ÁI VÂN với những tham vọng trong nghệ thuật

20 Tháng Năm, 2008 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Nhưng gần đây lịch lưu diễn của Ái Vân lại được ghi chi chít những địa điểm cô sẽ đặt chân tới từ đây đến những tháng đầu năm 2004. Từ trên 5 năm nay, Ái Vân không có dịp gặp gỡ khán thính giả của thành phố này, ngoài một lần thu hình cho trung tâm Asia vào năm 2001.

 

Cũng trong thời gian được cô gọi là tạm lắng, Ái  Vân cho ra đời một CD với tựa đề “Tình Hoài Hương” gồm những nhạc phẩm của Phạm Duy, người từng cho cô là một giọng hát và là một diễn viên lý tưởng cho tác phẩm cuối đời của ông là “ Minh Họa Truyện Kiều “. CD này Ái Vân tự phát hành trong những chuyến lưu diễn. Cô đã không nghĩ tới việc tổ chức một buổi ra mắt cho CD của mình như hầu hết những nghệ sĩ khác để giới thiệu đến người nghe.

 

Lý do cô “không phải là một người năng nổ hay là một  người hoạt động những việc ở ngoài, ngoại trừ nghệ thuật . Việc tổ chức đòi hỏi nhiều khâu lắm.  Chỉ lo trình diễn thôi đã  rất là căng thẳng rồi. Để lo tròn trịa phần trình diễn của mình thì có lẽ  chỉ nên trình diễn thôi”.  Kinh nghiệm này cô có được sau lần đầu tiên tổ chức buổi ra mắt CD “Tóc Em Đuôi Gà” do Ái Vân Music thực hiện vào năm 2000 tại Orange County. Trước CD ”Tình Hoài Hương”, cô cũng đã thực hiện một CD khác là “Cô Tấm Ngày Nay” do trung tâm Tình phát hành.

 

Như  người nữ ca sĩ sinh tại Hà Nội vào năm Giáp Ngọ này cho biết, trong thời gian vừa qua, ngoài việc ca hát, cô đã có dịp học thêm vài nhạc cụ dân tộc như đàn bầu và đàn nguyệt với nghệ sĩ dân nhạc Vũ Hồng Thịnh, cũng là một nhà nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền, hiện cư ngụ ở San Jose.  Lúc còn ở Việt Nam, Ái Vân đã vì tò mò nên từng tự học đàn bầu, cùng một lúc cô được một số nghệ nhân hướng dẫn về căn bản. Tuy nhiên thời đó, Ái Vân không nghĩ  là việc sử dụng những nhạc khí cổ truyền sẽ thực dụng cho nghề nghiệp của cô.  Nhưng hiện nay cô đã ý thức được về khả năng tạo được những nét đặc thù trong những tiết mục trình diễn trên sân khấu.

 

Như cách đây không lâu trong một chương trình từ thiện do VNHelp tổ chức tại San Jose, Ái Vân đã mạnh dạn trình tấu một đoạn nhạc ngắn bằng đàn bầu để mở đầu cho ca khúc Tình Quê do cô trình bầy.  Sự phối hợp này đã mang lại nhiều thích thú nơi khán giả. Do đó Ái Vân nghĩ là sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng như vậy, song song với việc học hỏi thêm về những nhạc cụ dân tộc.  Cô cho đó là một sự “nạp thêm năng lượng” để tiết mục trình diễn của mình mang một sắc thái mới mẻ.  Nhất là trong thời gian này, Ái Vân đang có những chuẩn bị cho những tiết mục của cô để có được sự sâu đậm tính dân tộc trong những tiết mục dân ca.

