Tôi đi Canberra (1)

11 Tháng Mười, 2011 | Úc châu

Bút ký của Nguyễn Hồng Anh

 

 
Một đường thẳng tắp: từ sân quốc hội mới nhìn ra quốc hội cũ, lên Anzac Parade, Australian War Memorial và núi Ainslie. Hình TVTS
 

Đầu tháng này, nhân viên tòa soạn báo cho tôi có người từ văn phòng của chính phủ ở Canberra muốn xuống Melbourne gặp tôi, nhưng do tôi bận nên nhân viên tòa soạn đề nghị hãy email cho tôi.

 

Nghe vậy, tôi nghĩ rằng chắc có chuyện gì đây bởi tờ The Australian vừa xin lỗi Thủ tướng Gillard  về một bài viết của một ký giả và tôi cũng biết rằng tờ báo của mình ngoài những bài bình luận đứng đắn, cũng có những bài tiếu lâm nên có thể làm bà thủ tướng không hài lòng chăng?

 

“Có tật giật mình” bởi TVTS đã từng “bị cho là” chống đảng Lao động. Thật vậy, trong kỳ bầu cử  năm 2007, có một người Việt mà tôi biết tên đã gọi điện thoại  cho tôi, nói rằng TVTS không công bằng, chỉ trích Lao động quá nhiều do đó nếu cứ tiếp tục ông ta sẽ dịch bài và báo cáo cho đảng (dĩ nhiên tôi nói ông ta cứ tự nhiên báo cáo, bởi tôi không ngại gì cả).

 

Nhưng khi nhận email mới biết rằng cô Jessica Hill cố vấn truyền thông của Thượng nghị sĩ Kate Lundy, Thư ký quốc hội của Thủ tướng và của Tổng trưởng Di trú nói ông Nino Tesoriero bí thư báo chí  của Thủ tướng Julia Gillard sẽ xuống Melbourne và muốn gặp tôi để làm quen và tìm hiểu về tờ báo cũng như những vấn đề mà tờ báo muốn nêu ra.

 

Một đường thẳng tắp: nhìn ngược,  từ Australian War Memorial đến cột cờ tòa nhà Quốc hội mới, chụp từ núi Ainslie khi mặt trời lặn. Hình TVTS 

 

Và trong ngày Thứ Hai, 5 tháng 9 vừa qua,  ông Nino Tesoriero và cô Jessica Hill  đã có một buổi nói chuyện thoải mái với tôi mặc dầu đấy là ngày báo sắp lên khuôn và bận rộn nhất trong tuần nên tôi thường không tiếp khách.

 

Qua câu chuyện, tôi nghĩ chính phủ đang tìm cách “lấy lòng” báo chí sắc tộc bởi bà Gillard đang gặp phải những khó khăn, và đó cũng là chuyện bình thường, bất kể Lao động hay Liên đảng. Ngoài việc cho biết chính phủ đang thành lập một chương trình gọi là “Đại sứ Dân chúng Úc” và muốn nhờ báo chí  phổ biến, khuyến khích người trong cộng đồng đề cử, ông Nino Tesoreiro còn cho biết chính phủ sẽ mời các chủ bút và chủ nhiệm báo sắc tộc tham dự hội nghị bàn tròn để phổ biến chính sách về quảng cáo của chính phủ đối với báo sắc tộc và sẽ gởi thư mời tôi lên Canberra dự vào cuối tháng này.

 

Nghe thế tôi từ chối ngay, nói rằng chuyện quảng cáo cho dù là từ chính phủ, tôi đã giao cho công ty khác lo, nhưng Nino và Jessica nói nếu thuận tiện tôi nên lên dự hay cử đại diện đi.

Tôi cám ơn hai người khách từ Canberra và nói tôi sẽ trả lời khi nhận thư. Nhưng khi nhận thư mời do Thủ tướng và Thượng nghị sĩ thư ký của Thủ tướng mời Chủ bút hay Chủ nhiệm TVTS tham dự buổi ăn trưa và hội thảo bàn tròn truyền thông đa văn (Multicultural Media Roundtable) vào trưa Thứ Năm 22 tháng 9, tôi nhận lời ngay.

