Từ phố Tàu tới Viện Bảo tàng Hàng hải: cảm hứng từ một chuyến đi Sydney vào mùa Đông

18 Tháng Hai, 2008 | Úc châu

Nếu bạn tới Melbourne, sau khi đã tham quan khu phố thuộc trung tâm thành phố mà người Úc gọi là CBD (Central Business District), mà còn muốn đi thăm thêm khu Chinatown ở đường Little Bourke –và nếu coi đường Swanston là con đường chính để khởi hành–  bạn đã ở sát khu phố tàu Melbourne rồi đấy.

 

Nhưng nếu đến  Sydney, và đang ở trong CBD, ta có thể coi con đường đi bộ Martin Place là con đường chính của thành phố này. Tại sao?

 

Con đường đi bộ này dài khoảng năm, sáu trăm mét, chạy từ đường George Street tới Macquarie Street, đụng với Bệnh viện Sydney và Quốc hội NSW nằm bên cạnh.  Martin Place là nơi có hội hè, trình diễn thời trang và cũng là nơi mà người Việt đã có lần tụ họp để đi biểu tình chống văn hóa cộng sản (bởi biểu tình ở Cabramatta hay Bankstown thì chẳng ai biết). Đài truyền hình số 7 cũng nằm trên con đường đi bộ này.

 

Nhưng khác với Melbourne, từ  Martin Place đến khu Chinatown mất khoảng 2 cây số, gần bằng ta đi từ trung tâm Melbourne đến khu phố Việt Nam ở Richmond. Đi xe taxi mất khoảng 8 đô la; đi bộ mất tối đa 30 phút. Lý do phải đi lâu là vì đường nhiều đèn xanh đèn đỏ và phải tránh khách bộ hành. Nên nhớ, dân số thành phố Sydney đông hơn Melbourne cả triệu người và dù thành phố có rộng hơn, nhưng đường sá Sydney quá hẹp nên đi mà phải lách, tránh nhau là cũng đã chậm mất rồi.

 

Đến Dixon Street là đến phố Tàu

 

Thụy Văn đã từng nhờ người sống ở Sydney dẫn đi ăn cơm phố Tàu, nhưng họ phải mất nhiều giờ chạy vòng quanh mới tìm được (biết chỗ để đến nhưng không biết tên đường).

 

Hỏi nhân viên khách sạn thì họ cũng ú ớ hay chỉ tên đường sai. Có lần kêu taxi bảo bác tài (là người có nét mặt người Á Châu)  lái xe tới cái nơi mà thiên hạ ngồi ăn tràn ra ngoài đường, nơi chỉ dành cho khách bộ hành (mall)  và trước lối vào có cái cổng trông rất bắt mắt, nhưng rồi các ông tài xế cũng chỉ thả Thụy Văn tôi  trong khu phố Tàu trên con đường Sussex Street,  chứ không tìm ra con đường ăn uống lấn ra vỉa hè đó.

 

Cổng tam quan ở khu Chinatown, Sydney

 

Lần đi ăn phố Tàu cách đây vài tháng, Thụy Văn tôi nhất định phải hỏi cho ra cái tên con đường độc đáo này để có thể mách với bạn đọc. Lấy bản đồ xem và hỏi cô tiếp viên thì tôi được xác nhận đây là con đường mang tên Dixon Street. Con đường lát gạch có nhiều bóng cây với quán sá hai bên đường này dài khoảng 250 mét và nằm giữa đường Goulburn Street và Hay Street.

 

Chinatown  không phải chỉ nằm trên con đường  Dixnon Street mà thôi. So với Melbourne, Chinatown có vẻ lớn gấp vài lần, với nhiều con đường chằng chịt nhau. Bởi vậy, trên bản đồ, người ta ghi Chinatown  như  Melway ghi Richmond, East Melbourne vậy.

 

Như vừa nói, có một lần  anh taxi chở tôi đến đường Sussex Street thả xuống, nói đây là con đường có nhiều quán  ăn ngon của người Hoa. Anh ta chỉ vào tiệm Golden Sea Food. Tiệm khá sang trọng nhưng khách khứa tấp nập, dù đó là ngày thường.  Nếu đi đông và không đặt trước, có thể không còn chỗ ngồi. 

