Mùa hè uống bia ướp lạnh (2)

05 Tháng Mười, 2016 | Uncategorized,Ẩm thực

 

(Tiếp theo) – Riêng LNĐ thì cho rằng sở dĩ có nhiều người (đa số ở Đức, Anh, Pháp, Úc…) cho rằng “tap beer” trong pub ngon hơn bia chai bia lon có lẽ vì hai yếu tố sau đây: (1) tap beer được giữ ở nhiệt độ lý tưởng và ly được ướp lạnh sẵn, (2) khung cảnh và không khí trong pub có tác dụng đem lại ảo tưởng tap beer ngon hơn.

Trong khi những người “yếu bóng vía” thì nói rằng vì tap beer không được “pasteurised”, các chất hữu cơ trong đó có “con men” vẫn tiếp tục hoành hành, đồng thời vì các tap không được “clean” thường xuyên cho nên tap beer… thiếu vệ sinh!

Trung bình, tap beer (đựng trong cask hoặc keg) chỉ giữ được tối đa 60 ngày trong khi bia chai bia lon có thể giữ được nhiều năm.

Giữa bia chai và bia lon thì bia lon giữ được lâu hơn bởi không bị tác hại của ánh sáng. Cũng nên biết, ánh sáng là kẻ thù số 1 của đa số các loại rượu, nhất là bia, cho nên chai đựng bia, rượu  thường có màu nâu hoặc màu xanh để cản ánh sáng. Vì thế, có những hãng bia, chẳng hạn Heineken, đã khuyên khách hàng nên tiêu thụ bia chai trong vòng 6 tháng.

Nếu uống trực tiếp (không rót ra ly), bia chai được người sành điệu ưa chuộng hơn bia lon, bởi nếu được ướp lạnh đúng mức, chai thủy tinh lạnh sẽ giữ cho bia được lạnh lâu hơn. Ở Hoa Kỳ, khi uống tại nhà, đại đa số dân Mỹ uống bia chai, và kể cả khi vào quán rượu, nhiều người vẫn chuộng bia chai.

 

Từ “Budweiser” tới “Thanh Đảo”

 

Tới đây, tạm quên tap beer để nói về những hiệu bia chai bia lon nổi tiếng thế giới. “Nổi tiếng” ở đây không nhất thiết có nghĩa là bán chạy; chẳng hạn nói tới bia làm tại Trung Quốc, người sành điệu sẽ nghĩ ngay tới bia Tsingtao (Thanh Đảo), trong khi bia bán chạy nhất Trung Quốc lại là bia Hoa Tuyết (Snowflake beer, gọi tắt là Snow beer). Năm 2008, Snow beer đã qua mặt bia Budweiser của Mỹ để đoạt danh hiệu bia bán chạy nhất thế giới với 6 tỷ 100 triệu lít, thế nhưng chủ yếu là bán cho dân Hoa Lục (uống cầu say chứ không cầu ngon) thì cũng cái kỷ lục ấy cũng chẳng đáng hãnh diện gì, cho nên bia Hoa Tuyết không được nằm trong danh sách các hiệu bia nổi tiếng thế giới.

Nói về những hiệu bia nổi tiếng nhất, vì không có bất cứ tổ chức quốc tế nào đủ tư cách làm công việc chấm điểm xếp hạng, hơn nữa mỗi dân tộc, mỗi địa phương có thể có “gu” khác nhau, cho nên cùng lắm người ta cũng chỉ có thể đồng ý với nhau về ba hiệu bia đứng đầu là Heineken (Hòa-lan), Budweiser (Mỹ), và Corona Extra (Mễ-tây-cơ).

Thứ hạng bảy hiệu còn lại trong Top Ten (do LNĐ bình chọn) là tùy từng tửu sĩ: Stella Artois (Bỉ), Miller Genuine Draft (Mỹ), Beck’s (Đức), Carlsberg (Đan-mạch), Pilsner Urquell (Tiệp), Tsingtao (Trung Quốc), và Asahi (Nhật).

Tất cả mọi hiệu bia trong danh sách Top 10 nói trên đều thuộc loại “pale lager” (màu gold lạt).

Xin viết thêm đôi hàng về về ba hiệu bia đứng đầu:

– Heineken là hiệu bia phổ biến nhất thế giới, điều đó không ai có thể phủ nhận. Heineken là một loại lager thơm (pilsner), sản xuất từ năm 1873. Ngoài yếu tố nguồn nước được thanh lọc (purified water), Heineken còn nổi tiếng với loại men bia bí truyền có tên là Heineken A-yeast. Men này được cất giữ trong kho có an ninh bảo vệ chặt chẽ, từ đó được phân phối tới các nhà máy bia (Heineken) trên khắp thế giới. Năm 2011, Heineken sản xuất 2 tỷ 740 triệu lít.

