Vanuatu: Đinh Văn Thân, từ lượm ve chai đến đại triệu phú (kỳ 7)

10 Tháng Tư, 2008 | Vanuatu
Tác giả trước văn phòng của ông Đinh Văn Thân ở Port Vila vào một ngày tạnh mưa

Kể Chuyện Đường Xa của Nguyễn Hồng Anh

Đinh Văn Thân là nhân vật mà tôi đã được nghe tên trong chuyến du lịch ở Tân Đảo (New Caledonia) vào cuối tháng 3 năm 2007. Tôi có ý định nếu đi du lịch ở Vanuatu sẽ tìm cách để gặp nhân vật được báo chí ở Á Châu cho là người giàu có vào bậc nhất ở Cộng hòa Vanuatu và đồng thời là người gốc Việt Nam duy nhất ở hải ngoại làm thủ lãnh một chính đảng tại một quốc gia.

Chừng đó đủ làm tôi cảm thấy thích thú nên dù đi xem thắng cảnh và nghỉ ngơi ở thành phố Port Vila, tôi cũng ghi nhớ trong đầu là nếu có cơ hội, sẽ tìm để gặp nhân vật độc đáo này, trước là để thấy người và việc, sau đó còn có thêm đề tài hầu bạn đọc trong mục kể chuyện đường xa bấy lâu.

 

Tình cờ

Và dịp đó đã tới sau khi gặp cô Nga ở nhà hàng Việt Nam Daily Snack mà tôi vừa kể trong số báo trước.

Vợ chồng chúng tôi đến văn phòng của ông vào một ngày mưa nhiều nhất trong thời gian ở Vanuatu. Vì hẹn anh Nguyễn Hữu Toàn, cha của cô Nga, sẽ gặp nhau ở bùng binh cạnh văn phòng ông Đinh Văn Thân, chúng tôi phải đứng giữa con đường đất mà mỗi bước đi là mỗi bước dẫm vào vũng nước, có những chỗ ngập cả giày.

Gặp một người da đen bản xứ đi qua, tôi hỏi ông có biết văn phòng ông Đinh ở đâu không thì được chỉ ngay căn nhà trước mặt. Nếu bạn đã từng ở Úc hay ở Mỹ mà thấy cái văn phòng của người giàu bậc nhất nước như thế thì sẽ có ấn tượng ngay. Ấn tượng thế nào thì tùy quan niệm của mỗi người. Làm sao mà bước vào cửa cổng đây? Nhảy nhưng vẫn cắm một chân dưới nước vì vũng nước lớn. Tôi vào văn phòng với đôi giày ba-ta ướt sũng.

Nhưng bao ngại ngùng đều tan biến khi thấy văn phòng này hết sức là bình dân nếu không muốn nói bề bộn. Tôi nói chuyện với ông nhân viên người bản xứ bằng tiếng Anh rồi chêm thêm vài câu tiếng Pháp nên không khí trở nên thân mật. Anh Toàn tới trễ lại còn cho tôi hay là anh chưa báo trước với ông Thân tôi sẽ đến gặp ông vì hôm qua không thể điện thoại cho ông được. Nhưng anh nói không sao, đừng ngại gì. Anh Toàn mới qua Vanuatu được vài tháng, phụ ông Thân trong việc làm rượu chủ yếu từ củ sắn (khoai mì).

Một lát sau, tôi thấy có một người đàn ông cao lớn tóc bạc cắt ngắn lái chiếc xe 4WD đậu trước cửa và nói chuyện với những ai đó đứng bên ngoài đường, khi thì bằng tiếng Bislama khi thì bằng tiếng Pháp. Tôi nói với nhà tôi người đàn ông kia chắc hẳn là ông Thân vì tôi đã nghe nói ông trên 60 tuổi.