 

Với lòng yêu thích nghệ thuật đến từ ảnh hưởng một gia đình nghệ sĩ tên tuổi, Ái Vân từng theo học 2 năm về múa Ballet khi được 7,8 tuổi tại Câu Lạc Bộ Văn Hoá ở Hà Nội. Cô được trúng tuyển được vào trường múa Việt Nam nhưng song thân cô không cho phép theo học vì chỉ muốn cô ca hát và trình diễn theo truyền thống gia đình. Riêng cá nhân mình, Ái Vân cho biết là rất thích múa. Do đó sau này tại hải ngoại, hầu hết những tiết mục trình diễn của cô đều có phần múa.  Như trên những chương trình video Paris By Night với “Đèn Cù”, “Thị Mầu Lên Chùa”, “Vỗ Cái Trống Cơm”, “Mời Lên Hái Đoá Hoa Rừng”, vv… hoặc trong những “live show” với hai sáng tác của cô là “Ước Hẹn Ngày Mùa” và “Khúc Ca Dâng Mẹ”.  

 

Gần đây là nhạc phẩm “Cái Quạt Xuân Hương” của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, viết nhắm vào thể loại ca trù được coi như một thử thách với  ông vì chưa bao giờ viết nhạc theo thể loại này. Ái Vân cho biết Hoàng Thi Thơ đã nhắm vào cô để viết bài này – dựa trên một thi phẩm của Hồ Xuân Hương – sau khi đã nhận biết được khả năng múa và phong cách trình diễn của cô.

 

Ái Vân sinh trưởng trong gia đình nghệ sĩ. Thân mẫu cô là Ái Liên, một nghệ sĩ nổi danh, yêu nghề đến nỗi khi mang thai Ái Vân 9 tháng, bà vẫn lên sân khấu diễn kịch, múa võ cho đến sát ngày sinh. Bà qua đời cách đây 12 năm, một năm sau khi Ái Vân rời Việt Nam. Thân phụ Ái Vân là Hà Quang Định, được coi như “ông bầu” của thân mẫu cô, ông là một người viết kịch bản cho nhiều bộ phim trong những ngày đầu của điện ảnh Việt Nam, trong số có “Nghệ Thuật Và Hạnh Phúc” với 2 vai nữ chính là Ái Liên và Kim Chung.

 

Thân phụ cô năm nay 93 tuổi, hiện sống ở Sài Gòn.  Tuy đi đứng có phần khó khăn, nhưng đầu óc cụ vẫn còn minh mẫn. Hai người em gái Ái Vân là Ái Xuân, hiện ở Việt Nam và Ái Thanh, sống bên Đức. Cả hai đều là những người hoạt động nghệ thuật, nhưng không có tính cách chuyên nghiệp như chị. Ái Vân còn có một người anh, trước kia là nghệ sĩ cải lương, hiện là hiệu trưởng trường Cao Đẳng Sân Khấu ở Sài Gòn. Một người anh khác là hoạ sĩ  trang trí và thiết kế sân khấu ở Việt Nam.

 

Ái Vân vẫn nhớ lời song thân cô nói nghệ thuật là con dao hai lưỡi, nếu không có khả năng nhiều thì không nên lên sân khấu vì như vậy nó sẽ giết mình. Còn nếu thật sự có khả năng thì phải tìm đủ mọi điều kiện để phát triển. Chính vậy, cô đã không ngừng để phát triển những khả năng sẵn có.  Những khả năng sẵn có nơi Ái Vân bao gồm nhiều lãnh vực nghệ thuật, cũng vì vậy cô thường nói đùa mình là một người “thích đủ thứ”!

Thật vậy, Ái Vân là một người nhiều tham vọng về nghệ thuật như cô từng xác nhận, bộ môn nào cô cũng có niềm đam mê mạnh mẽ.  Mặc dù cô cho dân ca là hơi thở của mình vì từ bé đã sống trong môi trường này, nhưng những ngày gần đây cô còn nghiêng về nhạc thính phòng với căn bản 9 năm được đào tạo về thanh nhạc, vì “khi hát cảm thấy mình như bay bổng”, như cô nói. Nhất là nhạc tình hay nhạc nhẹ mình cô cảm thấy “rất gần gũi với đời sống nên… cũng thích luôn!”. 

