Tản mạn về rượu vang: SỐNG ĐỂ MÀ (ĂN và) UỐNG? (bài 10 – hết)

31 Tháng Ba, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

Gần đây, do kỹ nghệ rượu Úc phát triển mạnh, người ta đã nói khá nhiều về ích lợi của việc uống rượu. Và người ta đã trưng ra kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy uống rượu không những không tai hại mà còn mang lại sức khỏe, trị được nhiều bệnh tật. 

 

Câu nói “mỗi ngày một trái táo, khỏi cần đi bác sĩ” đã được sửa lại thành “mỗi ngày một ly rượu, sẽ khỏe hơn, ngăn được một số bệnh”. Câu nói bông đùa đó càng ngày càng có sức thuyết phục với những kết quả nghiên cứu cho thấy khía cạch tích cực của rượu trong việc ngăn ngừa một số bệnh, với điều kiện uống ở một giới hạn nào đó.

 

Đâu là sự thật?

 

Người ta thường cho rằng  uống rượu sẽ bị xơ gan rồi đến một lúc nào đó có thể chuyển qua ung thư gan, hoặc phụ nữ uống rượu trong thời gian có thai sẽ sinh con dị tật, bất bình thường. Về phương diện xã hội, rượu sẽ làm cho con người trở nên hung tợn và đôi lúc dẫn đến hành động chém giết.

 

Loại rượu trắng trên trung bình, có thể cất đến 8 năm

Thật vậy, cái gan là nơi chất rượu vào tham quan đầu tiên khi rượu được thấm vào máu qua cửa miệng. Thụy Văn tôi  i tờ rít về y học, nhưng nghe nói rằng là gan là nơi mà chất rượu vào tham quan đầu tiên sau khi rượu thấm qua máu bằng cửa khẩu là cái miệng. Uống rượu nhiều quá thì tác hại đầu tiên là sẽ làm cho gan bự ra dù có thể co trở lại, tuy nhiên, cuối cùng nó cũng làm thay đổi cấu trúc mô, gây ra chứng viêm và cuối cùng làm cho tế bào chết. Khi tế bào chết thay thế cho tế bào gan, chứng xơ gan đã xuất hiện. Đó là điều đáng sợ.

 

Tuy nhiên, theo một vài nghiên cứu hạn chế đã được phổ biến, người ta cho rằng nếu mỗi ngày tiêu thụ dưới 80 gờ-ram alcohol hay 8 ly chuẩn rượu (một ly chuẩn bằng 120ml) thì không gây tổn thương cho lá gan.

 

Nói cho cùng, ai cũng cũng biết một người uống rượu quá độ có thể gia tăng nguy cơ ung thư gan (cũng như hút thuốc lá nhiều có nguy cơ ung thư phổi) nhưng nếu uống một lượng nhỏ thì chẳng có bằng chứng gì chắc chắn là sẽ bị ung thư gan.

Người ta nghi trong rượu có chất carcinogen gây ung thư, nhưng trong những thức ăn bình thường và xem ra “hiền”  như đậu phụng, nấm, thịt bacon hay trà cũng có chứa lượng urethane có khả năng gây ung thư hơn cả rượu. Nếu ăn, uống gì cũng sợ bị ung thư thì chỉ còn nước nhịn đói hay sẽ chẳng hưởng cái thú…  sống để mà ăn (và uống) nữa. Như ông bà mình thường dạy lối sống trung dung, cứ điều độ là tốt.

 

Ngoài xơ gan và ung thư gan, một nỗi lo ngại khác là rượu có thể ảnh hưởng đến các bào thai. Hiện nay, tại Úc đa số các bà theo lời khuyên của giới chức y khoa nên thường kiêng cử rượu trong thời gian có bầu. Chẳng ai muốn sinh một đứa con bịnh tật hay trì trệ tâm trí chỉ vì thói quen hay sự ích kỷ của mình. Như các cụ của ta thường nói “có kiêng có cử có dữ có lành”, nhưng cũng chẳng có bằng chứng gì chính xác rượu là nguyên nhân sinh con cái tật nguyền, dị dạng như nhà nước Việt Nam đang kiện các công ty hóa học Mỹ vì chất độc da cam (tức thuốc khai quang chứa trong cái thùng sơn màu cam) đã làm cho hơn 4 triệu người Việt hiện nay bị bệnh tật!

 

Các cuộc nghiên cứ tại Mỹ về ảnh hưởng của rượu đối với thai nhi vẫn chưa có tính cách thuyết phục hoàn toàn mặc dầu Giáo sư Sản khoa Ernest Abel định nghĩa một  phụ nữ sinh con bị ảnh hưởng bởi rượu (Foetal Alcohol Sydrome mother) như sau: bà ta trung bình mỗi ngày uống hơn 10 ly (ten drinks); bà ta xuất thân từ thành phần xã hội và kinh tế thấp; bà ta giao tiếp với những người đàn ông uống rượu như hũ chìm; rất có thể bà ta là người hút thuốc lá và ăn ít; sức khỏe của bà ta nói chung là rất tệ hại.

