Rượu “nô nêm”

27 Tháng Năm, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

Gần đây, tôi được người bạn mời uống một chai chardonnay ‘nô nêm’ (cleanskins) rất ngon, mua ở tiệm Safeway với giá chỉ hơn 5 đô-la. Tôi vội ghi những hàng chữ, số trên nhãn rượu để đi mua nhưng bữa sau ra tới nơi thì không còn loại này nữa mà chỉ còn những loại giá trên dưới 8 đô-la một chai nên không mua.

 

Sau đó, tuần nào tôi cũng ghé vào tiệm nhưng cũng không thấy bán, hỏi nhân viên bao giờ có nữa thì họ trả lời là ‘nô ai-đia’ và giới thiệu một loại chardonnay mà họ nói là có giá trị tương đương nhưng giá trên 8 đô-la một chai.

 

Như vậy, cho dù rượu cleanskins ngon và rẻ nhưng nếu không bán thường xuyên thì quả là bất tiện. Có lẽ vì vậy mà ít người mua cleanskins chăng? Nhân đây tôi cũng xin ghi ra những chữ, số trên nhãn chai cleanskins của người bạn để Lão giải thích và cho biết chất lượng của nó tương đương với loại rượu có ‘nêm’ thuộc hạng nào:

 

– Reserve –

2003

CHARDONNAY

AG03

Central Ranges

 

Cuối cùng, xin hỏi Lão: với ‘ngân sách’ dành cho mục ‘rượu chè’ khoảng 20 đô-la một tuần, nếu muốn ‘nâng cấp’ từ  bình giấy 2 lít  lên ‘rượu chai’, tôi cần chi thêm khoảng bao nhiêu nữa?..

 

Trả lời:

 

Trong đa số trường hợp, chất lượng của một chai rượu “nô nêm” sẽ tương đương với chất lượng của một chai có “nêm” bán với giá từ gấp rưỡi tới gấp đôi. Suy ra, rượu trong chai “nô nêm” giá từ 5 đô-la trở lên phải ngon hơn là rượu trong bình giấy 2 lít.

 

Tuy nhiên, như LNĐ đã có lần trình bày, rượu “nô nêm” (cleanskins) có thể là rượu ngon của một hãng có “nêm” bị ứ đọng phải bán tống bán tháo nên mới đựng trong chai “nô nêm” để khỏi mang tiếng cho hãng, có thể là rượu ngon thặng dư của các nhà thầu (chuyên cung cấp cho các hãng có “nêm”), nhưng cũng có thể là rượu dở của các nhà thầu bị các hãng có “nêm” chê! Vì thế cleanskins có thể là rượu ngon mà cũng có thể là rượu dở. Cho nên muốn chắc ăn, chỉ nên mua một chai về uống thử, nếu thấy đáng đồng tiền bát gạo thì trở lại mua thêm vài đô-dần nữa cũng không muộn.

 

Về những chữ, số trên chai rượu cleanskins mà Trần tửu sĩ ghi ra, xin giải thích như sau:

 

– Reserve: có nghĩa là rượu (ngon) được “để dành”. Có thể nói trong ngôn ngữ rượu vang, đây là chữ đôi khi trở nên vô duyên và vô giá trị nhất; bởi vì không có một quy định nào về việc sử dụng cho nên từ rượu trong bình giấy 4 lít cho tới rượu trên 100 đô-la một chai  đều có quyền xài chữ “Reserve” trên nhãn rượu.

 

Trên thực tế, chữ này chỉ có giá trị đúng đắn khi sử dụng để phân biệt hai chai rượu của cùng một hãng; thí dụ giữa hai chai Jacob’s Creek và Jacob’s Creek Reserve của hãng Orlando thì chai Reserve ngon hơn nhiều (một chai khoảng 9-10 đô-la, một chai khoảng 15-16 đô-la).

 

– 2003: là mùa nho (vintage).

– CHARDONNAY là loại nho.

– AG03: là ký hiệu mà hãng phân phối đặt cho chai rượu.

– Central Ranges: là địa phương xuất xứ của chai rượu đó.

