Tìm hiểu về việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ

21 Tháng Một, 2008 | Người Việt đó đây

Sử Dụng Đất

 

Trong hai số báo trước, tôi đã trình bày những tìm hiểu về việc hội Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria (“HCĐ”) gây quỹ để xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ, nhưng đất đã mua rồi không xây dựng được vì thiếu các phương tiện sinh hoạt và cơ sở hạ tầng cần thiết (Xin xem chi tiết ở Phần 1: Mua Đất trong số báo TiVi Tuần-san 1135, 26/12/07).

 

Tôi cũng đã trình bày những tìm hiểu về việc ông Nguyễn Thế Phong (“ông Phong”), trong tư cách chủ tịch HCĐ, sau khi mua đất và biết rằng không xây dựng được Đền Thờ Quốc Tổ (ĐTQT) đã triển hạn việc xây dựng bằng cách tuyên bố “nâng cấp” kế hoạch thành một kế hoạch lớn hơn gấp 10 lần. Ông nói là cần nhiều tiền bạc và thời gian hơn để hoàn thành việc xây dựng một Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá của Người Việt (Úc Châu).

 

Mặt tiền Đền Thờ Quốc Tổ

Ông Phong sau đó đã cho đăng ký một công ty gọi là công ty Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá (Vietnamese Cultural Heritage Centre Limited) (“VCHC”)[1] để quản trị tài sản của HCĐ. Về mặt tư cách pháp nhân (legal entity), công ty VCHC và HCĐ là hai tổ chức khác nhau, công ty VCHC có thành viên, cơ cấu tổ chức, điều hành, và quản trị tài chánh hoàn toàn khác với hội Cộng Đồng (HCĐ) (Xin xem chi tiết ở Phần 2: Sau khi mua đất, đã đăng trong số báo Tivi Tuần San 1136, 02/01/08)

   

Công ty VCHC sử dụng đất của HCĐ

 

Theo các tài liệu hiện lưu của ASIC và của Sở Địa Chính Victoria, thì hiện nay công ty VCHC đang sử dụng các lô đất thuộc về chủ quyền đã đăng ký của HCĐ.

 

Sau đây là một số đặc điểm đáng lưu ý về công ty VCHC:

 

1) Loại công ty:

 

VCHC là một công ty công bảo đảm hữu hạn (public company limited by guarantee) có nghĩa là trong trường hợp công ty bị giải thể thì mỗi thành viên “bảo đảm” (guarantee) rằng họ sẽ đóng vào một số tiền để thanh toán nợ nần của công ty. Trong trường hợp của VCHC, số tiền tối đa mà mỗi thành viên công ty phải chịu trách nhiệm (bảo đảm) là $100 Úc kim.[2]

 

2) Tên công ty:

 

Khi thành lập công ty VCHC, ông Phong cũng thỉnh cầu ASIC để được phép không dùng chữ “Limited” đằng sau tên công ty; có nghĩa là thay vì viết là Công Ty Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá, có thể viết là Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá.[3]

 

Vì vậy khi đăng trên báo Việt Ngữ, hay thông báo trên Radio, chẳng hạn: “Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria cùng với Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá có tổ chức…, mời đồng bào tham dự…, số tiền thu được sẽ dùng vào việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ”; hầu hết mọi người sẽ hiểu rằng đây là lời kêu gọi của cộng đồng người Việt Victoria. Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá với Cộng Đồng là MỘT, hay Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá là một bộ phận của cộng đồng, và việc đóng góp này là cho cộng đồng người Việt nói chung.

 

Đường vào Đền Thờ Quốc Tổ ở North Sunshine

 

Việc thông báo như vậy có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng. Giả sử ông A (một thành viên của HCĐ, hay một người nào đó thuộc công chúng) đóng góp vào $100, hay cống hiến một công sức tương đương. Ông A cứ nghĩ là ông đóng góp cho cộng đồng, thực ra không phải như thế, ông không hề biết số tiền $100 đó, hay công sức của ông đã đóng góp đó, có bao nhiêu thuộc về hội cộng đồng (HCĐ), tổ chức mà ông có thể là thành viên; và có bao nhiêu “chạy” sang công ty Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá (VCHC) đã thành lập mà ông không hề được biết, và không phải là thành viên. Ông muốn đóng góp cho HCĐ, nhưng có thể tất cả sự đóng góp của ông đã “chạy” hết sang công ty VCHC.

