Nhật Bằng với ban tam ca

03 Tháng Mười, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Nhật Bằng và Văn Phụng

 

Sau hàng chục năm dâng hiến cuộc đời mình cho âm nhạc, nhạc sĩ Nhật Bằng đã qua đời vào lúc 8 giờ 30 tối thứ Sáu 7 tháng 5 năm 2004 do tai biến mạch máu não tại Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.  Ông hưởng thọ 74 tuổi.

 

Từ nhiều năm nay, nhạc sĩ Nhật Bằng an huởng tuổi già bên cạnh vợ con, cũng như có thú gặp gỡ bạn bè trong vòng thân mật.  Nhóm bạn của ông là những người đã từng cùng với ông hoạt động từ thập niên 50, qui tụ thành một nhóm được gọi là “Nhóm Ngày Thứ Năm“, thường được những người trong nhóm gọi theo tiếng Pháp là “Club Jeudi“ gồm các ca nhạc sĩ Nguyễn Túc, Anh Ngọc, Văn Phụng, Châu Hà và một số nghệ sĩ khác ở quanh vùng Hoa Thịnh Đốn. 

 

Trước ông, một hội viên của “Club Jeudi” là nhạc sĩ Văn Phụng đã ra đi. Những lần gặp gỡ bạn bè đó chính là những giây phút để Nhật Bằng hồi tưởng lại một thời kỳ cực thịnh của nền tân nhạc Việt Nam mà phần lớn được phát triển qua những chương trình ca nhạc phát thanh với những tên tuổi vừa được nhắc tới đã tạo được rất nhiều ảnh hưởng nơi những người yêu nhạc.

 

Nhật Bằng đến với âm nhạc rất sớm. Khi mới lên 17 tuổi vào năm 1947, ông đã sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tên “Đợi Chờ“, ghi lại một mối tình thời học trò của ông khi còn ở Hậu Phương. Nhật Bằng cho biết tựa đề chính của nhạc phẩm này là “Hoa Trăng“, nhưng khi người bạn rất thân của ông là cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương  mang vào Sài Gòn phổ biến đã đổi thành Đợi Chờ…

 

Nhật Bằng sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình có 4 người con. Thân phụ ông quê ở Thanh Hóa, thân mẫu ông là người Hà Nội.  Ông là anh cả của 3 nghệ sĩ đã có thời gian cùng với ông kết hợp thành ban hợp ca nổi tiếng Hạc Thành, với người em trai là Nhật Phượng và 2 em gái là Thể Tần và Hồng Hảo.  Tại Hà Nội, Nhật Bằng theo học trường Bưởi và là bạn rất thân của một số nghệ sĩ cùng lớp như Vũ Đức Nghiêm và Phạm Đình Chương.  Một thời gian sau, gia đình ông tản cư vào quê nội là Thanh Hóa.  Tại đây ông theo học trường Đào Duy Tư và học nhạc với nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt về hòa âm và đàn piano. 

 

Đến năm 1950, Nhật Bằng một mình từ Thanh Hóa trốn gia đình về Hà Nội trước và tiếp tục theo học tại trường Hàn Thuyên. Năm sau, ông cùng với các em thành lập ban hợp ca Hạc Thành, hoạt động với tính cách tài tử cho đến 3 năm sau mới trình diễn chính thức trên sân khấu và trên đài phát thanh trong chương trình do ông phụ trách.  Ban hợp ca Hạc Thành được biết đến nhiều qua những nhạc phẩm như Trăng Rừng, Được Mùa và một số nhạc phẩm thường được ban Thăng Long trình bầy. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, khi một thành viên trong ban là Hồng Hảo lập gia đình thì Hạc Thành tan rã để lưu lại nhiều luyến tiếc cho mọi người.

 

Trong thời gian ở Hà Nội, Nhật Bằng đã tung ra khá nhiều nhạc phẩm như Khúc Nhạc Ngày Xuân, Dạ Tương Sầu và Một Chiều Thu.

