Nguyễn Thuyên kiện TVTS về mạ lỵ – kỳ 15: … “nói đạo văn là hình thức mạ lỵ nặng nề nhất, đặc biệt đối với một vị giáo sư”

07 Tháng Mười Hai, 2009 | Kiện tụng

 

Hai ấn bản cuốn Bộ Mặt Thật của HCM. 

 

Luật sư  Evatt nói tại đất nước này (Úc) khi có ai bàn tán về đạo văn thì hầu như lập tức sẽ có những tin lớn trên báo chí. Ông trình với  bồi thẩm đoàn họ phải xem đấy như  là một hình thức mạ lỵ nặng nề nhất, đặc biệt đối với một vị giáo sư”.

 

  

Như người viết đã giải thích trong số báo vừa qua, bài diễn văn kết thúc của các luật sư trình bày sự việc với mục đích thuyết phục bồi thẩm đoàn trả lời Yes hoặc No tùy theo đó là luật sư bên nguyên hay bên bị.

 

Để độc giả nắm rõ câu chuyện, theo dõi và hiểu được các luật sư muốn gì, người viết thấy cần trích dịch tờ  Questions for the Jury” mà Luật sư Evatt đã đưa cho bồi thẩm đoàn.

 

Cũng xin nói thêm, vì không phải là phiên dịch viên chuyên nghiệp và để người đọc không bị hiểu lầm hay hiểu sai, người viết có chua tiếng Anh bên cạnh một vài thuật ngữ luật pháp. Những bản văn như thế này vì tính cách pháp lý của nó mà phải dịch thật sát nên không những đã khô khan mà còn nặng nề. Nhưng phải như vậy thôi.

 

Ngoài ra, sẽ có vài sự khác biệt trong bản văn mà người viết dịch từ bản dịch của thông dịch viên nguyên đơn được Luật sư Evatt trích dẫn trước tòa so với nguyên văn mà Lão Ngoan Đồng viết.

 

Ai đã từng học phiên dịch sẽ biết rằng, có những trường hợp một câu được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, rồi cũng chính câu đó dịch từ tiếng Anh trở lại tiếng Việt sẽ không giống hệt nguyên văn tiếng Việt ban đầu. Nói vậy, nhưng người viết không có ý chỉ trích việc dịch thuật của thông dịch viên nguyên đơn, mà chỉ muốn trình bày một sự kiện cho rõ ràng.

 

Và như đã từng nói nhiều lần, người viết có tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối, có ghi chép, nhưng vẫn tham khảo biên bản của tòa (court transcript) để bảo đảm sự trung thực khi tường thuật lại một sự việc, nhất là một phiên xử rất dài với quá nhiều tình tiết.

 

Chủ bút báo Nhân Quyền, ông Hồ Công Lộ bút hiệu Long Quân(trái) giới thiệu Nguyễn Thuyên  trong

 

“Bữa Cơm Thân Mật” nhân dịp ông kỷ niệm “30 năm định cư tại Úc và “Mừng vượt qua Tuổi 70 – Thất thập cổ lai hy” cùng “Hoàn tất tác phẩm Việt Nam Điêu Tàn – Bất Hạnh”. 

 

Ảnh và chú thích của báo Tivi Victoria.

 

 

Các câu hỏi dành cho Bồi thẩm đoàn

 

1. Nguyên đơn đã có xác định được (established) rằng bài viết trong “TiVi Tuần-san” ngày 17.4.2002 đã được xuất bản ít nhất cho một người xem và người đó nhận diện ông ta với các lý do hợp lý không? Yes/No

 

Nếu quý vị đã trả lời câu hỏi 1 “Yes” hãy qua câu hỏi 2. Nếu quý vị đã trả lời câu hỏi 1 “No”, hãy qua câu hỏi 4.

