John McCain chắc chắn sẽ là ứng viên tổng thống của Cộng hòa sau khi Mitt Romney rút lui. Hillary Clinton dẫn đầu nhưng hụt tiền vận động tranh cử

07 Tháng Hai, 2008 | Tin thế giới

Ông Rommey nguyên là thống đốc tiểu bang Massachussetts và là một triệu phú theo đạo Mormon, đã bỏ hàng triệu tiền túi ra vận động tranh cử nhưng đến nay vẫn  thua Thượng nghị sĩ John McCain trên 300 phiếu.  Thế là đảng Cộng hòa chỉ còn 3 người tranh cử nhưng ứng viên  Ron Paul  coi như  không đáng kể bởi ông này chỉ được 14 phiếu!

 

Mẹ của TNS McCain, bà Roberta vẫy tay những người ủng hộ

Đối thủ còn lại là Mục sư Tin lành Mike Hukabee được 195 phiếu. Cho đến hôm nay, cuộc kiểm phiếu cho thấy TNS McCain được 707 phiếu. Muốn trở thành ứng viên của Cộng hòa, phải được tối thiểu 1191 phiếu. Sau khi nhân vật số 2 của Cộng hòa rút lui, hầu như chắc chắn TNS McCain sẽ là người đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử vào ngày 4.11.08.

 

Vấn đề còn lại của đảng Cộng hòa hiện nay là ai sẽ cùng đứng chung một liên danh với ông McCain. Đã có những đồ đoán  và tin hành lang cho rằng cựu thống đốc Arkansas, mục sư  Hukakee,  là người đảng muốn làm phó cho ông McCain. Ông mục sư  sẽ là người tạo sự cân bằng cho liên danh bởi ông mục sư có đầu óc bảo thủ hơn, được giới bảo thủ Cộng hòa thích hơn và nhất là người được sự ủng hộ của các cử tri Thiên Chúa giáo tại các tiểu bang miền nam Hoa Kỳ (TNS  McCain bị coi là hơi cấp tiến).

 

Hình như ông Hukakee có bắn tiếng là ông sẽ cảm thấy thích thú nếu được đứng chung liên danh với ông McCain. Tuy nhiên, cho đến hôm

Rút lui: ứng viên Mitt Romney và vợ

 nay TNS chưa cho biết ông có dự tính sẽ chọn ai làm phó nếu ông dành được sự đề cử của đảng. Người ta cho rằng, nếu vào  được Tòa Bạch Ốc, ông McCain thế nào cũng dành cho ông Hukabee một ghế bộ trưởng. Cách đây mấy tháng, ông McCain hầu như không có triển vọng gì so với các ứng viên Guiliani (đã bỏ cuộc),  Romney và Hukakee vì không tạo sự nổi tiếng, hấp dẫn cử tri và cả không có đủ tiền để vận động.

 

Obama, Clinton: kẻ dư tiền, người thiếu hụt

 

Khác với  đảng Cộng hòa, cuộc chạy đua giữa hai ứng viên đảng Dân chủ hiện vẫn còn khá khít khao, kẻ tám lạng người mưới phân, chưa có phân thắng bại rõ rệt sau ngày bầu cử  quan trọng Super Tuesday.

 

Sau  một lần khóc thứ hai trước công chúng, ngày hôm sau bà Hillary Clinton đã thắng ông Barack Obama với tỉ  lệ 845- 765, tức chỉ hơn đối thủ 80 phiếu. Muốn được đảng đề cử, ứng viên Dân chủ phải được số phiếu đại biểu tối thiểu là 2025. Con đường quả là còn dài, và rất vất vả cho hai đối thủ này.

 

Trong cuộc bầu cử  vừa rồi,  bà Clinton thắng ở 8 tiểu bang và ông Obama thắng tại 13 tiểu bang. Tuy thắng ít tiểu bang hơn, nhưng bà Clinton có nhiều phiếu hơn vì bà thắng ở những tiểu bang lớn có đông đại biểu như   California, Nữu Ước và New Jersey.  Trong khi ông Obama lấy được phiếu của người da đen, giới trung lưu và trí thức da trắng, bà Clinton chiếm được sự ủng hộ từ người gốc Hispanic (Châu Mỹ La Tinh) và giới phụ nữ.

 

Cử tri đảng Dân chủ  phải có sự chọn lựa rất khó khăn giữa hai ứng viên có nhiều điểm giống nhau về nhân sinh quan, xã hội, chính trị và ngoại giao, chỉ khác là họ sẽ bầu vào Nhà Trắng vị tổng thống da đen đầu tiên hay vị tổng thống  đàn bà đầu tiên.

 

Trong những ngày tới Obama và Clinton  sẽ có những trận đấu ở Lousiana, Nebraska, tiểu bang Washington (ngày 9/2);  Maine (10/2); Washington DC, Maryland, Virginia (12/2); Wisconsin, Hawaii (19/2); Texas, Ohio, Rhode Island  (4/3) trong đó có hai tiểu bang lớn nhất là Texas với số phiếu 228 và Ohio có 161 phiếu đại biểu.

 

Với tình hình hiện nay, có thể hai ứng viên sẽ đấu với nhau tới ngày chót, có thể sau cả tháng 3 bởi vì  không có sự chênh lệch đáng kể nên sẽ không có ai chịu rút lui. Và vì thế, sẽ có những trận đấu ác liệt và bêu xấu nhau giữa hai đối thủ để dành sự đề cử.

 

Trong khi ông Obama chỉ trong tháng Giêng vận động được $32 triệu và vài ngày sau hôm Super Tuesday vừa rồi được thêm $7 triệu thì có tin bà Clinton đang chới với vì quỹ vận động đã cạn kiệt khiến bà phải bỏ tiền túi $5 triệu đô la để bộ máy vận động tranh cử tiếp tục chạy.

 

Không biết bà Hillary Clinton có phải chảy nước mắt lần thứ ba trước công chúng nữa không để cho thùng quyên tiền tranh cử được đầy?