 

3) Thành viên của công ty:

 

Thành viên của cộng đồng (HCĐ) và thành viên của công ty VCHC là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

 

Đối với VCHC, lúc nộp đơn xin thành lập với ASIC, công ty này dự định có 17 thành viên (bao gồm ông Phong và bà Hà, và 15 người khác), gọi là thành viên sáng lập. Hiện nay công ty VCHC có 4 thành viên lãnh đạo (ông Phong, bà Hà và 2 người khác). Danh sách các thành viên “sáng lập” khác hồ sơ ASIC ghi là: “No record”.[4]

 

Theo điều lệ của công ty VCHC, ai muốn trở thành thành viên của VCHC thì phải điền vào một mẫu đơn do ban Giám Đốc Công Ty VCHC quy định, đóng lệ phí $50, và phải có sự giới thiệu của hai người đã là thành viên của công ty. Sau đó, ban Giám Đốc VCHC sẽ xét đơn. Xin lưu ý là Ban Giám Đốc có quyền bác đơn, từ chối đơn xin làm thành viên của người làm đơn, mà không cần cho biết lý do.[5]

 

Cho nên ông cụ, “người bạn”[6] 85 tuổi của tôi, cho dẫu là một thành viên tích cực của HCĐ trong việc gây quỹ xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ, vì không biết công ty VCHC đã được thành lập, nên không thể nộp đơn (dù có muốn); kết quả là, theo điều lệ của công ty VCHC, ông không thể có ý kiến gì trong việc sinh hoạt cũng như việc điều hành tài chính của công ty này, cho dẫu là sự đóng góp của ông về tài chính cũng như công sức cho việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ  do công ty này quản lý. 

 

Và nếu bây giờ ông cụ muốn tham gia làm thành viên của công ty VCHC này, mà ông cụ ông không được Ban Giám Đốc VCHC chấp thuận, tôi nghĩ là ông cụ khó có cơ hội, vì theo như điều lệ của công ty VCHC, Ban Giám Đốc có quyền từ chối đơn xin gia nhập thành viên mà không cần cho biết lý do.

 

4) Giám Đốc:

 

Theo điều lệ của công ty VCHC, các giám đốc đầu tiên của VCHC (ba (3) người trong đó có ông Phong) có quyền giữ chức vụ này cho tới khoá họp khoáng đại đầu tiên của công ty.

 

Khoá họp khoáng đại đầu tiên này chỉ được tổ chức 5 năm sau ngày thành lập công ty[7]. Tới kỳ họp đó, các giám đốc phải từ nhiệm, nhưng được ứng cử để bầu lại. Tuy nhiên, các giám đốc mà do thành viên sáng lập chọn ra: Founding Member Directors, tạm dịch là các Giám Đốc Sáng Lập: (ông Phong)[8] thì điều lệ buộc phải từ nhiệm để bầu lại không được áp dụng.[9] Điều này có nghĩa là ông Phong là Giám Đốc Sáng Lập VCHC; và ông có thể làm Giám Đốc công ty VCHC này cho tới khi ông mệt, không muốn làm nữa thì thôi.

 

 

Sau Lưng Đền Thờ Quốc Tổ 

 

Hơn nữa, điều lệ công ty VCHC còn quy định[10], các giám đốc khác chỉ có thể phục vụ tối đa là 3 nhiệm kỳ liên tiếp[11] (được bầu lại 2 lần); tuy nhiên, điều lệ này không áp dụng cho các “Giám Đốc Sáng Lập”[12]. Điều lệ VCHC không có quy định số nhiệm kỳ tối đa cho các “Giám Đốc Sáng Lập” là bao nhiêu. Có nghĩa là ông Phong sẽ phục vụ ở cương vị Giám Đốc VCHC cho đến…vì không thấy điều lệ ghi số tuổi tối đa “được phục vụ” của Giám Đốc Sáng Lập  là bao nhiêu.

 

Tôi thấy quá tội nghiệp cho “người bạn” của tôi; nếu ông cụ, vượt qua được cái “ải”, làm vừa lòng Ban Giám Đốc VCHC để được vào làm thành viên của công ty VCHC; nhưng, theo điều lệ của công ty, lỡ mà ông cụ sau đó không đồng ý với Giám Đốc Sáng Lập (ông Phong) về điều gì đó, ông cụ cũng không thể nào bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Phong được. Giám Đốc Sáng Lập là không thể thay thế qua hình thức bầu cử của các thành viên “bình thường” của công ty VCHC. Ngược lại, “lạng quạng” ông cụ có thể bị đuổi khỏi công ty theo điều lệ 11.2 của VCHC, nếu bị ông Giám Đốc Sáng Lập công ty VCHC tìm thấy ông cụ “gây chia rẽ” “mất đoàn kết”.

 

Ở trên là một vài đặc điểm đáng lưu ý và khá “nhạy cảm” của công ty VCHC, tiếp theo xin được bàn về việc thành lập công ty VCHC. Việc thành lập này có một số vấn đề, sau đây là các điểm chính yếu:

 

1) Xung Đột Quyền Lợi:

 

Hội SIGMA: Ông Phong làm Giám Đốc, bà Hà làm Chủ Tịch

Hội HCĐ: Ông Phong làm Chủ Tịch, bà Hà làm Thủ Quỹ

Cty VCHC: Ông Phong làm Giám Đốc/Hội Trưởng/Chủ Tịch, và bà Hà làm Bí Thư/Thủ Quỹ.[13]

 

Xin lưu ý là thành viên của HCĐ không nhất thiết phải là thành viên của SIGMA. Hội SIGMA theo tên gọi có phạm vi hoạt động ở Springvale, nhưng quy định về thành viên của HCĐ mở rộng cho mọi người Việt là thường trú dân đang sinh sống ở tiểu bang Victoria.[14]

 

Thành viên của công ty VCHC  hiện nay “coi như” [15] có 17 người. Vì vậy, không phải tất cả các thành viên của HCĐ đều là thành viên của VCHC.

