Nhạc sĩ VĂN GIẢNG (1924-2013): từ Galang tới Melbourne

03 Tháng Sáu, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Galang 1982, Barrack 73, Bác Giảng (sơ-mi trắng) ngồi chính giữa. Hình: NVT

 

 

Hôm nay, thêm một lần nữa, chúng tôi mạn phép sử dụng trang báo của tiết mục vốn có tên gọi không mấy nghiêm chỉnh này để viết về một người vừa ra đi. Bởi như đã thưa trước đây trong các bài viết về Người bạn trẻ VĂN XUÂN AN, Nhạc trưởng VŨ VĂN TUYNH, Ký giả lão thành NGUYỄN TÚ, và Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HƯNG, giữa chúng tôi và người vừa nằm xuống ấy có một mức độ thân thiết đủ để gạt bỏ mọi khách sáo, câu nệ.

 

Riêng với Bác NGÔ VĂN GIẢNG, cũng như với cố Ký giả Nguyễn Tú trước đây, chúng tôi thực sự không dám tự tiện nhận mình là người thân thiết, nhưng bởi vì cả hai vị ấy đã có lòng chiếu cố, chúng tôi chỉ biết hoan hỉ đón nhận.

 

Thân thế và sự nghiệp âm nhạc của Bác Ngô Văn Giảng – tức Nhạc sĩ VĂN GIẢNG, tác giả của Thúc Quân, Lục Quân Việt Nam, Đêm Mê Linh…, THÔNG ĐẠT của Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Hoa cài mái tóc, Tình em biển rộng sông dài…, NGUYÊN THÔNG của Từ Đàm quê hương tôi, Mừng ngày Đản Sanh, Vô thường, Hoa cài áo lam…, trước đây nhạc sĩ Lê Dinh và nhà báo Huy Phương (Người Việt) đã có những bài viết thật công phu, đầy đủ.

 

Về con người và công đức của “Phật tử Nguyên Thông”, quý vị cao tăng ở Úc, ở Tân-lây-lan, quý đạo hữu thuộc Đạo tràng Quang Minh đã không tiếc lời ca tụng trong tang lễ tại chùa Quang Minh, Melbourne, vào tối Thứ Hai, 13/5/2013.

 

Cho nên trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin kể lại cơ duyên đã khiến chúng tôi được gặp gỡ, quen biết ông, những kỷ niệm trong hơn 30 năm qua, và những gì nơi con người ông đã khiến tôi yêu mến, kính phục.

 

Ông Phó Trại Trưởng Galang

 

 Tôi, một cựu sĩ quan báo chí (lính văn phòng thứ thiệt), làm “hoa tiêu”, còn ông anh cột chèo, một chuyên viên quang tuyến X, làm “tài công”. Ơn trên phù hộ cùng với phúc đức ông bà để lại, sau bốn ngày ba đêm lênh đênh trên biển cả, trong đó có hai ngày giông bão lớn, chúng tôi tới Pulau Laut, một hòn đảo rất nhỏ nhưng có ngọn núi khá cao, thuộc lãnh thổ Nam Dương.

 

Từ Pulau Laut, chúng tôi được đưa tới đảo Natuna, một đơn vị hành chánh cấp quận (district), nơi có khá nhiều ghe của thuyền nhân Việt Nam đã cập bến. Thời gian này, tại Natuna không còn đại diện của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR), các thuyền nhân được tự đi lại, mua bán (ở đây có cả “sốp Tầu”), tiếp xúc với dân chúng địa phương, tóm lại rất thoải mái; chỉ có chỗ ăn ngủ là kẹt: mấy trăm người chen chúc trên một nhà sàn và cầu tầu lộ thiên bằng ván đã hư nát, ban đêm có việc phải đi lại, dẵm lên người khác là chuyện thường. Vì thế, mặc dù nghe nói trong số ghe tới trước có ghe của “Nhạc sĩ Văn Giảng”, tôi cũng không có cơ hội tìm gặp ông.

 

Sau hơn một tuần ở Natuna, chúng tôi được đưa tới đảo Kuku, trước kia là một hoang đảo, sau này được nhà cầm quyền Nam Dương cho Cao ủy Tỵ nạn thuê mướn để làm nơi tạm trú cho thuyền nhân trong lúc chờ ngày được đưa tới trại tỵ nạn Pulau Galang.