Ông Đinh Văn Thân (phải) và vợ chồng chúng tôi

Chúng tôi được mời vào. Phòng làm việc của ông Thân trông cũng khá bề bộn, trên bàn có chai rượu vang chưa khui, giấy tờ nằm ngổn ngang cũng giống bàn làm việc của tôi. Bên cạnh có những thùng hàng các-tông còn nguyên chưa mở. Ông chào và mời chúng tôi ngồi, chưa nói được lời nào thì đã trả lời điện thoại rồi xin lỗi chúng tôi qua phòng khác và ra bên ngoài.

Nhà tôi nhìn căn phòng và nói với tôi văn phòng gì mà giống cái garage và kho hàng thế. Có thể nhà tôi đã tưởng tượng văn phòng của một đại triệu phú nổi tiếng thì phải khác, nên ngạc nhiên. Tôi nói với nhà tôi đây là văn phòng của một công ty xây cất, và công ty đó nằm ở Vanuatu, một nước nghèo và vẫn còn chậm tiến, không nên thắc mắc bề ngoài mà ở nội dung: con người và sự nghiệp của nhân vật mình đang muốn tìm hiểu.

Khi ông Thân trở lại, tôi giới thiệu sơ về mình và nói sự ngưỡng mộ của một nhà báo Việt Nam muốn tìm hiểu và phỏng vấn một nhân vật nổi tiếng hàng đầu ở hải ngoại. Tôi xin lỗi là có nhờ anh Toàn giới thiệu trước nhưng anh đã không liên lạc được nên xin ông cho biết chúng tôi sẽ được nói chuyện với ông bao lâu, thì ông Thân trả lời bao lâu cũng được vì đã lỡ tới đây rồi.

Chỉ vài phút sau vài câu hỏi, cuộc phỏng vấn trở thành một buổi nói chuyện, từ  ấm cúng đến thân mật và chấm dứt bằng việc ông Thân nói để ông cho người lái xe đưa chúng tôi về khách sạn vì trời đang mưa. Và ông còn nói lần tới nếu có qua Vanuatu, hãy đến nghỉ ở khu Resort của ông mà ông sẽ hoàn thành trong vài tháng tới.

Chúng tôi ngồi nói chuyện khoảng gần hai tiếng bởi trong thời gian đó ông Thân phải trả lời nhiều cú điện thoại liên quan đến việc làm ăn hàng ngày của ông. Ông Thân nói tiếng Việt rất sành sỏi.

 

Từ lượm ve chai đến đại triệu phú…

Ông Đinh Văn Thân, năm nay 64 tuổi, sinh ra trong một gia đình có 14 người anh em gồm 8 trai  và 6 gái. Mất đi hai anh trai và một em trai, gia đình của ông còn lại 11 người.

Cha của ông Thân người gốc Nam Định, mẹ người gốc Hải Phòng. Năm 1931, ông cụ thân sinh của ông Đinh Văn Thân qua Vanuatu (khi ấy gọi là Tân Thế Giới – New Hebrides) theo diện “chân đăng”, tức làm phu mỏ và đồn điền cho người Pháp. Cụ mất năm 1985. Mẹ của ông còn sống, trên 90 tuổi.

Cha mẹ của ông Đinh Văn Thân

Là con của một gia đình phu chân đăng, học đường không phải là nơi dành cho những đứa trẻ như ông Thân.  Ông đi học từ năm 1955  nhưng đến năm 1961 thì bỏ học hẳn. Tiếng Việt mà ông có được là nhờ ông học trước năm 1955.

Người Pháp chẳng hứng thú hay quan tâm đến vấn đề giáo dục đối với con cái của những phu mỏ và đồn điền tuyển từ các nước thuộc địa sang Vanuatu. Vì thế, từ tuổi 13 ông đã bắt đầu đi kiếm việc làm. Ông làm đủ loại nghề, từ đi nhặt ve chai để bán  đến làm nghề lái taxi và sau đó nhảy qua nghề thợ nề.