 

Giá thức ăn xem cũng vừa phải so với các nhà hàng khác, nhưng một chai rượu vang đỏ như  Wynn  Coonawarra Cabernet Sauvignon giá khoảng $25 (Dan Murphy khi hạ giá dưới $20) thì ở đây giá đến gần $60.  Phải chấp nhận thôi, bởi vì như  Thụy Văn tôi đã nói trong các loạt bài về rượu vang, giá một chai rượu trong các tiệm ăn full licence đắt từ gấp hai đến gấp ba một chai rượu mua ở cửa tiệm bottle shop. Các tiệm ăn phải chém như vậy mới đủ tiền trả các chi phí liên hệ và có lời. Vì thế,  uống rượu ở các nhà hàng có giấy phép bán rượu là để lấy hương lấy hoa, có chút cồn cho ấm người chứ không thể  uống cho đã được, lại càng không thể uống rượu ngon hay quá ngon.

 

Ngược lại, nếu muốn chén chú chén anh, bạn nên vào nhà hàng  BYO, và nếu cần, cẩn thận hỏi chủ quán có lấy tiền corkage (công khui rượu) vì nghe nói có nơi chém cả $100 một chai! Ở các quán Việt Nam tại Melbourne, có nơi không lấy xu nào và cũng có nơi tính vài ba đô la.

 

Nhà hàng Golden Sea Food cách khu  ăn  uống lộ thiên một con đường, khoảng 100 mét. Nhưng  ăn ở khu Dixon Street này mới vui vì nhộn nhịp như các khu ăn uống ở Chợ Lớn, ở Singapore, Hồng Kông  hay khu Quartier Latin bên Pháp. Bạn sẽ bị cuốn hút vào rừng người đi lại, ngồi ăn uống tràn lan với những cô tiếp viên chận bạn lại để mời mọc với những thực đơn hay đề nghị hấp dẫn.

 

Tại đây, bạn có thể ăn những  phần ăn bình dân từ  $8 với một lon bia $5. Dễ thở đối với một du khách nhỉ? Khu phố Tàu ăn lộ thiên  Dixon Street  cũng có một cái cổng chào “tam quan” như  khu người Việt ở Cabramatta,  nhưng sinh hoạt dĩ nhiên là nhộn nhịp hơn. Cũng có những trò vẽ vời hay cắt hình chớp nhoáng giá vài đô la, bắt chước sinh hoạt nghệ thuật như ở khu nghệ sĩ Montmatre bên Pháp. Người Hoa có thể tự hào là họ có một khu phố riêng với nét văn hóa đặc biệt, thu hút người bản xứ và du khách ngoại quốc.

 

Tối Thứ Sáu tuần qua, Thụy Văn tôi có dịp trở lại con đường Dixon Street và thấy rằng dù trời mưa lâm râm và khá lạnh, con đường này vẫn có đông khách ăn uống. Đặc biệt, người ta còn dựng những dãy bàn giữa lòng đường và đầu hai cổng chào để bán giày dép, áo jacket, đồ trang sức, quần áo với những cái áo đại hạ giá chỉ có $2 đô (ngày cuối năm tài chánh 30.6.06).

 

 

Darling Harbour không chỉ có ăn uống

 

Ăn uống no nê, bạn muốn đi tham quan các di tích lịch sử?  Như khu bảo tàng viện hàng hải National Maritime Museum? Đã lên Sydney mà không đi tới hay đem con cái đến khu bảo tàng này là một điều thiếu sót.

 

Nếu  biết dùng xe lửa, xe bus  hay đi taxi thì không nói gì, nhưng nếu đi bộ  hơn  2 cây số để sống thọ và ngắm cảnh, bạn có thể dùng đường Sussex đi một mạch đụng đường Market Street và quẹo trái, thì sẽ tới cây cầu đi bộ nổi tiếng và thơ mộng Pyrmont Bridge  và bảo tàng viện nằm dưới chân cầu bên kia cảng Darling Harbour(*).