 

Tới Kuku được vài ngày, sau khi được Cao ủy phỏng vấn với tư cách đại diện ghe, bệnh sốt rét ác tính tôi bị mắc trong thời gian “học tập cải tạo” ở Sông Bé tái phát, ngày nào cũng lên cơn sốt mà không có một viên thuốc, nằm liệt trên cái võng và trong đầu cứ lởn vởn hình ảnh cái nghĩa trang hoang lạnh ở gần ngôi nhà thờ thô sơ cạnh bìa rừng, nơi đã có gần 100 đồng bào xấu số nằm lại – một số chết vì bệnh tật, một số bị chết đuối vì ghe đụng phải đá ngầm khi tiến vào bờ.

 

Buổi tối trước ngày tàu “Sea Sweep” (do Cao Ủy hay tổ chức từ thiện nào thuê mướn, tôi không nhớ rõ) tới Kuku, vì có tin đồn rất có thể đây là chuyến cuối cùng, tôi gắng sức nói với vợ tôi rằng không biết tương lai sẽ ra sao, ngày mai cứ dắt hai con đi trước, tôi ở lại một mình. Lẽ dĩ nhiên, vợ tôi phản đối: đi thì đi cả, không thì cùng ở lại!

 

Thế rồi như một phép lạ, qua ngày hôm sau, bệnh của tôi thuyên giảm đến phân nửa, và mặc dù vẫn nhức đầu như búa bổ, tôi đã có đủ sức để lê bước trên cái cầu tàu dài như bất tận để về miền đất sống.

 

Tôi nhắc lại chi tiết cá nhân này không phải để mọi người thương cảm ngậm ngùi, mà chỉ muốn chứng minh tôi có cái duyên được quen biết gần gũi với Nhạc sĩ Văn Giảng!

 

Thật vậy, nhờ cùng rời đảo Kuku trên một chuyến tàu, tới Pulau Galang, tôi bỗng thấy mình ở chung Barrack (nhà) 73 với nhà nhạc sĩ và trưởng nam của ông. Một cách chi tiết, ngoại trừ một số người đã ở từ trước, barrack này gồm toàn bộ ghe của tôi và ghe của nhạc sĩ.

 

Từ đoạn này, tôi sử dụng hai chữ “Bác Giảng”. Thứ nhất, trong Barrack 73 của tôi, ngoài một ông cựu Thiếu tá “nửa chừng xuân”, ông anh cột chèo cũng “nửa chừng xuân” và một ông anh họ vợ đã quá “nửa chừng xuân”, tất cả còn lại đều khá trẻ, hoặc rất trẻ, nên đã gọi nhạc sĩ là “Bác” và xưng “cháu”. Riêng tôi còn thường ngồi đàn địch ca hát với cậu trưởng nam (cũng là một nhạc sĩ) của Bác, anh anh em em với nhau thì gọi “Bác” xưng “cháu” là đúng quá rồi. Điều tôi muốn nhấn mạnh là sau này khi Bác làm Phó Trại trưởng Trại Tỵ nạn Galang, hầu như tất cả mọi người trong Ban Đại diện Trại, kể cả ông Trại trưởng xuất thân Giáo sư Đại học và ông cựu Thiếu tá Trưởng phòng Trật tự, cũng đều gọi Bác xưng cháu. Lúc đó là cuối năm 1981, Bác Giảng mới hơn 57 tuổi, thì chúng ta phải hiểu rằng nhiều người gọi bằng Bác vì lòng quý mến, kính trọng tư cách nơi con người Bác chứ không hẳn vì tuổi tác.

 

Tới đây, xin kể về đường “công danh sự nghiệp” của Bác Giảng ở Trại Tỵ nạn Galang, tức chức Phó Trại trưởng.

 

Và trước đó, cũng xin viết sơ về tổ chức của Trại Tỵ nạn Galang ngày ấy để những độc giả chưa từng sống ở Galang có một khái niệm.