 

Cũng vì thế những ngày gần đây, khán giả đã được thưởng thức giọng hát cô với thể loại nhạc này qua những chương trình như chương trình nhạc Ngô Thụy Miên vào tháng 9 năm 2003 do nhóm Icon tổ chức, chương trình “30 Năm Thi Ca Cung Trầm Tưởng” vào tháng 10, chương trình “Mùa Thu Cho Em” do VNHelp tổ chức cũng vào tháng 10 năm 2003 vừa qua, vv… Ngoài hát, múa và đóng kịch và gần đây sử dụng những nhạc cụ cổ truyền, một chi tiết rất  ít người biết là Ái Vân còn có khả năng đóng phim.

 

Từ năm 68 và những năm kế tiếp, cô đã được mời diễn xuất trong 4 cuốn phim: “Rừng Xà Nu”, “Chị Nhung”, “Chú Rể Đi Đâu” và “Bản Danh Sách Mật”. Ái Vân vẫn thích đóng phim, nhưng với tình trạng yếu kém của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay ở hải ngoại đã không cho phép cô thực hiện được điều mong muốn.  Con người thích đủ thứ là Ái Vân đưa ra nhận định:“ đến tuổi này sau bao nhiêu năm hoạt động thì  cái tham vọng đó bị giới hạn bớt đi. Bởi vì bây giờ mình biết được khả năng mình làm được tới đâu, những gì mình chưa hoặc không thực hiện được, nhưng vẫn là người có nhiều tham vọng”. Người nghệ sĩ nhiều tham vọng và “thích đủ thứ” này luôn mang một điều  ước làm sao trẻ lại được 20 tuổi để có thể thực hiện được những gì mong muốn trong nghệ thuật.

 

Đã hơn 3 năm nay, Ái Vân không còn xuất hiện trên những chương trình “Paris By Night” của trung tâm Thúy Nga, sau hơn 10 năm là một khuôn mặt rất quen thuộc của những chương trình này.  Đối với Ái Vân, việc không tiếp tục cộng tác với trung tâm Thuý Nga được cô coi như một bước ngoặt trong cuộc đời, “Nhưng sau cái bước ngoặt đó không phải là mình đi vào ngõ hẻm hay gì hết, mà như mình bước sang một chặng đường mới”. Tuy nhiên Ái Vân không phủ nhận là cô đã có nhiều kỷ niệm gắn bó trong một thời gian dài cộng tác liên tục với trung tâm này. Hơn nữa, trung tâm Thúy Nga cũng là nơi cô đã có cơ hội  phát huy những khả năng cũng như những điều muốn làm.

 

Ái Vân tâm sự thêm là trung tâm Thúy Nga đã tạo cho cô điều kiện để giới thiệu đến khán thính giả những cái mới, cái lạ trong những tiết mục của cô cùng với những nghệ sĩ đồng diễn cũng như  những nhạc sĩ đã tạo dựng nên. Những tiết mục đó quả thật đã gây được rất nhiều thích thú cho người coi để đến bây giờ khó ai có thể quên được “Tấm Cám”, “Trăng Sáng Vườn Chè”, “ Kiều 1&2”, vv… không kể những tiết mục song ca hay trình diễn nhạc cảnh với Elvis Phương, từng một thời gây nhiều sôi nổi.

 

Một khi không còn cộng tác với Thúy Nga, Ái Vân không tránh khỏi “những cái hụt hẫng trong tình cảm của mình” như cô nói. Nhưng bù lại cô có được điều kiện để đi xa hơn, như có dịp cộng tác với nhiều trung tâm khác từng ngỏ lời mời cô trước đó.  Sau khi giã từ Thuý Nga, Ái Vân đã xuất hiện trên một số chương trình video của trung tâm Thế Giới Nghệ Thuật, Asia, Tình, Tình Nhớ cũng như trên những chương trình video của Hội Vô Vi.  Trong nước, cô đã xuất hiện trên những chương trình như Duyên Dáng Việt Nam cũng như  Một Thoáng Việt Nam.