 

Lý do: ngoài việc đi để nghe bà Thủ tướng và các Tổng Bộ trưởng liên hệ nói về các chính sách và chương trình quảng cáo dành cho truyền thông sắc tộc, tôi muốn cùng nhà tôi có dịp thăm thủ đô và quốc hội.

 

Sống 30 năm ở Úc, tôi chưa biết gì về Canberra dù đã có ba lần lên đó, mỗi lần chỉ dừng chân trong vài tiếng đồng hồ.

 

Tất niên 1986, nhân dịp lên Sydney tìm người đại diện để phát hành báo TVTS tại nơi đây sau gần một năm phát hành ở Melbourne, tôi và nhà tôi được bạn bè lái xe ghé tạt Canberra ăn cơm tối ở một nhà hàng Tàu trên đường trở về Melbourne.

 

Hai lần sau, tôi lên Canberra để làm phóng sự các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Võ Văn Kiệt  và Tổng bí thư Đỗ Mười, nên chỉ đứng ở sân cỏ trước quốc hội, thấy mặt tiền tòa nhà chứ chưa bao giờ đặt chân vào bên trong như các du khách bình thường. Thậm chí cả không biết trung tâm thành phố gọi là Civic nữa, dù là ban ngày.

 

Các chủ bút và chủ nhiệm truyền thông sắc tộc chờ đợi ở tiền sảnh chính (main foyer) của quốc hội nơi đây các cột trụ làm bằng cẩm thạch màu xanh lá cây. Hình TVTS

 

Cho nên tôi coi chuyến đi này giống như  một chuyến du lịch trong loạt bài “ký sự đường xa” của tôi dù nơi đến chỉ mất gần một giờ bay. Nhưng tôi cũng không coi chuyến đi này là quan trọng mặc dù được hai nhân vật quan trọng mời bởi biết rằng với thời gian gần ba tiếng của “hội nghị”, các chủ bút và chủ nhiệm chỉ được ăn, phân phát các tài liệu, được nghe những bài diễn văn, bắt tay chụp hình, nói vài câu xã giao.

 

Mục đích đã rõ và tôi đã có hai ngày khá vui và thỏa mãn vì được biết Canberra là cái chi chi, được tận mắt ngắm dung nhan của đệ nhất nữ lưu, nữ thủ tướng đầu tiên của Úc. Cũng trong ngày lên Canberra, đọc báo thấy có bài viết về ông Colin Madigan, 90 tuổi, vừa qua đời trong ngày Thứ Bảy tuần trước, là người vẽ kiểu cho hai trong số  những tòa kiến trúc quan trọng nhất ở Canberra gồm Tối cao Pháp viện (High Court) và Viện Mỹ thuật Quốc gia Úc (National Gallery of Australia). Lại nghe người bạn nói hiện đang có lễ hội Floriad là một cuộc triển lãm hoa rất nổi tiếng ở thủ đô thu hút nhiều du khách từ các tiểu bang khác.

Thế là vừa đi công việc, vừa đi chơi và thỏa mãn sự tò mò.

 

Hội thảo bàn tròn truyền thông đa văn

 

Một ngày trước khi lên Canberra, tôi lên mạng lưới để xem địa hình thành phố và cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ kế hoạch xây dựng thành phố này của kiến trúc sư  Walter Burley Griffin, người vẽ kiểu đầu tiên và trúng thầu thiết kế Canberra được Tổng trưởng Nội vụ King O’Malley đưa ra vào năm 1911, cách đây đúng 100 năm. Cho nên, không lạ gì cái hồ lớn nhất giữa lòng thủ đô được mang tên ông: Lake Burley Griffin.

 

Nhìn bản đồ thành phố Canberra trên internet, tôi quá ngạc nhiên với kiểu vẽ của một thành phố mang nét phong thủy của Đông phương và kỷ hà học của Ai Cập.

