Giuliani rút lui và ủng hộ McCain, Edwards bỏ cuộc nhưng chưa đứng về phía nào. Người hùng chiến tranh VN rất hy vọng trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa

31 Tháng Một, 2008 | Tin thế giới

Nhưng sau chiến thắng ở tiểu bang Florida, ông lại được sự ủng hộ của ông Giuliani, một đối thủ đã trở thành “một người bạn thân” như ông McCain đã tuyên bố khi đối thủ bỏ cuộc chạy đua. Về phần mình, cựu Thị trưởng Nữu Ước  ca ngợi TNS McCain mà một người hùng của nước Mỹ và rất xứng đáng để trở thành vị tổng tư lệnh tối cao của Hiệp Chúng Quốc.

 

Tại California, trước cuộc tranh luận giữa các ứng viên Cộng hòa để chuẩn bị cho ngày bầu cử sơ bộ Super Tuesday tuần tới, ông Giuliani làm cho TNS McCain phấn chấn khi tuyên bố rằng hễ đã không nói thì thôi, một khi đã ủng hộ thì sẽ ủng hộ 100 phần trăm, sẽ làm việc hết mình và sẽ tích cực vận động cho TNS McCain  như chính vận động cho bản thân mình. Ông Giuliani nói: “Bạn không hẳn luôn  luôn thắng, nhưng bạn cố gắng làm cho đúng”. Việc làm đúng của ông là giúp TNS McCain vào Tòa Bạch Ốc.

 

TNS McCain còn lên tinh thần hơn nữa khi Thống đốc Arnold Schwarzenegger, một người coi cựu TT Ronald Reagan là người hùng, đã chính thức ủng hộ mình. Trong cuộc tranh luận diễn ra tại  Thư viện Ronald Reagan Presidential Library hôm qua, TNS McCain đã nhắc đến thời vàng son của đảng Cộng hòa dưới triều TT Reagan –vị tổng thống già nhất của nước Mỹ khi trúng cử lần đầu—và hứa sẽ theo đuổi một chính sách kinh tế bảo thủ và ổn định như  người mà TNS McCain cũng coi là thần tượng.

 

Cựu thượng nghị sĩ Massachussett –triệu phú Mitt Romney– đã nhân dịp này chỉ trích ông McCain là một người không trung thành với các nguyên tắc căn bản của đảng Cộng hòa, rằng ông McCain quá cấp tiến trong các lãnh vực như di dân, tài chánh, thuế khóa và môi sinh.  Ứng viên thuộc giáo phái Mormon rất bảo thủ của Thiên Chúa giáo nói về TNS McCain: “Nếu ông được báo New York Times ủng hộ, hầu như ông không phải là một người bảo thủ”.

 

Sau cuộc tranh cử sơ bộ ở Florida vừa qua trong đó TNS McCain chỉ thắng cựu Thống  đốc Rommey một cách sít sao (hơn khoảng 5 phần trăm), người ta nghĩ rằng cuộc tranh cử nay chỉ còn lại giữa McCain và Romney.  Nhưng ứng viên cựu Thống đốc Arkansas là Mike Huckabee vẫn còn là một ứng viên “phá phiếu” đáng nể mặt, nhất là tại những tiểu bang có nhiều người mộ đạo. Mục sư  Tin lành Huckabee với tài ăn nói và có đầu óc khôi hài đã lưu ý cả hai đối thủ dẫn đầu lẫn cử tri rằng trong cuộc chơi này còn có ông: “Tôi xin lưu ý quý vị, trong cuộc tranh cử này vẫn còn một thằng chả thứ ba đang đứng bên cánh phải sân khấu đấy”.

 

Nhưng  “thằng chả thứ ba” này đã không lần nào dẫn đầu sau cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở Iowa. Liệu lịch sử có lập lại không như đã từng xảy ra với cựu TT Bill Clinton, cựu thống đốc Arkansas không?