 

2. Nguyên đơn đã có xác định được rằng bài viết đã truyền đạt (conveyed) cho độc giả bình thường nhận diện ra những quy kết (ám chỉ, imputations) sau đây hay những quy kết không thật sự khác biệt một cách đáng kể với sau đây (or imputations not substantially different therefrom):-

 

(a) Nguyên đơn là một tay lừa đảo (fraudster). Yes/No

 

(b) Nguyên đơn nổ rằng ông ta có bằng Cử Nhân trong khi trên thực tế trình độ học vấn thấp hơn Cử Nhân 3 bậc. Yes/No

 

3. Liên quan đến những quy kết như thế sau đây mà quý vị đã phán (found) rằng đã được truyền đạt, là những câu hỏi mà quý vị đã trả lời “Yes” trong câu hỏi 2 nói trên, thì như thế Nguyên đơn đã có xác định được rằng những quy kết vừa nói đã có mạ lỵ ông ta không:-

 

(a) Nguyên đơn là một tay lừa đảo. Yes/No

 

(b) Nguyên đơn nổ rằng ông ta có bằng Cử Nhân trong khi trên thực tế trình độ học vấn thấp hơn Cử Nhân 3 bậc. Yes/No

 

4. Nguyên đơn đã có xác định được rằng bài viết trong “TiVi Tuần-san” ngày 5.6.2002 đã được xuất bản ít nhất cho một người xem và người đó nhận diện ông ta với các lý do hợp lý không? Yes/No

 

Nếu quý vị trả lời câu hỏi 4 ở trên “Yes” hãy qua câu hỏi 5.  Nếu quý vị trả lời “No”, không cần làm gì thêm nữa.

 

5. Nguyên đơn đã có xác định được rằng bài viết đã truyền đạt cho độc giả bình thường nhận diện ra những quy kết (imputations) sau đây hay những quy kết không thật sự khác biệt một cách đáng kể với sau đây:-

 

(a) Nguyên đơn là một tay lừa gạt (deceiver). Yes/No

 

(b) Nguyên đơn chôm chĩa cóp nhặt các sách của các người khác (from other peoples books – sic) cho các nội dung của cuốn sách ông ta. Yes/No

 

(c) Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa khi công khai hỗ trợ cho chính nghĩa Lý Tống, không phải vì lòng yêu nước như một người Việt Nam mà chỉ để thủ lợi cho cá nhân ông ta. Yes/No

 

(d) Nguyên đơn  đặt giá bán sách của mình với giá $40 một cuốn, đề nghị tặng một nửa tiền để hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì muốn hỗ trợ chính nghĩa đó mà bởi vì ông ta biết rằng, nếu không đề nghị như thế, sẽ không có một ai trả cho ông ta ngay cả với giá $5 hay $10 một cuốn. Yes/No

 

6. Liên quan đến những quy kết như thế sau đây mà quý vị đã phán rằng đã được truyền đạt, là những câu hỏi mà quý vị đã trả lời “Yes” trong câu hỏi 5 nói trên, thì như thế Nguyên đơn đã có xác định được rằng những quy kết vừa nói đã có mạ lỵ ông ta không:-

 

(a) Nguyên đơn là một tay lừa đảo (deceiver). Yes/No

 

(b) Nguyên đơn chôm chĩa cóp nhặt các sách của các người khác (from other peoples books) cho các nội dung của cuốn sách ông ta. Yes/No

 

(c) Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa khi công khai hỗ trợ cho chính nghĩa Lý Tống, không phải vì lòng yêu nước như một người Việt Nam mà chỉ để thủ lợi cho cá nhân ông ta. Yes/No

 

(d) Nguyên đơn  đặt giá bán sách của mình với giá $40 một cuốn, đề nghị tặng một nửa tiền để hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì muốn hỗ trợ chính nghĩa đó mà bởi vì ông ta biết rằng, nếu không đề nghị như thế, sẽ không có một ai trả cho ông ta ngay cả với giá $5 hay $10 một cuốn. Yes/No

 

* * *

 

Lúc này Luật sư  Evatt của nguyên đơn tiếp tục trình bày với bồi thẩm đoàn rằng có 5 nhân chứng được mời ra tòa nói họ thấy nhân chứng phân phối cuốn sách của ông ta với giá $40 để giúp Lý Tống và không có ai khác bán sách giúp Lý Tống cả.

 

Luật sư Evatt nói nhân chứng nói tất cả tiền bán được đều cho Lý Tống nhưng bài báo này lại nói Cử Bịp giữ lại một nửa. Thế là mạ lỵ độc địa. Nói như vậy có đúng không là một chuyện sẽ được quyết định bởi một phiên tòa khác trong một dịp khác.

 

Nhưng sự kiện ông ta bán cuốn sách $40 để giúp Lý Tống  và không ai khác làm như thế đủ để cho 5 nhân chứng nhận diện ông ta là Cử Bịp. Đó là những lý do chính đáng, hợp lý (reasonable grounds). Vì thế Luật sư Evatt xin bồi thẩm đoàn phán quyết Yes cho câu hỏi 1 và cả câu hỏi 4.