– Budweiser là một hiệu bia Mỹ” nhưng gốc Đức 100%. Năm 1847, chàng Adolphus Busch di dân tới St. Louis, Missouri, mở một lò nấu bia nho nhỏ, rồi kết hôn với nàng Lilly Anheuser, con gái của Eberhard Anheuser, một di dân gốc Đức cũng là chủ nhân một lò nấu bia thủ công nghệ. Năm 1864, sự hợp tác giữa chàng rể và ông nhạc đưa tới sự ra đời của công ty Anheuser-Busch Company, tiền thân của Anheuser-Busch InBev (viết tắt là AB InBev), công ty bia lớn nhất thế giới hiện nay.

Vì Adolphus Busch là một “Budweiser” (người dân ở vùng Budweis, quê hương bia của Đức, nay thuộc Cộng hòa Tiệp), cho nên chàng đã đặt tên cho sản phẩm của mình là “Budweiser”.  Nếu không kể Snow beer của Hoa Lục, Budweiser là hiệu bia bán chạy nhất thế giới; năm 2008, nếu tính cả Budweiser lẫn Bud Light, AB InBev đã sản xuất trên 10 tỷ lít (Snow beer: 6.1 tỷ ).

Một trong những đặc điểm của Budweiser là trong thành phần nguyên liệu nấu bia, ngoài lúa mạch còn có lúa gạo (rice).

– Corona Extra do hãng Cerveceria Modelo sản xuất, là hiệu bia nổi tiếng nhất của Mễ-tây-cơ, được xuất khẩu tới trên 150 quốc gia; từ năm 1997, Corona Extra là hiệu bia nhập cảng bán chạy nhất ở Mỹ (trước đó là Heineken). Corona Extra cũng luôn luôn nằm trong Top 5 bia bán chạy nhất thế giới.

Một trong những đặc điểm của Corona Extra là sử dụng chai thủy tinh trong suốt thay vì chai màu nâu hoặc màu xanh (bia Sol, một hiệu bia khác của Mễ-tây-cơ cũng sử dụng chai trong suốt).

Về cách uống bia Corona Extra, không hiểu do đâu và từ bao giờ, người ngoại quốc thường một bỏ lát chanh vàng (lemon), hoặc chanh xanh (lime) vào trong cổ chai trước khi uống. Tại Mễ-tây-cơ, không ai uống theo kiểu này cả.

* * *

Trong số bảy hiệu còn lại trong Top Ten, có lẽ cũng nên viết qua về bia Tsingtao (Thanh Đảo) của Trung Quốc, loại bia mà đa số nhà hàng Tàu ở Chinatown đều có sẵn để phục vụ thực khách.

Những ai uống Budweiser thường xuyên, khi uống Tsingtao sẽ thấy hai loại bia này khá giống nhau. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi bia Tsingtao cũng có gốc Đức, cũng nấu bằng lúa mạch và lúa gạo.

Hãng bia Tsingtao được người Đức thiết lập năm 1903 tại thành phố cảng Qingdao (Thanh Đảo), tỉnh Sơn Đông (Shandong). Ngày ấy, việc phiên âm tiếng Hán bằng mẫu tự la-tinh chưa có quy tắc thống nhất như hiện nay, cho nên người Đức đã lấy chữ “Tsingtao” do Trường Viễn Đông Bác Cổ phiên âm để gọi Thanh Đảo (Qingdao); và tên bia “Tsingtao” được giữ cho tới ngày nay.

[Trường Viễn Đông Bác Cổ, danh xưng tiếng Pháp là École Francais dExtrême-Orient, viết tắt là EFEO, được thành lập năm 1900, đặt trụ sở tại Hà Nội. Sau khi Việt Nam độc lập, trụ sở của Trường được dời về Ba-lê. Một trong những công trình để đời của Trường Viễn Đông Bác Cổ là khám phá và bảo tồn phế tích Angkor Wat (Đế thiên Đế thích) ở Căm-bốt]

Bia Tsingtao (nguyên thủy) nổi tiếng một phần nhờ sử dụng 100% nguồn nước Lao Sơn Tuyền (Laoshan Spring), tức nước suối từ núi Lao Sơn, được xem là cái nôi của Lão giáo. Tuy nhiên, ngày nay ngoài Thanh Đảo, bia Tsingtao còn được sản xuất tại nhiều địa phương khác ở Hoa Lục, thì hàng chữ “được sản xuất với nguồn nước từ Lao Sơn Tuyền” không có gì bảo đảm!

Sau năm 1950, mặc dù bị nhà nước cộng sản quốc hữu hóa, 27% cổ phần của công ty bia Tsingtao vẫn nằm trong tay đại công ty Anheuser-Busch InBev (cũng là chủ nhân của bia Budweiser). Tới năm 2009, hãng bia Asahi của Nhật đã mua lại 19.9% cổ phần từ Anheuser-Busch InBev.

