Canberra dưới mắt một du khách (2 – Tiếp và hết)

07 Tháng Mười Một, 2011 | Úc châu

 

Canberra có nghĩa là “nơi tụ họp” hay “chỗ trũng giữa hai cái vú”  là Black Mountain với tháp Telstra (bên trái) và Mount Ainslie (bên phải). Hồ nước hình tròn trước sân hình tam giác của trụ sở quốc hội. Hình TVTS

 

Canberra là thành phố lớn nhất nằm trong nội địa Úc và là thành phố  lớn thứ 8 của cả nước với dân số khoảng 350,000 người cách Sydney khoảng 280 cây số phía tây nam và Melbourne khoảng 660 cây số phía đông bắc.

 

Canberra được phát âm từ tiếng Thổ dân có nghĩa là “nơi tụ họp” hay “chỗ trũng giữa hai cái vú”, ám chỉ cánh đồng phẳng nằm giữa hai ngọn núi Mount Ainslie và Black Mountain. Thành phố trông như một lòng chảo được bao bọc bởi đồi núi, có nhiều cây cối, vườn, công viên đầy không gian xanh nên còn được gọi là “bush capital”. Vì thế du lịch Canberra vào mùa xuân là lý tưởng nhất như lời một bác taxi nói với chúng tôi.

 

Tại thủ đô, có 7 khu cư dân (district) được thiết kế theo hệ thống hàng dọc với nhiều ngoại ô (suburb) và trị trấn (town centre) có trung tâm thương mại và các hoạt động xã hội.

Các khu này được cư dân tới định cư theo thời gian thứ tự như sau:

 

1920: Canberra

1964: Woden Valley

1966: Belconnen

1969: Weston Creek

1974: Tuggeranong

1990: Gungahlin

2010: Molonglo.

 

Trung tâm Canberra được thiết kế theo kiểu vẽ của ông Burley Griffin, nhưng đến năm 1967 Hội đồng Phát triển Thủ đô Quốc gia chọn “Kiểu Y” với phương hướng phát triển trong tương lai theo kế hoạch có những trung tâm thương mại như  “town centre” được nối liền với những đường xa lộ như hình chữ Y, điển hình khu Tuggeranong nằm dưới đáy chữ Y và hai khu Belconnen và Gungahlin nằm ở hai đầu chữ Y.

 

Nét đẹp bằng bê-tông: Mặt tiền Tối cao Pháp viện. Hình TVTS

 

 

Viễn kiến của một kiến trúc sư

 

Khác với các thành phố của Úc, Canberra là một thành phố hoàn toàn được thiết kế trước, do vợ chồng kiến trúc sư người Mỹ Walter Burly Griffin và Marion Mahony Griffin vẽ kiểu, khởi sự xây cất vào năm 1913.

 

Ngày 12.3.1913 Toàn quyền Phu nhân Lady Denman chính thức đặt tên Canberra cho thành phố và vì thế,  vào ngày Thứ Hai tuần thứ hai của tháng 3 gọi  là Canberra Day, người dân Canberra được nghỉ holiday.

 

Từ ngày các thuộc địa trở thành Liên bang Úc năm 1901, thủ đô được đặt tạm ở Melbourne và vì sự tranh chấp giữa hai thành phố lớn của Úc là Sydney và Melbourne, nên Canberra được chọn làm thủ đô và quốc hội liên bang đã dời về tòa nhà quốc hội tạm thời (Provisional Parliamernt House) nay gọi là quốc hội cũ (Old Parliament House)  vào năm 1927. Sau đó cả lưỡng viện quốc hội được dời qua trụ sở quốc hội mới hiện nay, được Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị khánh thành vào năm 1988 (quốc hội cũ nay trở thành viện bảo tàng Museum of Australian Democracy).

 

Kiến trúc sư Burley Griffin vẽ đồ án xây dựng thành phố quanh bờ hồ nay mang tên của ông, là một thành phố có nhiều khu phố/ ngoại ô độc lập chứ không tập trung như các thành phố lớn khác.  Một bác taxi nói với tôi ở Canberra, dân chúng sống trong những ngoại ô tuy nhỏ nhưng có đủ phương tiện, từ siêu thị đến trường học nên không cần phải lên trung tâm “xi-tì” như tại các thành phố lớn khác.