 

Nhưng có điều đáng gây chú ý là những phụ nữ Pháp và Ý uống rượu rất nhiều, tính trung bình một bà ở hai xứ đó uống gấp mười lần các phụ nữ Mỹ và gấp 5 lần phụ nữ Úc nhưng tỉ lệ các trẻ con sinh ra bị  dị tật cũng ngang hàng với Mỹ và Úc mà thôi.

 

Lạm dụng rượu có thể gây là những cảnh gây gổ, uýnh lộn và đôi khi gây án mạng, nhưng không ai có thể chứng minh những người uống điều độ trong các bữa tiệc hay hàng ngày trong bữa ăn gia đình lại có thể làm cho cuộc sống trở nên đáng sợ. Ngược lại, rượu làm cho tiệc cưới thêm vui, những người xa lạ có thể dễ dàng làm quen với nhau. Chẳng thế mà Đức Giê-su khi đi dự tiệc cưới giữa chừng nghe người ta than hết rượu đã làm phép lạ biến nước thành rượu đó sao?

 

Bao nhiêu là vừa?

 

Mức độ tiêu thụ rượu của mỗi cá nhân thay đổi tùy theo  tạng người to nhỏ, già trẻ, nặng nhẹ, khỏe yếu, nam nữ. Trong mấy chục năm qua, người ta đã làm những cuộc nghiên cứu để đưa ra một mẫu mực gọi là phải chăng đối với lượng rượu dùng trong một ngày. Tại Úc, theo đề nghị của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe Quốc gia (National Health and Medical Research Council)  thì việc uống rượu vang được coi là có ý thức trách nhiệm khi một người đàn ông mỗi ngày chỉ uống tối đa 4 ly và một bà chỉ  2  ly, hay nói cách khác chỉ tiêu thụ tối đa 10 gờ-ram chất cồn mà thôi.

 

Chàng 4 ly và nàng 2 ly tối đa trong một ngày

 

Khi nói một ly, người ta cũng không rõ đó là ly nhỏ, ly vừa hay cái ly cối. Cơ quan NHMRC cho rằng một ly rượu (a glass) là một cái ly 120ml, tương đương với một cốc cognac 30ml hay một ly bia 285ml (cả ba dung lượng này chứa 10 gr  chất cồn). Tại Úc, một ly rượu thường có dung tích hơn 120ml và lượng cồn trong một chai rượu vang có thể từ 12% đến 14%.

 

Tiến sĩ Thomas Turner thuộc Đại học John Hopkins  ở Hoa Kỳ đề nghị một công thức mà ông nghĩ là an toàn nếu người ta uống một số ounce rượu vang tương đương với trọng lượng cơ thể của mình (bằng kilogram) chia cho 4.  Một ly rượu 120ml bằng 4.5 fl oz; ly cognac 30ml bằng 1 fl oz và ly bia 285ml bằng 9.64 fl oz.

Một vài thí dụ: Nếu là một người đàn ông, nặng 50 ký, bạn nên uống tối đa từ 330ml đến 360ml (tức 3 ly) mỗi ngày.  Nếu bạn nặng tới 60 ký nên uống tối đa 420ml (tức 3.5 ly). Nếu nặng tới 70 ký, bạn có thể uống tới 500ml (hơn 4 ly).

Nhưng nếu là phụ nữ nặng 50 ký, bạn chỉ nên uống tối đa 260m (khoảng hơn 2 ly) và nếu nặng 60 ký, bạn có thể uống tới 300ml (2.5 ly).

 

Người Úc có lẽ chưa phải là giống dân tiêu thụ nhiều rượu bia nhất thế giới. Một cuộc nghiên cứu vào cuối thập niên 1980 về sự tiêu thụ alcohol tại Úc cho thấy chỉ có từ 1.2% đến 1.6% người uống rượu vang vượt quá mức đề nghị của cơ quan y tế NHMRC so với 3.7% người uống cognac và 11.4% người uống bia. Nói cách khác, tỉ lệ người uống bia đã dùng số lượng cồn quá mức (ấn định) cao hơn người uống rượu vang rất nhiều (gấp khoảng 8 lần).

 

Một cuộc nghiên cứu khác cuối thập niên 1990 về mô hình tiêu thụ alcohol cũng cho thấy có sự khác biệt giữa ba loại alcohol nói trên.

 

Như bạn đọc có thể đoán được người ta dùng bia bất cứ lúc nào. Bia có thể được coi như một loại giải khát. Không có gì thú vị bằng giữa buổi trưa nắng mà làm một ly bia. Rất đã khát. Cho nên không lạ gì có trên 40% số lượng bia được dùng ngoài (trước hay sau) bữa  ăn,  hoặc không uống chung với đồ ăn. Chỉ có trên 10% bia được dùng với đồ ăn. Với cognac (hay spirit), tỉ lệ dùng ngoài bữa ăn gần đến 50% và chỉ có khoảng 5% được dùng trong bữa ăn. Ngược lại, có đến gần 70% số lượng rượu vang được dùng trong bữa ăn (table wine mà), 20% được dùng truớc hay sau bữa ăn (aperitif và dessert) trong khi chỉ có gần 10% lượng rượu vang được dùng mà không kèm với thức ăn.

