Tasmania có gì lạ?

27 Tháng Hai, 2008 | Úc châu

Thành phố lớn thứ ba của tiểu bang là Devonport, cũng nằm ở phía bắc Tasmania, cách thành phố Launceston chừng 70 cây số tính theo đường chim bay. Từ  Devonport đến Hobart khoảng cách chừng 200 cây số đường chim bay và đường bộ dài khoảng 240 cây số. Nghe nói lái xe từ cảng Devonport đến Hobart mất hơn 3 tiếng đồng hồ. 

 

Thụy Văn tôi là người lười lái xe, mới chỉ đủ sức tự lái xe từ Melbourne đi Philip Island  nên đã không lái xe đến Hobart để xem thủ phủ của tiểu bang Tasmania đẹp như thế nào.  Và dĩ nhiên đã không đi thăm khu di tích lịch sử nổi tiếng (cả nổi tiếng với vụ thảm sát năm 1996) Port Arthur nằm trên bán đảo Tasman, cách Hobart chừng 50 cây số  về phía đông nam theo đường chim bay.

 

Không đi thì chẳng có kinh nghiệm gì để hầu bạn đọc (ngoại trừ sưu tầm tài liệu trong sách báo) nên Thụy Văn tôi chỉ kể những gì mắt thấy và đã trải qua trong chuyến nghỉ mát ở Devonport, thành phố dừng bến của ba chiếc “du thuyền” Spirit of Tasmania I, II và III.

 

Giống như  trước đây trong những  bài viết nói về “đi Queensland”, Thụy Văn tôi chỉ kể hầu bạn đọc về thành phố Gold Coast nơi Thụy Văn và gia đình nghỉ mát và du hí nhiều lần, và nói sơ về Brisbane và Sunshine Coast. Nhưng tiểu bang rộng lớn Queensland đâu chỉ có ngần ấy địa danh nổi tiếng?

 

Đến đảo bang trái táo, tàu Spirit of Tasmania sẽ đậu trong sông Mersey nhưng ở phía East Devonport. Bạn có thể dùng tàu đò (phà)  để qua trung tâm phố (CBD). Sông đoạn này rộng chừng 300 mét mà thôi nên các chiếc Spirit of Tasmania thường phải chạy vào sâu gần một cây số ở đoạn rộng gấp đôi để quay đầu trở ra biển khi đi Melbourne hay Sydney.

 

Mỏm đá ở bãi biển Mersey Bluff với di tích của núi lửa ngày xưa

Vì Thụy Văn tôi dùng xe nên buộc phải lái tới cầu Victoria Bridge, rồi quẹo phải để qua phía trung tâm thành phố trong một đoạn đường dài khoảng 4 cây số. Từ trung tâm phố tới nhà trọ Mersey Bluff Lodge  ở số 270 William Street  gần bờ biển, đoạn đường dài khoảng 2 cây số. Cũng cho bạn đọc hay khi rời tàu, bạn phải lái xe ra cổng kiểm dịch. Nhân viên kiểm dịch sẽ đòi bạn mở nắp xe để dò xét. Nếu bạn có mang theo trái cây thì sẽ bị tịch thu.

 

Để bạn đọc khỏi ngạc nhiên, xin nói rõ thành phố Devonport rất nhỏ.  Bề rộng từ sông Mersey River đến sông Don River ở phía tây khoảng 3 cây số, và từ  bờ biển phía bắc (gần nhà trọ Mersey Bluff Lodge) đến quốc lộ Bass Highway ở phía nam dài  khoảng 4 cây số nên Thụy Văn tôi ước chừng thành phố này lớn cỡ thành phố Richmond hay cao tay lắm bằng Richmond cộng với Abbotsford.

 

Dân số Devonport  khoảng 25,000 ngàn người. Hội đồng thành phố Devonport bao trùm một diện tích chỉ 116 cây số vuông nhưng lại là nơi sản xuất trên 40% số thu hoạch rau đậu của cả tiểu bang.