 

Nói tóm lại, trong tất cả những chữ, số nói trên, chỉ có mùa nho và xuất xứ là giúp người mua có được một chút ít ý niệm về giá trị của chai rượu.

 

Chẳng hạn chai rượu chardonnay mà Trần tửu sĩ vừa đề cập tới. Vang trắng nói chung dù ngon hay dở cũng không cần ủ trong thùng gỗ sồi lâu như vang đỏ và thường được khuyên nên uống trong vòng 1, 2 năm; tuy nhiên trong số rượu ngon cũng có những loại càng ủ lâu càng ngon, và một vài loại đặc biệt sau khi vô chai có thể để được (cellaring) hơn 10 năm. Suy ra, vang trắng của mùa nho 2003 mà nay mới đem ra bán phải là rượu khá. Kế tới là xuất xứ: Central Ranges là vùng trồng nho lớn thứ hai của tiểu bang NSW sau Hunter Valley, nổi tiếng với các loại rượu chardonnay, shiraz, cabernet.

 

Hai yếu tố này ít nhiều đã bảo đảm chất lượng của chai rượu, đồng thời cũng sẽ khiến người rành về rượu vang được… yên tâm hơn (yếu tố tâm lý). Theo sự dò hỏi của LNĐ, chai chardonnay nói trên bình thường giá trên 8 đô-la, nay đại hạ giá còn 5 đô-la.

 

Như LNĐ đã viết trước đây, chỉ nên mua rượu cleanskins từ những cửa tiệm địa phương (local) mà mình là khách hàng quen, hoặc những hệ thống cửa tiệm uy tín, chẳng hạn Safeway Liquor và Dan Murphy (ở Victoria). Cũng nên biết, hiện nay Safeway Liquor và Dan Murphy chỉ là một: đọc địa chỉ trên nhãn chai, một bên là “International Liquor Wholesalers’ một bên là “Dan Murphy” nhưng cả hai đều “tọa lạc” tại số 522-550 Wellington Road, Mulgrave, VIC 3071. Cho nên khi bán đại hạ giá, giá cả ở hai tiệm thường giống nhau, chỉ khác một điều là Dan Murphy bán nhiều loại rượu hơn và lúc nào cũng bán đại hạ giá khoảng 50 chai khác nhau, trong khi Safeway Liquor thì mỗi tuần chỉ đại hạ giá 5, 10 chai mà thôi.

 

Bản thân LNĐ có tính hơi “show off” nên trước kia thường mua rượu chai có “nêm” nhưng cũng luôn thủ hai bình giấy 2 lít, một đỏ một trắng như Trần tử sĩ. Tuy nhiên về sau, nhờ có “tay trong” mật báo, người quen mách bảo, hoặc đọc báo hay đi lang thang vào tiệm thấy người ta đại hạ giá rượu “nô nêm” bèn mua uống thử, nay đã thay thế rượu trong bình giấy 2 lít bằng rượu chai “nô nêm”.

 

Cũng nên biết, hiện nay dân uống rượu vang chuyên nghiệp ở Úc (kể cả giai cấp trung lưu) rất khoái rượu “nô nêm” (10-15% rượu đựng trong chai bán ra là cleanskins), không chỉ vì giá trẻ còn vì cái thú tìm hiểu, khám phá. Theo LNĐ thì đây cũng là một cái hay, một điểm độc đáo trong “wine culture” của người Úc, chúng ta nên lãnh hội.

 

Và, như đã viết ở trên, vì công việc mua rượu cleanskins vừa mang tính cách “hên xui may rủi” vừa không bán thường xuyên, liên tục (như tửu sĩ X đã trình bày), cho nên trước khi mua nhiều bắt buộc phải uống thử một chai (chứ đừng thấy đại hạ giá 8 đô-la xuống là còn 5 đô-la là nhắm mắt mua ngay), chỉ khi nào thấy uống được thì mới năn nỉ bà xã ứng tiền để mua vài thùng mà “tích tửu phòng… hạn”.

