Khôn chết, dại chết, biết sống

23 Tháng Sáu, 2016 | Phiếm luận

 

Trong “60 năm cuộc đời”, LNĐ nhận được đủ thứ khen chê, nhưng thường bị chê là “dại” nhiều hơn được khen là “khôn”. Nhưng các cụ xưa đã dạy “khôn chết, dại chết, biết sống” thì nhiều khi giữa khôn và dại cũng giống nhau thôi. Còn ai khôn ngoan cho bằng Hán Tín của nhà Hán, Nguyễn Trãi của nhà Lê, nhưng rốt cuộc vẫn… chết thảm. Thành thử LNĐ cũng chẳng cầu làm người khôn.

* * *

Nói về những cái dại trong đời LNĐ thì vô số kể. Dại ngay từ thuở nứt mắt biết yêu. Năm học lớp Đệ Tứ (lớp 9 ngày nay), sống với dì dượng ở Hòn Ngọc Viễn Đông, cu cậu LNĐ mê cô bé hàng xóm tóc thề. Mối tình đầu ấy hội đủ cả ba yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”.

Số là cha mẹ cô bé mua lại căn nhà cũ của dượng LNĐ, chỉ cách nhà mới có hai căn (địa lợi). Sau khi ông dượng xin được công-tơ điện thì cho bố cô bé câu để xài ké (nhân hòa). Điện thế (voltage) vào thời ông Tây nhà đèn còn làm chủ lên xuống thất thường, nhất là khi trời mưa to gió lớn, cho nên cầu chì bị đứt hoài (thiên thời); và mỗi lần như thế cô bé lại qua bấm chuông, nhẻn một “nụ cười Mona Lisa” rồi thỏ thẻ giọng oanh vàng “Bố em nhờ anh xem lại cái cầu chì cho nhà em với”.

Miệng nói, đôi mắt nhung huyền mở to như cầu cứu, khiến chàng “handyman” si tình cứ tưởng mình là một thứ hiệp sĩ Robinhood cứu khổn phò nguy. Thế là chàng chạy như bay lên lầu, mỗi bước nhảy tới 3 bậc cầu thang! Xong xuôi, lại chạy như bay xuống báo cáo nhiệm vụ đã hoàn thành, nàng lại thỏ thẻ cám ơn, trước khi ra về còn chớp chớp đôi mắt ra vẻ vấn vương, khiến lòng cậu LNĐ đê mên, tay chân bủn rủn!

Sau 5, 7 lần đứt cầu chì, từ chỗ nói chuyện vu vơ tới giai đoạn ý hợp tâm đầu: cô hàng xóm biết LNĐ có tập nhạc liền nhờ chép lại cho nàng. LNĐ chép cả lời lẫn nhạc là để tập đàn ghi-ta, còn nàng tuy không hề biết một nốt nhạc nhưng vẫn yêu cầu LNĐ chép đủ cả lời lẫn nhạc để… trông cho vui mắt! Thế là chàng “handyman” tranh thủ thức khuya để cặm cụi chép nhạc cho nàng. Tới khi nàng nhờ chép bản Mộng Dưới Hoa thì cậu LNĐ cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để kẹp vào đó một bài thơ tình – bài thơ mà cho dù đã may mượn tối đa ý thơ, lời thơ của người khác, sau này nhớ lại vẫn thấy cực kỳ ngây ngô, ngớ ngẩn!

Thấy nàng sau khi nhận được bài thơ tình vẫn tiếp tục nhờ chép nhạc, LNĐ cho rằng nàng cũng là người có tâm hồn, và nhất là đã… chịu đèn, nên dự định sau khi chép đầy cuốn nhạc, cậu sẽ lần lượt tiến thêm những bước quan trọng sau đây: mời nàng đi bát phố Catinat và ăn kem, kế tiếp là thạch chè Hiển Khánh rồi chui vào xi-nê Văn Hoa, vàsau cùng là đưa nàng ra… xa lộ.

Để chuẩn bị cho chuỗi ngày thần tiên ấy, chàng “handyman” LNĐ đã hì hục “tân trang” cái Velo Solex “đầu bạc” cũ rích của mình: nào là thay xích mới để khỏi bị tuột xích bất tử, “nướng” và thông ống bô để xe có thể chạy nhanh hơn xe đạp (chỉ có các anh chàng nhà nghèo mới biết cái vụ “nướng” bô xe Solex!), và sau cùng là đem cái “đầu bạc” tới tiệm nhờ sơn đen để lập lờ đánh lận con đen, giả làm xe đời mới.