 

Ông Phong và bà Hà đều nắm giữ các vị trí lãnh đạo của hai (2) hội và một công ty nói trên có thành phần thành viên khác nhau nên không biết ông Phong (và bà Hà) làm việc vì lợi ích của thành viên thuộc hội SIGMA, hay thuộc Cộng Đồng (HCĐ), hay cho quyền lợi của các thành viên thuộc công ty VCHC. Các dự án của HCĐ nhận sự tài trợ của chính phủ tiểu bang, và kinh phí của chính phủ tiểu bang tài trợ cho HCĐ phục vụ cho các hoạt động của hội đoàn hay cộng đồng người Việt ở tiểu bang Victoria sẽ không hợp lý nếu dùng cho các hoạt động dưới sự điều hành của công ty VCHC có hình thức sinh hoạt trong phạm vi liên bang.

 

Nếu ông Phong và bà Hà dùng ảnh hưởng của họ đối với hội SIGMA để có thế đa số mà thông qua một số vấn đề cần tranh luận ở HCĐ thì quyền lợi hoặc ý kiến của nhiều thành viên của HCĐ sẽ bị thiệt thòi; và ngược lại. Ông Phong và bà Hà cũng có thể dùng ảnh hưởng của họ ở SIGMA và HCĐ để lấn át các thành viên khác của VCHC.

 

Cũng cần nói thêm là nhiều thành viên của HCĐ và SIGMA, và công chúng, những người đóng góp rất nhiều cho các sinh hoạt của HCĐ như Hội Chợ Tết, đã không được thông báo một cách rõ ràng về hoạt động, và vai trò của công ty VCHC, cũng như các điều lệ rất “nhạy cảm” như đã nói ở trên về công ty VCHC.

 

Ông Phong và bà Hà đã ở trong những vị trí có sự mâu thuẫn hay xung đột quyền lợi. Các nguyên tắc pháp luật ở Úc đều tuyệt đối nghiêm cấm điều này. Đó là một tình trạng không thể chấp nhận được trong sinh hoạt cộng đồng nói chung, đặc biệt trong một đất nước dân chủ và pháp trị như nước Úc.

 

2) Tài sản của HCĐ trở thành tài sản của công ty VCHC:

 

HCĐ là một hội, thành lập năm 31/3/1987, sinh hoạt theo luật tiểu bang Victoria. Thành viên HCĐ có hai loại, thành viên cá nhân, và thành viên liên đới (bao gồm một số các hội đoàn khác). Thành viên của HCĐ là khá đông, vì vậy HCĐ có thể tổ chức các sinh hoạt lớn ví dụ như Hội Chợ Tết Cộng Đồng. Các cuộc tổ chức gây quỹ đều dưới danh nghĩa của Cộng Đồng (tức HCĐ). Nhiều người tin rằng HCĐ đại diện cho cộng đồng người Việt sinh sống ở Victoria nói chung.

 

Công ty VCHC, như đã nói ở trên, là một công ty hoạt động theo luật liên bang Úc, thành lập vào ngày 11/7/2003, coi như có 17 thành viên như đã nói ở trên, bao gồm 4 thành viên trong Ủy Ban Điều Hành (trong đó có ông Phong: Giám Đốc/Hội Trưởng/Chủ Tịch (Director/Chairman/President) và bà Hà: Bí Thư/Thủ Quỹ (Secretary/Treasurer).

 

Đọc các báo cáo tài chính của VCHC đệ trình cho ASIC trong các tài khoá 2003/2004, 2004/2005 và 2005/2006, tôi ghi nhận vài điểm như sau:

 

a) Đóng góp (Members Donations/ Contributions): 

 

Tài khoá     Số tiền

2003/2004: $9,092.45

2004/2005: $44,511.05

2005/2006: $65,602.30

 

Các số tiền này công ty VCHC ở đâu mà có được? Do thành viên  đóng góp? Các thành viên đóng góp vào trương mục của VCHC là ai?

 

– 17 thành viên của VCHC như đã ghi trong tài liệu của ASIC?

 

– Tất cả các thành viên của hội cộng đồng (HCĐ)?

 

– Đồng bào người Việt sống ở tiểu bang Victoria?

 

Nếu là sự đóng góp của đồng bào nói chung, thì đồng bào có được biết là họ đã (và đang) đóng góp vào trương mục của một công ty bảo đảm hữu hạn có điều lệ và đặc điểm như đã nói ở phần trên hay không?

