Luật sư Nguyễn Bá Đại: Tranh Tụng giữa ông Ẩn và ông Phong – Một ngày có nhiều nắng

06 Tháng Tư, 2010 | Kiện tụng

 

Luật Sư Nguyễn Bá Đại (trái) và ông Võ Long Ẩn

 

LTS: Trong thời gian qua, TVTS có nhận nhiều bài viết của Luật sư Nguyễn Bá Đại liên quan đến vụ kiện giữa ông Võ Long Ẩn và ông Nguyễn Thế Phong và ba người nữa với ông Phong.

 

Vụ kiện ở Tòa Trung Thẩm đã xong. Ông Đại là một luật sư, lại là người lo hồ sơ cho ông Ẩn nên am tường về nội dung vụ kiện cũng như diễn tiến trước tòa.

 

Luật sư Đại gởi bài viết sau đây cho TVTS, đề nghị đăng để rộng đường dư luận. TVTS sẵn sàng đăng bài viết của ông Phong liên quan đến kết quả của phiên tòa vừa qua.

 

* * *

 

Chúng tôi, văn phòng luật sư Nguyễn Bá Đại, đại diện cho ông Võ Ngọc Anh (ông Ẩn) trong vụ kiện Vo -v- Nguyen CI-09-02193 ở toà trung thẩm (County Court) Melbourne. Đây là một vụ kiện dân sự giữa hai cá nhân: ông Ẩn (nguyên đơn) và ông Phong Thaddeus Aloysius Nguyen (ông Phong) là bị đơn.

 

Tranh tụng dân sự giữa hai cá nhân là rất phổ biến trong một xã hội pháp trị, văn phòng luật sư có thể đại diện cho nguyên đơn (plaintiff) hoặc bị đơn (defendant). Mỗi năm tuỳ thuộc vào mức độ lớn nhỏ của các văn phòng luật sư mà số vụ kiện dân sự có thể từ hàng chục đến hằng trăm vụ.

 

Sự thắng thua, được hay mất trong các tranh tụng dân sự phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm: sự rõ ràng và thành thật (hay gian dối) của nhân chứng; trình độ tiếng Anh của nhân chứng và yếu tố phiên dịch viên, tiến trình trao đổi tài liệu và bằng chứng giữa các bên liên quan, sự uyên bác và không thiên vị của quan toà, trình độ chuyên môn và sự chuẩn bị của trạng sư, sự chuẩn bị và nhiệt tâm của luật sư, áp lực gia đình và xã hội và tình trạng tài chính của các bên tranh tụng.

 

Khi có sự xuất hiện của bồi thẩm đoàn (jury) là những người không có chuyên môn về luật pháp; họ được chọn để quyết định các vấn đề thuộc về sự kiện (“judge of the fact”) thì còn xuất hiện thêm nhiều yếu tố khác nữa có thể ảnh hưởng đến kết quả của một phiên toà. Vì vậy, không phải cứ sau một phiên xử là đã có “công lý”. Có vụ phải mất năm mười năm mới ngã ngũ (Mabo; Australian Communist Party), có vụ chỉ vài tháng hoặc vài ngày.

 

Tranh chấp giữa ông Ẩn và ông Phong có một số vấn đề nhạy cảm đã thu hút được sự chú ý của báo chí Việt ngữ và chúng tôi được yêu cầu giải đáp một số thắc mắc.

 

Một ngày có nhiều nắng: nhóm bị đơn giăng cờ trước tòa án và reo hò 

 

Phiên xử kéo dài 10 ngày và vừa mới chấm dứt hôm 23/3/2010, nên chúng tôi chỉ có thể trình bày một cách sơ lược. Việc tường trình chi tiết đòi hỏi việc phân tích các tài liệu cũng như đọc lại toàn bộ các văn bản ghi âm trong phiên xử (court transcript), chúng tôi cần có thêm thời gian để làm việc này.

 

1. Nguyên, ông Ẩn và ông Phong đều là thành viên của hội VCA-Vic (VCA-Vic là chữ viết tắt của Vietnamese Community in Australia –Victoria Chapter Inc. là tên gọi của một hội có đăng ký với Consumer Affairs Victoria (CAV). CAV là cơ quan quản trị hiệp hội của chính phủ tiểu bang Victoria. Theo luật lệ của tiểu bang Victoria, nếu lý do thành lập hội là chính đáng và có trên 5 thành viên, thì có thể đăng ký với CAV để thành lập hội).

 

2. Ông Ẩn khiếu nại là vào ngày 15/3/09 trong một cuộc họp của hội VCA-Vic, ông Phong đã nói ông Ẩn là Việt cộng, tay sai của Việt cộng, phá hoại sinh hoạt cộng đồng, tiếp tay cho cộng sản đánh phá chính nghĩa quốc gia, chứng cớ đã rành rành, tội ác đã được phơi bày. Sau đó, vào ngày 19/3/09 ông Phong còn gởi thư đến các thành viên của hội VCA-Vic và cho đăng báo thư này:

 

Lên án hành vi phá hoại cộng đồng và chánh nghĩa quốc gia của ông Võ Ngọc Anh (tự Võ Long Ẩn) thuộc Hội Thiện Chí Tỵ Nạn. Hội Thiện Chí Tỵ Nạn có bổn phận phải lên tiếng và bày tỏ công khai lập trường của Hội về hành vi này của ông Võ Long Ẩn. Tạm ngưng tư cách thành viên cộng đồng của ông Võ Long Ẩn và Hội Thiện Chí Tỵ Nạn kể từ ngày 15-3-09 cho đến khi các thủ tục kỷ luật trên đương sự và Hội này được tiến hành theo Nội quy quy định của Cộng Đồng”.

