Võ Long Ẩn kiện Nguyễn Thế Phong Tòa đã được nghe những gì trên bục chứng? (3)

24 Tháng Năm, 2010 | Kiện tụng

 

Cuộc biểu tình chống chương trình Impressive Vietnam tại sòng Crown Casino. Hình của lyhuong.net 

 

Thứ Sáu 12.3.2010, ngày thứ ba của phiên tòa, ông Vương Thiên Vũ (tức Trần Đức Vũ) đã được gọi lên làm nhân chứng. Ông Vương Thiên Vũ là nhân chứng của ông Võ Long Ẩn (tức Võ Ngọc Anh). Đây là nhân chứng quan trọng nhất của ông Ẩn.

 

“Tên cộng sản… Đồ chó đẻ… Có thể bị giết”

 

Qua phần chất vấn (examination) của trạng sư  Catlin của ông Ẩn, tòa được nghe ông Vương Thiên Vũ trình bày như sau:

 

Ông Vũ quen ông Ẩn từ năm 1987.

 

Cuộc biểu tình ngày 16.2.2009 tại sòng bài Crown Casino có khoảng 100 người, mục đích cuộc biểu tình không rõ ràng và ra vẻ không thành công vì phái đoàn đó không chính thức do đảng Cộng sản Việt Nam gởi đi.

 

Tòa được nghe trong cuộc họp ngày 15.3.2009, điều quan trọng nhất mà ông Vũ nhớ là ông Nguyễn Thế Phong đã nói ông Ẩn là một tên cộng sản, một tên tay sai cộng sản. Không khí buổi họp rất căng thẳng và vì thế, theo ông Vũ, nếu ông Ẩn có mặt hôm đó ông ấy có thể bị đánh.

 

Ông Vương Thiên Vũ, chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Giám sát của Hội Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, đã yêu cầu ông Phong rút lại lời nói đó vì nó ảnh hưởng đến uy tín, tên tuổi và cuộc sống của ông Ẩn, nhưng ông Phong đã không đáp ứng yêu cầu của ông Vũ.

 

Trong buổi họp, ông Phong cho rằng ông Ẩn chống cuộc biểu tình do (Hội) Cộng Đồng tổ chức, nhưng ngoài cái email từ sòng bài Crown Casino được phô-tô và phân phát cho mọi người, không có gì khác để xác nhận ông Ẩn là cộng sản, tay sai cộng sản.

 

Trong số khoảng 60 người hiện diện chỉ có khoảng 10 giữ bình tĩnh, phần còn lại tỏ ra rất giận dữ. Tòa được nghe có người nói cha mẹ ông Ẩn lấy chó, ông Ẩn là đồ chó đẻ, con của chó; có người nói nếu ông Ẩn hiện diện sẽ lấy quần trùm lên đầu ông ta.

 

Tòa được nghe ông Vũ nói ông có nghe có người đòi giết ông Ẩn, và những điều ông vừa trình bày là chính xác 100%.

 

Sau phiên họp, luật sư Nguyễn Bá Đại bảo ông Vũ ghi lại những gì ông nhớ trong phiên họp đó.

Tòa được nghe sau cuộc họp nói trên, khi ông Vũ tới thăm ông Ẩn, ông Ẩn tỏ ra rất sợ hãi bởi ông Vũ cho rằng trong trường hợp ông Vũ, nếu bị tuyên bố như vậy, ông cũng phải sợ thôi.

 

Theo ông Vũ, bình thường ông Ẩn là một người hạnh phúc, làm nhiều công tác từ thiện cho cộng đồng, là người yêu chuộng tự do nhưng nay bị chụp mũ cộng sản. Câu nói “lấy quần trùm lên đầu ông Ẩn” là một sự đại sỉ nhục, điều kinh hoàng trong văn hóa Việt Nam.

 

Theo ý ông ông Vũ, cộng đồng Việt Nam tin vào thông cáo của Hội Cộng Đồng và người ta đã đối xử ông Ẩn khác với trước kia.

 

Biên bản viết tại chỗ và ở nhà

 

Tiếp đến là phần đối chất (cross-examination) của trạng sư Collins của bị đơn Nguyễn Thế Phong.