 

b) Tài sản của công ty VCHC (Non-Current Assets) bao gồm trị giá của bất động sản (Building at cost + Property improvements at cost):

Buildings at cost  (tạm dịch: Trị giá của “nhà”)[16]

 

2003/2004:  

2004/2005: $30,909.09

2005/2006: $30,909.09

 

Và:

 

Property improvements at cost (tạm dịch: Giá trị thêm vào trị giá của “nhà”)[17]

2003/2004:  

2004/2005: $10,201.32

2005/2006: $40,201.32

 

Như vậy là sao? Đất là của hội cộng đồng (HCĐ) nhưng “nhà” lại là của công ty VCHC. Hội gây qũy “đưa tiền” cho công ty xây “nhà”. Công ty xây “nhà” xong sao lại “lấy luôn” “nhà” của hội?

 

Hay là công ty gây qũy, công ty xây nhà trên đất của hội, và nếu sau này, ông A lên làm chủ tịch Hội, thì ông A cũng phải biết rằng hội (HCĐ) không có gì cả, ngoại trừ miếng đất, muốn lấy “nhà” thì phải thanh toán tiền bạc cho công ty, nhưng tiền đâu mà thanh toán, như vậy ông A đành phải thoả hiệp với Ban Giám Đốc VCHC để êm chuyện, sau đó hết nhiệm kỳ, tới phiên ông B lên làm chủ tịch HCĐ để… đi tiếp con đường ông A.

 

Tương lai của HCĐ sẽ đi về đâu? Đó không phải là kết quả đáng buồn cho một hội của người Việt, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, đã được thành lập và sinh hoạt hơn 20 năm qua sao?!!!

 

Trong báo cáo tài chính của công ty VCHC cho tài khoá 2003/2004 nộp cho ASIC, ông Phong viết (xin tạm dịch): “Ban Quản Trị Công Ty VCHC được VCA-VIC (tức là cộng đồng, hay HCĐ) mời tham gia và trong một số trường hợp  tổ chức các sinh hoạt văn hoá để kỷ niệm 30 năm định cư của người Úc gốc Việt vào năm 2005 bao gồm Hội Chợ Tết ở Melbourne Showgrounds. Mặc dù có nhiều việc phải làm, Ban Giám Đốc và thành viên của VCHC sẵn sàng đóng góp trong dịp kỷ niệm quan trọng này”[18]

 

Như vậy là khi thành lập và điều hành công ty VCHC, ông Phong không có nhầm lẫn: công ty VCHC và HCĐ là hai tổ chức khác nhau về tên gọi, cơ cấu pháp lý, thành viên, và thành phần nhân sự ban chấp hành.

 

Đọc các báo cáo tài chính của công ty VCHC đệ trình cho ASIC, theo tôi chỉ có một sự giải thích duy nhất là: hình như có sự “nhầm lẫn” nên tiền bạc mà đồng bào đóng góp cho cộng đồng (hay HCĐ) trong các sinh hoạt hay hoạt động của HCĐ, lại bị kê khai “nhầm” thành tài sản của công ty VCHC. Hãy xem: lúc thành lập, thì bất động sản của công ty VCHC được ghi là “không có gì”, nhưng “đùng một cái” sang năm sau thì tài sản này tăng lên trên 40 ngàn Úc Kim, năm sau nữa thành 70 ngàn, và cứ thế tăng dần mà không thấy có một thông báo rõ ràng nào cho thành viên HCĐ hay công chúng biết là họ đang đóng góp cho công ty VCHC cả.

 

Tiếp theo, trong cùng văn kiện nói trên, ông Phong viết (xin tạm dịch): “Ban quản trị công ty đã và đang thương lượng và bàn thảo với chính phủ tiểu bang Victoria để có thể có được một miếng đất mới và lớn hơn… gần trung tâm thương mại Highpoint  cho Trung tâm Bảo Tồn Văn Hoá của chúng ta.”[19]

 

Như vậy là cớ làm sao? HCĐ tốn 200 ngàn Úc kim mua đất, “giao” cho công ty VCHC xây “nhà”. Công ty VCHC vừa xây “nhà”, vừa thương lượng với chính phủ tiểu bang để xin một miếng đất khác cho công ty để xây dựng TTVH bao gồm ĐTQT (của Công Ty?). Và nếu công ty VCHC thương lượng được, thì khu đất đã mua ở 90 Knight Avenue, Sunshine sẽ tính làm sao đây? Phải chăng VCHC sẽ giao đất lại cho HCĐ để… đóng phụ phí (Special Charge) $153,600 cộng tiền lời? Nếu mà chuyện đó xảy ra không biết ông Chủ tịch HCĐ, thời gian đó là ông Châu Xuân Hùng, sẽ ăn nói làm sao với các thành viên của HCĐ. 