 

Về câu hỏi 2:

 

Luật sư Evatt giải thích ý nghĩa của câu hỏi “Nguyên đơn đã có xác định được rằng bài viết đã truyền đạt cho độc giả bình thường nhận diện ra những quy kết (imputations) sau đây hay những quy kết không thật sự khác biệt một cách đáng kể với các câu hỏi sau đây như (a)

 

Nguyên đơn là một tay lừa đảo, (b) Nguyên đơn nổ rằng ông ta có bằng Cử Nhân trong khi trên thực tế trình độ học vấn thấp hơn Cử Nhân 3 bậc.

 

Rồi Luật sư Evatt trích dẫn những đoạn viết trong bài để một độc giả bình thường  có thể nhận ra “nguyên đơn là một tay lừa đảo – fraudster” như trong đoạn 5 “nhưng kịch liệt phản đối việc mời người được-gọi-là vị giáo sư (the so-called professor) mà ông ta biết không nghi ngờ là tay đại bịp – the worst kind of fraudster).

 

Đoạn 6: “Theo độc giả vừa nói, tay đại bịp này còn xảo quyệt –cunning- hơn cả hai anh em…” hoặc “Trong khi tay giáo sư đại bịp này—as for this blatant fraudster professor”…

 

Rồi Luật sư Evatt hỏi  bồi thẩm đoàn những đoạn như thế có truyền đạt ý nghĩa cho một người bình thường nhận diện ra ông ta rằng nguyên đơn  là một tay đại bịp không? Rồi ông tự trả lời:  “Câu trả lời sẽ là Yes, vì quá hiển nhiên là Yes”.

 

Về quy kết ám chỉ thứ hai liên quan đến trình độ học vấn của nguyên đơn  trong đoạn 6  sau khi nói rằng “Văn Thuổng và Văn Chôm còn có bằng diplome với đoạn: “Trong khi tay giáo sư đại bịp này “đít lông” (diplome) chưa chắc đã có mà dám tự xưng mình có bằng “Bắt-Chó” (bachelor, tức bằng Cử Nhân), tức là nổ ít nhất 3 cấp cao hơn trình độ học vấn của ông ta”.

 

Luật sư nói với bồi thẩm đoàn các quy kết ám chỉ ấy (a, b) của câu hỏi 2 quá rõ ràng và bây giờ ông mời bồi thẩm đoàn qua câu hỏi 5, liên quan đến bài viết thứ hai, có tất cả 4 quy kết ám chỉ với cùng câu hỏi:

 

“… đã truyền đạt cho độc giả bình thường nhận diện ra những quy kết sau đây hay những quy kết không thật sự khác biệt một cách đáng kể với sau đây:

 

(a) Nguyên đơn là một tay lừa gạt (deceiver).

 

(b) Nguyên đơn chôm chĩa cóp nhặt các sách của các người khác (from other peoples books – sic) cho các nội dung của cuốn sách ông ta.

 

(c) Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa khi công khai hỗ trợ cho chính nghĩa Lý Tống, không phải vì lòng yêu nước như một người Việt Nam mà chỉ để thủ lợi cho cá nhân ông ta.

 

(d) Nguyên đơn  đặt giá bán sách của mình với giá $40 một cuốn, đề nghị tặng một nửa tiền để hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì muốn hỗ trợ chính nghĩa đó mà bởi vì ông ta biết rằng, nếu không đề nghị như thế, sẽ không có một ai trả cho ông ta ngay cả với giá $5 hay $10 một cuốn.

 

* * *

 

Bây giờ Luật sư Evatt hỏi những ám chỉ đó có truyền đạt rằng, (a) nguyên đơn là một tay lừa gạt (deceiver) không?

 

Rồi ông luật sư trích dẫn đoạn 2 viết “mượn đầu hay mượn tên Lý Tống để kiếm tiền”, và cuối đoạn 3 “để nói về những mưu toan lợi dụng tên tuổi Lý Tống để kiếm bạc –không phải bạc cắc mà là bạc giấy”.

 

Ông luật sư nói có nhiều ám chỉ khác về Cử Bịp và ông sẽ mời bồi thẩm đoàn đọc cả bài viết. Rồi ông trích đọc đoạn 21: “Thua keo này bày keo khác. Nhận thấy mình không còn có thể bịp ai ở tiểu bang nhà, Cử Bịp bị gậy đi lên phương bắc”.