Asahi hiện là công ty bia & nước ngọt lớn thứ nhì của Nhật,  Trước đó 19 năm (năm 1990), Asahi đã mua 19.9% cổ phần của đại công ty bia & ngước ngọt Fosters Group của Úc, và tới năm 2009, mua trọn công ty nước ngọt Cadbury Schweppes, cũng của Miệt Dưới. Mới nhất, năm 2011, Asahi đã mua trọn công ty Independent Liquor của Tân-tây-lan (là hãng chuyên sản xuất các loại rượu mạnh pha nước ngọt, chẳng hạn Vodka Cruiser).

Nói về bia do hãng Asahi sản xuất, trước năm 1975, trong những dịp giao tiếp với các cố vấn Mỹ (thực chất là được mời ăn uống “chùa”), cùng với các hiệu bia Mỹ như Hamms, Budweiser, Miller, LNĐ còn được uống bia Asahi Gold, thấy cũng thường, có thể nói còn thua bia 33 Export của Pháp làm tại Sài Gòn. Phải đợi tới cuối thập niên 1980, khi Asahi chuyển hướng, cho ra đời nhãn bia Asahi Super Dry  thì bia Asahi mới được nâng lên hàng quốc tế. Hiện nay ở Úc, Asahi Super Dry là hiệu bia được đàn bà con gái ưa chuộng nhất.

Cuối cùng, nói về bia Miller Genuine Draft của Mỹ, loại bia duy nhất trong Top 10 được quảng cáo là “bia Draft”.

Như đã viết ở phần đầu, chữ “draft beer” nguyên thủy có nghĩa là bia được chứa trong các thùng gỗ (cask), hoặc bình sắt (keg) để bán trực tiếp cho khách trong các quán rượu, khác với bia chai hoặc bia lon.

Miller Genuine Draft, bắt đầu sản xuất năm 1985, tự nhận là “draft beer” bởi vì trước khi vô chai, vô lon, bia không bị “pasteurised” (khai tử chất hữu cơ) mà chỉ lọc ở nhiệt độ lạnh (cold-filtered), cho nên vẫn giữ được hương vị như tap beer bán trong pub. Việc tự nhận là “genuine draft” (bia draft thứ thiệt) này hiện nay vẫn còn gây tranh cãi, nhưng có một điều mọi người phải nhìn nhận là Miller Genuine Draft uống rất giống “draft beer”. Tại World Beer Cup năm 1999, Miller Genuine Draft đã đoạt huy chương vàng.

 

“Vi-bi” hay “Pho-rếch”?

 

Tới đây, LNĐ viết về bia của Úc. Trong khi có khá nhiều nhãn rượu vang của Úc chiếm những vị trí trang trọng trên thị trường quốc tế thì bia Úc chỉ có một đại diện duy nhất: Fosters Lager của hãng bia CUB (Carlton & United Breweries) ở Victoria.

Năm 2005, Fosters Lager là một trong 10 hiệu bia bán chạy nhất thế giới. Hiện nay, Fosters Lager đứng No.2 ở Anh quốc, chỉ sau bia Carling của Gia-nã-đại.

Thời gian dân Á Đông mình bắt đầu tới định cư tại Úc (cuối thập niên 1970), Fosters Lager là một trong những hiệu bia bán chạy nhất, nhưng qua thập niên 1980, đã bị các hiệu bia khác như Carlton Draught, Victoria Bitter của Victoria, Tooheys của NSW qua mặt; và tới khi nhân loại bước sang thế kỷ thứ 21 thì hầu như chẳng còn mấy người dân Miệt Dưới uống Fosters Lager. Victoria Bitter trở thành hiệu bia chai, bia lon bán chạy nhất (tính cả bia nội địa lẫn bia nhập cảng) trong suốt hơn 20 năm, còn Carlton Draught trở thành “tap beer” số một.

Nói về bia Victoria Bitter (viết tắt là VB, được các bợm nhậu gốc Mít diễn dịch là “Vợ Bỏ”), thì tuy có chữ “bitter” trên nhãn, vẫn được xem là một loại “lager” chứ không phải là “ale” (bia đắng) thứ thiệt. Khi bắt đầu sản xuất vào đầu thế kỷ thứ 20, Victoria Bitter đã bị xem là loại bia dành cho giai cấp lao động (chịu “đắng cay” quen rồi nên thích uống bia… đắng!?), còn Carlton Draught dành cho giai cấp trung lưu. Ngày nay, quan niệm ấy vẫn còn được duy trì, cho dù không còn mang ý nghĩa phân biệt giai cấp gay gắt như trước kia nữa.