 

Trong mọi cuộc đối chất, trạng sư  thường đặt những câu hỏi không ngoài mục đích bắt bẻ nhân chứng, để thuyết phục bồi thẩm đoàn đang lắng nghe là những bằng chứng mà nhân chứng đưa ra không thuyết phục, bất nhất hay không đúng sự thật v.v…

 

Tòa được nghe ông Vũ giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Tư vấn Giám sát hai nhiệm kỳ và nhiệm kỳ sau chấm dứt vào ngày 30.6.2009. Nhưng trạng sư  Collins cho rằng ông Vũ đã không ngồi hết nhiệm kỳ vì bị bất tín nhiệm.

 

Ông Vũ nói phiên họp vào ngày 23.5.2009 gồm 72 người do ông Phong triệu tập là bất hợp pháp vì phần lớn những người trong phiên họp đó thuộc phe của ông Phong. Ông Vũ cũng nhìn nhận ông có nhận được tài liệu biên bản buổi họp bất tín nhiệm ông nhưng ông cho rằng không phải mọi người đều bất tín nhiệm ông, trừ ông Phong và những người phe ông.

 

Ông Vũ nói những người bất tín nhiệm ông không phải là những người đã bầu ông lên nên họ không có quyền bất tín nhiệm do đó ông Vũ không đồng ý và đã có văn thư phản đối (1). Lúc đó chỉ còn khoảng 2 tháng sẽ hết nhiệm kỳ, ông còn giữ biên bản bàn giao trong tay.

 

Khi trạng sư Collins hỏi có phải ông Vũ bị bất tín  nhiệm vì hành động sai trái không, ông Vũ nói ông không làm gì sai mà chỉ muốn làm rõ tình hình tài chánh của Hội Cộng Đồng.

 

Hỏi ông nghĩ gì về ông Phong, ông Vũ nói trước đây ông thương mến ông Phong vì ông Phong là người thông minh, có học nhưng từ năm 2008 trở đi thì ông nghĩ rằng ông Phong không nên giữ bất cứ chức vụ nào (trong cộng đồng Việt Nam), vì ông yêu cầu ông Phong báo cáo tài chánh nhưng ông Phong đã không làm. Ngoài ra, ông Phong đang có một vụ khác (2) thì ông Phong nên  từ chức.

 

Về biên bản buổi họp do ông Vũ ghi chép.

 

Tòa được nghe có một biên bản viết tay của ông Vũ được dịch một cách bết bát, ghi lại những gì xảy ra ngay trong phiên họp ngày 15.3.2009  được dùng làm chứng cớ trong phiên tòa. Nguyên đơn phải biết sự hiện diện của biên bản này từ nhiều tháng nhưng nay bên phía bị đơn mới được biết.

 

Vấn đề là một bằng chứng được một bên đưa ra với một thời gian ngắn như vậy có giá trị và được chấp nhận trong phiên tòa không?

 

Bà chánh án có lời quở trách luật sư (Nguyễn Bá Đại) của ông Ẩn, cho rằng đây là một vấn đề trầm trọng (a grave matter) tuy nhiên bà đề nghị phiên tòa tiếp tục và trạng sư của ông Phong cũng đồng ý, sau đó chấp nhận bằng chứng này dù đưa ra quá trễ.

 

Trạng sư  Collins hỏi ông Vũ có phải biên bản kèm ở phía trước do ông Vũ viết tại phiên họp không, ông Vũ nói phải.

 

Trạng sư hỏi trang thứ hai viết lúc nào, ông Vũ nói viết ở nhà một hai ngày sau phiên họp.

 

Trong phần đối chất, trạng sư Collins đã bắt bẻ ông Vũ về biên bản cuộc họp trong đó có hai phần: một phần ông Vũ cho rằng ghi tại buổi họp, một phần về nhà mới ghi thêm.

 

Ông Vũ nói ông có thói quen ghi xuống những gì người ta bàn thảo trong các cuộc họp nhưng trạng sư cho rằng biên bản viết tay (bổ túc) được trình trước tòa không phải đã được ông Vũ ghi ngay hôm đó, mà chỉ ghi lại sau này.