 

Luật sư nói  bây giờ “cheat” (bịp) có nghĩa deceive, nhưng ông nghĩ trong tiếng Anh mà nói một người bịp là cheater thì không đúng văn phạm nên phải ghi rằng nguyên đơn là một deceiver, có nghĩa như là cheat vậy.

 

Rồi ông trích dẫn những câu trong đoạn 22: “Cử Bịp tìm cách khác để thủ lợi”; đoạn 23: “Không ai bỏ tiền ra mua cuốn sách  ngay cả khi nó được bán với giá 5  hay 10 Úc kim, nay bán với giá 40 Úc kim” “chắc chắn sẽ có không ít đồng hương nhẹ dạ bỏ tiền ra mua” mà theo Luật sư Evatt nói như vậy là nói ông ta (nguyên đơn) bịp họ “với  mục đích yểm trợ Lý Tống” nhưng thật ra nguyên đơn, vị giáo sư, được gọi là Cử Bịp “bỏ túi 20 Úc kim”. Rồi ông nói ra vẻ phần (a) đã được truyền đạt, hiểu như vậy.

 

Luật sư Evatt nói tiếp về phần (b) với trích đoạn 22:  “Cử Bịp tìm cách khác để thủ lợi. Thế là cả ngàn cuốn sách với nội dung chôm chĩa và cóp nhặt từ các sách của những người khác”.

 

Luật sư  Evatt nói đó là những gì bài báo ám chỉ, nhưng ông bạn của ông (tức Luật sư McHugh) đã cố sức với một trong những nhân chứng –tức thông dịch viên– để cho rằng nó không có nghĩa như thế nhưng phiên dịch viên của phía ông nhất quyết giữ vững lập trường.

 

* * *

 

Lời người viết: chuyện tranh luận giữa Luật sư McHugh và thông dịch viên Xuong Dich Au của nguyên đơn trong cuộc đối chất đã được tường thuật trong bài viết kỳ 5 (TVTS số 1207).

 

Nguyên văn câu viết của Lão Ngoan Đồng như sau: “Thế là cả ngàn cuốn sách với nội dung chôm chĩa, cóp nhặt của người khác…”

 

Đoạn văn này được ông Xuong Dich Au dịch như sau: “So, thousands of his book – with content pilfered and copied from other people’s books…”

 

Trong cuộc đối chất kéo khá dài, vì cho rằng cụm từ “của người khác” không có danh từ sách và không phải số nhiều (vì sau này khi ra trước một phiên tòa khác phải biện hộ cho việc đã tố cáo nguyên đơn cóp nhặt từ nhiều cuốn sách của nhiều người khác) nên Luật sư  McHugh đề nghị dịch “copied from somebody else hay “pilfered from other people nhưng ông Xuong Dich Au cho rằng tiếng Anh nói thì được nhưng ông không chấp nhận tiếng Anh viết như vậy.

 

Cuộc tranh luận  về dịch cụm từ “của người khác” đã khiến Luật sư McHugh giải thích ông là một người sinh ra và từ khi lớn lên đã nói tiếng Anh (có nghĩa là tiếng mẹ đẻ của ông) trong khi ông Xuong Dich Au nói ông nghĩ rằng văn phạm của ông không tệ hơn Luật sư McHugh.

 

* * *

 

Tiếp đến Luật sư Evatt nói đến phần (c), theo ông, bài báo cho rằng “anh chàng này chẳng gì khác hơn là một tay bịp (a cheat), một tay lừa gạt (deceiver), lợi dụng tên tuổi và chính nghĩa Lý Tống, không phải vì lòng ái quốc của một người Việt Nam ủng hộ một vị anh hùng, nhưng để thủ lợi cho cá nhân ông ta  hầu kiếm tiền từ những người khác không thèm mua cuốn sách của ông ta, và ông ta bỏ túi một nửa.

 

Và cuối cùng Luật sư nói về ám chỉ (d) nằm trong hai đoạn 22 và 23 được ông nói như sau: “ Nguyên đơn bán với giá 40 đô la một cuốn hứa cho chính nghĩa Lý Tống một nửa, không phải vì ông ta thật lòng    lý tưởng này mà vì ông ta biết rằng, không đề nghị như thế, không ai bỏ tiền ra mua dù ông ta bán với giá 5 đô la hay 10 đô la một cuốn”.