Năm 1963 ông Thân làm việc trong ngành xây cất cho chính phủ ở đảo Tanna, hòn đảo ở phía nam thành phố Port Vila, nơi có ngọn núi lửa đang còn hoạt động và là địa điểm du lịch.  Năm 1963 cũng là năm mà nhiều người Việt ở Vanuatu nghe lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh lũ lượt hồi hương. Ông Thân làm việc cho người Pháp đến năm 1971 thì nhảy ra làm riêng, tức làm nghề xây cất và đến năm 1974 thì nghỉ và giao dịch vụ này lại cho hai người em.

Năm 1984, ông Đinh Văn Thân xoay qua lãnh vực hàng không, một ngành còn mới mẻ ở Vanuatu sau khi nước này mới giành độc lập. Ông Thân làm chủ 6 chiếc máy bay.  Đến năm 1987 khi công ty hàng không quốc gia Air Vanuatu ra đời thì ông ngưng hoạt động trong ngành này.

Sau khi rút lui khỏi ngành hàng không, ông Thân bước sang lãnh vực xây đường sá, một dịch vụ kinh doanh mua lại của người Pháp từ năm 1987. Dịch vụ làm đường sá còn tồn tại đến ngày nay vì hình như đó là nghề chính của ông. Bởi tôi thấy ông bận rộn với công việc này, nhất là cái văn phòng của ông lại tiếp giáp với một khu đất thật lớn trong đó chứa nhiều xe cày, xe cẩu, xe ủi đất,  máy xay đá và vật dụng để làm đường.  Bây giờ tôi mới giải thích cho nhà tôi tại sao cái văn phòng của ông Thân trông không sang trọng như các văn phòng dịch vụ hay tài chánh ở Úc.

Năm 1994, ông mua lại dịch vụ tàu thủy từ người anh ruột và hiện giờ ông Thân làm chủ bốn chiếc tàu. Chiếc tàu chở hàng Dinh I mà chúng tôi thấy đậu ngoài cảng Port Vila và có chụp hình là chiếc mà ông sang Việt Nam và nhờ công ty Việt Nam đóng vào năm 2000. Năm 2001 ông có về Việt Nam khoảng 10 đến 15 lần liên quan đến việc đặt làm tàu và nhận tàu. Công ty vận tải đường thủy hiện nay của ông có tên là Dinh Shipping.

Thấy ông làm chủ tàu thủy chở hàng đi các nước, tôi liên tưởng tới những tỉ phủ tàu thủy người Hy Lạp. Tôi hỏi ông Thân  “anh có phải là người giàu nhất Vanuatu không”, thì ông Thân chỉ cười.

Đại gia đình họ Đinh ở Port Vila

Tôi nói chuyện vui bên lề về việc người ta khen thịt bò Vanuatu ngon nhất thế giới nhưng tôi lại không cảm thấy như vậy sau hai lần ăn thì ông Thân nói có thể người ta không lựa cho miếng thịt tốt, chứ thịt bò ở đây ngon. Ông Thân nói ông nuôi bò từ năm 1970 và hiện nay làm chủ 1,500 hếcta đất trong đó nuôi đến 3,000 con bò thịt.

Hỏi chúng tôi hiện ở trọ tại đâu và nghe tôi nói ở Fatumaru Lodge, ông Thân nói lần sau qua Vanuatu hãy đến ở trong khu nghỉ mát Turtle Bay Lagoon mà ông sắp hoàn thành, cách trung tâm phố khoảng 15 cây số.

 

… đến làm thủ lãnh một chính đảng

Ngoài lãnh vực kinh doanh,  ông Đinh Văn Thân còn là một nhà chính trị.  Theo ông kể cho chúng tôi thì ông quen ông Walter Lini từ năm 1982. Walter Lini chính là thủ tướng của nước Vanuatu mà ông Nguyễn Hữu Chánh của “Chính Phủ Việt Nam Tự Do” trong cuộc phỏng vấn của tuần báo Việt Weekly ở Hoa Kỳ đã kể cho báo này câu chuyện ông qua Vanuatu thuê hòn đảo Santo cho người tị nạn tạm trú.