 

Sự chọn lựa nơi ở như khách sạn Ridges Capital Hill gần sau lưng quốc hội cũng tiện lợi cho việc lui tới quốc hội, dù chúng tôi chỉ lưu ngụ ở thủ đô có hai đêm.

 

Ngày đầu, chúng tôi đi xem High Court, National Gallery of Australia, Mount Ainslie,  Black Mountain Tower và chúng tôi sẽ hầu chuyện bạn trong số báo sau.

 

Ngày thứ hai, tôi đi “công chuyện”, có nghĩa dự buổi họp do bà thủ tướng mời. Chúng tôi đến quốc hội bằng xe hơi miễn phí của khách sạn. Nữ tài xế đưa vào tận hầm đậu xe bên trong quốc hội để chúng tôi có thể tới ngay cửa vào. Nhưng do muốn đến sớm nên chúng tôi còn hơn nửa tiếng để ngắm cảnh. Lúc này chỉ mới 10 giờ sáng, trời nắng ấm và nhiệt độ lý tưởng 20 độ dù ban tối rất lạnh.

 

Hồ hình tròn trước tiền đình quốc hội. Hình TVTS

 

Sân gạch trước quốc hội không có người. Buổi sáng yên tĩnh, một khoảng trời rộng trải dài từ bồn nước trước sân  chạy tới bãi cỏ xanh mướt mênh mông, băng qua tòa nhà trắng quốc hội cũ, chạy dọc lên con đường Anzac Parade màu gạch đỏ, Australian War Memorial và Núi Ainslie.  Điều lý thú đấy là một con đường thẳng tắp.

 

Chiều hôm qua chúng tôi đứng trên núi Ainslie nhìn xuống, thấy từng chi tiết ngược lại trên con đường thẳng này với tầm nhìn đến quốc hội mới dù lúc đó mặt tời đã lặn.  Sáng nay nhìn ngược lên núi, thấy rõ ràng hơn.  Chỉ toàn màu trắng và màu xanh trong không gian rộng mênh mông này.

 

Thủ đô Canberra nằm giữa thung lũng chung quanh được bao bọc bởi nhiều lớp đồi núi. Quốc hội nằm ở bờ nam hồ, Đài Tưởng niệm Chiến tranh nằm ở bờ bắc. Đứng ở hai nơi đều trông thấy nhau, trên một đường thẳng.

 

Tòa nhà quốc hội màu trắng với mái  lợp cỏ xanh quả là một công trình vĩ đại của nước Úc, một kiến trúc độc đáo theo hình hai cái boomerang của Thổ dân với cột cờ cao 81 mét được hoàn tất vào năm 1988 với trị giá $1.1 tỉ là một công trình để đời. Bên ngoài trông nhỏ, bởi mái như đồi cỏ hay một sân vận động, nhưng nội thất rộng mênh mông.

 

Tòa nhà có 4,700 phòng và nhiều khu vực mở cửa cho công chúng vào xem. Vào cửa chính, du khách sẽ gặp ngay tiền sảnh chính (main foyer) với trần cao và rất nhiều cột trụ lớn bằng cẩm thạch xanh lá cây nghe nói nhập cảng từ Ý. Trước mặt tiền sảnh là Đại sảnh (Great Hall) nơi Thủ tướng tiếp đãi thượng khách. Bình thường công chúng được vào xem ngoại trừ khi bận cho các lễ lạc hay hội họp đã chuẩn bị trước.

 

Hai bên là hai bậc cấp tả hữu dẫn lên lầu một tới trung tâm tòa nhà quốc hội, một khu vực rộng lớn lót gỗ Tasmania tất đẹp, giữa là khoảng trống tạo thành một đại sảnh hình vuông  bao bọc bởi những hành lang tầng lầu, trần đại sảnh bằng kính nên hưởng được ánh sáng tự nhiên.

 

Bên trái là phòng họp của Hạ viện, bên phải là phòng họp của Thượng viện, nơi đây công chúng được tự do vào nhưng phải qua những khâu kiểm soát của an ninh. Trong lúc chờ tôi “đi họp”, nhà tôi tham quan các khu vực trên lầu một.