 

Tòa được nghe rằng ông Vũ nói trời lúc đó tối, không đủ ánh sáng, lại có sự to tiếng thì làm sao ông có thể ghi xuống được ngay lúc đó. Ông Vũ lập đi lập lại nhiều lần rằng những gì ông ghi xuống là đúng từng chữ (word by word) nhưng bởi ông đã bỏ về sớm trước khi phiên họp chấm dứt thì làm sao ông lại có thể ghi bốn chữ bằng tiếng Việt “Ông Phong kết luận”.

 

Trạng sư Collins  cho rằng biên bản trang đầu chiếm ba phần tư trang giấy đó đã được ông Vũ viết lại sau này vì  các chi tiết không đi theo thứ tự nghị trình của phiên họp nhưng ông Vũ vẫn cho rằng ông đã viết ngay trong buổi họp.

 

Trạng sư nói trang giấy đó không thật sự là trang giấy nháp đã được viết ngay trong phiên họp vì chữ viết thẳng hàng, sạch sẽ, chẳng có chữ nào bị gạch xóa cả nhưng ông Vũ cho rằng ông là người viết cẩn thận nên không có chuyện gạch bỏ.

 

Trạng sư lại hỏi trong phần làm chứng vừa rồi ông Vũ có nói trong phiên họp đã có những từ ngữ như “lấy chó, đồ chó đẻ, lấy quấn trùm lên đầu hắn” vậy thì hãy cho bồi thẩm đoàn thấy trong trang giấy nháp đó có chữ nào viết những chữ như vậy không, ông Vũ cho rằng ông là người viết lịch sử nên ông không thể viết những điều nhơ bẩn đó xuống giấy được.

 

Bởi vì lúc đầu ông Vũ nói trang thứ nhất là do ông viết nháp rồi về nhà mới viết lại, nhưng sau đó ông lại nói rằng tờ giấy nháp đang có trước tòa là bản chính ông viết tại phiên họp, trạng sư  Collins đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần về những lời khai không thống nhất đó và yêu cầu ông Vũ nếu còn giấy tờ gì liên hệ đến phiên họp đó thì sáng Thứ Hai tuần sau hãy mang tới.

 

Quan tòa nhắc lại yêu cầu đó của trạng sư Collins và truyền hoãn phiên tòa vào tuần sau.

 

Hai nhân chứng cuối cùng của ông Ẩn

 

Nhưng trong phiên xử ngày Thứ Hai 15.3.2010 ông Vũ đã không trình cho tòa được giấy tờ hay tài liệu gì khác liên quan đến phiên họp ngày 15.3.2009. Lý do: cuối tuần ông bận nhảy đầm và tập thể dục.

 

Sau đó nhân chứng Nguyễn Hải  Đăng  của ông Ẩn lên bục chứng.

 

Qua phần chất vấn của trạng sư Catlin, tòa được nghe ông Đăng là một cựu quân nhân Quân lực VNCH, có hiện diện trong phiên họp ngày 15.3.2009.

 

Vấn đề email của Crown Casino được đưa ra trong phiên họp, ông Phong cho biết có một thành viên trong cộng đồng gọi cho Crown Casino, chống cuộc biểu tình của Cộng Đồng, người này phá hoại cộng đồng, làm công việc của tay sai cộng sản.

 

Tòa được nghe ông Đăng nói ông Phong sau đó nói “chúng ta phải kỷ luật ông Ẩn và yêu cầu cộng đồng hãy chống ông ấy”.

 

Đến phần đối chất của trạng sư Collins, tòa được nghe rằng ông Phong là một con người tốt, ông Đăng từng giúp ông Phong thắng cử, nhưng sau vài nhiệm kỳ ông Phong bắt đầu lạm dụng chức vụ và ông Đăng bắt đầu có ý nghĩ khác về ông Phong, vài ba năm trước ngày 15.3.2009.