 

Gần bờ hồ, đường xá là những mẩu kỷ hà học bao gồm những con đường hình lục giác hay bát giác tỏa ra từ nhiều bán kính. Đường xá trông như những bánh xe đạp hơn là những song cửa. Người ta gọi Canberra là thành phố của những bùng-binh, vòng tròn. Đó là nét rất cá biệt của thủ đô Úc, điển hình là ở khu City Hill (Civic hay CBD) và Capital Hill (Parliament House).

 

Quốc hội là một tòa nhà rất lớn được bao bọc bởi con đường hình chữ nhật có tên Parliament Drive, được bọc bên ngoài bởi con đường hình vòng tròn tên Capital Circle. Bọc bên ngoài nữa là vòng tròn lớn hơn có tên State Circle.

 

Phòng xử chính ở góc trái của tầng trệt. Hình TVTS

 

Tỏa rộng ra những ngoại ô chung quanh là những con đường vòng tròn nhỏ như mạng nhện với những bùng binh nhỏ. Các trục lớn là những con đường lớn có đường phân ranh ở giữa trồng cây hay lát gạch có tên Adelaide Avenue, Melbourne Avenue, Canberra Avenue, Brisbane Ave; King Avenue với cầu chạy qua bờ hồ hướng đông bắc và Commonwealth Avenue có cầu chạy lên hướng bắc, gặp City Hill/ Civic là trung tâm thương mại của thủ đô nằm ở bờ bắc Lake Burley Griffin.

 

Chính hai con đường dẫn qua hồ cùng với con đường Parkes Way dọc bờ hồ tạo thành khu Tam giác Quốc hội (Parliamentary Triangle) là trọng tâm thiết kế đô thị của kiến trúc sư Griffin, với Quốc hội ở bờ nam – Bộ Quốc phòng  và Trung tâm thương mại ở phía bắc của hồ).

 

Một người bạn ở Canberra khi đứng trên đỉnh núi Ainslie chỉ xuống Lake Burley Griffin nói rằng tất cả mọi chuyện ở đây đều xảy ra chung quanh bờ hồ. Tôi thấy hội chợ hoa Floriade đang diễn ra ở Commonwealth Park cạnh cây cầu ở phía bắc của hồ nhưng vì  đang bị “ám ảnh” bởi những chuyện xì căn trên chính trường nên tôi không biết người bạn nói “những chuyện” đây là chuyện gì, có bao gồm cả những chuyện hủ hóa không? Người bạn này là bậc đáng kính nên tôi không dám nói đùa về chuyện trần tục.

 

Bên trong phòng xử và ghế ngồi (gần tường) của 7 vị chánh án Tối cao Pháp viện. Hình TVTS

 

Bọc bên ngoài khu Tam giác Quốc hội, kiến trúc sư Griffin (1876-1937) vẽ họa đồ xây dựng thành phố cũng theo hình tam giác mà các đỉnh là Red Hill (sau lưng quốc hội), Ainslie (gần bộ Quốc phòng) và Black Mountain (gần trường Đại học Quốc gia Úc –ANU) tượng trưng cho các giá trị của một quốc gia và dự trù trên đỉnh đồi sẽ trồng hoa với một màu nguyên thủy duy nhất tượng trưng cho giá trị linh thiêng của những ngọn đồi đó nhưng ý tưởng này đã không bao giờ thành hình bởi khủng hoảng kinh tế và Đệ nhị Thế chiến.

 

Những tòa nhà quan trọng hiện nay trong khu Tam giác Quốc hội chỉ hình thành sau khi ông Griffin qua đời và bùng phát kể từ thời Thủ tướng Robert Menzies.

 

Khu vực gần bờ hồ  giữa cầu Kings Avenue Bridge và cầu Commonwealth Avenue có những binh-đinh  nổi tiếng của thủ đô như  National Gallery of Australia, High Court, National Portrait Gallery, Questacon National Science  & Technology Centre, National Library of Australia (nơi luật buộc một ấn bản được phát hành tại Úc phải nộp cho thư viện này một cuốn).

 

Bên kia bờ hồ có Duntroon (trường bộ binh Royal Military College), trường võ bị Australian Defence Force Academy (ADFA) gần Bộ Quốc phòng,  tháp chuông hòa âm National Carillion, nhà di sản Blundell’s Cottage, đại học Australian National University và National Museum of Australia, bảo tàng trên bán đảo Acton, bên trái cầu Commonwealth Ave Bridge;  đó là vài địa chỉ mà du khách có thể đến thăm để biết về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc của thủ đô.