 

 Darling Harbour, nơi ăn uống nhộn nhịp về đêm, nhìn từ  khu Convention Centre

Nhưng bạn cũng có thể dùng lối khác bằng cách ra đầu đường Hay Street hay Pier Street  quẹo qua đường Darling Drive hay đường Harbour Street để tới đích. Dùng con đường này, bạn sẽ đi qua các khu nổi tiếng như  khu chơi văn nghệ Sydney Entertainment Centre,  Chinese Garden (vé vào cửa vườn hoa nho nhỏ triển lãm các loại bônsai là $6), công viên xinh đẹp Tumbalong Park hay  trung tâm triển lãm Exhibition Centre,  trung tâm hội nghị Convention Centre. Đó chính là những cái mốc (landmark) của Sydney đấy  như ở Melbourne ta đi xem Exhibition Building (nơi họp quốc hội liên bang đầu tiên), Melbourne Exhibition Centre,  Crown Casino Complex…

 

Từ  Sydney Entertaiment Centre đến chân cầu đi bộ Pyrmont là một đoạn đường và không gian rộng dài khoảng 2 cây số được lót bằng những viên gạch (brick) màu đỏ-gạch đẹp mắt và rất nghệ thuật. Bạn sẽ bắt gặp những hồ phun nước và các dãy đèn trụ rực sáng về đêm. Cả là một công trình tốn kém và Sydney đáng để du khách đến chiêm ngưỡng vài giải trí trong khu Darling Harbour, thế giới vui chơi về đêm.

 

Qua khỏi Convention Centre và rạp xinê màn ảnh rộng IMAX Theatre, bạn  sẽ thấy cái vịnh nhỏ nên thơ Cockle Bay  với các con đường đi bộ và quán ăn ở hai bên với một sân khấu nổi (trên chiếc phà) và những dãy ghế dành cho khách tứ phương ngồi xem (Thụy Văn tôi chỉ thấy sân khấu nổi này lần đến  Darling Harbour vào cuối tuần rồi, bởi vì hình như có Chương trình Văn nghệ Mùa đông).

 

Bây giờ hãy tưởng tượng bạn  đang ở Melbourne, đi tới Telstra Dome và hai bên là các con đường đi dạo với quán  ăn và các cao ốc nằm trên khu  New Quay ở bên phải và dãi đất Victoria Harbour nằm ở bên trái. Cầu  Pyrmont Bridge cũng nằm ở tư  thế từa tựa như  cầu Bolte Bridge, chỉ khác một nơi dành cho người đi bộ và một nơi dành cho xe hơi.

 

Báo The Age tuần qua viết một loạt phóng sự về khu tân lập Docklands để nghe lời khen chê từ mọi phía mà trong đó có một chủ tiệm siêu thị nhỏ cho rằng trong vòng khoảng 15 năm tới, khu cảng Docklands sẽ bằng hay có khi còn hơn cả khu  cảng Darling Harbour ở Sydney. Khi nói như vậy, người ta đã muốn so sánh thành phố sông với thành phố biển bởi có những điểm giống nhau.

 

Bạn đã tới chân cầu  Pyrmont Bridge!  Nếu đứng ở bên phải, bạn sẽ gặp Sydney Aquarium,  có lẽ cũng giống như Melbourne Aquarium mà Thụy Văn tôi đã tới nhiều lần (do đưa bạn bè đi tham quan). Nhưng nếu tới chân cầu bên trái, bạn sẽ gặp khu bảo tàng hàng hải. Tới luôn, bởi không đi xem là điều thiếu sót, nhất là có dịp quan sát tận mắt ba chiếc tàu–  một là chiếc thuyền buồm của Thuyền trưởng James Cook đã lái cách đấy vài trăm năm; một là chiếc chiến hạm của Úc từng tham chiến ở Việt Nam, và nhất là chiếc tiềm thủy đĩnh Úc đã dùng sau Đệ Nhị Thế Chiến. Bạn đã có bao giờ xuống tàu ngầm để xem làm thế nào mà người ta có thể sống lâu ngày dưới nước sâu được chưa?

 

Vào xem viện bảo tàng National Maritime Museum không phải trả tiền, chỉ cho tùy hỉ (donation). Mở cửa mỗi ngày từ 9.30am đến 5pm.