 

Riêng với Trần tửu sĩ, vì hoàn cảnh và khả năng tài chánh của tửu sĩ cũng tương tự như LNĐ, đề nghị tửu sĩ “nâng cấp” từ bình giấy 2 lít  lên “rượu chai” với “ngân sách” từ 30 tới 35 đô-la. Số tiền này sẽ cho phép tửu sĩ uống một chai có “nêm” hạng trung bình (15-17 đô-la) vào cuối tuần hoặc khi có khách, còn lại những ngày khác thì uống “nô nêm” hạng khá (7-8 đô-la). Gặp lúc đại hạ giá, khi chai 15-17 đô-la chỉ còn 11-12, chai 7-8 đô-la chỉ còn 4-5, “ngân sách” chi ra chưa tới 30 đô-la!

Lão Ngoan Đồng

 

* * *

 

Rượu Tây hay rượu Úc?

 

Tửu sĩ Nguyễn (Doncaster – VIC)

Nguyễn tửu sĩ viết:

 

… Nếu chỉ đọc bài của LNĐ và Thụy Văn trên Tivi Tuần-san, xem quảng cáo trên truyền hình, có lẽ người ta chỉ uống rượu vang của Úc – vì ngon mà rẻ. Nhưng khi giao tiếp với bạn bè ngoại quốc, tôi thấy một số không ít thuộc giới trung lưu (chủ nhân hoặc những người trí thức) vẫn chuộng ‘rượu ngoại’. Và một sự thực không thể chối cãi là hiện nay rượu vang của Úc đang bị ứ đọng!…

 

Gạt bỏ tinh thần yêu nước cũng như yếu tố vọng ngoại sang một bên, LNĐ và Thụy Văn nghĩ sao về hai khuynh hướng đối nghịch này?…

Sau hết, xin cho biết những địa danh sản xuất rượu vang ‘nổi tiếng quốc tế’ của Úc.

 

Trả lời:

 

Một cách tổng quát, LNĐ vẫn khẳng định: rượu vang của Úc ngon và rẻ nhất thế giới. Sở dĩ nói là “tổng quát” bởi vì có một số loại rượu của Úc không thể nào ngon bằng rượu của ngoại quốc (do giống nho, khí hậu, thời tiết, cách làm rượu…). NHƯNG có một điều không ai có thể chối cãi: hai chai rượu cùng loại, bán cùng giá thì chắc chắn chai sản xuất tại Úc phải đáng đồng tiền bát gạo hơn là chai nhập cảng!

 

Xin đưa ra một thí dụ điển hình:

 

Vùng Bordeaux của Pháp là địa danh nổi tiếng nhất thế giới trong lãnh vực sản xuất rượu vang đỏ. Úc, hay bất kỳ quốc gia nào khác, không thể có những chai cabernet sauvignon, shiraz (người Pháp viết là “sirah” theo xuất xứ Thổ-nhĩ-kỳ) ngon bằng của vùng Bordeaux.

 

Úc không có những chai giá có khi lên tới hàng ngàn đô-la như những “Chateau” thượng hạng của Bordeaux, nhưng nếu chỉ so sánh những chai giá 100-150 đô-la thì không một chai cabernet sauvignon nào của Bordeaux có thể sánh với chai Cabernet Sauvignon 707 của Úc; tương tự, không một chai shiraz nào của Pháp giá trên dưới 400 đô-la có thể sánh với chai Penfolds “Grange” của Úc.

 

Vì thế, khi làm công việc so sánh rượu vang của Úc với rượu vang của ngoại quốc, phải trình bày đầy đủ như sau:

 

– Có những chai của ngoại quốc mà Úc không thể sản xuất, hoặc không thể đạt chất lượng tương tự. Chẳng hạn những chai cabernet sauvignon mắc tiền nhất của Bordeaux, hoặc những chai rượu sủi bọt của vùng Champagne.

 

– Có những chai shiraz sản xuất tại Úc được đánh giá thuộc hàng ngon nhất thế giới, chẳng hạn chai shiraz “Grange” của hãng Penfolds.