 

Còn nếu chịu khó đi xa hơn một chút, có thể đi xem Cockington Green Gardens nơi đây có mô hình một làng mạc nhỏ tí teo, từ nhà cửa đến cây cối và đường xá nên bạn có thể tưởng mình đang lạc vào thế giới của người tí hon Li-li-pút (mở cửa từ năm 1979 và là địa điểm thu hút du khách). Cockington nằm gần viện bảo tàng National Dinoaur Museum to lớn.

 

Đó là chưa kể đài tưởng niệm Australian War Memorial nằm dưới chân núi Mount Ainslie, một nơi linh thiêng để kính nhớ những người hy sinh cho đất nước qua các cuộc chiến. Đây là nơi mà thủ tướng, toàn quyền và đôi khi đại sứ ngoại quốc thường đến để làm lễ tưởng niệm trong những dịp lễ như Anzac Day, Long Tan Day v.v…  Mà không những trong các dịp lễ, mỗi khi đứng trước tiền đình quốc hội nhìn ra bờ hồ, người ta cũng thấy đài tưởng niệm trước mặt. Hướng xây cất Australian War Memorial rất có ý nghĩa.

 

Từ bờ hồ đi lên đài tưởng niệm Australian War Memorial là con đường dốc thoai thoải ANZAC Parade nổi bật với đường diễn hành ở giữa trải đá sỏi màu gạch đỏ mỗi bên là hai con đường 3 lane dành cho xe cộ và khu rừng cây khuynh diệp. Vietnam War Memorial nằm bên trái.

 

National Gallery of Australia. Hình TVTS 

 

Kiến trúc để đời

 

Ngày lên Canberra để dự Hội thảo Bàn tròn Truyền thông Đa văn do Thủ tướng Julia Gillard và Thượng nghị sĩ Kate Lundy mời cũng là dịp để tôi thăm viếng thủ đô và viết bút ký, tôi đọc nhật báo The Australian và thấy có bài viết với tít “Gallery architect found the beauty in brutalism và defined a city”, cho biết người có  tính cách trong kiến trúc và đóng góp vào sự định hình một thành phố vừa qua đời vào cuối tuần trước (17.9.2011) ở tuổi 90. Đó là ông Colin Madigan.

 

Ký giả Tim Douglas mở đầu bài viết: “Kiến trúc sư đằng sau hai trong những binh-đinh nổi bật nhất của đất nước, Viện Trưng bày Mỹ thuật Quốc gia Úc và Tối cao Pháp viện, là một người có viễn kiến đã liên kết thiết kế với bản sắc văn hóa”.

 

Thế là tôi đã có trong đầu hai nơi để xem nhờ tình cờ biết sự qua đời của người tạo ra hai tác phẩm độc đáo trong khu Tam giác Quốc hội.

 

Colin Madigan chào đời ngày 22.7.1921 tại Glen Innes, tiểu bang New South Wales. Từ 14 tuổi ông làm việc  trong thương nghiệp kiến trúc của người cha, một kiến trúc sư,  nhưng sau đó đã bỏ nông thôn ra thành phố theo học kiến trúc ở trường cao đẳng Sydney Technical College.

 

Sau khi tốt nghiệp, ông đăng lính và phục vụ trong Hải quân Úc và là một trong vài người sống sót khi chiến hạm HMAS Armidale  bị chìm ngoài khơi Timor vào năm 1942.

 

Năm 1954, cùng với hai người bạn ông thành lập công ty kiến trúc lấy tên 3 người,  Edwards Madigan Torzillo and Partners. Đa số các dự án xây cất của ông là chung cư của chính phủ, thư viện, trường học và văn phòng. Một trong những công trình đáng kể thời đó là Thư viện Warringah Council ở NSW đã giúp cho ông được Giải kiến trúc Sir John Sulman năm 1966.

 

Năm 1980, công ty của ông trúng cuộc thi vẽ kiểu National Gallery of Australia sau khi đánh bại 157 đối thủ khác. Năm 1982, một năm sau khi ông Madigan được Giải IAI Gold Medal, công ty của ông được giao  cho việc xây cất High Court.  Cả hai công trình này nói lên sự chống đối của ông trong lãnh vực kiến trúc mà ký giả Tim Douglas gọi là chủ nghĩa tàn bạo (brutalism) qua việc sử dụng bê-tông như là sắc nét riêng của ông.