 

Việc dùng rượu vang trong bữa cơm rất có ý nghĩa về mặt y tế và xã hội. Vì khi ta ăn cơm, ta sẽ uống rượu từ từ và ảnh hưởng của rượu cũng sẽ bị giảm bớt bởi vì thức ăn có khuynh hướng hấp thụ chất cồn trong rượu trước khi nó ngấm vào trong máu.  Vì uống rượu vang trong bữa ăn (dù tối hay trưa) mà đa số diễn ra tại gia đình nên sẽ tránh những cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà chất cồn có thể gây nên.

 

Gần đây, thiên hạ bàn rất nhiều đến việc rượu đem lại lợi ích cho sức khỏe, nhất là đối với những người mắc các bệnh về tim mạch. Cách đây 100 năm, người ta đã bắt đầu sưu tập những tài liệu để chứng minh rằng uống rượu điều độ tốt cho tim mạch. Từ đó,  đã có khoảng 30 cuộc nghiên cứu với khoảng 200,000 mẫu người trong có có những cuộc nghiên cứu với những đối tượng kéo dài trong 20 năm. 

 

Kết quả cho thấy ích lợi  không thể chối cãi của rượu: những người uống rượu vang sẽ ít bị nguy cơ về bệnh tim nhiều hơn những người không uống rượu vang hay các loại rượu khác. Chẳng hạn, ở nước Pháp và Ý là nơi tỉ lệ tiêu thụ rượu vang trên mỗi đầu người rất cao thì số lượng người chết vì tim mạch rất thấp, và ngược lại, tại Mỹ và Anh nơi lượng tiêu thụ rượu vang trên đầu người thấp, số lượng người chết vì bệnh tim rất cao.

 

Uống với bạn bè

 

Tửu lượng tối đa tùy thuộc sở thích cũng như cơ thể của từng người. Nhưng theo “sách vở” của các nhà hàng, một người có thể làm đến 4 ly rượu vang trong một bữa ăn chính thức. Khai vị một ly (120ml), sau đó thêm hai ly đi với các món ăn chính và một ly cho tráng miệng, vị chi là 480m, gần bằng 2/3 chai rượu.

 

Thụy Văn tôi mỗi khi đi nhà hàng ăn vài ba món kéo dài từ một đến một tiếng rưỡi, thường uống nửa chai rượu vang. Khi nào cảm thấy

thức ăn ngon miệng và hứng chí, có thể làm đến 2/3 chai. Với lượng rượu đó và thời gian uống kéo dài như trên, dứt khoát không nên lái xe.

 

Nhưng đó là uống một mình. Nếu bạn mời khách đến nhà ăn cơm (tối), hai người uống một chai chắc không đủ và sẽ cảm thấy thiếu thốn sao đó. Cũng vậy, nếu có ba người bạn tâm đắc ngồi nhậu với nhau, hai chai sẽ coi như thiếu và hầu như cả ba sẽ đồng ý nên có một chai nữa. Nếu bàn ăn có bốn người thì chắc chắn phải cần ba chai và đôi khi có thể lên bốn chai.

 

Lý do? Càng ngồi lâu, người ta càng uống nhiều. Thức ăn sẽ hấp thụ bớt chất cồn và nói nhiều cũng giúp giảm lượng cồn trong người.  Nói nhiều cũng có thể là do say mà cũng là cách để khỏi bị say.

 

Nếu trong bữa ăn mà có đến hai, ba loại rượu khác nhau, thế nào khách cũng thử thêm một ly khác nữa, do đó một người trung bình có thể uống tới một chai. Vì vậy, nếu bạn tổ chức tiệc tùng và gặp khách là những người khoái rượu vang, bạn nên tính toán để mỗi người có một chai, không phải để khui tất cả mà dự phòng thiếu rượu, vì chắc chắn không có ai làm cho nước từ vòi bồn rửa chén của bạn trở thành rượu được.

 

Đến đây, Thụy Văn tôi xin tạm ngưng mục “Tản mạn về rượu vang” vì một đề tài viết liên tiếp trong 10 tuần lễ là cũng dài quá rồi. Những điều Thụy Văn tôi viết là do kinh nghiệm cá nhân cũng như qua các sưu tầm trong sách báo Úc. Tuy mang tính cách chủ quan và không tránh những sai sót, Thụy Văn tôi  mong rằng loạt bài này sẽ đem lại vài điều hữu ích cho bạn đọc thích uống rượu vang. Bây giờ, mời các bạn nâng ly…