Nhân một buổi đi nghe Nguyệt Ánh hát

Đến từ Hoa Kỳ và Pháp: Nguyệt Ánh (góc trái) và các nghệ sĩ trong ban Dream Free trên sân khấu nhà hàng Happy Receptions. Hình: TVTS

Đã có một thời tôi đi hát rất nhiều nơi, nhiều chỗ ở xứ Úc này, nói rõ hơn là ở Adelaide và Melbourne. Từ các trường học, studio của người Úc cho đến các lễ lạc trong các hội trường, lễ hội trên đường phố, và cả trong những cuộc biểu tình tranh đấu nữa. Hát bằng tiếng Việt, tiếng Anh nhạc của mình và cả dân ca Việt Nam bằng hai thứ tiếng. Nhưng đó là thời của hơn 30 năm trước.

Thời đó, khi Nguyệt Ánh và Việt Dũng qua Úc lần đầu tiên và hát tại Melbourne, họ đã đến nhà tôi để mời tôi tham gia phong trào Hưng Ca đang bắt đầu thành hình.  Việt Dũng hỏi tuổi tôi và nói rằng nếu gia nhập phong trào thì tôi sẽ làm anh của Việt Dũng, là anh Năm hay anh Sáu gì đó, vì ở bên Mỹ còn một số anh lớn tuổi hơn tôi.

Nổi tiếng có tài ăn nói nhưng Việt Dũng đã không thuyết phục được tôi vào Phong trào Hưng Ca, chẳng qua tôi mới phát hành báo TiVi Tuần-san được vài tháng, cần dành nhiều thì giờ hơn cho cái nghề mới này.

Từ khi làm báo, tôi không còn chơi nhạc, cũng chẳng mấy khi đi nghe nhạc. Chỉ mới trở lại với “mối tình đầu” này cách đây vài năm.  Và hình như tình yêu mới này bùng nổ một cách dữ dội…

Và cũng vì vậy mà tôi đi nghe chương trình nhạc của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh vào trưa Thứ Bảy tuần qua.  Đi dự với hai tư cách: nhà báo và người yêu nhạc.

Gặp lần thứ hai, 30 năm sau: Nguyễn Hồng-Anh (phải) và Nguyệt Ánh

Gặp lần thứ hai, 30 năm sau: Nguyễn Hồng-Anh (phải) và Nguyệt Ánh

Đây là lần thứ hai tôi gặp lại Nguyệt Ánh. Không biết ban tổ chức có báo cho Nguyệt Ánh biết rằng tôi sẽ phỏng vấn cô hay không vì tôi có nói với ban tổ chức, rằng tôi nhận lời mời đi với mục đích sẽ phỏng vấn Nguyệt Ánh để hỏi lý do tại sao qua Úc hát lần cuối, tại sao giã từ sân khấu.  Gần một tiếng trước giờ trình diễn, khi Nguyệt Ánh từ phòng thay y phục lên hội trường, vài anh em trong ban tổ chức nói tôi có thể xuống phòng đợi ở dưới hầm nhà hàng để phỏng vấn, nhưng tôi thấy không tiện.

Khi Nguyệt Ánh từ cầu thang dưới hầm lên, tôi đến bắt tay và tự giới thiệu tôi từ TiVi Tuần-san, xin phỏng vấn vài phút và không quên nói cách đây 30 năm, chị và Việt Dũng có đến nhà tôi mời tôi tham gia Phong Trào Hưng Ca.

Nguyệt Ánh từ chối ngay, xin lỗi và xin dành để trả lời trên sân khấu  vì không có thì giờ. Tôi khá thất vọng, nhưng khi phỏng vấn ông Trần Đông của ban tổ chức buổi văn nghệ, vẫn dành cho Nguyệt Ánh những lời đẹp trong video phóng sự đã được đưa lên mạng truyền hình trực tuyến  tvtsonline vào ngày hôm đó  .

Tôi chỉ muốn hỏi một câu là Nguyệt Ánh  có còn trong Phong trào Hưng Ca không, một phong trào mà chị và Việt Dũng đã đến mời tôi tham gia cách đây 30 năm.

Nhìn thấy chị đi phải có người dìu, lại nhớ email người bạn du ca Nguyễn Quyết Thắng từ Hòa Lan trả lời tôi khi tôi muốn hỏi đôi điều về Nguyệt Ánh, nên tôi đã không thúc đẩy chị phải trả lời hay từ chối câu hỏi trong vai trò của một nhà báo, phóng viên.

Anh bạn hiền lành Nguyễn Quyết Thắng viết: “Tôi cũng đã từng sinh hoạt với Hưng Ca từ năm 1986, và đã thành lập một toán Hưng Ca Hòa Lan đi hát khắp Âu Châu, đến năm 2000 tôi không sinh hoạt với Hưng Ca nữa, vì quá bận với Du ca (gốc chính). Tuy nhiên mỗi lần Nguyệt Ánh qua Âu Châu là chúng tôi vẫn cùng nhau đi hát khắp mọi nơi, chỉ vì cảm phục tinh thần  của Nguyệt Ánh. Hiện nay sức khỏe của N.A không được tốt, cô đã mổ 3 lần, tưởng rằng khó qua khỏi, nay còn chút hơi thở ráng qua Úc một chuyến (chắc cũng để chia tay đó thôi). Thật thương cho N.A lắm”.