 

Ông David Parken, giám đốc Viện Kiến trúc Úc nói: “Colin là một người có đầu óc sáng tạo. Dùng bê-tông để diễn tả cái đẹp như thế thật là kỳ lạ và tôi nghĩ người ta sẽ không thấy lại những cái như thế. Ông coi kiến trúc như là phần quan trọng của bản sắc kiến trúc Úc.  Ông không những giúp tạo nên bản sắc kiến trúc của Canberra mà của cả nước Úc”.

 

“Mọi chuyện đều xảy ra chung quanh bờ hồ”: Lake Burley Griffin và tòa nhà High Court. Hình TVTS

 

Dù thất bại trong việc thi vẽ tòa quốc hội mới (xây từ 1981-1988) trước kiến trúc sư Romaldo Giurgola, ông Madigan cũng là một trong những người nằm trong danh sách cuối cùng của cuộc thi. Ông Madigan được tặng huy chương AO vào năm 1984 và về hưu năm 1989.

 

Trong những năm cuối cùng, ông Madigan phản đối kịch liệt dự tính xây cổng vào trước viện mỹ thuật National Gallery of Australia mà những người ủng hộ ông cho rằng làm như thế sẽ phá hủy yếu tố DNA của tòa nhà.

 

Đến Canberra, lấy chìa khóa khách sạn Ridges Capital Hill là chúng tôi gọi taxi ra bờ hồ để tới National Gallery of Australia ngay, nhưng ông taxi thả chúng tôi trước một binh-đinh và bảo cứ đi thẳng. Ở đây có quán ăn ngồi bên trong và ngoài trời khá đẹp. Ăn xong, chúng tôi đến quầy của binh-đinh hỏi mua vé nhưng nhân viên đưa cho tờ quảng cáo bươm bướm, nói vào xem miễn phí. Thấy tờ giấy đề National Portrait Gallery, chúng tôi biết mình đi lầm.  Hỏi và được chỉ qua một hướng khác. Tôi nói với nhà tôi Viện Trưng bày tranh Chân dung cũng đáng xem nhưng hãy đi sau, nếu còn giờ.

 

Và cạnh bờ hồ là hai dãy cột cờ các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Úc theo thứ tự ABC, rất dễ thấy trên đường từ trung tâm phố lên trụ sở Quốc hội. Hình TVTS

 

 

Nhưng theo con đường được chỉ, chúng tôi thấy một tòa nhà cao và có bảng đề High Court of Australia. Thế thì gần, xem trước. Vào cửa miễn phí.

 

Tòa nhà của cơ quan tư pháp cao nhất nước trông như một cái hộp, không gây ấn tượng như những pháp đình cổ kính ở Âu châu, nhưng vào bên trong mới thấy hấp dẫn với kiến trúc hiện đại.

 

Ở đây có 3 phòng xử. Phòng  xử dành cho một vị chánh án và phòng xử dành cho 5 chánh án ngồi ở trên lầu. Chúng tôi chỉ lướt qua và dành thì giờ quan sát phòng xử dành cho toàn bộ 7 vị chánh án cùng ngồi ở tầng trệt. Đây chính là phòng xử mà tôi đã thấy trên truyền hình trong phiên tòa vào ngày 31.8.2011 trong đó 6 trên 7 vị chánh án phán việc chính phủ đưa người tầm trú sang thanh lọc ở Mã Lai là bất hợp pháp.

 

Nhân viên gác cửa vào Tối cao Pháp viện cho biết được phép chụp hình. Nhân viên gác cửa phòng xử  cũng nói được chụp hình nhưng nên đợi cho nhóm học sinh đang được thầy giáo giảng giải ra, rồi hãy vào.

 

Chúng tôi vào một mình, thấy không có ai nên đi khắp nơi để xem, chụp hình. Lại thấy sợi dây chắn lên khu dành cho các trạng sư được kéo sang một bên nên tôi tiến lên gần bục tranh luận để chụp hình, dĩ nhiên sẽ không lên trên bục cao (như sân khấu) dành cho 7 vị  chánh án ngồi.

 

Đang chống tay vào bục dành cho trạng sư, tôi nghe ông nhân viên đứng tuổi la thất thanh “tại sao ông lên tận chỗ đó, ông không được làm vậy”. Tôi trở lại chỗ dành cho công chúng ngồi, xin lỗi vì không biết, nhất là khi thấy dây ngăn đã được cất sang một bên.