 

Vào những năm cao điểm của làn sóng tỵ nạn, Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) có 5 trại tỵ nạn chính ở vùng Đông Nam Á để làm nơi tạm trú và làm thủ tục định cư cho người ty nạn Đông Dương, phần lớn là người Việt. Đó là các Trại Galang ở Nam Dương, Bidong ở Mã-lai, Songkhla ở Thái-lan, Palawan ở Phi-luật-tân, và Hawkins ở Tân-gia-ba (riêng về trại ty nạn ở Hương Cảng, lúc đó chúng tôi không được biết nhiều).

 

Tới cuối năm 1981, thời gian chúng tôi tới Trại Tỵ nạn Galang, thì Tân-gia-ba đã ngưng tiếp nhận người tỵ nạn, trại Hawkins trở thành trại chuyển tiếp, nơi tạm trú của những người đã được các quốc gia đệ tam nhận cho định cư, chờ chuyến bay. Còn lại bốn trại để tiếp nhận người tỵ nạn là Galang, Bidong, Songkhla, và Palawan thì Galang được xem là trại lý tưởng nhất. Đây là sự đánh giá của nhiều nhân vật uy tín, trong đó có bà Đại diện Cao ủy Amelia Bonifacio và Linh mục Gildo Dominici (có tên tiếng Việt là Đỗ Minh Trí), ân nhân của người tỵ nạn Việt Nam, từng phục vụ tại các trại tỵ nạn Songkhla, Palawan và Galang.

 

Trại Galang không hề có hàng rào, các cơ sở của Cao ủy, các cơ quan từ thiện (Save the Children, World Relief…), hội Hồng thập tự, Bệnh viện, chợ búa hàng quán cùng nằm chung một diện tích với khu sinh hoạt và các barrack dành cho người tỵ nạn; chỉ có Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander, vị đại diện chính quyền Nam Dương) và Đồn Cảnh sát Nam Dương nằm riêng biệt trên đồi, cách xa vài trăm mét.

 

Việc điều hành Trại do ba cơ quan, mỗi cơ quan có phần hành và nhiệm vụ riêng biệt: Cao Ủy làm thủ tục định cư và cung cấp mọi nhu cầu cho đời sống hàng ngày của người tỵ nạn; nhà cầm quyền Trại (thông qua cảnh sát) giữ an ninh trật tự tổng quát; Ban Đại diện Trại điều hành mọi sinh hoạt thường ngày của đồng bào trong trại (hướng dẫn làm thủ tục định cư, lo nơi ăn chốn ở, trật tự nội bộ, vệ sinh, phân phối thực phẩm, nước uống & tắm giặt…), và đại diện đồng bào liên lạc, khiếu nại với Cao Ủy hoặc nhà cầm quyền Trại khi cần thiết…

 

“Trục trặc” duy nhất thường xảy ra chỉ là việc cảnh sát Nam Dương dẫm chân lên Ban Đại diện Trại (chẳng hạn vào barrack bắt người thay vì sử dụng loa phóng thanh yêu cầu trình diện Đồn Cảnh sát, hoặc ban đêm vào các barrack điểm danh, xét hỏi mà không có sự hiện diện của vị Zone Trưởng (người Việt), hoặc hành hung người tỵ nạn (thường là đám thanh thiếu niên có “thành tích”)…

 

Vì vị thế ấy, những người lãnh đạo trong Ban Đại diện Trại vừa phải có uy tín đối với đồng bào, sự tín nhiệm của Cao ủy, và nể mặt của nhà cầm quyền Nam Dương.

 

Đó cũng là nguyên nhân khiến Bác Giảng vừa chân ướt chân ráo  tới Galang đã được ông tân Trại trưởng tương đối còn trẻ mời giữ chức Phó Trại trưởng. Trong cương vị ấy, với uy tín, đức độ và khả năng Anh ngữ hơn người (từng hai lần du học Hoa Kỳ; ngay từ khi lên tàu “Sea Sweep” đã tình nguyện làm thông dịch cho đồng bào), Bác Giảng đã trở thành một nhân vật quan trọng trong Trại và được mọi người kính mến.

 

Sở dĩ tôi được biết khá rõ về khả năng lãnh đạo, tinh thần phục vụ, con người của Bác Giảng cũng như tình cảm mọi người dành cho Bác là vì tôi với Bác luôn sát cánh. Hoặc khoe khoang một chút, có thể viết: cái Barrack 73 của chúng tôi tuy “bù” nút bài cào nhưng lại có “mả” làm quan: Bác Giảng làm Phó Trại trưởng, tôi làm Zone trưởng Zone 3.