 

Nhưng lên tàu xem phải trả tiền. Vé xem hai tàu chiến và tàu ngầm của hải quân tổng cộng  $18 cho người lớn và $9 cho trẻ em và người được tương nhượng (concession); vé xem tàu buồm Endeavour là $15 cho người lớn, $8 cho trẻ con và người được tương nhượng.  Nhưng nếu mua vé đi xem cả ba chiếc tàu thì rẻ hơn, $30 cho người lớn và $16 cho trẻ con. Trường hợp đi cả gia đình (family) thì vé đi xem cả 3 chiếc tàu là $65.

 

Muốn xem cho đầy đủ, đến nơi đến chốn, có lẽ nên bỏ ra tối thiểu nửa ngày để tự đi xem, tìm hiểu, và được hướng dẫn.

 

Bạn  đã có bao giờ đặt chân lên một chiếc chiến hạm chưa? Khu trục hạm HMAS Vampire  được đóng ở Úc vào năm 1956 tại công xưởng Cockatoo Island Dockyard ở Sydney. Tàu dài 118 mét với bề ngang rộng nhất là 13 mét. Với trọng tải gần 4,000 tấn,  tàu có sức chứa đoàn thủy thủy đến 300 người với tốc lực chạy tới 30 hải lý một giờ.

 

Thụy Văn tôi chưa bao giờ bước lên một chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và không biết những chiến hạm như  Trần Hưng Đạo lớn cỡ nào, súng ống to ra sao, nhưng 3 khẩu  đại-bác-đôi 114 ly dựng trên khu trục hạm Vampire coi thật dễ nể. 

 

Theo  Sao Biển Đệ Nhị Hải Sư , tác giả cuốn Hạm Đội Hải Quân Lực VNCH (sách có bán tại Hồng Anh Thư Xã) thì chiếc khu trục hạm Trần Hưng Đạo HQ1 chính là chiếc soái hạm của Hải Quân VNCH. Đây là chiếc tàu của Mỹ, được hạ thủy vào năm 1943 thời Đệ II Thế chiến, nhưng Mỹ giao lại cho Hải Quân VNCH vào đầu năm 1971. (Hải Quân VNCH có 2 chiếc khu trục hạm. Chiếc thứ hai của Hải Quân VNCH là chiếc Trần Khánh Dư  HQ4 cũng to bằng chiếc Trần Hưng Đạo, được hạ thủy và giao cho VNCH cùng năm).

 

Khu trục hạm HQ1 dài 93 mét, rộng 11 mét, trọng tải 1850 tấn, vận tốc 21 hải lý một giờ. Chiếc tàu chiến lớn nhất của VNCH thời đó chỉ có hai khẩu đại bác 76 ly. Bởi vậy, khi Thụy Văn tôi nói mấy khẩu súng đại bác trên tàu chiến Vampire Úc đã cho về vườn (decommissioned)  dễ nể là thế. Lên khu trục hạm Vampire  mới thấy rằng thời đó hải quân Úc phải sống chen chúc trên chiếc tàu chiến này, vì dù có nhiều phòng nhưng không được thoải mái cho lắm bởi mọi không gian có được đều dành cho các khẩu trọng pháo khổng lồ, các khẩu súng 40 và 60 ly cùng với súng phóng ngư  lôi và hệ thống truyền tin.

 

Ngày nay, tàu chiến do Úc đóng là những chiếc khu trục hạm nhỏ (frigate), di động dễ dàng nhưng lại có hỏa lực cực mạnh và tối tân, là những dàn phóng hỏa tiễn được hướng dẫn bằng radar. Khu trục hạm này từng hỗ trợ cho quân đội Úc tham chiến tại Việt Nam.

 

Hải quân VNCH thời đó được liệt vào hạng hùng mạnh thứ  6 trên thế giới, nhưng đã không được Hoa Kỳ giao cho chiếc tàu ngầm nào. Bởi vậy, Thụy Văn tôi nghĩ cũng có ít người thời đó được tham quan một chiếc tiềm thủy đĩnh để xem tàu ngầm khác tàu nổi như thế nào.

 

Thì đây, chiếc HMAS Onslow  về hưu đang đậu ở Darling Harbour, cặp sát HMAS Vampire, đang chờ đón bạn tới xem.