 

Ông nhân viên an ninh còn tỏ ra kinh hãi vì  tôi đã lên đứng ở nơi không được phép, nhưng trấn an tôi  và nói đùa “anh sẽ không bị đem đi bắn đâu, nhưng khu vực đó công chúng không được vào, ngay luật sư cũng không được nữa, nhưng cũng là lỗi tại tôi, vì tôi không có mặt”. Bấy giờ tôi mới giật mình, nhớ lại cảnh người ta (kể cả luật sư) vô ra phòng xử  tại Úc thường cúi đầu khi có quan tòa đang ngồi ở trên, nên nơi dành cho các quan tòa ngồi cũng được cung kính như các nơi thờ phượng của tôn giáo?

 

Một cặp vợ chồng trung niên người Úc vào ngồi xem và thế là ông nhân viên an ninh thao thao bất tuyệt cả mười phút về việc các quan tòa Tối cao Pháp viện ngồi xử, có lúc tại Canberra mà cũng có lúc ở các tiểu bang khác.

 

Nghe xong “bài học” ở đây, chúng tôi đi sang Viện Trưng bày Mỹ thuật Quốc gia Úc ở bên cạnh. Vào cửa miễn phí, trừ một vài phòng có những cuộc trưng bày đặc biệt.

 

Binh-đinh có ba tầng, khá rộng, chúng tôi đi hơn một tiếng đồng hồ những khu vực miễn phí mà cũng chỉ lướt xem mà thôi. Có nhiều tranh của các họa sĩ Úc hay gốc Úc từ hơn một trăm năm về trước thuộc nhiều trường phái, những khu tranh và điêu khắc của Á Châu (tôi cố gắng xem nhưng không thấy tranh của người Việt Nam) và nhiều nhất là tranh và điêu khắc của Thổ dân. Có thể nói nghệ thuật của người bản xứ đã được dành cho một vị trí đặc biệt ở đây.

 

Xem tranh nhưng tôi ngưỡng mộ kiến trúc của tòa nhà này, của kiến trúc sư mà  tôi chỉ biết tên khi lên Canberra, nhờ đọc báo.

 

Mặt tiền trụ sở Quốc hội Liên bang cũ. Hình TVTS

 

Canberra có gì lạ?

 

Nói chuyện với người sinh đẻ hay cư trú ở Canberra –dù Việt hay Úc rặt–  hầu như ai cũng thừa nhận Canberra đẹp nhưng buồn so với những thành phố đông người và sôi động như Sydney hay Melbourne. Ở đây, phần đông là công chức sáng vác ô đi chiều vác ô về nên không có cảnh vui về đêm của Southbank, Chapel Street như ở Melbourne hay Darling Harbour ở  Sydney.

 

Hai lần tôi đi từ hướng quốc hội để qua bên kia hồ vào khoảng sau 5 giờ chiều đều bị kẹt xe chẳng khác ở phố Melbourne nhưng cảnh này chỉ xảy ra khoảng một tiếng đồng hồ khi tan sở.  Và sau 6 giờ chiều thì cả trung tâm thành phố ở Civic Centre rất lưa thưa người, chỉ còn một số tiệm ăn mở cửa. Nếu không vì thích xem các danh lam thắng cảnh của thủ đô hay đi một lần cho biết, Canberra không phải là nơi đầu tiên mà những người ham vui nên đến. Bởi quá buồn, nhất là về đêm.

 

Nhưng nếu buổi chiều, bạn tản bộ đi dọc bờ hồ từ  Cầu Kings Ave  (gần National Gallery) đến Cầu Commonwealth Ave (gần National Library), thì cũng đẹp, trữ tình  như ta đi dạo dọc bờ Hồ Xuân Hương của Đà Lạt trước năm 1975. Ở đây có tàu chở khách đi xem thắng cảnh dọc bờ hồ rộng lớn này.

 

Khách sạn Ridges Capital Hill nằm sau lưng quốc hội là khu được cho là của người giàu. Bên phải gần Manuka, Kingston là nơi tập trung người trẻ và hàng quán. Phía trái là những khu có nhà cửa đẹp như Deakin (có Dinh Thủ tướng), Yarralumla (nơi có Dinh Toàn quyền, nhà riêng của Ngoại trưởng Kevin Rudd, các tòa đại sứ Mỹ, Nhật…). Các tòa đại sứ của những nước nghèo thì ở xa hơn về phía nam, gần núi như của CHXNCN Việt Nam ở khu O’Malley.

