Kim Trang và Tình khúc Nguyễn Hồng Anh: Tình Mê – Dư Hương – Xuân Ly

25 Tháng Năm, 2015 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Nguyễn Hồng Anh và em gái Bích Hà song ca bài “Tình Mê” tại Hội trường Việt Báo, California, tháng 11 năm 2014

 

 

Tình Mê

 

 

Với những rung cảm đầu tiên sẽ đẹp mãi trong ký ức, có bao giờ bạn tự hỏi đó là tình yêu thật hay chỉ là những cảm xúc mơ hồ như được diễn tả qua tác phẩm “Tình Mê”:

 

“Tình yêu sao mong manh như tà áo em xanh…”

 

Một màu xanh của sư êm dịu, nhẹ nhàng đôi khi là một cảm giác lâng lâng không thể giải thích được, như nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu đã từng bày tỏ:

 

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

 

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,

 

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

 

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.

 

Như một quy luật muôn đời, tình yêu gắn với niềm say mê, một đam mê mãnh liệt cháy bỏng và không giới hạn:

 

“Tình yêu qua hôn mê nên tình về quên lối.”

 

George Sand, một nhà văn hào Pháp thế kỷ 19 đã từng cho rằng: “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, yêu và được yêu”, chân lý đó sẽ làm cho con người thêm yêu cuộc sống đầy ý nghĩa:

 

“Cho dù ngày mai ta xa cách,

 

Cho dù người đời hay chê trách,

 

Ân tình đã một lần vương vấn nào nguôi.”

 

để sẵn sàng hy sinh cho nguyện vọng và hạnh phúc của người mình yêu:

 

“Tình yêu cho anh xin như là cánh chim bay,

 

Để đưa em tôi đi chân trời đầy mơ ước…”

 

Nhà văn hào Pháp Stendal có nói: “Một nửa và là một nửa đẹp nhất của cuộc đời vẫn còn khép kín với những ai chưa từng yêu say đắm”, có phải với tâm trạng này, mà tác giả muốn bày tỏ cùng người yêu:

 

“Tình yêu ôi vô biên,

 

Nào có hay chăng em yêu,

 

Đời có em, đưa nhau vào tình mê”.

 

Qua ca khúc “Tình Mê” với những vần thơ,  ý nhạc hòa quyện,  Nguyễn  Hồng Anh đã chắp cánh cho tình yêu tuyệt vời của “chân trời đầy mơ  ước” với  những cung bậc cảm xúc, say đắm và miên man như  William Shakespeare đã từng nhận định: “Tình yêu là linh hồn đọng lại của tất cả lửa trên đời”.

 

 

Dư Hương

 

Có những kỷ niệm sẽ nhạt dần theo năm tháng nhưng những kỷ niệm của yêu thương, của những tình cảm hồn nhiên thì vẫn còn đọng mãi trong trong ký ức của tuổi học trò. Nhẹ như mây lại sâu như lòng biển, thoáng qua như những cơn mưa chiều tháng năm vậy – những mộng mơ, xao xuyến của thời học trò – sẽ còn phảng phất bao “Dư Hương” ngọt ngào trong sâu thẳm của một góc trái tim:

 

“Tìm đâu em ánh mắt dịu dàng,

 

Tìm đâu em mái tóc bồng bềnh,

 

Tìm đâu em bóng dáng thiết tha,

 

Sân trường mùa thu đã qua,

 

Riêng mình ta với ta”

 

Có những nỗi  tâm sự thầm lặng, những niềm riêng làm sao nói hết, đó là những nhớ nhung da diết đã thấm sâu trong vùng trời kỷ niệm:

 

Tìm đâu em cho vơi hết nhớ thương,

 

Cho lòng mình thêm vấn vương,

 

Cho tình ta ngát hương.”

 

Hòa cùng tâm tưởng được diễn tả qua tác phẩm Traumerei – Reverie (Mộng Mơ) cung Fa trưởng, là một trong những tình khúc nổi tiếng nhất của Schumann, đã từng đươc chọn làm phần mở đầu và kết thúc của bộ phim Hollywood – Song of Love (Bài hát tình yêu) năm 1947, bạn sẽ tìm thấy những cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng, êm đềm như áng mây trắng bồng bềnh trôi, đưa chàng trở về những ngày xưa yêu dấu bằng hoài niệm:

 

“Tìm bên em theo dấu tháng năm

 

Đếm tình bằng những bước chân,

 

Cho mòn những lối đi.”

 

Ở đây, tác giả đã khéo léo dùng thuật ngữ  ẩn dụ “đếm tình”, “mòn lối” khiến người nghe cảm được nỗi cô đơn tăng dần theo từng bước chân lặng lẽ để đong nỗi nhớ thương người tình…

 

 

Xuân Ly

 

 

Ca khúc mở đầu với âm điệu ngũ cung nhẹ nhàng hoà nhịp trong hình ảnh lãng mạn của một buổi chiều xuân “mưa rơi lác đác” có một bóng hồng “thơ thẩn” đợi chờ tình nhân được diễn tả qua những vần thơ lục bát tình tứ đi đôi với nhịp điệu cân đối và cấu trúc hỏi-đáp:

 

“Mùa xuân lác đác mưa rơi,

 

Em ngồi thơ thẩn đợi chờ ai đây?

 

Lang thang cánh hạc lưng mây,

 

Sầu dâng bến nước nhớ xây nên thành.

 

Mùa xuân gió mát trăng thanh,

 

Em buồn mê mải nhớ anh thuở nào?

 

Bâng khuâng nghe lá thì thào,

 

Xuân rày đã đến nhớ sao tình đầu.”

 

Những kết câu không trọn và giải kết giáo đường được xen kẽ giữa những câu kết trọn vẹn nhằm diễn đạt những dòng mơ tưởng miên man của cô gái, thấp thỏm đợi chờ trong âu lo, nhưng với một nỗi nhớ khôn nguôi:

 

“Đêm xuân thức suốt canh thâu,

 

Em ngồi mơ ánh trăng sầu bỏ đi.”

 

Có thể xem đây là một khúc ca sầu mộng trong mùa xuân “Fruhlingstraum” của Schubert, nói về kỷ niệm của một mùa xuân ngập tràn tình yêu và hạnh phúc, đã qua đi không trở lại, được diễn tả qua những bước chuyển cung từ  Rê Thứ đến Sol Thứ 7 rồi trở về Rê Thứ:

 

“Xuân ơi xuân nỡ phân ly,

 

Cho em mang nặng xuân thì dở dang,

 

Tình xuân này đã cưu mang,

 

Nửa năm để nhớ, nửa năm để sầu.”

 

Mùa xuân như lắng nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của một tâm hồn đau đớn:

 

“Cho em đếm lá xuân sang,

 

Để em nuối tiếc cung đàn xa xưa.”

 

Tác giả đã kết bài với hoà âm pha trộn (mixed chords) từ hợp âm thất trình Si Giảm trở về chủ âm Rê Trưởng để diễn tả những dư vị ngọt ngào của hạnh phúc dù đã bay xa, nhưng tình yêu sâu đậm vẫn còn lại đây, vĩnh cửu trong trái tim nàng…

 

Kim Trang