Ông Thân kể cho chúng tôi nghe về việc ông dấn thân vào con đường chính trị. Thời đó, Thủ tướng Walter Lini đề nghị ông Thân hãy lập ra một đảng đối lập để có tiếng nói trên chính trường. Và theo ông Thân, ông là một thành viên sáng lập đảng National United Party (NUP) ở  Cộng hòa Vanuatu, đảng hiện vẫn còn cầm quyền.

Nước Vanuatu nguyên có tên là New Hebrides nằm dưới chế độ công quản (condominium)  của hai ước Anh và Pháp. Ông Walter Lini là một linh mục Anh giáo nói tiếng Anh (anglophone), được bầu làm thủ tướng của New Hebrides từ năm 1979.

Đến năm 1980, các đảng phái  và người địa phương, đặc biệt là với sự đóng góp của người Thiên Chúa giáo như Giám mục Công giáo Michel Visi đã có lần nhận xét, Vanuatu trở thành một nước độc lập.  Đảng  NUP trở thành một trong những đảng lớn nhất.

Ông Walter Lini làm thủ tướng được 12 năm, từ năm 1979 đến năm 1991 thì bị lật đổ.

Khuynh hướng thiên tả của Linh mục Thủ tướng Walter Lini làm các quốc gia Tây phương bực bội. Tuy ông Walter Lini được xem là vị thủ tướng lập quốc, thời gian ông cầm quyền được xem là gây nhiều tranh luận. Cựu thủ tướng Walter Lini chết năm 1999.

Theo tin trên báo chí thì em ruột của ông Walter Lini là Ham Lini đã thay ông Đinh Văn Thân trong vai trò chủ tịch đảng (honorary president) có nghĩa là đã có một sự rạn nứt trong đảng National United Party.

Ông Thân không nói với chúng tôi về vấn đề rạn nứt đó, mà chỉ cho biết ông đã ngưng hoạt động chính trị từ năm 2002.  Nhưng ông nói đến năm 2004 thì ông lại ra một đảng mới  có tên là Vanuatu National Party (VNP).  Đảng VNP của ông Thân hiện nay là một trong các đảng đối lập và ông là chủ tịch của đảng này.

Chính phủ Vanatu hiện do ông Ham Lini làm thủ tướng, cầm quyền từ năm 2004. Ông Ham Lini là em ruột cố Thủ tướng Walter Lin. Ông Thân (một người dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính – francophone) cho chúng tôi hay rằng trong cuộc bầu cử tháng 9 sắp tới, đảng của ông hy vọng chiếm được 7 đến 8 ghế.

Hỏi ông có muốn làm thủ tướng không nếu đảng của ông thắng lớn hay liên minh với các đảng phái khác để lập chính phủ thì ông Thân chỉ lắc đầu cười.

Tôi nghĩ ông Thân chẳng bao giờ “dại” mà làm thủ tướng. Có lẽ ông Thân cũng đã biết trường hợp Thủ tướng gốc Ấn Độ Mahendra Chaudhry của đảo quốc Fiji bị nhóm người bản xứ ở Fiji đảo chánh bằng vũ lực cách đây khoảng tám năm vì họ không muốn người Ấn vừa nắm hầu bao vừa tóm quyền lực trong tay.

Ông Thân và các anh em của ông hiện đóng vai trò quan trọng trong nhiều lãnh vực ở nước Vanuatu. Tôi thấy gia đình họ Đinh làm chủ nhiều trung tâm buôn bán ở phố Port Vila. Người em Đinh Văn Hiếu (Dominique Dinh) của ông Thân cũng là một nhân vật có tiếng tăm ở Vanuatu.

Tôi nghĩ ông Thân không bao giờ muốn làm thủ tướng mà chỉ hoạt động chính trị để vận động hành lang. Nước Vanuatu nghèo và còn chậm tiến, chuyện tham nhũng không là chuyện lạ. Vì thế, ở xứ này, có tiền đôi khi còn có quyền hơn nắm chính quyền.