 

– Đa số những chai Chardonnay của Úc giá từ 25 đô-la trở lên hiện đều được xem là đáng đồng tiền bát gạo nhất thế giới, hơn hẳn những chai cùng giá của vùng Burgundy (Pháp) – từng được xem là “cái nôi của chardonnay”.

 

– Và nếu chúng ta  xem Tân Tây-lan cũng là một “tiểu bang” của Úc thì vang trắng sauvignon blanc của vùng Marlbourough hiện được xem là đáng tiền nhất thế giới.

Như vậy, đối với những người Úc nào uống Chateau, Champagne của Pháp, chúng ta nên tôn trọng, bởi vì họ có khả năng tài chánh và muốn uống thứ rượu xịn  nhất, ngon nhất. Nhưng nếu có người uống shiraz, chardonnay, hoặc sauvignon blanc (không phải hạng “Chateau”) của Pháp thì xin lỗi, đa số chỉ vì tinh thần vọng ngoại, hoặc “show off” để lấy tiếng mà thôi.

 

* * *

Về những địa danh sản xuất rượu vang nổi tiếng của Úc, nếu nói về cấp tiểu bang, dĩ nhiên Nam Úc là số một. Dưới cấp tiểu bang là cấp khu vực (zone) gồm nhiều vùng (region), trong mỗi cùng có nhiều hãng rượu khác nhau.

 

Cái nhức đầu cho người mua rượu là trên nhãn rượu, có khi người ta chỉ ghi tên hãng (trường hợp chai rượu quá nổi tiếng), có khi chỉ ghi tên vùng (nếu là vùng nổi danh như Coonawarra), có khi chỉ ghi tên khu vực (chẳng hạn Barossa, Limestone Coast), có khi lại chỉ ghi khơi khơi tên tiểu bang (như trên một số chai “nô nêm”).

 

Để Nguyễn tửu sĩ khỏi nhức đầu, LNĐ xin ghi một số địa danh của khu vực (zone) hay vùng (region) nổi tiếng nhất, kèm theo các loại  rượu ngon của địa phương đó:

 

* NSW:

– Hunter Valley (lớn nhất NSW): đủ loại, từ shiraz, cabernet tới  chardonnay, semillon…

– Central Ranges: shiraz, cabernet, chardonnay.

 

* VICTORIA:

– Western Victoria: sản xuất shiraz ngon nhất Vic, và chardonnay có hạng (hãng Blue Pyrenees).

– Yarra Valley: khí hậu ấm áp, rất thích hợp với vang đỏ, nhất là  cabernet. 

– Central Victoria (các vùng Bendigo, Gouldburn Valley…): shiraz và cabernet khá ngon.

 

* SOUTH AUSTRALIA:

– Barossa Valley, Eden Valley: nổi tiếng với shiraz.

– McLaren Vale: shiraz, cabernet, chardonnay.

– Limestone Coast (trong đó có các vùng Coonawarra, Mount Benson, Pathaway): cabernet, shiraz, chardonnay, sauvignon blanc.

– Claire Valley: nổi tiếng với hai hãng Petaluma và Taylors.

 

* WESTERN AUSTRALIA:

– Margaret River: đủ loại, từ shiraz, cabernet tới  chardonnay, burgundy, semillon…

Còn nói về “nổi tiếng quốc tế” thì thường thường người ngoại quốc chú ý tới tên chai rượu, tên hãng sản xuất hơn là tên địa phương.

 

Cuối cùng nói về tình trạng rượu vang của Úc hiện bị ứ đọng, nguyên nhân không phải vì rượu dở mà vì các hãng sản xuất không chịu theo theo luật cung cầu: (1) sản xuất vượt khả năng phân phối (ở nước ngoài), (2) sản xuất quá nhiều rượu đắt tiền, trong khi nhu cầu chính – trong cũng như ngoài nước – vẫn là rượu rẻ tiền.

 

Vì thế, theo lời một số người trong kỹ nghệ rượu vang, hiện nay, và trong vài năm sắp tới, giới tiêu thụ nên mua rượu rẻ tiền vì trong đó được pha thêm rượu… đắt tiền (bị ứ đọng)!

Lão Ngoan Đồng