 

Luật sư Evatt nói bài viết ám chỉ như thế. Và theo  ông, mọi nhân chứng đều nói cuốn sách đó bán với giá 40 đô la để giúp Lý Tống, rằng nguyên đơn là người duy nhất viết một cuốn sách và đề nghị bán để giúp Lý Tống.

 

Luật sư muốn lưu ý bồi thẩm đoàn về Những Câu Hỏi Dành Cho Bồi Thẩm Đoàn trong đó có câu ghi “…hay những quy kết không thật sự khác biệt một cách đáng kể với sau đây” – nói cách khác, nếu bồi thẩm đoàn nghĩ rằng một ám chỉ không có khác biệt một cách đáng kể với phần (a) và (b), thế là đủ rồi.  Ông kiến nghị với bồi thẩm đoàn những phần trong các câu hỏi 2 và 5 đều được truyền đạt cho độc giả bình thường nhận diện những ám chỉ quy kết.

 

Luật sư nói nếu bồi thẩm đoàn nghĩ có những ám chỉ khác nữa về nguyên đơn mà phía ông đã không nêu ra thì hãy quên đi vì chúng đã không được đưa ra biện hộ.

 

Và nếu bồi thẩm đoàn nghĩ rằng bài viết có những ám chỉ về những người khác –mà ông luật sư nghĩ là có như hai anh em Văn ChômVăn Thuổng—thì cũng bỏ qua luôn vì đã không có thắc mắc gì bọn họ.

 

Luật sư Evatt cũng nhắc lại với bồi thẩm đoàn nhiệm vụ của họ không phải xét xử những ám chỉ đó đúng hay sai, vì đấy là chuyện khác, sẽ được tiến hành trong một phiên tòa khác.  Ông xin bồi thẩm đoàn trả lời Yes cho câu hỏi 1, và Yes cho câu hỏi 2(a) và 2(b).

 

 

Nguyễn Thuyên trong buổi ra mắt tác phẩm mới “Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh” ngày 15.5.2009 tại Sydney. Hình của lyhuong.net 

 

Lại chôm chỉa !!!

 

TVTS sẽ có bài điểm sách và phê bình cuốn Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh của Nguyễn Thuyên, một cuốn sách chê tất cả các nhà lãnh đạo VNCH từ Bảo Đại, Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu là những kẻ “bất tài”, một cuốn sách dày cộm  nhưng có quá nhiều trang, đoạn trích dẫn (quote/extract) từ sách của những tác giả  khác (có ghi xuất xứ tên sách và tác giả với những chữ viết tắt thật nhỏ) nhưng vẫn có những trang chép (copy) nguyên trang, bợ nguyên con, sửa vài chữ  (trông rất nham nhở) mà không đề xuất xứ, làm như của mình, tức… đạo văn (plagiarism), như đã xảy ra trong cuốn  Bộ Mặt Thật của HCM

 

Trong cuốn sách mới này (VNĐTBH), Nguyễn Thuyên tiếp tục ghi vào phần tiểu sử  câu “Tốt nghiệp Đại Học Khoa Học” (trang 837) dù năm 2006 một quan tòa Tòa Thuợng thẩm NSW phán rằng bằng cử nhân của Nguyễn Thuyên là… bằng giả  và ông ta… chưa bao giờ tốt nghiệp đại học như ông ta từng khoe.

 

 

Về câu hỏi 3.

 

Luật sư cho rằng sau khi bồi thẩm đoàn đã trả lời Yes cho câu hỏi 2, rằng bài viết ám chỉ nguyên đơn là một tay lừa đảo (fraudster) và nổ có bằng Cử  Nhân trong khi trên thực tế trình độ học vấn thấp hơn 3 bậc, thì như thế nguyên đơn có xác định được những ám chỉ đó mạ lỵ ông ta không.

 

Luật sư cho rằng đối với những người có suy nghĩ đứng đắn trong cộng đồng, đối với những người tử tế, gọi nguyên đơn là một tay lừa đảo, nổ có bằng Cử Nhân trong khi học vấn thấp hơn ba bậc, thì quả là mạ lỵ. Người tử tế trong cộng đồng sẽ đánh giá thấp nguyên đơn, coi rẻ ông ta.