 

HMAS Onslow thuộc loại tàu ngầm Oberon-Class, được đóng tại Tô Cách Lan và hạ thủy cuối năm 1968. Tàu ngầm này dài 90 mét, bề ngang chỗ rộng nhất là 8 mét với trọng tải trên 2,000 tấn và tốc lực 15 hải lý một giờ, khả năng lặn của tàu ngầm này là từ 100 đến 200 mét (và hình như có thể ở lâu dưới nước 3 ngày?).

 

Với thủy thủy đoàn gồm 10 sĩ quan và 58 binh sĩ, lại trang bị nhiều súng phóng ngư lôi (chứa 26 trái), hỏa tiễn nên bạn sẽ thấy rằng cuộc sống dưới tàu ngầm thật khổ sở vì quá chật chội, gò bó, chẳng khác nào cảnh sống trong các chiếc thuyền của người tị nạn vượt biên. Không tin thì bạn cứ xuống tàu ngầm Onslow quan sát để biết làm sao người ta có thể sống như thế khi tiềm  thủy đĩnh đã lặn xuống. Thụy Văn tôi thấy mỗi “giường” của thủy thủ có bề dài khoảng 1.2 mét và cao khoảng 50-60cm nên thắc mắc hỏi người hướng dẫn làm sao thủy thủ ngủ, thì được ông ta trả lời họ phải nằm co chân, ngủ như em bé. Rõ khổ!

 

Nhưng khi tàu ngầm nổi lên thì bạn sẽ thấy sự hùng vĩ của khối sắt hình giống con cá heo. Hình ảnh các binh sĩ hải quân đứng sắp hàng trên bong chiếc tàu ngầm trong các buổi lễ trông thật là hùng vĩ, nhưng bên cạnh cái đẹp lại có những cái giá mà người lính thủy của tiềm thủy đĩnh phải trả khi lâm trận hay gặp tai nạn.

 

Sống trong thời đại tân tiến ngày nay với tàu bè đủ loại dài vài trăm thước, cao vài chục tầng, ngồi trên tàu mà thấy êm ru như đang ngồi trong một cái sân vận động,  cái thú đi tàu buồm, tham quan tàu xưa vẫn hấp dẫn du khách.

 

Tuần trước, Thụy Văn tôi đã lên xem chiếc tàu lịch sử Duyfken của người Hòa Lan ngày xưa đang đậu ở bến cảng Docklands,  Melbourne. Sau đó lại muốn ngồi lên  chiếc Duyfken để đi chơi một chuyến qua vùng Williamstown với giá $60 cho một chuyến đi, nhưng chỗ không còn nữa.

 

Cuối tuần  qua, Thụy Văn tôi lên Sydney làm “hướng dẫn viên du lịch” cho một người thân, nên lại có dịp đi quan sát chiếc tàu lịch sử của Thuyền trưởng James Cook.  Viện Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Úc nói chiếc Endeavour  là chiếc thuyền buồm được nhiều du khách đi xem nhất, có lẽ đúng.

 

Chiếc tàu này nguyên thủy tên Earl of Pembroke, được đóng vào năm 1765 tại Yorshire, dùng làm tàu chở than. Ba năm sau, Hải quân Anh mua lại và đổi tên thành  HM Bark Endeavour. Vì là loại tàu chở hàng nặng nên  thân tàu chắc và vững để có thể chịu đựng sóng to gió lớn khi đi biển, rất lý tưởng để Thuyền trưởng James Cook dùng cho công tác thám hiểm khoa học vào năm 1768. Và cũng với chiếc thuyền buồn Endeavour này mà Thuyền trưởng James Cook trong chuyến trở lại đại lục phía nam lần thứ hai vào năm 1770, đã nhân danh vua Anh để tuyên bố chủ quyền của Anh trên miếng đất này, đặt tên vùng đất ông mới đến lần đầu là New South Wales, thuộc địa của Anh.

 

Chiếc Endeavour nguyên thủy sau đó được bán lại cho người Pháp vài cải tên thành La Liberté.  Vào năm 1794, Endeavour mắc cạn ngoài khơi Rhode Island ở Mỹ và chìm.