 

Người bình thường sống ở bên kia Hồ Burley Griffin, phía bắc nơi có các trung tâm thương mại,  công xưởng, trụ sở các công ty tin học, sở thuế, thống kê v.v… Tôi nghe nói có nhiều người Việt sống ở vùng Belconnen là nơi họ làm nghề công chức như thuế vụ, điện toán.

 

Các em học sinh đang thực tập tranh luận tại phòng họp Hạ viện của Quốc hội cũ. Hình TVTS

 

Gần trung tâm phố ở phía bắc có Tu Viện Vạn hạnh ở vùng Lyneham, là nơi gần khu Dickson được gọi là Phố Tàu và khu kỹ nghệ Mitchell, bị một vụ nổ cháy xưởng hãng khá lớn vài ngày trước khi tôi lên thăm Canberra. Thầy Thích Quảng Ba đã khôn ngoan chọn xây tu viện đúng chỗ đắt địa nên tu viện càng ngày càng phát triển, lại gần mặt trời nên rất dễ vận động hành lang với các chính trị gia và thầy trở thành khuôn mặt quen thuộc của lưỡng đảng quốc hội liên bang.

 

Lên Canberra, chúng tôi có hai bữa ăn tối đáng nhớ. Đêm đầu đi ăn với Y Vi Lưỡng Khả, một cộng tác viên lâu năm của TVTS  chuyên viết về giáo dục. Anh chở chúng tôi lên ăn tối ở nhà hàng quay trên tháp Telstra Tower, nay được gọi là Black Mountain Tower.  Đây là lần ăn ở nhà hàng quay thứ hai tại Úc sau nhà hàng ở Gold Coast. Black Mountain Tower (cao 195.2 mét)  được coi là tháp cao nhất ở Canberra nhờ nằm trên đỉnh núi, là nơi thu hút du khách bởi sau núi Ainslie, đây là nơi có cái nhìn bao quát cả thành phố Canberra.

 

Không có gì đẹp hơn khi ngồi ăn trong nhà hàng quay một vòng 360 độ trong 80 phút và nhìn mặt trời lặn, thành phố xoay như ta ngồi trên máy bay. Nhưng dù đặt chỗ trước một  ngày, cũng không còn chỗ trống do đó chúng tôi chỉ còn ngồi ăn nhìn thành phố về đêm khi đã lên đèn (8 giờ tối) và nhìn nhau. Thì cũng được, hơn một chục năm mới gặp lại nhau.

 

Tối thứ hai ở Canberra, chúng tôi lại đi dạo ở khu phố Civic để tìm một chỗ ăn tối. Đi một đoạn trên đường Northbourne Avenue nằm giữa hai tòa nhà cổ có tên Melbourne Building (trái) và Sydney Building. Rồi đi một đoạn trên con đường lục giác London Circuit bọc quanh bùng binh khu Civic. Trời se lạnh, chúng tôi chọn quán ăn ở dưới hầm trên con đường hình lục giác này có tên  Hog’s Breath Cafe. 

 

Khu ăn uống ở Canberra về chiều tối. Hình TVTS

 

Ban đầu tôi không thích không khí ồn ào của một quán kiểu bar- restaurant. Tôi chỉ thích ăn tối trong sự yên lặng nếu đi với hai ba người, có nhạc êm dịu càng tốt, chứ nhạc rock thì sẽ cảm thấy mất ngon. Tôi cũng hơi nghi ngại khi cả hai vợ chồng đều chọn món steak vì không biết sẽ như thế nào.

 

Nhưng ăn được hai ba miếng, cả hai chúng tôi đều luôn miệng khen ngon, nói rằng đã ăn thịt bò bí-tét nhiều nơi nhưng chưa bao giờ thấy thịt thơm ngon và mềm dịu như vậy. Một đĩa thịt 300 gram với một nửa đĩa đồ phụ như nấm, cà rốt, hành, dưa,  khoai chiên v.v… mà tôi làm sạch với hai chai VB. 

 

Mà đấy là buổi trưa tôi đã được ăn một bữa chùa của nhà nước cũng rất chi là đầy đủ.

Trở về Melbourne, những gì tôi còn nhớ lâu nhất là cái bắt tay với người đẹp tóc đỏ quyền cao nhất nước và thịt bò Canberra. Và dĩ nhiên cũng nhớ những chuyện bên lề,  trên  đường đi để hầu quý bạn đọc qua bài “bút ký đường gần”  2 kỳ.

 

Hẹn bạn đọc trong bài “bút ký đường xa” khác vào thời gian tới.

 

Melbourne 30.9.2011

 

Nguyễn Hồng Anh