Tại sao chọn Melbourne Recital Centre?

05 Tháng Một, 2016 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Khung cảnh rất ấm cúng dù hội trường có đến 1,000 ghế: Nguyễn Hồng Anh trên sân khấu Elisabeth Murdoch Hall trong ngày đi xem trước khi ký hợp đồng thuê hội trường

 

Vé xem văn nghệ Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh tại Trung tâm hòa nhạc Melbourne Recital Centre đã bắt đầu được phát hành, dịp này Thiên Nguyễn của TiVi Tuần-san đặt vài câu hỏi quanh việc tổ chức một buổi văn nghệ rất đặc biệt này với chủ bút Nguyễn Hồng Anh.

 

Thiên Nguyễn: Tại sao có buổi văn nghệ này?

 

Nguyễn Hồng Anh: Một số bạn văn nghệ ở Thành phố Melbourne đã hỏi tôi, sau chuyến “mang chuông đi đánh xứ người” ở nam California, chừng nào sẽ có một buổi ra mắt cho khán thính giả ở thành phố Mebourne.

 

Câu hỏi đó cũng đã được ký giả Viễn Trình của đài truyền hình VN-TV nêu ra trong một cuộc phỏng vấn khi tôi vừa cho ra mắt cuốn CD-4 Boat People Dance vào ngày 30.4.2015 vừa qua. Tôi nhớ tôi có nói với Viễn Trình là sẽ tổ chức một buổi văn nghệ “lơn lớn” cho khán thính giả Melbourne và vì vậy mới có chương trình Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh được tổ chức tại trung tâm Melbourne Recital Centre.

 

TN: Nhưng tại sao không phải tại một nhà hàng, reception, hội trường thành phố hay ở Crown casino?

 

NHA: Tôi cũng đã nghĩ đến nhiều nơi. Một số bạn bè và thân nhân nói hãy tổ chức ở nhà hàng, họ sẽ giúp bán vé cho. Một số người đề nghị tổ chức ở các hội trường của các trường học, nhưng tôi thấy các nơi đó không thích hợp với việc ra mắt các ca khúc của tôi.

 

Lý do: Nhà hàng là nơi để họp mặt vui chơi, giải trí, ủng hộ các buổi gây quỹ và thưởng thức các món ăn hơn là thưởng thức một tác phẩm âm nhạc, nhất là những tác phẩm rất xa lạ hay còn quá mới. Đối với những ca khúc quen thuộc, khán thính giả có thể không cần chăm chú nghe vì họ đã biết nội dung trong khi những ca khúc của tôi, cần sự chăm chú thì mới có thể thưởng thức được. Tôi cần một nơi khác hơn là nhà hàng hay các receptions.

 

TN: Nhưng tại sao không bán vé, dù là vé ủng hộ?

 

NHA: Sau một thời gian suy nghĩ, tôi có ý tưởng kết hợp buổi ra mắt nhạc của tôi với hoạt động của báo TVTS, có nghĩa dùng buổi văn nghệ đó để kỷ niệm 30 năm làm báo (đăng bạ TiVi Tuần-san ngày 18.11.1985 và phát hành số đầu tiên ngày 17.1.1986) và nhất là để cám ơn độc giả TVTS đã ủng hộ tờ báo trong 30 năm qua. Gọi là cám ơn thì phải tặng.

 

TN: Ông đã đi xem bao nhiêu hội trường để thuê?

 

NHA: Tôi có nghĩ đến những hội trường lớn ở Crown như Palladium và Palms. Tôi có đi dự buổi văn nghệ “Thank You Australia” hồi tháng 4 và thấy hội trường Palladim  quá lớn và ghế ngồi cũng giống như  hội trường của các tòa thị chính, có nghĩa sàn bằng chứ không dốc như ở các rạp chiếu bóng.

 

Còn hội trường Palms at Crown tuy có số lượng ghế vừa phải (600 chỗ), nhưng lối sắp xếp ghế thích hợp với giải trí (entertainment) hơn là để giới thiệu những tác phẩm đầu tay.

 

Tôi đã liên lạc với Collingwood Town Hall, một địa điểm rất thích hợp cho việc đi lại, đậu xe với khả năng chứa tới 700 người.  Tôi đã từng chơi văn nghệ ở nơi này cách đây trên 30 năm. Phòng ốc thì đẹp, nhưng âm thanh không tốt, âm thanh bị dội (écho) dù lúc  này hội trường được tân trang rất đẹp.