 

Trong báo cáo tài chính năm 2004/2005 của công ty VCHC đã nộp cho ASIC ngày 02/12/2005[20], Ông Phong viết (xin tạm dịch): “Về việc gây quỹ, bất chấp việc chúng ta ngưng lại việc gây quỹ lớn từ năm 2002, tình trạng tài chính của chúng ta vẫn tốt đẹp nhờ vào việc sử dụng đường hoàng các khoản tài trợ của Thủ Quỹ và ban Giám Đốc của chúng ta và sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng trong các Hội Chợ Tết và trong suốt năm ở tại Trung Tâm”.[21]

 

À thì ra là như vậy! Hội Cộng Đồng (HCĐ) thì gây quỹ, nhưng tình trạng tài chính của công ty VCHC thì vẫn “healthy” nhờ vào việc sử dụng “đường hoàng” các nguồn tài trợ của Thủ Quỹ và ban Giám Đốc VCHC, và đặc biệt là nhờ vào sự đóng góp của các thành viên cộng đồng trong các hội chợ Tết (cho công ty VCHC của chúng ta?). 

 

Thêm một điều nữa là, công ty VCHC thì được thành lập năm 2003 (11/7/03) nhưng lại gây quỹ từ năm 2002. Như vậy là sao? Công ty VCHC được phép gây quỹ từ công chúng trước khi nó được thành lập? Hay là HCĐ gây quỹ rồi chuyển tiền cho công ty VCHC; trong trường hợp này, nếu ông Phong vừa làm chủ tịch của HCĐ vừa làm Giám Đốc của VCHC thì thiệt là “quá tiện lợi” vì tiền bạc của HCĐ chỉ cần ông Phong (Chủ tịch HCĐ) chuyển qua cho ông Phong (Giám Đốc công ty VCHC) thì mọi chuyện sẽ “OK” ngay. Điều này xảy ra với nhiệm kỳ thứ 3 của ông Phong trong tư cách vừa là Chủ Tịch HCĐ vừa là Giám Đốc VCHC.

 

Tôi còn thấy có một số điểm đáng lưu ý nữa về công ty VCHC, nhưng xin tạm dừng để có thể chuyển qua một phần khác.[22]

 

Như vậy, ngoại trừ HCĐ còn đứng chủ quyền của các lô đất, tất cả tài sản của HCĐ (một hội đã đăng ký với chính phủ tiểu bang và nhận tài trợ từ chính phủ tiểu bang) đều “biến” thành tài sản của VCHC (một công ty bảo đảm hữu hạn sinh hoạt theo quy chế liên bang). Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ, theo luật lệ công ty, chỉ có những cổ đông/ thành viên trong công ty mới có quyền quyết định bổ nhiệm ai vào chức vụ nào của ban điều hành;[23] và theo tài liệu của ASIC, số thành viên của công ty này là 17 người. Nếu không là thành viên công ty, thì không có quyền can thiệp vào việc trị sự hoặc tài chính của công ty (ngoại trừ các cơ quan hữu trách của chính phủ: ASIC, Sở Thuế, v.v…). 

 

Thật là tội nghiệp cho ông cụ, “người bạn” của tôi, và một số người bạn khác của ông ta, cứ nghĩ mình là thành viên của cộng đồng, và thông qua tổ chức của mình là “hội” Cộng Đồng để đóng góp tài sản công sức của mình vào công việc chung có tính cách cộng đồng; nhưng tất cả đóng góp của họ đã trở thành tài sản của một công ty mà họ không có bất kỳ một quyền hạn nào. 

  

Các giấy phép cần thiết cho việc sử dụng đất

  

Trong phần trên tôi đã trình bày một số tìm hiểu và nhận xét về việc đặc điểm và điều lệ của công ty VCHC. Xin lưu ý là luật pháp Úc cho phép việc thành lập một công ty công bảo đảm hữu hạn vì mục đích không lợi nhuận (non-profit), vấn đề là ở chỗ các thành viên HCĐ và công chúng nói chung có được biết hay không về sự thành lập, đặc điểm, và điều lệ của công ty VCHC khi mà công ty này “đứng chung” với HCĐ trong các sinh hoạt cộng đồng, hay trong các hoạt động gây quỹ của HCĐ; và quan hệ tài chính giữa HCĐ và công ty VCHC là như thế nào, cũng như việc công ty VCHC sử dụng đất của HCĐ được tiến hành ra sao?

 

Sau đây là một số tìm hiểu của tôi về các loại giấy phép sử dụng đất đối với các lô đất của HCĐ trong việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ (và Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá của người Việt Úc Châu).

 

Giấy phép sử dụng đất (Planning Permit)

 

Một điều mà hầu như ai ở Úc đều cũng phải biết là không phải đất thuộc quyền sở hữu của mình thì mình muốn làm gì thì làm trên vùng đất đó. Việc sử dụng đất vào mục đích gì phải phù hợp với kế hoạch phát triển của Council quản trị khu vực đó.[24]  Sử dụng đất không có hay trái với giấy phép có thể bị phạt đến $120,000; và trong trường hợp liên tục vi phạm sau khi đã bị kết tội (conviction) có thể bị phạt thêm $6000 mỗi ngày.[25]

 

Như đã trình bày ở các phần trước, khu vực đất mà HCĐ đã mua, theo quy hoạch của Council, là đất công nghiệp, không có các phương tiện sinh hoạt và thiếu cơ sở hạ tầng, nên Council không thể cấp giấy phép cho việc xây dựng để có thể sử dụng và tổ chức sinh hoạt cộng đồng được.

