một giá tiền thì nên chọn shiraz.

 

Riêng “merlot” thì thú thật, những chai 15 đô-la trở xuống, LNĐ uống không nổi, còn mắc tiền hơn thì… ngu sao mua?! Trên thực tế, chính các nhà viết về rượu vang của Úc, đa số cũng đồng ý rằng công dụng tốt nhất của merlot là dùng để pha trộn với shiraz hoặc cabernet sauvignon cho dịu bớt.

 

Sauvignon Blanc – Riesling

 

Tửu sĩ “Lai-rai” ở Victoria hỏi: gần đây thấy mục viết về rượu trên các báo Úc đua nhau ca tụng hai loại vang trắng “sauvignon blanc” và “riesling” quá xá cỡ. Như vậy, “chardonnay” có còn là “vua của vang trắng” nữa hay không?

 

Riesling

 

– Trước hết, xin lưu ý độc giả TVTS nói chung, hội viên Hoàng Hoa Hội nói riêng: bài viết về “vang trắng sauvignon blanc cất cánh”, cùng với TẤT CẢ mọi bài viết về rượu – vang cũng như các loại rượu khác – của tác giả Thụy Văn và của LNĐ hiện đang được lưu giữ trên website của bổn báo (địa chỉ: www.tivituansan.com.au),  quý vị và quý tửu sĩ có thể mở ra để đọc bất cứ giờ phút nào.

 

Sau đây, LNĐ xin trả lời vắt tắt Tửu-sĩ Lai-rai:

 

“Chardonnay” muôn đời vẫn là “vua của vang trắng”, nhưng như LNĐ đã viết trước đây: chardonnay, khi ngon thì không một loại vang trắng nào ngon bằng, mà khi dở thì cũng không một loại vang trắng nào dở bằng. Nói cách khác, muốn thưởng thức chardonnay thì cần có trình độ uống rượu và có tiền!

 

Một chai chardonnay dưới 15 đô-la, uống vào chỉ thấy chua loét, muốn “uống được” thì phải trên dưới 20 đô-la (thí dụ các chai Taylors, Yarra Ridge, Blue Pyrenees, Petulama, Coldstream…); còn dưới  20 đô-la thì chỉ có vài chai như Jacob’s Creek Reserve, Annie’s Lane… là uống tạm được.

 

Trong khi đó, sauvignon blanc và riesling thì nếu mua loại rẻ tiền cũng chỉ “lạt” chứ không “chua”.

 

Nói về vang trắng thì phong thổ của Úc lý tưởng để trồng nho chardonnay, còn Tây-tây-lan (New Zealand) thì thích hợp với nho sauvignon blanc.

 

Trong khoảng thời gian 10 năm vừa qua, trong khi chardonnay của Úc đã “đụng la-phông” thì sauvignon blanc của Tân-tây-lan cất cánh – không phải do quảng cáo rầm rộ như “viognier” gần đây mà dân uống rượu đã tìm ra chân lý: không nhất thiết phải uống những chai chardonnay đắt tiền, mà chỉ cần uống những chai sauvignon blanc vừa túi tiền, mà vẫn có thể “đi” với đồ biển, thịt trắng một cách tuyệt vời!

 

Thứ đến là “riesling”. Đây là loại nho trắng quý phái, thanh tao bậc nhất của Âu châu, nhưng khi được du nhập vào Úc cách đây mấy chục năm, đã bị dân trồng nho Miệt Dưới pha trộn với những loại nho rẻ tiền của địa phương cho nên riesling bị mất tiếng. Nay, trước “hiểm họa” bị Tân-tây-lan độc chiếm thị trường với sauvignon blanc của vùng Marlborough, người Úc đã phải làm ăn “đàng hoàng” hơn, kết quả là những chai riesling ngày càng được ưa chuộng, phổ biến.

 

Tóm lại, tạm quên những chai chardonnay giá từ 50 đô-la trở lên, chúng ta có thể sử dụng hai loại vang trắng “sauvignon blanc” của Tân-tây-lan (giá khoảng 20 đô-la) và “riesling” của Úc trong bất cứ hoàn cảnh nào cần tới vang trắng.

 

“Sauvignon blanc” để đi với các món hải sản đậm đà, còn “riesling” đi với các món không có nước, hoặc chiên dòn – chẳng hạn chả giò (spring rolls) của Việt Nam – thì không còn gì tuyệt vời cho bằng.

 

Hai chai riesling của Úc vừa túi tiền là MadFish Riesling (giá hơn 20 đô-la) và Leasingham Bin 7 Claire Valley Riesling (khoảng 15 đô-la)

 

Pinot Noir là cái chi chi?

 

Độc giả A. Huỳnh ở Victoria hỏi: gần đây ông được người bạn Úc cùng sở, du lịch Tân-tây-lan về tặng một chai “Pinot Noir”, nói là đặc sản của xứ này. Xin cho biết “pinot noir” là loại rượu gì?