 

Tôi cũng đã liên lạc với hội trường của Melbourne Town Hall. Hội trường rất đẹp nhưng quá rộng (chứa đến 2000 người) thì sẽ rất loãng với một chương trình ra mắt nhạc như của tôi. Tôi đã đi nghe buổi văn nghệ do Cộng đồng Người Việt Tự  Do Victoria tổ chức vào tháng 6 vừa qua kỷ niệm 40 năm định cư của người Việt tại Úc.

 

Khi tôi nói với nhân viên Melbourne Town Hall là hội trường quá sức lớn so với số lượng khán thính giả mà tôi nghĩ sẽ đi nghe, họ giới thiệu cho tôi những hội trường của các thành phố khác, nhưng tôi thấy các nơi đó dùng để diễn thuyết, tổ chức tiệc tùng hơn là để nghe nhạc.

 

Tôi nghĩ đến hai hội trường nghe nhạc ở vùng Southbank, gần ga xe lửa trung ương Flinders Street: Hamer và Melbourne Recital Centre là những nơi tôi đã từng đi nghe nhạc vài lần. Nhưng Hamer quá lớn với 2000 chỗ ngồi. Tôi chọn hội trường Elisabeth Murdoch Hall  trong trung tâm Melbourne Recital Hall vì nơi đây có  tổng cộng 1,000 ghế nếu mở thêm các dãy ghế trên lầu.

 

Các dãy ghế ở stalls (sàn) và ở các cánh (wings) trái phải của hội trường chụp từ hàng ghế trên lầu (circle): Melbourne Recital Centre  tự hào giống hai hội trường hàng đầu thế giới ở Vienna và London nhưng “trong khi đang sống ở giữa thời đại kỹ thuật số, là một sự giao duyên giữa cổ điển và tiến bộ” (sic)

 

Đặc điểm của hội trường này là sự ấm cúng. Tôi chỉ ngồi làm khán giả nhưng hôm khi quan sát hội trường trước khi ký hợp đồng, tôi mới thấy hội trường đẹp và ấm cúng đến mức nào. Đứng ở trên sân khấu, tôi thấy choáng ngợp với những dãy ghế ở  khu gần sân khấu (stalls) và cả trên lầu (circle & wings). Tôi có cảm tưởng khán thính giả quá gần mình. Khi tôi khen ngợi sự ấm cúng của hội trường, người phụ trách việc cho thuê nói rằng với kiến trúc này, dù hội trường có sức  chứa 1000 người, nhưng nếu chỉ có vài ba trăm khán thính giả, vẫn thấy ấm cúng (intimate) như thường. Tôi cảm thấy được khung cảnh và cái không khí mà tôi không thể thấy ở Crown, Collingwood hay Melbourne Town Hall, nên tôi quyết định thuê ngay dù điều kiện của trung tâm này hơi khó khăn, nếu không muốn nói là quá khắt khe. Nhưng tôi hiểu và thông cảm, vì hội trường này là một hội trường dành cho những dàn nhạc cổ điển hay giao hưởng trình diễn, nên họ đòi hỏi một số điều kiện đối với người tổ chức và khán thính giả.

 

TN: Thế nào gọi là “khó khăn”?

 

NHA: Chẳng hạn, khán thính giả hay người tổ chức không được đứng ở lối đi khi đang trình diễn. Mọi người phải luôn ngồi trong ghế, kể cả các người quay phim.  Họ sẽ đóng mọi cửa ra vào khi đến giờ trình diễn, thí dụ đến 7 giờ tối chương trình Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh bắt đầu, họ sẽ đóng cửa và sẽ không cho người đi trễ vào trong suốt buổi trình diễn.  Nhưng họ đồng ý với tôi sẽ mở cửa vào một lúc nào đó cho người đi trễ nếu ban tổ chức muốn.

 

Cách đây hơn một tuần, tình cờ đi qua Melbourne Recital Centre, tôi muốn vào nghe một chương trình biểu diễn nhạc giao hưởng. Tôi giới thiệu tôi là người sẽ tổ chức một buổi trình diễn ở đây vào tháng 3 năm tới. Họ xem trong tờ chương trình và hỏi tôi muốn gì, tôi nói tôi biết chương trình đã diễn ra được một nửa rồi, nhưng tôi sẵn sàng trả tiền vé đầy đủ để đóng vai khán thính giả nghe thử thêm lần nữa, nhưng họ từ chối, nói rằng trong lúc đang trình diễn, trung tâm không mở cửa cho người vào vì gây ảnh hưởng cho các khán thính giả khác. Tôi nói “khó khăn” là vậy, nhưng có lẽ nhờ thế mà khán thính giả được nghe một ca khúc, một tác phẩm mà không bị lo ra, chia trí bởi những sự việc chung quanh.