Theo công ty nghiên cứu thị trường ACNielsen, Victoria Bitter là hiệu bia duy nhất ở Úc có thương vụ mỗi năm trên 1 tỷ đô-la, cứ mỗi giây đồng hồ lại có một bành (slab, 24 lon, chai) VB được bán ra; và đã có lúc VB bán nhiều gấp đôi hiệu bia đứng hạng nhì.

Tuy nhiên, tới năm ngoái (2012), bia VB đã bị bia XXXX Gold của hãng Castlemaine ở Queensland qua mặt: XXXX Gold chiếm 12.4% thị trường, VB chỉ chiếm 12.3%.

Sau đây là 8 hiệu bia kế tiếp trong Top 10 của năm 2012:

3-         Carlton Draught 9.3%

4-         Tooheys New 7.1%

5-         Tooheys Extra Dry 4.4%

6-         Carlton Mid 3.8%

7-         Carlton Dry 3.3%

8-         Corona Extra 3.1%

9-         Pure Blonde 2.6%

10- Hahn Premium Light 2.5%

Trong danh sách Top 10 nói trên, chúng ta thấy chỉ có một hiệu bia “ngoại” duy nhất là Corona Extra. Điều này chứng tỏ dân Úc đã quen uống bia Úc, dù giá bia “ngoại” hiện nay đã giảm rất nhiều, các hiệu bia VB, XXXX, Carlton, Tooheys… vẫn bá chủ thị trường.

Ngay cả LNĐ, dù chỉ là công dân Úc half-and-half, nếu có uống Corona Extra, Heineken, Carlsberg, Budweiser… cũng chỉ uống chơi cho… thơm miệng, còn muốn uống cho “đã”, nhất là vào những ngày hè nóng 3, 4 chục độ, thì không gì có thể thay thế được VB.

VB thường được quảng cáo uống trực tiếp từ chai 375 ml (người Úc gọi là “stubby”) ướp lạnh, tuy nhiên theo các nhà phê bình đã từng chấm nhất VB, và cũng là kinh nghiệm cá nhân của LNĐ, phải rót ra ly, VB mới đạt tới đỉnh cao của nó.

Thực vậy, trong ba thứ sắc – hương – vị, VB chỉ thiếu “hương”, còn “sắc” thì nếu rót đúng cách, VB sẽ có màu bia, bọt bia đẹp nhất, “vị” thì nếu ướp lạnh đúng mức, sử dụng ly đúng kiểu, thì   VB sẽ có “đủ cay đắng ngọt bùi”!

Tới đây, LNĐ cũng thành thật xin lỗi quý độc giả ở Queensland vì đã không có lời nào ca tụng bia XXXX Gold , hiệu bia được ưa chuộng nhất ở “Tiểu bang Nắng ấm” (Sunshine State). Trên thực tế, chính các nhà “bình bia” (beer critics) cũng không biết đích xác tại sao XXXX Gold  lại qua mặt VB trong năm 2012. Theo suy nghĩ dè dặt của LNĐ, rất có thể vì cách thức quảng cáo của người Nhật, hiện là chủ nhân của hãng bia Castlemaine và phần lớn kỹ nghệ du lịch cũng như ngành địa ốc ở Queensland.

Cũng nên biết, hãng bia Castlemaine, hãng sản xuất các loại bia XXXX, hiện nằm trong công ty Lion Nathan, nguyên là của Úc và Tân-tây-lan, nhưng tới năm 2009, đã bị công ty bia rượu Kirin thuộc tập đoàn Mitsubishi của Nhật tung vốn mua trọn.

Có nghĩa là hiện nay tất cả mọi hiệu bia bán chạy nhất của Úc đều nằm trong tay người Nhật. Buồn 5 phút!

Một trong những màn quảng cáo vui mắt (và mát mắt) thường xuyên của bia XXXX là cho bốn người đẹp sexy (tượng trưng cho 4 chữ X) nhảy múa tại các bãi biển ở Gold Coast.

Cuối cùng, xin nói về lai lịch của nhãn hiệu “XXXX” mà người Úc phát âm là “pho-rếch” (fourex). Hiện nay không còn tài liệu chính thức nào nói về việc này, mà tất cả đều là những suy đoán. Trong đó, ra vẻ có lý nhất là giả thuyết cho rằng hãng Castlemaine đã theo một thông lệ của thời trung cổ ở Anh Quốc: mẫu tự X được sử dụng để đánh giá nồng độ rượu của bia, bốn X là bia nặng thấu trời!

Còn những người Úc có máu tiếu lâm thì giải thích như sau: thời đó (năm 1924) dân Queensland đa số là nông dân… mù chữ, không biết viết chữ “BEER” ra sao, đành gạch bốn dấu thập (cross) để thay thế, về sau người ta cứ tưởng bốn dấu thập ấy là bốn mẫu tự X, nên mới đọc là “fourex”!

Lão Ngoan Đồng