 

Giải khát ở Murray Hall trên tầng 2 trong khi chờ đợi thủ tướng đọc diễn văn khai mạc. Hình TVTS

 

Các chủ bút và chủ nhiệm tụ họp ở tiền sảnh chính (main foyer), sau đó được an ninh đưa lên lầu hai bằng thang máy, nơi đây công chúng không được vào.  Khách được mời uống nước và rượu ở khu hành lang trước khi Thủ tướng Julia Gillard đến đọc diễn văn khai mạc.

 

Tôi thấy phần lớn các nhà báo là người Ấn và Trung Á với nước da sậm, phần còn lại là người Nam Âu như Ý, Hy Lạp hay người Trung Đông. Một số người Á Châu như Trung Hoa, Thái và trong cộng đồng Việt Nam, có tôi và ông Hữu Nguyên, chủ bút báo Saigon Times ở Sydney và một cộng sự viên từ Perth là cô Thảo Vũ, theo lời giới thiệu của ông.

 

Thủ tướng  Gillard mở đầu buổi họp bằng một bài diễn văn ngắn, nói về tầm quan trọng của truyền thông đa văn, quyền được thông tin của người sắc tộc, sự quan tâm của chính phủ Lao động bằng cách tạo sự công bằng trong việc đưa thông tin cho người dân  do đó chính phủ sẽ gia tăng ngân sách quảng cáo để những người không nói tiếng Anh cũng được hưởng những thông tin về chính sách và dịch vụ mà chính phủ mang lại cho mọi người dân.

 

Mục đích buổi họp hôm nay là để chính phủ loan báo việc phân phối quảng cáo qua một công ty mà chính phủ ủy nhiệm với sự phối hợp của cơ quan mới được thành lập là Hội đồng Đa văn Úc (Australian Multicultural Council). Bà Gillard nói do bận rộn với cuộc họp của quốc hội nên bà sẽ dành cho các vị Tổng bộ trưởng liên hệ trình bày các chính sách của chính phủ trong buổi họp bàn tròn sau đó.

 

Thủ tướng Julia Gillard nói chuyện, phía sau là Thượng nghị sĩ Kate Lundy. Hình TVTS

 

Một ký giả người Úc từng làm việc cho báo The Age và nay mở lớp huấn luyện kỹ năng tiếp xúc với báo chí sắc tộc hỏi tôi có thắc mắc, đưa ra vấn đề gì không, nhưng tôi nói chỉ muốn ngồi nghe cho biết. Ông ta nói “open mind” là tốt nhưng có bữa ăn trưa miễn phí cũng tốt thôi.

 

Và sau đó trong bữa tiệc, các  chủ bút và chủ nhiệm được mời ngồi bàn ăn tròn trong đó mỗi bàn có một vị bộ trưởng và một phụ tá cùng ngồi để nói chuyện với khách. Trong khi ăn, các chính trị gia lên bục phát biểu hay nói về những chính sách liên quan đến các bộ sở của họ.

 

Tôi nhận thấy ngoài Thượng nghị sĩ Kate Lundy, thư ký quốc hội của Thủ tướng còn có các vị khách lên nói chuyện như Tổng trưởng Di trú Chris Bowen,  Tổng trưởng Khí hậu Thay đổi Greg Combet, Dân biểu Bill Shorten phụ tá Tổng trưởng Ngân khố, Dân biểu Gary Gray, Bộ trưởng Đặc biệt của Chính phủ (Special Minister of State = Quốc Vụ khanh?).

 

Chụp hình: Thủ tướng Julia Gillard và Chủ bút Nguyễn Hồng Anh. Hình TVTS

 

Dân biểu Gray cho biết trong 4 năm qua kể từ khi đảng Lao động lên cầm quyền, ngân sách quảng cáo dành cho báo sắc tộc đã tăng quá 7.5%  theo chỉ tiêu mà chính phủ Liên minh đặt ra. Ông nói tài khóa 2007-08 chi tiêu 8% và tài khóa 2011-11 chiến dịch quảng cáo trên báo sắc tộc tăng đến 8.9%.