 

Qua các câu hỏi của trạng sư Collins, tòa được nghe ông Đăng không có hành động gì chống phá ông Phong, không dán bích chương ở vùng Springvale hay bất cứ ở nơi nào tại thành phố Melboune.  Khoảng 4 giờ chiều thì phiên họp trở nên hỗn độn. Ông Đăng không ghi chép xuống những gì bàn thảo trong phiên họp, về những gì ông Phong gọi ông Ẩn là một tên cộng sản.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng là nhân chứng chót của ông Ẩn.

 

Qua phần chất vấn của trạng sư Catlin, tòa được nghe rằng ông Hùng nguyên là một cựu quân nhân.

 

Khi qua Úc ông Hùng làm báo nhưng bây giờ lãnh trợ cấp bệnh tật (sick benefit). Thời gian làm báo từ năm 1984 đến 1987 và sau đó từ năm 2002 đến 2006.

 

Tòa được nghe ông Hùng mời ông Ẩn và hai cặp nữa tới ăn trưa ở Crown Casino vào ngày 16.2.2009. Nhưng ông Hùng thay đổi ngày vì bạn của ông đọc được tin có biểu tình ở trên mạng lưới Ánh Dương. Ông Hùng yêu cầu ông Ẩn kiểm tra lại chuyện này vì nếu thật sự có biểu tình hôm đó, ông Hùng sẽ hủy bỏ bữa ăn trưa.

 

Ông Hùng không nhận được thư mời nhưng có đọc thông cáo ngày 23.2.2009 của Hội Cộng Đồng trên báo chí Việt ngữ. Thông cáo nói về một tổ chức phá hoại cộng đồng. Ông không đi dự phiên họp 15.3 nhưng sau đó được nghe bạn bè kể lại.

 

Tòa được nghe ông Hùng quen ông Ẩn từ năm 2002. Ông Ẩn là một người tốt, làm nhiều việc thiện nguyện cho cộng đồng Việt Nam và Úc.

 

Và qua phần đối chất của trạng sư Collins, tòa được nghe thêm:

 

Ông Hùng đã và đang kiện Hội Cộng Đồng, kiện ông Phong với tư cách là chủ tịch Hội Cộng Đồng bởi ông Phong không kê khai vấn đề tài chánh, không lịch sự trả lời các thắc mắc, làm việc phi dân chủ. Ông Hùng nghĩ vì như thế ông Phong nên từ chức.

 

Qua các câu hỏi của trạng sư Collins, ông Hùng mô tả về vụ biểu tình ở Dallas Brooks Hall. Ông Hùng nói ông không chống Hội Cộng Đồng nhưng nghĩ rằng đây là một tổ chức xã hội, không nên dính líu vào chính trị.

 

Về lá thư ngày 7.3.2009 của ông Ẩn gởi cho ông Phong, ông Hùng nói có đọc sơ qua, nhưng chỉ nhớ những điểm chính mà thôi.  Hỏi lá thư có những chữ như “thật ghê tởm” có là xúc phạm (abusive)  khi gọi một người nào không, ông Hùng nói ở Việt Nam, nói vậy cũng không quá xấu. 

 

Và từ “đáng phỉ nhổ” cũng tùy hoàn cảnh mà có lúc có thể không là xúc phạm.

 

Trạng sư Catlin đã không tái chất vấn (re-examine) ông Hùng và phiên tòa đình hoãn vào lúc 4.20pm.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng là nhân chứng cuối cùng của bên nguyên đơn.

 

Nguyễn Hồng AnhVăn Nguyễn tường thuật qua các buổi dự phiên tòa.

 

———————–

(1) Xin xem những thông cáo qua lại giữa ông Vũ và ông Phong về vấn đề này trong các số báo cũ hay hiện đang được lưu giữ trên website của TVTS.

 

(2) Vụ khiếu nại về thâm thủng công quỹ của Hội Cộng Đồng trước Tòa Sơ thẩm Melbourne do ba người đứng tên: Nguyễn Như Long, Nguyễn Thanh Hùng và Võ Ngọc Anh (tự Võ Long Ẩn). Vụ này sẽ được xử vào ngày 22.4.2010 lúc 9 giờ  30 sáng.

 

(Trích TVTS  – 1256)