 

Như  TVTS Online đã loan tin ngày hôm qua, ứng viên John Edwards đã tuyên bố từ chức sau thất bại ở Florida. Trước đó đã có lời đồn rằng vị cựu thượng nghị sĩ kiêm cựu ứng viên Phó Tổng thống vào năm 2004 sẽ rút lui vì ông luôn đứng hàng thứ ba trong mọi cuộc vận động tranh cử vừa qua, vì bệnh ung thư của vợ ông tái phát, vì ông không còn đủ tiền để trả cho các nhân viên làm việc trong ban vận động tranh cử.

 

Giấc mộng không thành: ứng viên John Edwards và gia đình

Tuy nhiên ông Edwatds đã không nêu các lý do nói trên khi rút lui mà chỉ cho rằng đã đến lúc ông dành đường cho lịch sử sang trang.

TNS Edwadrs là con của một người thợ ngành dệt vải, đã thành công trong nghề luật sư chuyên các vụ kiện các đại công ty trước khi trở thành triệu phú và vào chính trường. Chủ trương của ông là bảo vệ người nghèo, giới lao động do đó ông được thành phần này và các nghiệp đoàn ủng hộ. Ông Edwards cũng được phiếu của người Mỹ da trắng trung lưu do đó cả  TNS Obama lẫn TNS Clinton đều muốn  được sự ủng hộ của ông hầu dành thêm phiếu từ các nhóm nói trên, nhưng  TNS Edwards chưa cho thấy ông sẽ ủng hộ ai.

 

Cả Obama lẫn Clinton đều ca ngợi lý tưởng tranh đấu cho người nghèo của ông  Edwards,  và ông Edwards cũng cho biết ông đã được cả ông Obama lẫn bà Clinton bảo đảm là họ sẽ theo đuổi lý tưởng tranh đấu chống sự nghèo đói của ông.

 

Cho đến hôm nay, bởi vì phiếu thắng ở Florida không được đảng Dân chủ tính, nên số phiếu đại biểu của bà Clinton được vẫn là 230 và ông Obama là 152. Tuy vậy, cuộc bầu cử  Super Tuesday tuần tới mới quan trọng vì số đại biểu (delegates) của 22 tiểu bang lên tới 2,075 phiếu. Ứng viên muốn đại diện cho đảng Dân chủ phải cần tối thiểu 2,025 phiếu trong tổng số 4,049 trên toàn quốc.

 

Vì California có đến 441 đại biểu của Dân chủ,  đây là một trong những chiến trường quan trọng hàng đầu của ông Obama và bà Clinton.  Ông  Obama được sự ủng hộ của TNS Ted Kennedy và nay được thêm sự hậu thuẫn của tờ New York Post, một tờ báo bị coi là lái cải (tabloid) nhưng rất có uy thế bởi có đông độc giả. Đây là tờ báo trong tập đoàn News Corp do tỉ phú Úc Rupert Murdoch làm chủ. Chính tờ báo này khui ra vụ Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã từng đi xem tươi mát ở hộp đêm khỏa thân khi đi công tác với tư cách đối lập về ngoại giao mấy năm về trước.

 

Tờ New York Post  từng ủng hộ mạnh mẽ TNS Hillary Clinton trong lần bà tái tranh cử nghị sĩ vào năm 2006 vừa qua, nhưng nay cho rằng  bầu cho bà Clinton là bầu cho quá khứ, cho triều đại Clinton II  với những vụ tai tiếng như Travelgate, Whitewater, Filegate, Lincoln Bed Room Sale, Pardongate và không chừng cả sự tái diễn lộn xộn như  vụ Monica, vì thế báo này viết: “No thank you!”.

 

Tuy nhiên, phe bà Clinton không dễ thua bởi bà Clinton còn được sự ủng hộ của giới phụ nữ, di dân, trung lưu và cả người da đen nữa. Một phụ nữ da đen khi được phỏng vấn tin rằng vẫn chưa đến lúc người da đen có thể vào Tòa Bạch Ốc được.

 

Cuộc tranh hùng giữa Obama và Clinton coi mòi sẽ ngang ngửa với những chiêu xuất độc đáo hứa hẹn xảy ra, kể cả bôi tro trát trấu nhau.