 

Nguyên Trại Galang lúc ấy có 4 Zone (Khu) cho người ty nạn gốc Việt, trong số ấy Zone 3 cũng tương tự như Vùng 3 Chiến thuật của VNCH ngày trước, bao gồm tất cả mọi cơ sở quan trọng – Hội trường, Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên (Youth Center), Phòng Lab (Anh ngữ), các phòng học của Khối Giáo dục, Khối Huấn nghệ, sân khấu lộ thiên, sân bóng tròn, sân bóng chuyền, sân đặt máy truyền hình, Tòa soạn nguyệt san Tự Do (của cha Dominici), Barrack Nhà trẻ, Trụ sở Hướng đạo, thậm chí cả hội quán của các đoàn thể cũng đều nằm trong Zone 3, thành thử ông Zone trưởng Zone 3 cũng là người chịu trách nhiệm nặng nhất, dễ “đụng chạm” với các phòng sở, cơ quan nói trên, và cũng thường “đụng độ” với cảnh sát Nam Dương.

 

Bên cạnh đó, vì hồ sơ bảo lãnh trục trặc, tôi ở Galang qua 4 đời trại trưởng, và làm Zone trưởng qua 3 đời, cho nên cũng khá… nổi tiếng với cái hỗn danh “Zone trưởng muôn năm” do anh em trong Ban Đại diện đặt cho!

 

Cũng cần viết thêm, ngày ấy ở Galang, những người tỵ nạn làm việc cho Cao ủy, Hội Hồng thập tự Nam Dương, Phòng Xã hội Nam Dương, các cơ quan từ thiện quốc tế (Khối Giáo dục, Khối Huấn nghệ, Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên, v.v…) đều được trả lương, dù chỉ tượng trưng, trong khi những người phục vụ trong Ban Đại diện Trại – từ các Barrack Trưởng, Zone Trưởng tới các Trưởng phòng ban, Trại trưởng, Phó Trại trưởng – hoàn toàn với tư cách thiện nguyện, ăn cơm nhà vác ngà voi. Mãi tới khi vị tân Đại diện Cao ủy là bà Amelia Bonifacio tới thay thế người tiền nhiệm, bà mới quyết định trợ cấp cho mỗi nhân viên trong Ban Đại diện Trại từ 1000 tới 1500 rupiah (tiền Nam Dương, khoảng 2 tới 3 đô-la Mỹ theo thời giá), vừa đủ để mua 2, 3 gói Hero, hiệu thuốc lá rẻ tiền nhất của Nam Dương!

 

Cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi đại đa số nhân viên thiện nguyện phục vụ trong Ban Đại diện đều là cựu sĩ quan quân đội, cảnh sát, hoặc công chức của VNCH, hoặc những anh chị em đang sinh hoạt trong Gia đình Phật tử, Đoàn Thanh niên Công giáo ở Galang. Trong số này, cùng sang Úc định cư với chúng tôi, ngoài Bác Hoàng Công Duyên (Trại trưởng), Bác Giảng (Phó Trại trưởng) còn có cựu Đại úy Mai Hòa Hiệp, Barrack trưởng Barrack Nhà trẻ (tương đương “giám đốc cô nhi viện” kiêm “giám đốc trung tâm cải huấn thiếu nhi), và anh bạn trẻ tên Hóa của Gia đình Phật tử (tôi quên mất họ, sang Úc định cư tại Sydney), người Zone trưởng đầy nhiệt tình của Zone 4, rất được cảm tình của đồng bào.

 

Nhân nhắc tới bà Đại diện Cao ủy Amelia Bonifacio, tôi cũng  cũng xin có đôi hàng về cái tên tắt “Cô Mê Ly” mà theo ký ức của tôi, Bác Giảng là người đầu tiên sử dụng. Số là ngày ấy, do thông thạo tiếng Anh, Bác Giảng thường thay mặt ông Trại trưởng tham dự buổi họp hàng tuần với Cao ủy Tỵ nạn và vị Chỉ huy trưởng của Trại (lúc đó là Trung tá Cảnh sát Siregar), vì thế Bác rất có uy tín, và khá thân với vị Đại diện Cao ủy “chân yếu tay mềm” này, đồng thời Bác cũng trở thành niềm hãnh diện chung cho người Việt tỵ nạn ở Galang.