 

Nhật Bằng gia nhập quân đội năm 1952 trong ngành quân nhạc cùng với các nhạc sĩ nổi danh sau đó như Nguyễn Túc, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Đan Thọ, vv… Đến năm 54, ông theo trường quân nhạc vào Nha Trang và ở tại đây 2 năm. Trong thời gian này ông đã cho ra đời những tác phẩm như Vọng Cố Đô, Tiếng Vọng Rừng Xanh, vv… Trong số này có vài nhạc phẩm ông sáng tác chung với Đan Thọ. Đến năm 56, Nhật Bằng vào Sài Gòn và kể từ đó những sáng tác của ông bắt đầu được biết đến nhiều…

 

Trong suốt 13 năm, từ năm 56 cho đến năm 69, là thời kỳ sáng tác hăng say của Nhật Bằng, đang ở trong thời kỳ sung mãn nhất của cuộc đời nghệ sĩ. Ngoài những nhạc phẩm sáng tác riêng rẽ, Nhật Bằng còn sáng tác chung với những nghệ sĩ bạn như  Nguyễn Hiền, Đan Thọ, Huỳnh Hiếu, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Xuân Lôi, Xuân Tiên và Thanh Nam. Những nhạc phẩm của Nhật Bằng được phổ biến nhiều trong thời kỳ này gồm: Khúc Nhạc Ngày Xuân, Lỡ Làng, Mai Ngày Anh Về, Hãy Quên Niềm Thương Nhớ, Tình Nghệ Sĩ, Mưa Đầu Mùa, Hương Quê, Bóng Người Chiến Sĩ.  Nhưng có thể nói nhạc phẩm được coi như gắn liền với tên tuổi ông là Thuyền Trăng, sáng tác chung với Thanh Nam

 

Trong thời gian đầu tiên làm việc ở đài Phát Thanh Quân Đội, Nhật Bằng  có dịp quen biết với một nữ nhân viên tùng sự tại đây tên Vũ Thị Tường Huệ và đến năm 1958 thì người thiếu nữ này trở thành vợ ông và đã nghỉ việc sau đó để lo việc quán xuyến gia đình. Vào thời kỳ này ban tam ca nam có cái tên ngộ nghĩnh là “Do Si La“ ra đời do ý kiến của nhạc sĩ Văn Phụng.  Với bộ ba Anh Ngọc, Nhật Bằng và Văn Phụng, “Do Si La“ đã chiếm ngay được cảm tình của khán thính giả qua cách trang phục lạ mắt với những chiếc áo nhiều mầu sắc với những sọc ca rô hay những hình vẽ chim cò sặc sỡ.  Nhưng đặc biệt hơn cả là nghệ thuật trình bầy những nhạc phẩm tươi vui, phần lớn là của Văn phụng, như Vó Câu Muôn Dặm hay Ta Vui Ca Vang.

 

Riêng về lãnh vực sáng tác, Nhật Bằng cho biết đến năm 69 ông không còn cảm thấy hứng khởi để tiếp tục công việc này sau khi đã cho ra đời được khoảng 100 nhạc phẩm.

 

Ngoài những hoạt động ở các đài phát thanh, sau khi ngưng sáng tác, Nhật Bằng còn có thời gian hoạt động trong phạm vi vũ trường và các club Mỹ khi còn ở Sài Gòn. Ông đã cộng tác với Vũ trường Đêm Mầu Hồng từ đầu thập niên 70 cho đến khi đóng cửa. Với ban nhạc cộng tác với vũ trường này gồm Nguyễn Hiền, Quang Mai và Nghiêm Phú Phi, Nhật Bằng xử dụng contre-basse là nhạc khí ông ưa thích nhất mặc dù còn biết xử dụng violon, kèn và piano.