 

Xây dựng một “nhà” “tạm” để tổ chức sinh hoạt đông người trong khu vực đất công nghiệp, mà không có giấy phép của Hội Đồng Thành Phố Địa Phương (Council), là một sự vi phạm luật pháp. Nghiêm trọng hơn, thành viên của HCĐ có thể sẽ phải đương đầu với những rủi ro không cần thiết nếu cứ tổ chức các sinh hoạt của hội trong “Đền Thờ” tạm đó.

 

Việc có một số đại biểu dân cử đến tham dự một số sinh hoạt do HCĐ tổ chức và việc Council cấp giấy phép (Planning Permit) sử dụng đất đai cho HCĐ là hai việc hoàn toàn khác nhau.

 

Bà Thị Trưởng tham dự các sinh hoạt có tính cộng đồng là một vấn đề chính trị, cứ gọi là để “lắng nghe” dân, nếu bà có thời gian, và điều đó phù hợp với lợi ích chính trị của bà, của đảng phái chính trị mà bà đại diện, và của cộng đồng đó.

 

Việc quy hoạch một vùng đất nào đó dùng làm việc gì là công việc có tính chuyên môn cao, do một uỷ ban chuyên môn của Council sau khi  nghiên cứu tất cả các bằng chứng về khoa học, xã hội và các điều kiện về tài chính v.v… chịu trách nhiệm và đề nghị những kế hoạch khả thi. Bà Thị Trưởng sẽ cùng với các uỷ viên hội đồng thành phố bỏ phiếu để chọn lựa một trong những đề nghị này, sau khi bà (và các uỷ viên) đã “lắng nghe” dân.

 

Việc bà Thị Trưởng tham dự một sinh hoạt cộng đồng không có nghĩa là bà chấp nhận việc sử dụng đất ở nơi đó của chủ đất. Bà Thị Trưởng không có quyền “ra lệnh” cho Council phải cấp giấy phép sử dụng đất cho chủ đất ở nơi đó, vì lẽ ông này thích làm vừa lòng bà. Điều này có thể đang xảy ra ở Việt Nam, nơi mà chúng ta đã từ đó ra đi, chứ không xảy ra ở Úc. Đem việc ông/bà dân biểu nào đó tham dự một sinh hoạt của HCĐ ở “Đền Thờ” “tạm” nhập chung với việc HCĐ coi như được Council “bật đèn xanh” để sử dụng “Đền Thờ” cho các sinh hoạt cộng đồng là một lý luận “kỳ cục”.

 

Giấy phép xây dựng (Building Permit)

 

Khi có giấy phép sử dụng đất rồi, chủ đất muốn xây dựng cái gì trên vùng đất đó, phải trình cho Council về kế hoạch xây cất của họ, bao gồm các bản vẽ về kiến trúc và xây dựng. Các bản vẽ hay kế hoạch này phải được người có khả năng chuyên môn thực hiện: kiến trúc sư, công trình sư (builder).

 

Sau đó, chủ đất (người nộp đơn xin giấy phép) phải thông báo ý định của họ cho các chủ đất “hàng xóm”. Luật pháp quy định điều này để bảo đảm rằng cách sử dụng đất của chủ đất này không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đã được cấp giấy phép của các chủ đất kia. Các chủ đất “hàng xóm” này có thể chống đối, và nếu sự chống đối của họ là hợp lý, chủ đất đương đơn phải sửa đổi kế hoạch, thậm chí phải từ bỏ kế hoạch xây dựng của họ. Việc tổ chức các hoạt động có nhiều người tham dự bao gồm điều kiện về sân đậu xe, tiếng ồn v.v… vẫn có thể gặp khó khăn trong giai đoạn này, ngay cả khi kế hoạch xây dựng trên cơ bản đã được Council xét duyệt qua.

 

Ông Phong, thay mặt HCĐ (chủ đất), đã được biết là Council không cấp giấy phép sử dụng đất và tất nhiên không thể cấp giấy phép xây cất, mà vẫn tiến hành việc xây cất và sử dụng đất trái với quy hoạch, không những là một sự vi phạm pháp luật, mà còn là một sự phí phạm tài sản chung mà thành viên HCĐ và công chúng đã đóng góp từ nhiều năm nay cho công việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ.

 

Giấy phép lưu trú (Occupancy Permit)

 

Sau khi hoàn tất việc xây cất rồi, Council cần kiểm tra xem có bảo đảm an toàn không, về điện, nước, hơi đốt, tình trạng về kỷ thuật xây dựng của công trình trước khi họ cấp giấy phép lưu trú (tạm dịch từ chữ Occupancy Permit). Những hoạt động đông người cũng cần phải có bảo hiểm có thể bồi thường cho nạn nhân trong trường hợp có bất trắc xảy ra.