 

Bà Amelia Bonifacio là một phụ nữ gốc Phi-luật-tân, tuổi tác tôi ước đoán khoảng trên dưới 40; bà làm việc tận tụy, tính tình thẳng thắn và đơn giản. Khi tiếp xúc với Ban Đại diện Trại hay các tổ chức thiện nguyện, có ai gọi mình là “Ms Bonifacio”, bà đều nói “Just call me Meli” (Meli là cách gọi tắt của Amelia). Thành thử mỗi khi nhắc tới bà Amelia Bonifacio, Bác Giảng đều gọi là “Cô Mê Ly”, dần dần cả Ban Đại diện lẫn đồng bào trong trại đều gọi là “Cô Mê Ly”.

 

Điều thú vị (hay không thú vị?) là xét theo nghĩa tiếng Việt, “Cô Mê Ly” trông không mê ly một chút nào cả. Như những ai ở Galang và có dịp tiếp xúc có thể còn nhớ, tuy tên họ bằng tiếng Tây-ban-nha nhưng cô không lai một chút nào, nghĩa là da đen xạm, nét mặt cằn cỗi, đã vậy còn cao quá mức bình thường, và gầy như cậy sậy, vòng số 1 và vòng số 3 không hơn vòng số 2 bao nhiêu!

 

Nhưng gặp gỡ, nói chuyện với cô một vài lần là mến phục ngay. Sau này, khi Cha Dominici sang thăm Úc vào khoảng đầu thập niên 1990, trong buổi tiếp xúc với “cựu tỵ nạn Galang” ở Trung Tâm Vinh-sơn Liêm, Cha cho biết Cô Mê Ly vẫn thường xuyên liên lạc với Cha, và hiện giữ một chức vụ khá cao. Khoảng năm 1999-2000, khi Internet đã khá phổ biến, tôi tìm hiểu qua trang mạng của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR), thì được biết cô đang làm Giám đốc Khối Hoạt động Hỗ trợ trong Chương trình Thực phẩm Thế giới của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (Director, Division of Operational Support, World Food Programme, United Nations High Commissioner for Refugees).

 

 

Con người bình dị và đạo đức

 

Là một nhạc sĩ nổi tiếng, trước kia từng làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nay giữ chức Phó Trại trưởng Galang, nhưng Bác Giảng sống khiêm tốn, giản dị, và luôn làm gương cho mọi người, nhất là trong việc làm vệ sinh, quét dọn barrack mỗi sáng Thứ Bảy. Mỗi barrack ở Galang là một căn nhà tôn vách ván, chỗ ngủ là bốn cái sạp gỗ dài, được phân chia bởi một lối đi hình chữ thập ở giữa nhà; như vậy, làm vệ sinh barrack chỉ là quét dọn một vài mét ở dưới gầm sạp gỗ và trên lối đi thuộc khu vực của mình, mấy phút đồng hồ là xong. Thế nhưng không ít đồng bào, nhất là đám trai trẻ, đã không chịu thi hành “bổn phận công dân” ấy trước khi “dọt” khỏi barrack.

 

Riêng tại Barrack 73 của chúng tôi, cứ đúng 8 giờ sáng Thứ Bảy, Bác Giảng là người đầu tiên cầm cây chổi, trong lúc cậu trưởng nam của Bác nhiều khi vẫn còn ngồi trên sạp ôm đàn gửi hồn theo mây gió.

 

Bác Giảng luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người, đặc biệt là yêu trẻ em. Tôi vẫn còn nhớ đứa cháu gái 3, 4 tuổi con của bà chị vợ, lúc nào Bác có mặt ở barrack cũng chạy tới nhõng nhẽo, ngồi trên lòng Bác đùa giỡn.

 

Đáng phục không kém là con người đạo đức nơi Bác Giảng. Ngày ấy tôi chưa được biết ngoài hai bút hiệu “Văn Giảng”, “Thông Đạt”, Bác còn có bút hiệu “Nguyên Thông” (cũng là pháp danh của Bác), là người đã cùng với Nhạc sĩ  Nguyễn Hữu Ba khởi xướng nền Phật nhạc ở miền Trung vào thập niên 1940, và sau đó đã sáng tác nhiều bài Phật ca, cho nên tôi khá ngạc nhiên trước lòng sùng mộ của tác giả tình khúc Ai về sông Tương!