Một hôm, tôi hỏi một chủ đất người bản xứ rằng ông Thân có phải là người giàu nhất nước Vanuatu không, thì ông chủ đất này không trả lời thẳng mà chỉ cho rằng ông Thân là người có nhiều đất đai nhất ở Vanuatu, rằng ông Thân là một người thông minh, khôn ngoan.

Tôi có nhận xét ông Thân là người đã quá giàu  và nay đã 64 tuổi mà còn bận rộn suốt ngày, làm việc nhiều thì quả là có máu say mê việc, và kinh doanh chắc là lẽ sống của ông?  Một người quen kể với tôi bà cụ thân sinh của ông Thân có lần nói với ông Thân đại khái “Thân, mày làm đến chừng nào thì mới thấy đủ?”.

Nói đến đây tôi nhớ đến câu nói của tỉ phú truyền thông Úc-Mỹ  Rupert Murdoch khi người ta  thắc mắc về việc ông làm việc nhiều và thức quá khuya đến hai ba giờ sáng thì ông trả lời “sau này (khi đã chết), mặc sức mà ngủ”. Và hôm mừng sinh nhật thứ 99, người ta hỏi mẹ của ông Murdoch về bí quyết sống lâu và khỏe mạnh thì bà cụ nói rằng “làm việc thật nhiều và luôn có kế hoạch để làm thì sẽ giúp sống lâu”. Bà Elisabeth Murdoch vẫn còn hoạt động xã hội và nghệ thuật, là một trong những nhà mạnh thường quân nổi tiếng ở Úc.

Tác giả đang nói chuyện với ông Thân (trái)

Ông Đinh Văn Thân lập gia đình năm 18 tuổi. Ông có 6 người con gồm 5 gái và 1 trai nhưng người con trai chết từ nhỏ. Năm người con gái của ông hiện nay tuổi từ 33 đến 45 và tất cả đã có gia đình. Ông có 11 cháu ngoại. Hai đứa con gái của ông lấy chồng và sống ở Brisbane. Hai đứa cháu ngoại học ở Melbourne.  Ông Thân nói con cháu của ông không nói tiếng Việt thông thạo như ông, chỉ hiểu chứ không nói được nhiều. Ông Thân nói hoàn cảnh ở Vanuatu  với khoảng 150 người Việt Nam, khó lòng mở các lớp dạy tiếng Việt như ở một số cộng đồng Việt Nam hải ngoại khác.

Chúng tôi chưa gặp vợ của ông Thân, nhưng khi hỏi bà có giúp ông trong công việc không thì ông chỉ trả lời “Chị ở nhà, làm nội trợ”.

Ông Thân nói thỉnh thoảng ông qua thành phố Brisbane nghỉ mát và check-up “vì đến tuổi này cần phải theo dõi sức khỏe hàng năm”. Ông Thân nói hệ thống y tế ở Vanuatu chưa tốt lắm. Thật vậy,  khi tôi đang ở Vanuatu, có nghe chính phủ phải nhờ bác sĩ giám định y khoa từ  Tân Đảo (New Caledonia) sang để giúp điều tra hai vụ giết người cách nhau hai ngày trong đó một bà quốc tịch Úc là nạn nhân.

Và một trong những câu hỏi cuối cùng là ông có định về Việt Nam làm ăn, đầu tư không, ông Đinh Văn Thân lắc đầu nói ở Vanuatu còn nhiều việc làm chưa hết.

Còn 1 kỳ nữa: Vì chuyện làm ăn đầu tư không thể viết gọn trong một hai trang do đó người viết sẽ kéo dài thêm một kỳ nữa, để bạn đọc nào muốn làm ăn ở Vanuatu có thêm thông tin. Mời đón xem vào tuần tới.

Tu DINH I của ơng Đinh Văn Thn đậu ở cảng Port Vila