 

Sáu (6) năm đã trôi qua, 2002-2008, kể từ ngày các thành viên của HCĐ và đồng bào người Việt ở tiểu bang Victoria đóng góp lập quỹ để xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ, họ được gì:

 

a) Một bãi đất với hai chái nhà tôn nằm trong góc của một khu đất công nghiệp, trước mặt là con đường lởm chởm sỏi đá, bụi bặm khi nắng, lầy lội khi mưa, bên hông là vực sâu, sau lưng là chuồng nuôi ngựa của một chủ đất khác, xung quanh là các bãi rác (nghĩa địa) xe. Không có giấy phép sử dụng đất cho việc sinh hoạt hay lưu trú, không có giấy phép xây dựng công trình để có thể sinh hoạt hay lưu trú, không có giấy phép lưu trú. Tiếp tục đóng lệ phí phụ trội hàng năm cộng với tiền lời, và không biết bao giờ mới có được một giấy phép đầu tiên để có thể khởi đầu công việc xây dựng.

 

b) Một công ty hoạt động song song với hội: Công ty Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá (VCHC) và Hội Cộng Đồng (HCĐ). Ban Giám Đốc, Thành viên, điều lệ, việc quản trị, và tài sản của công ty VCHC này “như mờ như hiện”, đối với thành viên HCĐ và công chúng nói chung.

 

TẠI SAO?

 

Kết:

 

Khi viết bài này, tôi cũng gặp một người bạn nữa. Trước 1975, anh đi lính biệt kích QLVNCH, bị đạn bắn trong chiến tranh, nên chân đi không được bình thường. Anh làm công việc vất vả để nuôi mấy đứa con ăn học thành tài. Trong buổi nói chuyện với anh, tôi hỏi: anh vất vả như vậy, sao lại dính vào những chuyện rắc rối như vậy làm gì? Anh nói: Trong công việc chung, thấy sai mà không nói, đã là đồng loã rồi, đừng nói chi là ủng hộ. Ở Việt nam, tôi thấy sai, nhưng tôi không được nói, hoặc nói thì không biết hậu quả như thế nào, vì lý do đó mà tôi bỏ nước ra đi. Tôi đã ra đi từ chỗ không được nói để được nói, và làm một con người tự do. Tại sao ở đây, tôi thấy sai, tôi được nói, tôi lại không nói.

 

Xin kính gởi các bài viết trên của tôi về đề tài này đến qúy độc giả, và riêng tặng những bài viết này đến, ông cụ 85 tuổi, “người bạn” khả kính của tôi, người đã không ngại tuổi tác lao vào công việc chung để xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ; và anh bạn “biệt kích” nói trên, cùng toà soạn báo TiVi Tuần-san, với lòng kính trọng của tôi.

 

Giải Pháp:

 

Trước khi gửi đăng, tôi có đưa bài viết này cho một người bạn khác, và anh góp ý là nên có một phần về “solution” (giải pháp). Tôi cảm ơn và trân trọng ý kiến đóng góp của anh. Tôi sẽ cảm ơn và trân trọng mọi ý kiến đóng góp xây dựng của tất cả quý vị độc giả xung quanh vấn đề này.

 

Tôi tin là dù ít hay nhiều, một đồng hay một chữ, thì thành viên của hội Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria và công chúng nói chung cũng đã đóng góp cho công việc chung của cộng đồng là xây dựng một Đền Thờ Quốc Tổ. Tất cả sự đóng góp đó đều phải được tôn trọng; và chắc chắn là mọi người sẽ ngồi lại để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Giải pháp đó thuộc về tất cả quý vị, chứ không phải thuộc về bất cứ một cá nhân nào; nhưng trước hết, quý vị cần có đầy đủ và chi tiết mọi tin tức về vấn đề này trước khi đi tới một giải pháp.

 

Tôi ước mơ là cộng đồng người Việt chúng ta ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể sinh hoạt theo đường lối dân chủ. Chúng ta may mắn sống trên một đất nước phát triển, dân chủ và pháp trị; vì vậy, những sinh hoạt dân chủ hầu như lúc nào cũng có. Gần đây và hầu như tất cả người dân Úc đều biết đến và trải qua đó là cuộc bầu cử liên bang Úc năm 2007, khi mà mọi tin tức liên quan đến việc quản trị đất nước đều được thông báo đầy đủ cho cử tri trước khi họ đi bỏ phiếu để chọn một chính phủ cho nước Úc tương lai.

Trân trọng,

 

 

[email protected]

 

Chú thích:

  

[1] Trong một số văn bản do ông Phong viết, đã đăng ký và lưu giữ ở ASIC, Công ty Vietnamese Cultural Heritage Centre Limited được viêt tắt là “VNCH”, tôi cho rằng VCHC mới đúng là tên viết tắt từ tên tiếng Anh đã đăng ký với ASIC của công ty này.