 

Thường thường, mỗi sáng Chủ Nhật, khi vợ chồng con cái chúng tôi và những người cùng ghe rời barrack, “xuống dốc” để dự lễ ở nhà thờ, thì Bác và những cùng ghe lại “leo đồi” để lên chùa. Riêng Bác, nhiều khi ở lại tới chiều để tham gia Phật sự.

 

Trước năm 1975, tôi đã từng ghi danh tại Đại học Vạn Hạnh và giao kết với khá nhiều đệ tử Phật, nhưng phải thành thật thú nhận: chỉ tới khi được sống gần Bác Giảng, tôi mới cảm nghiệm đầy đủ ý nghĩa của mấy chữ “thân tâm thường an lạc” mà Phật tử hay chúc nhau.

Một cách chi tiết hơn, rất có thể viết vì “tâm” của Bác luôn luôn “an lạc” nên “thân” của Bác cũng được “an khang” theo, cho dù đang sống ở trại tỵ nạn thiếu thốn mọi bề!

 

* * *

 

Qua những gì tôi vừa kể ở trên, ai cũng có thể đoán trước một khi ông Trại trưởng (Giáo sư) có tên trong danh sách sang Galang II (dành riêng cho những người đã được Mỹ nhận), ông Phó Trại trưởng Ngô Văn Giảng chắc chắn sẽ được mọi người tín nhiệm bầu làm tân Trại trưởng. Thế nhưng tới khi ông Trại trưởng sang Galang II thì Bác Giảng cũng đã được Phái đoàn Úc nhận, không biết sẽ lên đường vào lúc nào, vì thế Bác dứt khoát chỉ tiếp tục giữ chức Phó Trại trưởng, mọi người đành phải bầu một vị Trại trưởng khác.

 

Melbourne 2001, Bác Giảng và Bác Gái (phía trái), anh chị NVT và vợ chồng người viết (phía mặt). Hình do em trai Bác chụp

 

Vào giữa tháng 5 năm 1982, buổi tối trước ngày Bác Giảng và người con trai lên đường sang Tân-gia-ba để chờ phi cơ đi Úc, Ban Đại diện Trại đã tổ chức một buổi tiệc trà tại Hội quán Hải quân & Hàng hải Galang để từ giã. Không khí thật thân mật và cảm động, chỉ tiếc một điều là anh chàng ca sĩ chính của Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên lại chuyên hát nhạc ngoại quốc nên không thuộc lời bản Ai về sông Tương để hát cho buổi chia tay Bác Giảng thêm phần ý nghĩa.

 

Hơn ba tháng sau ngày Bác Giảng và những người được Úc nhận theo diện nhân đạo (thường gọi là “diện chùa”) sang Úc, gia dình tôi mới được đi theo diện có thân nhân ở Úc.

 

Khi chúng tôi tới hostel Eastbridge, vùng Nunawading vào giữa tháng 8/1982, thì Bác Giảng và con trai vẫn còn tạm trú ở đó. Việc đầu tiên của tôi là chuyển cho Bác tấm Bằng Tưởng lệ (Certificate of Merit) do Cô Mê Ly, Trung tá Siregar, và vị Bác sĩ đứng đầu Hội Hồng thập tự Nam Dương cùng ký tên đóng mộc. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là vì khi Bác rời Galang, Cô Mê Ly không có mặt ở đảo để ký.

 

Ít lâu sau khi chúng tôi tới hostel Eastbridge, những anh em có tinh thần, đa số đã tới trước cùng đợt với Bác Giảng từ Galang, và một số anh em tới từ Bidong, Songkhla… đã vận động thành lập Nhóm Thân Hữu Eastbridge – mà tôi thường gọi đùa là “Đông Kiều Huynh Đệ Hội” – để tương trợ lẫn nhau và duy trì tình thân hữu sau khi đã mỗi người một ngả. Dĩ nhiên, Bác Giảng là một trong những thành viên tiên khởi, và về sau đã tham dự đêm hội ngộ đầu tiên tổ chức tại nhà hàng Lê Lai ở đường Victoria Street, Richmond.