 

TN: “Khó khăn” như thế thì tại sao lại chọn Melbourne Recital Centre.

 

NHA: Những cái gọi là “khó khăn” đó sẽ cho thính giả một bầu không khí tuyệt vời để nghe nhạc. Khi tôi hỏi nhân viên của trung tâm về việc chụp hình, họ nói không được chụp trong lúc đang trình diễn vì tiếng kêu khi bấm máy sẽ ảnh hưởng đến người ngồi nghe chung quanh. Họ nói ở cái hội trường rất yên lặng này, mở tờ chương trình cũng nghe tiếng kêu sột soạt của giấy huống gì tiếng bấm máy ảnh.

 

Khi chọn một món quà để tặng cho người mình trân trọng, người ta thường cố gắng để tặng món quà có giá.  Để đáp lại sự hỗ trợ độc giả dành cho TVTS, dĩ nhiên tôi phải tặng món quà quý nhất: Nghe các ca khúc của một người viết nhạc ở  một hội trường hàng đầu.

 

Melbourne Recital Centre ở Southbank: “A brilliant marriage of the classical and the progressive” (sic). Hình: TVTS

 

Năm 2009, tôi được dịp lần đầu tiên đi nghe nhạc miễn phí ở Elisabeth Murdoch Hall trong ngày Open Day của trung tâm này do Chính phủ Tiểu bang Victoria thực hiện. Sau đó tôi đã viết bài giới thiệu về buổi đi xem trong Ngày Mở Cửa đó, nói rằng căn cứ vào tài liệu của trung tâm, Elisabeth Murdoch Hall là một trong những trung tâm nghe nhạc hàng đầu của thế giới với những kỹ thuật âm thanh (acoustic) của trung tâm này. Họ nói Elisabeth Murdoch Hall là nơi nghe nhạc ngang hàng với những hội trường nổi bật (landmark halls) trên thế giới như  Musikverein Hall ở thành phố Vienna và Wigmore Hall ở London.  Tôi không ngờ do tình cờ, tôi đã được đi nghe nhạc ở hội trường Musikverein khi đến thăm Vienna vào tháng 7 vừa qua. Và bây giờ tôi sắp tổ chức trình diễn nhạc ở hội trường Elisabeth Murdoch Hall. Có lẽ tôi là người Việt đầu tiên tổ chức một chương trình nhạc Việt Nam ở cái hội trường mốc của nước Úc và thế giới. Tổ chức để cám ơn độc giả TVTS.

 

Nguyễn Hồng Anh trong một lần đi nghe nhạc tại Musikverein Hall ở thành phố Vienna, nuớc Áo. Hình: TVTS

 

Tưởng cũng xin nói thêm, vào ngày 7  tháng 12  vừa qua, Melbourne Recital Centre đã tổ chức một Tour Guide để bất cứ ai cũng có thể đi thăm trung tâm này mà họ gọi là “Discover the Best Place To Hear”.  Giá vé để được đưa đi xem trung tâm Melbourne Recital Centre là $15/ người.

 

Lúc này, độc giả TVTS không những sẽ được đi “tham quan” cái trung tâm nghe nhạc hàng đầu của Úc mà còn được ngồi trong những dãy ghế rất sang trọng của “Nơi Tốt Nhất Để Nghe” một chương trình nhạc do những ca sĩ có giọng hát rất hay trình diễn những ca khúc của một người viết nhạc cách đây 30, 40 năm, với sự phối khí của một nhạc sĩ hòa âm chuyên nghiệp là Bình Cadillac và một ban nhạc đầy đủ trống, kèn, đàn.

 

Tôi nghĩ có lẽ đây là một biến cố âm nhạc hiếm xảy ra trong cộng đồng Việt Nam tại Melbourne, về nội dung cũng như hình thức.

 

TN: Xin cám ơn ông Nguyễn Hồng Anh.

 

* * *

 

Ghi chú: Muốn có vé vào cửa, xin cắt phiếu (coupon) ở trang 3 báo in TVTS phát hành hàng tuần và mang tới tòa soạn ở số  49 Victoria Parade Collingwood Vic 3066  để đổi vé.