Giọng ca trẻ rất hay: Vương Phùng Sơn trong bài Lời Kinh Đêm với nền vũ của ban Dream Free

Giọng ca trẻ rất hay: Vương Phùng Sơn trong bài Lời Kinh Đêm với nền vũ của ban Dream Free

Mà cũng thương cho chị thật.  Dù tôi không đồng ý với một vài phát biểu của chị, nghe ở trên các youtube hay trong buổi văn nghệ “Mơ Tự Do”  nhưng cảm phục tấm lòng và ý chí của chị. Chị còn ở trong Phong trào Hưng Ca  hay đã rút ra là quyền của chị, không quan trọng.  Quan trọng là việc làm của chị.  Người ta sẽ nhìn vào đó để đánh giá.

Vì vậy,  với tư  cách của một người viết nhạc, trong vài bài hát của chị mà tôi thích,  “Anh Vẫn Mơ Một Ngày Về” là bài tôi ưng ý nhất về giai điệu lẫn ca từ.  Tôi có trích đọc vài đoạn trong video tường thuật buổi văn nghệ, nay chép lại từ trên mạng, như  là một chia sẻ với bạn đọc, “giấc mơ” của Nguyệt Ánh:

 

Anh vẫn mơ một ngày nào

quê dấu yêu không còn cộng thù

Trên con đường mòn, sau cơn mưa chiều,

anh ôm đàn dìu em đi dưới trăng.

 

Ta đứng yên nghe rừng thì thầm.

Ta ngước trông sao trời thật gần.

Anh ôm cây đàn,

Anh buông tơ trầm.

Em ca bài mừng quê hương thanh bình.

 

ĐK:

 

Rồi bình minh tới anh đưa em về làng

Này bà con đón kìa anh em chào mừng

Thôn quê tưng bừng,

Muôn chim reo hò hát mừng người

vừa về sau chiến chinh.

 

Rồi hoàng hôn xuống ta say men rượu nồng

Họ hàng trong xóm thay nhau nhen lửa hồng

Sương giăng mịt mùng

Đêm sâu chập chùng xóa ngục tù xiềng gông bao năm.

 

Anh vẫn mơ một ngày nào anh với em chung tình bạc đầu.

Trên quê hương nghèo. Trong khu rừng già.

Trước mái nhà cờ vàng bay phất phơ.

 

Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò.

Khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng.

Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần

“Vê en-Nờ” là Việt Nam kiêu hùng.

 

ĐK:

 

Rồi ngày con lớn con ca vang tình người

Hòa bình no ấm con ca vang tình đời

Thay cho cha già, thay cho mẹ hiền

Suốt cuộc đời hòa lời ca đấu tranh.

 

Rồi ngày con lớn con đi xây cuộc đời

Màu cờ tổ quốc con tô thêm rạng ngời

Quê hương thanh bình

Muôn dân yên lành sống cuộc đời tự do muôn năm!!!

 

Trong số khoảng 500 khách đến dự, có cựu Đại tá Võ Đại Tôn từ Sydney xuống Melbourne để hỗ trợ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, người ông coi như cháu bởi ông Võ Đại Tôn nói ông là em kết nghĩa của cha Nguyệt Ánh, cố Đại tá Nguyễn Văn Y, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã qua đời năm 2012.

Chuyện xưa chuyện nay: Lần đầu gặp cựu Đại tá Võ Đại Tôn, Nguyễn Hồng-Anh phỏng vấn (xem tvtsonline.com.au) và cho ông xem bìa báo Gươm Thương số tháng 9 năm 1982 có hình ông Võ Đại Tôn và bài Nguyễn Hồng-Anh viết về chuyến trở về VN của ông

Chuyện xưa chuyện nay: Lần đầu gặp cựu Đại tá Võ Đại Tôn, Nguyễn Hồng-Anh phỏng vấn (xem tvtsonline.com.au) và cho ông xem bìa báo Gươm Thương số tháng 9 năm 1982 có hình ông Võ Đại Tôn và bài Nguyễn Hồng-Anh viết về chuyến trở về VN của ông

Cũng nhân dịp có cuộc gây quỹ của Văn Khố Thuyền Nhân trong buổi văn nghệ này, Nguyệt Ánh cho biết cô đã hoạt động trong nhiều năm để vận động quốc tế cứu vớt thuyền nhân trong thập niên 1980 bởi bản thân cô cũng là thuyền nhân vào năm 1975, khi cô mới 22 tuổi rời Việt Nam bằng thuyền trên tay bồng đứa con nhỏ 4 tháng (hay 14 tháng?).

Độc giả có thể đoán được tuổi của Nguyệt Ánh rồi? Vẫn có trẻ!

Trong lời tâm tình khi mới bước ra sân khấu, Nguyệt Ánh cho rằng “nếu mỗi người được thượng đế trao cho một  sứ mạng và sứ mạng của Nguyệt Ánh đã kết thúc thì quý vị cũng sẽ tưởng nhớ Nguyệt Ánh như đã tưởng nhớ Việt Dũng”.

Đúng là lần gặp gỡ cuối cùng như ban tổ chức nói. Là lời chia tay.

Khán thính giả Hue Tran sau khi xem video “Phóng sự Nhạc sĩ Nguyệt Ánh hát lần cuối ở Melbourne” trên truyền hình trực tuyến của tvtsonline đã đưa lên youtube lời bình: “Nguyện cầu cho sức khỏe của cô Nguyệt Ánh được sớm bình phục”.

Cầu chúc được như vậy.

Nguyễn Hồng-Anh

Melbourne 16.10.2016