 

* * *

 

Mấy năm sau, Bác Giảng được đoàn tụ với Bác Gái và những người con còn lại từ Việt Nam sang. Gặp lại Bác sau thời gian này, tôi nhận ra rằng có lẽ tới lúc đó Bác mới thật sự “thân tâm thường an lạc”, mà chỉ cần nhìn diện mạo hồng hào, đôi mắt tinh anh, nghe tiếng cười sang sảng của Bác là đủ biết. Vợ tôi có thói quen hay “phong” nhất cái này, nhất cái kia cho những người quen biết, và trong số đó, Bác Giảng là “người đẹp lão  nhất”, còn Bác Gái là “bà vợ hiền nhất”. Tôi hoàn toàn đồng ý và thầm nghĩ: cũng may mà Bác Gái lấy được một ông chồng nghệ sĩ tài hoa hết mực nhưng lại có… tâm Phật!

 

Từ giữa thập niên 1990, vì ở hai vùng cách xa nhau, chúng tôi ít có dịp gặp lại Bác Giảng, nhưng qua người con trai út của Bác, một chuyên viên computer làm việc cho Tivi Tuần-san trong mấy năm, chúng tôi vẫn luôn biết tin tức về Bác và gia đình.

 

Chỉ khi nào cần tham khảo ý kiến, nhờ chỉ giáo trong lĩnh vực âm nhạc, tôi mới dám làm phiền Bác qua điện thoại. Qua đó, tôi càng thêm quý phục Bác vì tâm huyết, hoài bão và những trăn trở của Bác đối với nền âm nhạc Việt Nam, trước cũng như sau 1975.

 

Cũng trong khoảng thời gian này, qua giao kết với những đồng hương gốc Huế và qua sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi còn được hân hạnh quen biết người em trai của Bác, một nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia tài tử (nhưng rất tài ba), và một người cháu của Bác cũng là một nhạc sĩ ở Melbourne.

Chính tại tư gia của người em trai Bác, vào năm 2001 đã diễn ra một cuộc hội ngộ rất cảm động, nhân dịp anh chị NVT từ Hoa Kỳ sang thăm Bác.

 

Ở phần đầu tôi quên chưa nhắc tới anh NVT, một trong những nhân vật độc đáo của Barrack 73. Anh là người gốc miền Nam, tính tình vui vẻ và rất tốt bụng, xuất thân hướng đạo, “boat leader” của ghe Bác Giảng. Bách nghệ tinh, vừa đặt chân tới Galang, anh đã xin được lai-xần hành nghề “phó nhòm”, vừa có đồng ra đồng vào vừa thỉnh thoảng được phép rời đảo đi Tanjung Penang, thủ phủ của tỉnh Riau, tỉnh mà đảo Galang trực thuộc. Sang Hoa Kỳ, từ một người làm công anh trở thành ông chủ. Một trong những điều đáng quý là anh chị luôn luôn dành cơ ngơi của mình cho anh chị em hướng đạo mỗi khi có Họp bạn Hướng đạo (Jamboree) ở Hoa Kỳ.

 

Bữa tiệc tiễn anh chị NVT đương nhiên có sự hiện diện của Bác Giảng và Bác Gái, cùng với một số đồng hương Huế và vợ chồng chúng tôi.

 

Nhắc lại câu chuyện nhỏ mang tính cách cá nhân này, tôi chỉ có mục đích cho thấy Bác Giảng luôn luôn được mọi người quý mến, bởi vì chính Bác, Bác cũng luôn luôn đối xứ với mọi người bằng cái tình.

 

Với lòng quý mến ấy, tôi cứ ân hận mãi vì không kịp tổ chức bữa cơm thân mật mời hai Bác ăn chung với vợ chồng cố Nhạc trưởng VŨ VĂN TUYNH, cũng là người tôi rất quý mến.

 

Nguyên vào khoảng giữa thập niên 1990, do một sự “đụng chạm nghề nghiệp” hết sức vô tình trên mặt báo, tôi và “Bố Tuynh” nhận ra nhau là người quen biết cũ. Từ đó, mỗi lần “Bố” từ Sydney về nhà con gái ở Melbourne, tôi đều tới thăm, có khi mời dùng cơm tại nhà. Trong bữa cơm thân mật cuối cùng, chúng tôi có nhắc tới Bác Giảng và hỏi về mức độ quen biết giữa hai người, “Bố” cho biết “Bố” rất thân với Bác, và đã từng tới thăm Bác mấy lần. Tôi liền đề nghị lần tới “Bố” về Melbourne, tôi sẽ mời hai Bác dùng cơm chung.