[2] Nói đơn giản hơn, giả sử ông A là thành viên của VCHC, nếu công ty này vỡ nỡ, bị giải thể, ông A chỉ mất tối đa là $100.

[3] Trong tiếng Anh, thay vì phải viết là Vietnamese Cultural Heritage Centre Limited, có thể viết là Vietnamese Cultural Heritage Centre.

[4] Theo tài liệu của ASIC hiện lưu (update) đến ngày 15/12/2007 (ASIC Current & History Extract)

[5] VCHC Constitution Cl. 10 “…The directors or delegate need not give any reason for rejecting an application”.

[6] Cho có vẻ nhẹ nhàng và thân tình một chút, kính mong độc giả đừng nghĩ người viết có ý trịch thượng.

[7] theo điều lệ của công ty, khoá họp này phải được tổ chức khoảng ngày 11/7/2008 vì công ty được thành lập vào ngày 11/7/2003.

[8] Lúc VCHC đăng ký thành lập, ngày 11/7/2003, công ty VCHC có chọn ra 3 Giám đốc. Hiện nay, hai (2) trong số 3 người đó đã từ chức, còn lại một người duy nhất là ông Phong. Sau đó có 2 người khác được ghi tên trong hồ sơ của ASIC để thay thế. Tài liệu của ASIC không có chi tiết về việc hai người này được các thành viên sáng lập chọn ra, hay được ông Phong (trong tư cách là Sáng Lập Giám Đốc duy nhất của VCHC) bổ nhiệm.

[9] VCHC Constitution, ASIC Registered Doc. No. 019 359 441, Cl. 13.1(f)(5).

[10] VCHC Constitution, Cl. 13.1 (i) & (j) “…is eligible for  re-election twice, subject to a maximum of 3 consecutive terms by any directors”

[11] Cũng lại là chữ “liên tiếp” “kỳ diệu” này.

[12] VCHC Constitution, ASIC Registered Doc. No. 019 359 441, Cl. 13.1(f)(5).

[13] Trong hồ sơ công ty của ASIC thấy ghi ông Phong là Giám Đốc (Director), bà Hà là Thư Ký/Bí Thư (Secretary); theo một tài liệu khác nộp cho ASIC (Financial Report 2005) lại thấy ghi là ông Phong: Chairman/President và bà Hà: Treasurer.

[14] Cl. 5.1, Vietnamese Community In Australia – Victoria Chapter Inc. Constitution.

[15] Tôi dùng chữ “coi như” là vì như thế này: Trong lúc nộp đơn đăng ký công ty thì VCHC dự định (proposed details of the company) có 17 thành viên, nhưng tài liệu hiện lưu của ASIC, chỉ ghi các thành viên lãnh đạo gồm 4 người: ông Phong, bà Hà và 2 người nữa; các thành viên khác thì ghi là “No record”.

[16] Tạm dịch để dễ hiểu trong văn cảnh của bài viết này, không phải là các từ ngữ chuyên nghiệp chính thức dùng trong việc kế toán (Accounting).

[17] Như chú thích số 16 ở trên.

[18] ASIC Registered Doc. No. 020 694 003, Nguyên văn: “VNCH Centre and the Board have been invited by the VCA-VIC  to provide inputs and in some cases in charge of organising cultural events to celebrate the 30th Anniversary of the settlement of Vietnamese-Australians in 2005 including the Tet Anniversary at Melbourne Showgrounds. Despite of huge tasks ahead of it, the Board and members of the VNCH Centre are very much looking forwards to playing their part in this important celebration”

[19] Nguyên văn: “The Board has been negotiating and discuss with the State Government through Vic Urbanland Authority on a possibility of obtaining new and bigger land at …near Highpoint Shopping Centre for our VNCH Centre…”

[20] ASIC Registered Doc. No. 022 704 080.

[21]Nguyên văn: “ I am pleased to present to you another activity packed and a productive financial year of the Vietnamese Cultural Heritage Centre (Australia) in 2004-05 …In the term of fundraising, in spite of our cease in big fundraising events since 2002, our financial situation was quite healthy thanks to the prudent use of funds from our Treasurer and the Board and the contributions of the community members during the Tet Festival and throughout the year at the Centre”

[22] Chẳng hạn, VCHC vì đăng ký là một công ty công bảo đảm hữu hạn (public company limited by guarantee), vì vậy không được trả thù lao hậu hỉ cho Ban Giám Đốc nhưng các Giám đốc, thành viên ban điều hành, có thể được công ty trả tiền, nếu có sự chấp thuận của Ban Giám Đốc, cho “công việc nào có tính cách chuyên môn mà các Giám Đốc đã bỏ công ra làm cho công ty, ngoại trừ công việc Giám Đốc của công ty…” theo điều 5, điều lệ VCHC.

[23] Ngoại trừ những ngoại lệ theo luật định.

[24] Planning and Environment Act 1987

[25] S.127, Planning and Environment Act 1987