 

Nho Pinot Noir

 

“Pinot noir” là một loại nho gốc từ Pháp, màu đỏ sẫm tới mức gần như đen cho nên mới gọi là “noir” (black). Đây là loại nho hiếm quý bậc nhất, bởi vì chỉ cần khí hậu thay đổi bất thường một chút là “tiêu” một mùa nho. Cho nên chỉ ở những nơi có khí hậu tương đối cố định như Tân-tây-lan hoặc đảo Tasmania, bán đảo Mornington (VIC) của Úc mới đủ điều kiện trồng “pinot noir”.

 

Vì thế, cùng với vang trắng sauvignon blanc, Tân-tây-lan còn nổi tiếng thế giới với vang đỏ pinot noir. Thành thử, đi chơi bên nớ, mua pinot noir làm quà là đúng điệu. Bởi sauvignonc blanc của vùng Marlborough, bên Úc bày bán ê hề.

 

Cũng tương tự như chardonnay bên vang trắng, muốn uống pinot noir phải chấp nhận tốn tiền, chứ đừng mua chai 15 đô-la. Muốn thử pinot noir, các tửu sĩ có thể mua chai “Massale” của hãng Kooyong của Úc, giá trên 20 đô-la, để thấy hương vị độc đáo, rất khó diễn tả của loại rượu này – mà một nhà báo đã ví như sự quyến rũ của những mỹ nhân ngư: đẹp mê hồn nhưng không bao giờ cho chúng ta “đụng” tới.

 

Còn nếu muốn “nổ” cho dân uống rượu thứ thiệt phải nể, thì cứ xạo là ta đã từng uống chai pinot noir hiệu “Ata Rangi” của xứ Kiwi (giá khoảng 75-80 đô-la), được đánh giá là một trong những chai riesling ngon nhất thế giới, tương tự như chai shiraz Penfolds “Grange” của Úc vậy!

 

Rượu “nô nêm” của nhà hàng

 

Độc giả X. Nguyễn ở Victoria hỏi: về việc sử dụng rượu, bia trong các tiệc cưới, trong khi các nhà hàng Việt Nam, nhà hàng Tàu dễ dãi, khách muốn lấy rượu của họ hay đem rượu của mình tới đều được, thì một số reception của Tây lại bắt buộc mình phải uống rượu của họ, nhiều khi là rượu “nô nêm”… Tại sao dân Tây mà chơi “bần” vậy?

 

– Nếu độc giả Nguyễn chê dân Tây “bần” ở chỗ bắt mình phải uống rượu của họ, LNĐ đồng ý, nhưng nếu ông chê họ “bần” vì xài rượu “nô nêm”, chúng ta cần xét lại.

 

Theo LNĐ được biết, một số các nhà hàng mà “ăn” là mục chính, và một số reception đã có thỏa thuận với hãng rượu nào đó để chỉ sử dụng rượu vang của hãng này. Những chai rượu ấy có khi dán nhãn như những chai bán ở tiệm, có khi dán nhãn đặc biệt, có khi không hề dán nhãn.

 

Trường hợp dán nhãn đặc biệt hoặc không dán nhãn, chúng ta phải thử mới biết được rượu ngon hay dở. Cũng nên biết, cùng một reception, nhưng rượu cũng có nhiều thứ hạng khác nhau; riêng LNĐ đã từng được uống một chai “nô nêm” rất ngon. Thành thử nếu tổ chức tiệc tùng, cưới hỏi ở reception của tây, và muốn đãi rượu vang, thì khi “deal” nên dắt một người bạn biết uống rượu đi theo để thử rượu, tránh những trường hợp thức ăn ngon mà rượu lại quá tệ!

 

Cổ xanh cũng uống rượu trắng!

 

Tửu sĩ Tâm Lê (NSW) là dân cổ xanh, nhưng muốn “chơi cho đáng mặt anh hùng”, yêu cầu LNĐ liệt kê vài chai chardonnay phổ biến và nổi tiếng.

 

Voyager  Estate Chardonnay  

 

– Tính theo giá tiền thì từ cao xuống thấp, chardonnay của Úc có những chai nổi tiếng và phổ biến sau đây:

 

– Penfolds Reserve Bin 00A Chardonnay (khoảng $60)

– Eileen Hardy Chardonnay (khoảng $50)

– Voyager Estate Chardonnay (khoảng $35)

– Houghton Pemberton Chardonnay (dưới $30)

– Petaluma Chardonnay (dưới $30)

– Coldstream Hill Chardonnay (dưới  $25)

– Jacob’s Creek Reserve Chardonnay (dưới $20)

– Annie’s Lane Chrdonnay (dưới $20)

– Jamieson’s Run Chardonnay ($15-16)

 

Trong số các chai nói trên, LNĐ ưng nhất là chai  “Voyager Estate Chardonnay” – đủ ngon miệng mà không bị cháy túi!

 

(TVTS – 1167)