 

Ngoài ra còn có những tổng trưởng và dân biểu nghị sĩ khác có mặt trong bữa ăn nhưng không đọc diễn văn như Tổng trưởng đặc trách Cao niên và Sức khỏe tâm thần Mark Butler, Tổng trưởng Giáo dục Đại học và Quan hệ Lao tư Chris Evans, Tổng trưởng Thể thao Mark Arbib…

 

Trong chương trình, sau phần phát biểu của các chính trị gia có phần dành cho các chủ bút và chủ nhiệm đặt câu hỏi nhưng tôi thấy chẳng có ai đặt câu hỏi chính thức. Chỉ thấy họ nói chuyện trong bàn ăn hay đứng tụ năm tụm bảy nói chuyện hay chụp hình. Thế thôi.

Tôi hỏi Nino Tesoriero có bao nhiêu người tham dự, anh nói khoảng bảy chục trong số trên 100 người được mời. Tôi cho rằng như vậy cũng là một sự thành công nếu nói về số người tham dự.

 

Nino cho biết đầu tuần này Thủ tướng Gillard đã đề nghị (nominate) Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến ở Sydney vào chân Đại sứ Dân chúng Úc và hy vọng ông sẽ được Hội đồng Đa văn Úc chọn trong tháng tới đây.

 

 

Dân biểu Bill Shorten đọc diễn văn trong bữa ăn. Chủ bút Saigon Times Hữu Nguyên ở góc phải. Hình TVTS

 

 

Xem tranh luận ở quốc hội

 

Thượng nghị sĩ Lundy là Thư ký Quốc hội của Thủ tướng và cũng là người lo tổ chức cuộc họp mặt các chủ bút và chủ nhiệm truyền thông sắc tộc nên bà hết sức bận rộn. Người phụ nữ dáng dong dỏng và nét mặt dễ gây cảm tình này trông rất tất bật trong suốt buổi họp với vai trò MC, giới thiệu người này đến người khác. Những tiếng chuông reo inh ỏi trong phòng ăn được bà diễn giải đấy là báo hiệu sắp đến giờ bỏ phiếu do đó bà phải rời buổi họp vì người ta không cho pairing (có nghĩa vắng mặt là mất lá phiếu).

 

Nhưng rồi bà cũng có mặt ở phòng ăn cho đến khi người cuối cùng rời phòng. Tôi nói với bà tôi muốn đi nghe Hạ viện tranh luận trong giờ Question Time nhưng không ghi danh chỗ trước được, Thượng nghị sĩ Lundy nói thế thì qua bên Thượng viện, vì nơi đây ít người đến xem, nhưng bà cũng cảnh cáo không khí ở Thượng viện chán lắm.

 

Sau khi được nhân viên an ninh dẫn xuống tầng trệt ở Main Foyer, tôi trở lên lầu một để tìm nhà tôi đang ngồi ở quán ăn của quốc hội. Chúng tôi sắp hàng để chờ vào xem Giờ Tranh Luận bởi đã 2 giờ chiều.

 

Sáng sớm hôm nay, tôi gọi điện thoại cho số 6277 4889 để ghi danh chỗ vào Public Gallery nhưng đã hết chỗ, do đó được cho biết cứ tới sắp hàng, khi nào có chỗ trống sẽ được cho vào.

 

Một hành lang lầu một bên trong tòa nhà quốc hội nơi du khách gởi đồ trước khi vào phòng họp Hạ viện (trái) và Thượng viện (phải)

 

Bạn lại sẽ phải qua khâu kiểm soát như khi vào Main Foyer ở tiền đình quốc hội. Một số người không ghi danh trước chỗ như chúng tôi đã bỏ cuộc vì nghĩ rằng biết bao giờ mới đến phiên mình. Tôi nghe một vài nhân viên an ninh nói có thể đợi chừng 20 phút. Đã lên Canberra và muốn có được kinh nghiệm xem các vị dân cử tranh luận như “mổ bò” hay hành xử như “trẻ con ở trường học” nên chúng tôi chấp nhận sắp hàng rồng rắn chờ như mọi người.