 

Luật sư hỏi ám chỉ nguyên đơn nổ có bằng Cử Nhân trong khi học vấn thấp hơn ba cấp có làm cho những thành viên trong cộng đồng đánh giá thấp nguyên đơn không?   Hỏi ám chỉ đó có làm tổn thương danh tiếng nghề nghiệp của ông ta không? Có làm cho người ta khinh dể, tránh né ông ta không? Hay ám chỉ nguyên đơn là tay lừa đảo? Những ám chỉ đó, theo ông,  đều trầm trọng, là mạ lỵ.

 

* * *

 

Luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn trả lời Yes cho câu hỏi 4.

 

Ông cũng xin trả lời Yes cho các câu hỏi  5(a), 5(b), 5(c), 5(d).

 

Và cuối cùng là câu hỏi 6, cũng giống câu hỏi 3, xem các ám chỉ có mạ lỵ không.

 

6(a): Luật sư hỏi nói một ai đó là một tên lừa gạt (deceiver) có mạ lỵ không? Ông  tự trả lời: dĩ nhiên.

 

6(b): “Nguyên đơn chôm chĩa các chi tiết từ các sách của những người khác cho các nội dung của sách ông ta”.

 

Nói như vậy là nói đạo văn đấy. Luật sư  Evatt nói tại đất nước này (Úc) khi có ai bàn tán về đạo văn thì hầu như lập tức sẽ có những tin lớn trên báo chí. Ông trình với  bồi thẩm đoàn họ phải xem đấy như  là một hình thức mạ lỵ nặng nề nhất, đặc biệt đối với một vị giáo sư, khi nói rằng “quý vị đã chôm chỉa các chi tiết từ các sách của những người khác cho các nội dung của chính sách mình”.

 

6(c): “Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa và ông ta công khai ủng hộ chính nghĩa  Lý Tống, không phải vì  các lý do ái quốc nhưng vì muốn thủ lợi”.

 

Đó là bịp (cheating). Và đó là mạ lỵ.

 

6(d): “Nguyên đơn  đặt giá bán sách của mình với giá $40 một cuốn, đề nghị tặng một nửa tiền để hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì muốn hỗ trợ chính nghĩa đó mà bởi vì ông ta biết rằng, nếu không đề nghị như thế, sẽ không có một ai trả cho ông ta ngay cả với giá $5 hay $10 một cuốn”.

 

Rõ ràng là mạ lỵ. Và Luật sư  Evatt trình bày với bồi thẩm đoàn như sau:

 

“Về việc ám chỉ có mạ lỵ hay không, hay nói cách khác, có làm tổn thương danh tiếng của nguyên đơn, tức Giáo sư Thuyên, trước mắt những thành viên đứng đắn trong cộng đồng hay không, xin quý vị hãy áp dụng các tiêu chuẩn của cộng đồng. Quý vị có thể có những ý kiến cá nhân về những chuyện này, nhưng quý vị đến đây đại diện cho cả cộng đồng chúng ta và quý vị hãy áp dụng các tiêu chuẩn của cộng đồng”.

 

Và sau hết Luật sư Evatt nói về bài diễn văn cuối cùng (tức bài diễn văn của Luật sư McHugh).

Luật sư Evatt nói từ hàng ngàn năm qua bài diễn văn sau cùng luôn được coi là  có lợi thế rất lớn.

 

Rồi ông giải thích thủ tục trong các vụ xử này như sau: Nếu nguyên đơn đưa ra các bằng chứng –và các bằng chứng được trình là những tài liệu hay gọi các nhân chứng ra trong khi bị đơn không đưa ra bằng chứng, như vậy bị đơn sẽ được đọc diễn văn sau cùng.

 

Luật sư Evatt giải thích rằng, vì bạn của ông (tức Luật sư McHugh) đã không gọi các nhân chứng ra để giúp bồi thẩm đoàn với những chuyện ngày tháng năm, chuyện dịch thuật cho nên ông ấy được nói sau cùng.

 

Ông nói bạn của ông đã thấy sự hữu hiệu đó như thế nào –như bồi thẩm đoàn có thể nghĩ– nên bạn của ông đã không gọi các nhân chứng để ông ta được nói sau cùng.

 

Theo Luật sư Evatt, trong lịch sử bài diễn văn sau cùng đã được dùng một cách hữu hiệu để làm hỏng hay phá hủy bài diễn văn trước đó mà một thí dụ ông muốn kể cho bồi thẩm đoàn là những bài diễn văn sau vụ ám sát Julius Caesar tại Quảng trường La Mã. Câu chuyện luật sư kể như sau.