 

Vào năm 1987, với dư  âm chiến thắng giải America Cup còn  vang vọng, một ủy ban được thành lập để đóng lại y chang chiếc tàu của Thuyền trưởng James Cook—The Endeavour replica. Tài trợ chính phát xuất từ Bond Corporation và tàu được đóng tại Fremantle, Tây Úc.  Nhưng đến năm 1990 ông tỷ phú Allan Bond đang gặp khó khăn nên dù đã tiêu đến $10 triệu, công tác đóng tàu vẫn còn  dang dở. Chính phủ liên bang, tiểu bang và các nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp thêm khoảng $10 triệu nữa thì chiếc Endeavour mới hoành thành vào năm 1993.

 

Lịch sử bộ 3:  tàu buồm, chiến hạm và tàu ngầm cạnh Viện  Bảo tàng Hàng hải

Chiếc Endeavour mẫu đóng lại đã làm chuyến du hành đầu tiên vào năm 1994 qua Anh và nằm triển lãm tại Bảo tàng viện Hàng hải Anh trên sông Thames. Sau đó Endeavour trở về Úc bằng cách diễn lại chuyến đi của Thuyền trưởng James Cook khi đáp tới vịnh Botany Bay ở Sydney.

 

Từ năm 1996 đến 2000, Endeavour làm nhiều chuyến đi xa tới các nước Mỹ, Gia Nã Đại và Tân Tây Lan. Và sau đó, về nằm trong Viện bảo tàng Hàng hải cạnh cầu Pyrmont, Sydney là quê nhà của chiếc tàu nổi tiếng này. Thỉnh thoảng chiếc Endeavour làm một vài chuyến đi xa trong các dịp lễ lạc và một số người đã có dịp ghi danh và được nhận đi trong những chuyến đi biển để đời đó.  Trong các dịp đi du lịch ở nước ngoài, Thụy Văn tôi cũng đã có đi trên những chiếc thuyền buồm dài vài chục mét nhưng hiện đại hơn, tuy nhiên vẫn mơ rằng có ngày nào đó được đi trên chiếc tàu Endeavour, dù chỉ đi một đoạn ngắn như từ Syndey về Melbourne. Nhưng đó là chuyện của tương lai.

 

Và trong lúc này, Thụy Văn xin giới thiệu sơ chiếc Endeavour. Tuy làm giống rập khuôn, nhưng vật liệu có khác, chẳng hạn gỗ nguyên thủy là loại gỗ sồi của Âu Châu, tàu mẫu Endeavour hiện làm bằng gỗ Jarrah của Úc để bảo đảm khỏi bị mục, kéo dài đời sống lâu hơn. Ngoài ra, cũng có vài sự khác biệt nho nhỏ để bảo đảm sự thoải mái và tiện lợi cho thủy thủ đoàn trong thời buổi này. Tàu cũ có sức chứa trên 90 người, tàu mới đóng chỉ dành chỗ cho một thủy thủ đoàn 56 người, vì thế thủy thủ ngày nay tuy cũng ngủ trên võng móc nhưng không san sát, chật chội như ngày trước.

 

Endeavour tái tạo dài 42 mét với những cột buồn cao đến 39 mét, 28 cánh buồm lớn nhỏ và một khối lượng dây thừng dài tới… 29 cây số.

 

Tham quan thuyền buồm Endeavour là lý thú nhất vì bạn sẽ được cả chục nhân viên ngồi đứng sẵn ở  các khu trên tàu, giải thích mỗi khi bạn quan sát các phòng ăn, ngủ, sinh hoạt của các thủy thủ, bồi bàn, người quý tộc và thuyền trưởng trong chiếc tàu lịch sử này.

 

Thụy Văn  tháng 7/ 2006

————————-

(*)  Nếu bạn không phải đang ở Khu Phố Tàu mà muốn đến  Viện Bảo tàng Hàng hải, sau đây là một vài cách: * Đi xe lửa đến trạm Town Hall và từ city đi bộ qua cầu Pyrmont * Đi xe bus 443 từ city * đi tàu đò đến bến Pyrmont Bay Wharf * Đi xe Metro Monorail đến trạm Harbourside * Đi tàu đò tốc hành từ  Maltida Rocket từ Circular Quay