 

Cuối cùng cũng vào được và ngồi bên cánh phải (hướng nhìn lên ông Chủ tịch Hạ viện), thấy được mặt của Thủ tướng Gillard và các dân biểu Lao động, các dân biểu độc lập, Xanh và lưng của Thủ lãnh Đối lập Abbott và các dân biểu Liên đảng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thấy cảnh thực của cuộc tranh luận chứ không như trên màn ảnh truyền hình và hiểu lý do tại sao du khách chịu khó sắp hàng vào xem, như đi xem một vở kịch.

 

Thủ tướng Gillard đã bị đối lập quay về chuyện người tầm trú, vấn đề Palestine. Và khi Dân biểu Simon Crean nói về vấn đề quan hệ lao tư thì Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott ngồi trên ghế quay lưng lại, còn dân biểu Christopher Pyne thay vì ngồi, lại đứng dậy quay lưng cho người đang phát biểu. Tôi nói với nhà tôi quốc hội đôi lúc trông giống sân trường vì những trò trông ra rất trẻ con của các vị dân biểu. Ông chủ tịch Hạ viện thì hầu như chỉ nói có một chữ “order, order” chỉ khác giọng cao thấp hay kéo dài hoặc đứt quãng. Nghe không bằng tận mắt thấy một cuộc tranh luận ở quốc hội theo thể chế Westminster. Trông hào hứng.

 

Cầu thang dẫn từ Main Foyer ở cửa vào quốc hội lên tầng một nơi có phòng họp của Hạ viện và Thượng viện. Hình TVTS

 

Hội trường Hạ viện tương đối hầu như  hiện diện đầy đủ trừ vài vị vắng mặt vì công tác ở hải ngoại như Ngoại trưởng Kevin Rudd, Tổng trưởng Ngân khố Wayne Swan. Tôi thấy Dân biểu Tự do Malcolm Turnbull thỉnh thoảng xuống ngồi bên cạnh mấy dân biểu độc lập như Tony Windsor hay dân biểu Đảng Xanh Adam Bandt thì thầm với họ trong khi các dân biểu khác đang phát biểu.

 

Ngồi nghe tranh luận khoảng 45 phút, chúng tôi cảm thấy đủ và ra về để còn nhường chỗ cho người khác đang sắp hàng vào xem. Và không biết rằng, cuối cùng quốc hội đã không biểu quyết dự luật về người tầm trú của bà Gillard và hoãn phiên họp đến hai tuần lễ.

 

Chúng tôi sang Thượng viện ở phòng đối diện để xem cho “đủ bộ”. Lác đác vài du khách ngồi xem ở Public Gallery. Trong phòng họp hôm nay không biết có tới được 10 vị thượng nghị sĩ hay không. Rất buồn tẻ. Không nghe tranh luận mà chỉ là những biểu quyết trong đó có vụ Đức ông Ian Dempsey bị Thượng nghị sĩ Nick Xenophon nêu danh nay xin được đáp trả. Tôi không thấy bà Thượng nghị sĩ Lundy, người đứng ra tổ chức cuộc họp mặt bàn tròn dành cho báo chí sắc tộc cách đây chừng một tiếng.

 

Ngồi nghe chừng 5  phút, chúng tôi ra về vì thấy không hấp dẫn như ở Hạ viện.

 

Thế là gần một ngày quanh quẩn ở tòa nhà quốc hội. Chúng tôi ra bên ngoài, ngắm cảnh tòa nhà quốc hội mới chừng mươi phút cho đã mắt trước khi đi bộ xuống quốc hội cũ nằm ở trước mặt cách chừng một cây số để thăm viếng, dầu biết rằng chỉ còn mươi phút nữa là 5 giờ chiều, là lúc đóng cửa. (còn tiếp)