 

Sau biến cố tháng Tư năm 75, Nhật Bằng và gia đình kẹt lại Việt Nam trong khi 3 người em của ông đã sang được Hoa Kỳ ngay trong năm đó. Trước tình thế đổi thay và gặp cảnh ly tán với những người thân thuộc, Nhật Bằng đã tỏ ra rất chán nản, nhất là sau đó ông còn bị đi tù vì đã phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến, mặc dù chỉ với chức vụ chuẩn úy.

 

Trong suốt 7 năm bị giam cầm, Nhật Bằng đã không có một sáng tác nào vì đầu óc luôn vướng bận với gia đình, vợ con đang lâm vào cảnh khổ cực, vất vả.  Đến năm 82, ông được trả tự do với một nguồn cảm hứng gần như là kiệt quệ, để ông chỉ tìm đến với ca nhạc như một kế sinh nhai khi cùng với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu cùng với một vài nhạc sĩ trẻ ôm đàn đi trình bầy những nhạc phẩm tiền chiến vào khoảng năm 86, khi những nhạc phẩm này được cho phép phổ biến.

 

Do sự  hưởng ứng nhiệt liệt của các khán giả, những chương trình nhạc tiền chiến đã thu hút được rất đông người tham dự tại khách sạn Bến Nghé, tại nhà hát Thanh niên cũng như tại nhiều tụ điểm khác.

 

 

Căn cứ trên nội dung những sáng tác của Nhật Bằng, người nghe sẽ dễ dàng nhận ra 3 thể loại khác biệt. Đó là nhạc quê hương, nhạc tình cảm và nhạc chiến đấu là thể loại ông sáng tác trong thời kỳ phục vụ trong quân đội. Những nhạc phẩm mang nội dung hướng về quê hương như ông nói, đúng hơn là những nhạc phẩm liên quan đến những nơi chốn ông đã dừng chân hoặc cư ngụ một thời gian ngắn, tiêu biểu về loại nhạc này là những nhạc phẩm như Bóng Quê Xưa, Anh Về Một Mùa Trăng, Nước Mắt Quê Hương này, Sau Lũy Tre Xanh ,vv…“

 

Về nhạc tình cảm, Nhật Bằng cho biết một phần những sáng tác của ông dựa trên những kinh nghiệm bản thân. Về loại nhạc tình cảm của ông, người nghe đã từng được thưởng thức những nhạc phẩm tiêu biểu như  Dạ Tương Sầu, Lỡ Làng, Bóng Chiều Tà, Một Chiều Thu hay Mai Ngày Anh Về, vv…

 

Qua đến loại nhạc chiến đấu trong thời kỳ quân ngũ, Nhật Bằng lại chứng tỏ thêm về khả năng đa dạng của mình. Những nhạc phẩm như Bóng Người Chiến Sĩ và Chiến Sĩ Ca là những nhạc phẩm được phổ biến rất rộng rãi.  Nhất là nhạc phẩm Chiến Sĩ Ca có thể được coi là một trong những nhạc phẩm được biết đến nhiều nhất trong quân đội…

 

Nhạc phẩm Chiến Sĩ Ca vừa được nhắc tới, được Nhật Bằng sáng tác vào năm 68 và đã đoạt giải thi sáng tác nhạc trong quân đội.

V

ào năm 90, Nhật Bằng cùng vợ và 5 người con được sang Mỹ theo diện HO.  Ông còn một người con trai tên Nhật Hào là một ca sĩ từng có nhiều hoạt động ở Việt Nam. Bốn trong số 5 người con hiện ở Mỹ với ông đã thành lập một ban nhạc lấy tên là The Blue Ocean, nổi tiếng ở vùng Washington DC và các vùng phụ cận. 