 

Bạn sẽ hỏi Thụy Văn  đời sống ở đấy có đắt đỏ không. Thưa, cũng như ở Melbourne mà thôi. Rượu bia, thức ăn ở các nhà hàng cũng rứa. Nhưng ra vẻ đời sống của người dân ở đây thoải mái, rất tà tà.  Cũng từa tựa như ngày nào bạn chân ướt chân ráo từ trại tị nạn Singapore đến lục địa này thấy sao nước Úc toàn là đồng hoang, chẳng có nhà cửa, ít người và không nhộn nhịp như  ở Sàigòn hay Singapore. Nhưng đó là cảm giác hay ấn tượng đầu tiên.  Sống lâu rồi hẳn biết.

 

Nằm ở sát biển, nên dĩ nhiên cảnh Devonport đẹp. Một thành phố nho nhỏ “đi dăm bước đã trở về chốn cũ”, thật yên tĩnh với đường sá  ít xe cộ, phố xá không cao, nhà cửa không bự.  Vì đất rộng dân thưa, nên  nhà cửa dù có view nhìn ra biển, cũng nằm cách xa mặt nước cả cây số.

 

Thụy Văn tôi méo mó nghề nghiệp, dán mắt vào những bảng quảng cáo ở vài văn phòng địa ốc thấy trung bình một căn nhà gỗ (hay gạch veneer) ba phòng ngủ khoảng  từ  $200,000 đến $250,000 trên miếng đất  rộng từ một phần sáu đến một phần tư mẫu tây.

 

Như thế thì rẻ đắt  “tùy người đối diện”, tùy sở thích, hoàn cảnh và túi tiền.  Trong lúc hiện nay nghe nói muốn mua một căn nhà ở Philip Island (khu Cowe) nhìn ngay mặt biển trong túi phải có trên $1 triệu (cách đây khoảng 3 năm, Thụy Văn tôi thấy một căn nhà gỗ 3 phòng ngủ ở khu Rhye nằm trên đường cái nhìn thẳng ra biển được rao sale với giá $650,000),  bạn có thể mua một căn nghỉ mát ở Devonport, cuối tuần mang xe hơi lên “du thuyền” Spirit of Tasmania đánh một giấc sáng sớm là đã có mặt ở thành phố biển Devonport hưởng hai ngày cuối tuần  để sáng Thứ Hai  lại có mặt ở Port Melbourne bắt đầu một tuần lễ làm việc khác.

 

Nhưng có người (như Thụy Văn tôi đây)  lại quan niệm không cần hay không nên mua nhà nghỉ mát dù ở biển hay ở núi, vì mình sẽ chết dí tại một chỗ (kẻo tiếc của) trong khi có thể chọn hay thay đổi địa điểm nghỉ mát mới, khung cảnh mới nếu mình thuê chỗ trọ, khỏi nhức đầu nhức óc vì chuyện vừa mua nhà đầu tư vừa nghỉ mát.

 

Trở lại chuyện du ngoạn ngắm cảnh thành phố Devonport. Trước hết nên viếng  ngọn hải đăng Bluff Lighthouse, nằm ở trên đồi cao sát biển, được xây vào năm 1889 với ngọn đèn soi đường cho tàu bè ở xa từ 27 cây số.

 

Khu này cũng ở gần nhà trọ của Thụy Văn tôi, nên có thể đi bộ. Dọc bờ biển dài hơn một cây số, bạn có thể lội nước hay trèo trên những dốc đá hình thành bởi núi lửa hoạt động từ thời xa xưa.  Khung cảnh giống Hòn Chồng ở Nha Trang. 

 

Hãy ngồi xuống vọc nước biển  thở không khí trong lành ngắm mây trời,  nhớ lại chuyến vượt biên ngày trước hay thả bộ trên bãi biển Bluff Beach này, từ ngọn hải đăng đến khu chèo thuyền nơi có nhà hàng và khu picnic dành cho công chúng.

 

Trên đường đi, nếu bạn thích đá cuội cũng có thể lượm một mớ đá có những viên lớn bằng nắm tay mang về làm kỷ niệm hay bỏ trong chậu cá kiểng cho đẹp mắt.