 

Ông Ẩn khiếu nại là những lời nói trong cuộc họp và thông báo 19/3/09 nói trên đã làm thương tổn nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của ông Ẩn.

 

3. Trong phiên toà ông Ẩn đưa ra hai nhân chứng là người có tham dự cuộc họp của hội VCA-Vic ngày 15/3/09. Ông Ẩn cho chúng tôi biết là ông có một số nhân chứng khác có đi dự phiên họp hôm 15/3/09, nhưng họ ngại không muốn làm chứng trước toà, một số khác lại thay đổi quyết định trước ngày ra toà. Ông Ẩn mời hai nhân chứng ra toà cho trường hợp của ông là ông Trần Đức Vũ và ông Nguyễn Hải Đăng là những người có đi dự cuộc họp ngày 15/3/09.

 

Ông Vũ và ông Đăng chọn việc cho lời khai trước toà của các ông qua một thông ngôn viên. Họ nói rằng ông Phong có nói những điều trên, và sau đó có những người đi dự cuộc họp nói là: “cha mẹ của ông Ẩn lấy chó… ông Ẩn là con cháu của chó… có bà còn muốn lột quần trùm lên đầu ông Ẩn”. Ông Vũ và ông Đăng có gặp một số khó khăn khi cho lời khai qua thông ngôn viên.

 

4. Các nhân chứng bên ông Phong là: Châu Xuân Hùng, Nguyễn Văn Bon, Nguyễn Phượng Vỹ, Trịnh Mai Lan, Glenn Clark (Crown Casino), Văn Ngọc Đạm (mẹ của cô Đông Lan). Nhân chứng bên ông Phong, ngoại trừ bà Văn Ngọc Đạm, đều hiện là thành viên của ban điều hành hội VCA-Vic, họ có thể nói tiếng Anh trực tiếp ở toà. Các nhân chứng bên ông Phong (ngoại trừ Glenn Clark) đều đồng loạt nói rằng ông Phong không nói những điều trên ở trong cuộc họp.

 

Có người còn thề quyết là ông Phong không nói những điều mà chính ông Phong thừa nhận là có (“Ông Võ Long Ẩn… phá hoại sinh hoạt cộng đồng, vi phạm nội quy, làm lợi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”). Các nhân chứng bên ông Phong đều nói rằng sau khi tên ông Ẩn được công bố trong cuộc họp họ có nghe những người đi dự họp hôm đó ồn ào, nhưng không nghe cụ thể những điều gì.

 

5. Các nhân chứng của ông Phong cũng nói rằng, sau khi cuộc họp đã kết thúc vào 5h35 chiều cùng ngày (15/3/09), cuộc họp được “tái nhóm” sau đó, và ông Nguyễn Quốc Thịnh đã đưa ra một nghị quyết (“motion”) rằng: “Lên án hành vi phá hoại cộng đồng và chánh nghĩa quốc gia của ông Võ Ngọc Anh (tự Võ Long Ẩn) thuộc Hội Thiện Chí Tỵ Nạn. Hội Thiện Chí Tỵ Nạn có bổn phận phải lên tiếng và bày tỏ công khai lập trường của Hội về hành vi này của ông Võ Long Ẩn. Tạm ngưng tư cách thành viên cộng đồng của ông Võ Long Ẩn và Hội Thiện Chí Tỵ Nạn kể từ ngày 15-3-09 cho đến khi các thủ tục kỷ luật trên đương sự và Hội này được tiến hành theo Nội quy quy định của Cộng Đồng”.

 

Nghị quyết do ông Thịnh đưa ra (move) được bà Bé Hà ủng hộ (second) và mọi người tán thành (“passed by all attendants”) và cô Trịnh Mai Lan ghi những điều này vào trang sau cùng của biên bản cuộc họp. Điều đáng nói là các trang trước của biên bản cuộc họp được copy và gởi qua cho chúng tôi vào ngày 14/9/09.

 

Tuy nhiên, trang sau cùng này bên ông Phong chỉ đưa ra vào ngày thứ hai của phiên toà tức là vào ngày 11/3/2010. Trước đó, ông Ẩn chưa bao giờ được biết đến trang sau cùng này của biên bản cuộc họp, và cũng không bao giờ được thấy hay nghe trên bất cứ phương tiện truyền thông Việt ngữ nào.

 

6. Quan toà đã quyết định không đưa vấn đề thông báo của ông Phong (19/3/09) vào nghị sự của bồi thẩm đoàn. Vì vậy, các câu hỏi cho bồi thẩm đoàn chỉ xoay quanh việc ông Phong có nói những điều có tính cách mạ lỵ đối với ông Ẩn trong cuộc họp ngày 15/3/09 hay là không. Bồi thẩm đoàn đã đi đến kết luận là ông Phong không nói.

 

7. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến với các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực này (QC: Queen Counsel), và theo họ, tiến trình xét xử vụ này có một số khiếm khuyết và ông Ẩn có cơ sở để yêu cầu tái thẩm vụ này ở toà trên (Supreme Court of Appeal).

 

8. Chúng tôi hiện đang đợi quyết định của ông Ẩn về việc này.

 

Phiên toà này đã được sự quan tâm của rất nhiều người, chúng tôi nhận thấy trong suốt 10 ngày của phiên toà có từ 40-50 người đến dự khán và phòng xử lúc nào cũng không còn chỗ. Sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố kết quả, có nhiều người giăng cờ Việt Nam Cộng Hoà và cờ Úc trước toà án, và reo hò. Điều khích lệ cho chúng tôi là ông Ẩn rất bình tĩnh, và chúng tôi đã rời khỏi toà án trong một ngày có nhiều nắng.