 

Từ khi sang Mỹ đến nay gia đình nhạc sĩ Nhật Bằng định cư ở tiểu bang Virginia, và ngôi nhà khang trang gia đình ông mới dọn tới từ giữa năm 99 ở tại thành phố Herndon thuộc Fairfax, tiểu bang Virginia. Sau một thời gian, dần dần Nhật Bằng cảm thấy thích hợp hơn với cuộc sống nơi xứ người, nhưng dù sao thì công việc sáng tác nơi ông đã lâm vào một trường hợp trì trệ để chỉ sáng tác được vỏn vẹn có vài nhạc phẩm trong vòng 14 năm. Hầu hết những nhạc phẩm đó được sáng tác trong những năm đầu tiên, khi niềm thương nhớ quê hương của ông ở trong thời kỳ mãnh liệt nhất. Từ một vùng đất lạnh lẽo miền Đông Bắc Hoa Kỳ, Nhật Bằng đã hướng tâm hồn mình về nơi quê cha đất tổ để tạo thành những ca khúc như: Nước Mắt Quê Hương và và Nếu Em Có Về Thăm Quê Cũ, Mùa Đông Tuyết Trắng, vv…

 

Vào năm 92, những bạn bè nghệ sĩ và thân hữu của Nhật Bằng đã tổ chức một đêm kỷ niệm 45 Năm sinh hoạt âm nhạc của ông tại Virginia với số khán giả tham dự rất đông đảo.  Đêm kỷ niệm đặc biệt dành cho ông đã được sự tham dự của rất nhiều giọng ca tên tuổi như Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh, Anh Ngọc, Văn Phụng, Châu Hà, Vũ Anh, vv…

 

Tất cả những nghệ sĩ vừa kể đã trình bầy lần lượt tất cả những ca khúc đánh dấu cho hoạt động âm nhạc của ông qua suốt 45 năm.  Hai năm sau đó, vào năm 94 một lần nữa Nhật Bằng đã tìm được niềm vui bên cạnh bạn bè khi xuất hiện cùng với Văn Phụng, Châu Hà, Đan Thọ, Anh Ngọc và Nguyễn Túc trong chương trình văn nghệ đặc biệt nhân dịp lễ Hai Bà Trưng do hội Cựu Học Sinh Trưng Vương vùng Hoa thịnh Đốn tổ chức.  Hình ảnh của ban tam ca Do Si La ngày nào lại được khơi lại nơi những tâm hồn nghệ sĩ, mặc dù tuổi đời đã chồng chất nhưng tâm hồn vẫn giữ mãi được sự trẻ trung. Đêm hội ngộ với những người bạn nghệ sĩ thân tình đó một lần nữa đã là một hình ảnh khó phai trong tâm hồn một người nghệ sĩ hiền lành và ít nói này.

 

Khi còn sinh tiền, ngoài những sinh hoạt êm ả thường ngày, ngoài những lần chạy bộ để giữ gìn sức khỏe sau một lần phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, Nhật Bằng gần như hàng tuần đều đến họp mặt với bạn bè. Cuộc sống của ông cứ thế êm ả trôi qua bên cạnh một nỗi hoài vọng về nơi quê cũ. Sự kiện đó đã thôi thúc ông trở về thăm Việt Nam vào năm 98. Ông đã gặp lại một số những nhạc sĩ quen biết từ lâu như Hoàng Giác, Thiện Tơ, Tạ Tấn và Nguyễn Văn Tý, tác giả bài hát nổi tiếng “ Dư Âm“. Theo Nhật Bằng, chính ông là người đã mang nhạc phẩm này của Nguyễn Văn Tý về Hà Nội phổ biến sau khi được sáng tác ngay tại nhà của ông ở Thanh Hóa, là nơi ông cũng đã trở về thăm phần mộ tổ tiên.

 

Tuy không còn sáng tác,  nhưng trước khi qua đời Nhật Bằng cũng muốn lưu lại một kỷ niệm về cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình, nên có dự định thực hiện một CD gồm 12 tác phẩm ưng ý nhất của ông. Nhưng tiếc rằng niềm mơ ước của Nhật Bằng đã không có cơ hội thành tựu khi ông còn sống. Tuy nhiên chắc chắn những người con của ông sẽ thực hiện niềm mơ ước đó cho ông trong một ngày không xa.

 

TVTS   số   947