Muốn  tìm hiểu các chỗ du ngoạn hay các trò tiêu khiển, bạn có thể xin các tập chỉ dẫn trong khách sạn hay nhà trọ. Hoặc bạn đến trung tâm du lịch có tên Tasmania Travel & Information Centre nằm ở số 92 Formby Road cạnh  bờ sông Mersey, đối diện với các bến tàu của Spirit of Tasmania.

 

Trung tâm du lịch này hình như là của Hội đồng Thành phố Devonport. Ngoài cung cấp nhiều tập hướng dẫn, họ còn book vé cho những chuyến đi du ngoạn vài giờ hay suốt cả ngày, từ đi câu cá, bắt tôm hùm bằng thuyền, dạo sông ngắm biển đến đi lội rừng ban đêm (night safari), cỡi ngựa v.v…

 

Bạn  cũng có thể dùng các tờ hướng dẫn đó để book trực tiếp với những người hay công ty tổ chức. Có khối chỗ và khối mục để bạn du hí, vấn đề là khả năng tài chánh và thì giờ.

 

Vì có mang theo xe hơi, Thụy Văn tôi tự lái xe đến những nơi mình muốn ngắm cảnh hay vui chơi, không bị lệ thuộc, gò bó  theo lối đi tour. Chẳng hạn con cái thích lái xe đua (Kart), bạn hãy đưa chúng đến vùng LaTrobe, cách trung tâm thành phố chừng 15 cây số.  Tại sao phải mất công lái xe đi xa như vậy? Thưa, để con cái và mình vui chơi và cũng là dịp để ngắm cảnh một tiểu bang được xem là nơi có nhiều rừng núi và cảnh thiên nhiên được bảo vệ rất kỹ.

 

Càng đi xa thành phố Devonport thì mới nghiệm danh tiếng tiểu bang nơi có kỹ nghệ đốn cây nuôi sống nhiều người, là nơi mà giới công nhân đã hoan hô ông Howard như người hùng của họ trong cuộc tuyển cử vừa qua bởi vì ông Latham đã về hùa với phe Đảng Xanh đòi dẹp kỹ nghệ đốn cây để bảo vệ môi sinh. 

 

Rừng ở Tasmania có nhiều cây cổ thụ và nhiều cây cao vút dọc hay bên đường. Có núi Cradle Mountain nổi tiếng cách Devonport chừng 50 cây số về phía nam, một loại  cao nguyên Lâm Viên  để cho những ai thích mạo hiểm tới vui chơi với núi cao, thác, hồ, công viên quốc gia v.v…  là khu được liệt vào  hàng tài nguyên bảo vệ của thế giới.  Nhưng Thụy Văn tôi đã không tới được vì không có đủ thì giờ trong chuyến du lịch ngắn ngủi vào mùa xuân năm ngoái.

 

Tuy nhiên, cũng trong chuyến đi về hướng nam dọc quốc lộ 1 (đường đi thủ phủ Hobart),  chúng tôi đã có một buổi cỡi ngựa trong vùng Kimberley cách thành phố Devonport khoảng 40 cây số.

 

Book qua trung tâm du lịch Tasmanian Travel & Information, bạn phải trả tiền trước, giá $79 cho một người cỡi ngựa trong 3 tiếng đồng hồ, kể cả trẻ con. Đó là giá cả không tính di chuyển bằng xe (nếu đi nhóm, đi tour).

 

Tờ quảng cáo bươm bướm viết:

Cradle Country Adventure: Với đủ thứ để bạn mạo hiểm, chúng tôi hướng dẫn bạn qua những con đường mòn nằm trong rừng núi tự nhiên, những đồn điền trồng cây khuynh diệp, những con sông nước trong vắt nơi có loài rái mỏ vịt (platypus) và cá hồi sinh sống, chúng tôi sẽ đưa bạn ngắm cảnh dãy Great Western Tiers và núi Mt Roland. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ vui hưởng cảnh đồng quê với những con ngựa của chúng tôi mà chúng tôi dám đề nghị “no fun, no fees guarantee”.  Chúng tôi có những chuyến cỡi ngựa cho những tay cỡi nghựa kinh nghiệm, cho cả những người mới bắt đầu, có những chuyến cỡi ngựa ban đêm và nếu bạn thật sự muốn hưởng một đêm trong nông trại thì có những phòng cắt lông cừu cho bạn ở để tận hưởng hương vị đồng quê Úc.