 

Ái Vân rời Việt Nam vào tháng 1 năm 1990 sang Đông Đức.  Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, cô chạy sang Tây Đức và cư ngụ tại đây cho đến tháng 5.94.  Sau đó cô cùng chồng và 2 con sang định cư tại thành phố Cupertino thuộc miền Bắc California, gần San Jose.

 

Nhìn lại quãng thời gian hoạt động của mình, Ái Vân cho là cô rất mãn nguyện “ tại vì mình muốn gì mình đã tìm thấy rồi. Phải nói là nếu cộng cả thời gian ca hát bên Việt Nam rồi qua đến hải ngoại này thì em thấy là em đã làm được một số việc. Và em vẫn tiếp tục sự say mê đối với sân khấu và sự thương mến của khán giả dành cho em… Em thấy em là một người rất là hạnh phúc “

 

Cuộc đời có rất nhiều gắn bó với nghệ thuật của Ái Vân được chia thành 2 giai đoạn chính : trong nước và hải ngoại. Từ năm lên 7 tuổi, Ái Vân đã bước lên sân khấu hát và đóng kịch ở nhà hát kịch trung ương. Cô đã cùng với em là Ái Xuân đóng rất nhiều vở kịch dành cho thiếu nhi.  Năm 69, cô trúng tuyển vào trường Âm Nhạc Việt Nam về khoa hát để theo học từ lớp trung cấp đến đại học. Kể từ năm 78, sau khi ra trường, Ái Vân bắt đầu hoạt động một cách chuyên nghiệp cho đến khi rời Việt Nam để sang Đông Đức theo học khoá đạo diễn sân khấu tạp kỷ vào năm 90.

 

Ba năm sau khi tốt nghiệp trường âm nhạc, Ái Vân được đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi nhạc Pop trữ tình quốc tế tổ chức tại Đông Đức với 2 ca khúc : Bài Ca Xây Dựng” và “Mặt Trời Chưa Mọc Bao Giờ Như Vậy”.  Cô đã oanh liệt chiếm được 2 giải thưởng cao nhất của cuộc thi là : giải “Grand Prix” và “Ca Sĩ Được Khán Giả Ưa Thích Nhất”.

 

Tại hải ngoại,  Ái Vân cộng tác với trung tâm Thuý Nga từ tháng 11 năm 90 cho đến tháng 03 năm 2000 để sau đó trở thành một nghệ sĩ độc lập.

Sau thời gian tạm lắng vừa qua, hiện nay Ái Vân cảm thấy “ rất là sung sức, em muốn làm nhiều thứ lắm. Mọi người cứ đuà bảo em là người thích đủ thứ, còn thòi gian đâu mà lại còn học thêm đàn, cái này cái kia nữa. Em cảm thấy rất là hứng khởi với chặng đường nghệ thuật của mình. Em không tiếc nuối điều gì, em chỉ mong ước là giá mình có nhiều sức khoẻ, có thêm cái nồng nhiệt của tuổi trẻ nữa thì em nghĩ là em có lẽ sẽ cống hiến cho khán giả nhiều sự thú vị hơn”.

 

Là một nghệ sĩ có tên tuổi, nhưng Ái Vân có một cuộc sống gần như biệt lập, ít tiếp xúc với bên ngoài tuy cô là một người rất cởi mở trong việc giao tế.  Do đó cô không có nhiều bạn.  “Nếu có, là những người rất hiểu mình”, như cô tâm sự.  Điều quan trọng nhất với Ái Vân là nhận được sự thông cảm của khán thính giả đối với những gì cô thực hiện trên lãnh vực nghệ thuật. (Trích TVTS  số 935)