 

Người đầu tiên nói chuyện với đám đông người La Mã là Brutus. Ông ta tìm cách giải thích cho đám đông di chúc của Caesar, rằng đấy là vì  ích lợi của công dân La Mã. Và ông đọc một tràng.

 

Càng đọc, đám đông càng hoan hô. Nói xong Brutus được đám đông vỗ tay.

 

Sau đó đến phiên Mark Anthony đọc bài diễn văn nổi tiếng mà Luật sư Evatt tin bồi thẩm đoàn có thể đã biết nên ông không cần kể lại mà chỉ nhắc đoạn mở đầu như sau: “Hỡi các bạn, hỡi người La Mã, hỡi đồng hương, xin quý vị lắng nghe tôi nói đây”.

 

Anthony tiếp tục gọi Brutus là một con người “đáng trọng” như nghĩa ban đầu, nhưng càng về sau ý nghĩa “đáng trọng” phải được nằm trong ngoặc kép. Dĩ nhiên Anthony nói tiếng La Tinh mà Brutus nói, nhưng giải thích nghĩa như thế này, như thế kia, và đến gần cuối bài diễn văn, đám đông đứng dậy như muốn giết Brutus và rồi họ đã đi tìm ông ta.

 

Luật sư Evatt nói điều đó chứng tỏ cho bồi thẩm đoàn sự hữu hiệu của bài diễn văn sau cùng.

 

Ông nói ông không có cơ hội đáp trả người bạn của ông nhưng ông tin rằng các bồi thẩm là những người có óc suy xét đứng đắn, không như đám đông La Mã.  Họ không dễ bị thuyết phục bởi những bài hùng biện.

 

Rồi Luật sư Evatt nói khi bồi thẩm đoàn nghe Luật sư  McHugh trình bày, đại khái những câu như làm sao ông Evatt nói được như thế này, làm sao bằng chứng này được trình như thế kia, nghĩa là Luật sư McHugh có thể hỏi bồi thẩm đoàn rằng độc giả bình thường sẽ không nghĩ có ám chỉ như vậy.

 

Luật sư Evatt cho rằng người độc giả bình thường nhận diện được nguyên đơn không đọc bài báo bằng tiếng Việt với người bạn của ông đứng bên cạnh nói những câu như “À tôi thấy quý vị đang đọc bài viết, có thể cho tôi giải thích được không, rằng nghĩa không phải vậy, nó không ám chỉ Giáo sư Thuyên, nó không có nghĩa lừa đảo, không có nghĩa lừa gạt…”.

 

Luật sư Evatt nói người độc giả bình thường phải tự họ đọc tất cả. Ông cho rằng ông không muốn coi thường bạn của ông và mặc dù ông xin bồi thẩm đoàn hãy chú ý tới bài diễn văn của người bạn, bồi thẩm đoàn có quyền tự hỏi: “Thế thì ông Evatt muốn làm gì với tất cả chuyện này?”

 

Luật sư Evatt cũng lưu ý bồi thẩm đoàn là khi bạn của ông đọc xong bài diễn văn, quan  tòa sẽ tóm tắt lại và bồi thẩm đoàn sẽ vào bên trong phòng để trả lời các câu hỏi.

 

Và câu cuối cùng của Luật sư Evatt: “Chúng tôi nhân danh nguyên đơn xin quý vị trả lời Yes cho tất cả các câu hỏi”.

 

Luật sư Evatt thưa với quan tòa ông đã kết thúc bài diễn văn hơi sớm nhưng quan tòa trả lời: “Sẽ không bị phạt vì chuyện đó đâu, ông Evatt ạ”.

 

Rồi quan tòa hỏi bồi thẩm đoàn và Luật sư McHugh là có nên tiếp tục hay là dời đến sáng Thứ Hai tuần sau.

 

Luật sư McHugh nói ông sẵn sàng đọc bài diễn văn nếu bồi thẩm đoạn chịu nghe thêm trong 10 phút, nhưng nếu họ nghĩ đã nghe quá đủ trong cả tuần lễ thì họ có thể ra về.

 

Quan tòa hỏi và trưởng bồi thẩm nói họ muốn tiếp tục vào tuần sau. (còn tiếp)