Nghe có hấp dẫn không nào?

 

Thế là chúng tôi lái xe đến điểm hẹn tại trạm chữa lửa ở một vùng quê hẻo lánh. Cầm bản đồ (giá vài đô) mua ở tiệm sách, Thụy Văn tôi

Chuẩn bị cỡi ngựa ở vùng Kimberley

 cảm thấy không được tự tin cho lắm, vì cái bản đồ chỉ chung chung chứ không rõ ràng như  tập sách Melway. Còn cái bản đồ lớn bằng tờ giấy học trò mà trung tâm du lịch cho lại vẽ theo kiểu áng chừng, khác với bản đồ của cả tiểu bang và vùng Devonport mà Thụy Văn tôi mua ở tiệm sách. 

 

Không quen lái xe đi xa hay xuyên bang, nhưng Thụy Văn tôi vẫn tự tin  lái xe tới điểm hẹn nhờ xe của Thụy Văn tôi có bản đồ định vị (Navigation hay GPS, tức Global Positioning System).  Kết hợp bản đồ định vị gắn sẵn trên xe hơi và bản đồ của trung tâm du lịch, Thụy Văn tôi đến địa điểm sớm,  phải chờ hơn nửa giờ đợi người từ trong nông trại ra đón.

 

Đúng là cảnh đồng quê, chẳng có người ngợm gì, thỉnh thoảng có chiếc xe chạy ngang trên hương lộ.

 

Người ra hướng dẫn chúng tôi lên trại  là một người đàn ông khỏe mạnh, đi xe 4WD.  Đến lúc này Thụy Văn tôi mới thấy lợi ích và sự hữu dụng của xe 4WD.  Đường vào nông trại nhiều dốc và gồ ghề, phảng phất mùi cỏ và phân ngựa, bò, cừu  giữa núi đồi mênh mông. 

 

Tôi tưởng tượng đây là những đồi cù Đà Lạt, chỉ có khác biệt là không có những  vila  kiểu tây mà chỉ là những cái kho chứa đồ, những cái chái để súc  vật  trú qua đêm hay khi trời mưa. Giữa cảnh tịch mịch đó, một chiếc trực thăng bên kia đồi đang bón phân bằng cách xịt xuống cây cối bên dưới.

 

Toán hai gia đình chúng tôi gồm người lớn và con cháu, có đứa mới 8 tuổi  mà cũng đòi cỡi ngựa.

 

Sau thủ tục ký giấy tờ chấp nhận rủi ro, họ bỏ ra chừng mười phút dạy chúng tôi bài học vỡ lòng về cách ngồi trên ngựa, điều khiển chúng và giới thiệu tên từng con ngựa. Ông chủ trại ngựa  có 2 bà phụ tá dáng dấp rất nông dân.  Họ dẫn chúng tôi đi qua  những cánh đồng,  trèo lên những con đường mòn hiểm trở với đá sỏi, khi lên dốc, lúc xuống đồi, qua những đoạn đất sình do những cơn mưa ngày trước.

 

Tôi khá hồi hộp, không những lo sợ cho các cháu nhỏ mà còn cho chính bản thân mình một khi con ngựa nổi hứng phi nước đại chạy ra khỏi hàng mà mình chưa quen kìm dây cương. Thích và sợ lẫn lộn.  Chỉ sợ niềm vui bị mất vì lỡ có tai nạn.