 

Nhưng tới khi “Bố Tuynh” vào bệnh viện, phải bỏ hút ống vố, nhờ con gái mang về Melbourne cho tôi hộp thuốc Mixture No.79 đang hút dở dang, tôi biết “Bố” sẽ không bao giờ trở lại Melbourne nữa!

 

Về phần Bác Giảng, kỷ niệm cuối cùng của tôi với Bác là vào cuối năm ngoái, một bà bạn già ở Brisbane xin tôi địa chỉ của Bác, vì khi bà sang Hoa Kỳ, có mấy người học trò cũ của Bác nhờ xin địa chỉ để viết thư thăm hỏi. Lẽ dĩ nhiên, sống ở một xứ tây phương, tôi phải điện thoại xin phép Bác trước, và Bác đã vui vẻ đồng ý.

 

Mấy ngày sau, tôi nhận được CD “Let’s Love Together – 9 Rock Songs for the Poor Countries”, là tuyển tập thứ nhất gồm các ca khúc viết bằng tiếng Anh của Bác, mà Bác quên rằng cách đây mấy năm (2009) Bác đã tặng chúng tôi ngay sau khi hoàn tất. Lần này, trong tờ giấy nhỏ kèm theo, Bác viết mấy hàng đề tặng và thăm hỏi gia đình tôi. Nét chữ của Bác vẫn đẹp – hình như cái gì nơi con người Bác cũng đều đẹp – nhưng đã khá run rẩy. Chi tiết ấy đã khiến tôi phải ưu tư, và cuối cùng việc gì phải đến đã đến.

 

* * *

 

Trong đêm tang lễ tại chùa Quang Minh, lúc nghe trưởng nam của Bác đọc lời tiếc thương và tạ lỗi trước di ảnh thân phụ, vợ tôi đã khóc, rồi tới phiên tôi cũng rơi lệ theo.

 

Vẫn biết sinh ký tử quy, ra đi vào tuổi 89, trong làng âm nhạc miền Nam, Bác Giảng của tôi chỉ thua một mình Xuân Tiên (hơn Bác 2 tuổi) và Anh Bằng (nếu như Anh Bằng thọ thêm được 2 tuổi nữa), nhưng tôi vẫn cảm thấy thật buồn, thật xót xa.

 

Có lẽ vì Bác Giảng là người cuối cùng trong số ba ông bạn già đáng kính của tôi – sau Nhạc trưởng Vũ Tuynh và Ký giả Nguyễn Tú – ra đi.

 

Nguyện cầu hương linh Bác sớm vãng sanh cực lạc, và nguyện sẽ mãi khắc ghi, trân quý những giao tình mà Bác đã hạ cố dành cho.

 

Melbourne, cuối Thu 2013

Lão Ngoan Đồng

 

* TIN BUỒN THỨ HAI:

 

Khi chúng tôi vừa viết xong bài này thì được tin Bác Gái, tức Cụ Bà Quả Phụ NGÔ VĂN GIẢNG, Nhũ danh Ngô Thị Bạch Đẩu, đã ra đi theo Bác Trai vào lúc 5 giờ 50 phút chiều ngày Thứ Sáu 17/5/2013.

 

Được biết, sau khi Bác Trai mất, Bác Gái vì quá xúc động, sức khỏe suy yếu dần, đã không thể tham dự tang lễ Bác Trai. Sáng sớm ngày Thứ Sáu vừa qua, Bác Gái được đưa vào bệnh viện, và đã trút hơi thở sau cùng vào buổi chiều cùng ngày.

 

Nguyện cầu hương linh Bác Gái mau sớm vãng sanh cực lạc. Thành kính phân ưu cùng Tang Quyến, cách riêng hai em Cảnh và Thành trước sự mất mát quá lớn lao này. LNĐ

 

(Trích TVTS số  1417   phát hành ngày 22.5.2013, mục Ngồi  Buồn Gãi Rốn)