 

Mỗi ông bà nông dân có nhiệm vụ lo và hướng dẫn cho 3 du khách, nhưng cũng có lúc ngựa chạy lung tung trong rừng khiến có lúc cầu cứu  không kịp. Ông chủ ngựa hướng dẫn rất vui tính nhưng cũng có lúc ông bẳn tính văng tục với hai bà phụ tá vì người ngựa lung tung, khiến một mình ông phải bao dàn.  Bởi vì trong khi hai bà đều cỡi ngựa, ông lại đi bộ để tiếp tay với du khách khi cần. Ông phải đi tắt nhiều đoạn để kịp với đoàn ngựa.

 

Đến một ngọn suối lớn, hình như là thượng nguồn dòng sông Mersey, chúng tôi được nghỉ ngơi và cho ăn  ít bánh ngọt. Uống thì sao?  Ông nông gia lấy bi-đông múc ngay nước dưới sông uống ừng ực và nói rằng nước sông ở đây bảo đảm còn sạch hơn cả nước phông-ten ở Melbourne!

 

Chuyến đi về, Thụy Văn tôi và những người trong nhóm tự tin hơn, dù đứa nhỏ nhất trong nhóm bị té ngựa hai lần nhưng không hề gì. Chuyến cỡi ngựa dạo rừng núi kéo dài mấy tiếng đồng hồ làm hầu hết mọi ngựa ê mông. Riêng Thụy Văn tôi thì ê chân bởi vì để cho sức nặng tụ trên hai chân khi đạp vào móc bàn đạp.

 

Mặc dù có nhiều lần chơi trò cỡi ngựa nhưng đây là lần đầu tiên Thụy Văn tôi cảm thấy thích thú, vì một mình tự điều khiển ngựa (cho ngựa chạy, bắt đứng lại) và được dạo trong một khung cảnh tuyệt đẹp của tiểu bang được tiếng là có nhiều cảnh đẹp.

 

Devonport là thành phố nghỉ ngơi, thành phố của giới nông dân. Người Á Châu ở đây rất hiếm. Thụy Văn tôi chỉ thấy có một nhà hàng

 

 người Hoa, giá cả phải chăng. Trong những ngày sống trong thành phố, đi chợ, sắm sửa chúng tôi gặp nhiều người già. Người trong thành phố lái xe khá chậm, khiến người lái xe chậm như Thụy văn tôi cũng phải rên tại sao người ta lái chậm như thế.

 

Nhưng chính  vì coi thường sự lái xe chậm của dân Devonport mà ngày trở về Melbourne, chỉ còn khoảng hơn một giờ trước khi lái xe lên tàu, Thụy Văn tôi đã bị xe đụng. Oái ăm thay, người lái xe chậm là Thụy Văn tôi với tốc độ khoảng 5 cây số giờ để ngắm cảnh khi trời đã nhá nhem tối. Lý do: không nhường bên phải ở chỗ give way.

 

Người lái xe đụng Thụy Văn tôi không phải là một cụ già mà là một chàng thanh niên ngoài 20 tuổi chở mấy thanh niên nam nữ cùng lứa tuổi. Anh ta chạy khá nhanh nên đã không tránh kịp chiếc xe của tôi đang  “vô tư” từ từ  tiến ra ngã tư.

 

May mà xe của tôi chỉ bị dập đầu, mọi người trong cả hai xe đều vô sự. Hú hồn vì cứ    y  dân Devonport lái xe như rùa chứ không vù vù như dân  Sydney.

 

Tai nạn vào phút chót có làm cho tôi hơi bực mình vì người ta không chịu giải quyết giữa hai người với nhau bằng cách trao đổi giấy tờ mà nhất định gọi và chờ cảnh sát tới lập biên bản, rất mất thì giờ (còn mất điểm và bị phạt tiền nữa). Nhưng rồi cũng kịp kéo xe lên tàu để trở về Melbourne đúng ngày giờ. 

 

Mấy chục năm lái xe “kinh nghiệm” để bị tai nạn một cách lãng nhách. Nhưng may mắn là mọi người được bình yên. Chuyến đi Tasmania, vì thế,  quả là đáng nhớ.

(Tháng 9/2005)