Thế nhưng chiếc Velo Solex ấy cho tới ngày vào “nghĩa địa” đã không một lần hân hạnh được người đẹp đặt mông lên. Bởi vì khi LNĐ lên lớp Đệ Nhị (lớp 11) và tập nhạc đã chép đầy kín thì cũng là lúc nhà nàng xin được công-tơ riêng, nàng chấm dứt quan hệ với LNĐ để đi với kép độc là một chàng sinh viên kiêm “giáo sư dạy sinh ngữ 2”, chạy chiếc Lambretta đời mới, ngày ngày đưa đón tận đầu hẻm.

Số phận những bài thơ tình LNĐ “sáng tác” để tặng “nàng thơ” cũng không may mắn hơn “tác giả” là bao: nàng đem phân phát cho đám bạn trong xóm và các chị nhỏ tinh nghịch này đã đem ra để làm trò cười. Cũng may, ít lâu sau ông dượng của LNĐ dời nhà đi nơi khác.

* * *

Lớn lên, LNĐ dại trong cả thương trường:

Chẳng hạn sau khi tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, LNĐ được về ngành Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), tới phục vụ tại một đơn vị nhỏ ở Pleiku chờ ngày có khóa học ở Đại Học CTCT – Đà Lạt. Đơn vị nhỏ nên cái gì cũng phải cậy trông, nhờ vả các đơn vị bạn: nhổ răng, khám bệnh thì phải sang tận Quân Đoàn, nhảy đầm nhảy địch thì ké Thiết Giáp, Pháo Binh, thậm chí cần phải nhốt chàng lính ba gai nào cũng phải chở ra tận Quân Trấn Pleiku để gửi. Riêng về mục mua hàng Quân Tiếp Vụ thì mua ké C2, tức Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt ở Vùng 2. Mà đã gọi là “ké” đương nhiên phải chịu thiệt thòi.

Trước sự ca thán của quân nhân trong đơn vị, ông Trung-tá Chỉ huy trưởng đã vận động với Quân Đoàn, kết quả được chấp thuận cho mở một quầy hàng quân tiếp vụ riêng cho đơn vị. Theo bảng cấp số, người giữ chức vụ “Trưởng quầy hàng” phải là một sĩ quan; ông Chỉ huy trưởng đơn vị thấy LNĐ cà nhõng lang thang bèn đề cử đi học khóa Quân Tiếp Vụ để về làm Trưởng quầy hàng. Những tưởng tay sĩ quan nhí cò (Chuẩn-úy) này sẽ mừng quýnh lên khi được đề cử nắm giữ chức vụ “thơm tho béo bở” ấy, không ngờ LNĐ đã thẳng thắn từ chối viện lý do đang đợi khóa học CTCT ở Đà Lạt, ông Chỉ huy trưởng vừa ngạc nhiên vừa bực mình.

Tuy nhiên, ông đã không áp dụng kỷ luật quân đội để buộc LNĐ phải nhận mà cho 3 ngày để suy nghĩ, mặc dù kẻ hèn này đã trình bày mình sẽ không đổi ý. Trong 3 ngày này, đích thân ông Thiếu-tá Trưởng Phòng CTCT đã ôn tồn khuyên nhủ LNĐ: “Ông Trung-tá có tin tưởng bạn ổng mới đề cử bạn nắm quầy hàng Quân Tiếp Vụ, sao bạn lại không chịu nhận?”, nhưng vẫn không làm LNĐ sờn lòng.

Hết hạn 3 ngày, LNĐ trình diện ông Chỉ huy trưởng và dứt khoát từ chối. LNĐ đã cứng đầu, ông Trung-tá cũng… cứng đầu không kém; có lẽ ông cho rằng một sĩ quan cao cấp mà không thuyết phục nổi một Chuẩn-úy mới ra trường thì hóa ra thiếu khả năng lãnh đạo chỉ huy hay sao, cho nên thay vì nổi giận ông đã từ tốn dụ ngọt:

“Này nhé, cậu muốn giữ chỉ số (ngành) CTCT của cậu thì cứ giữ, tôi chỉ cần cậu đi học một khóa Quân Tiếp Vụ để về mở quầy hàng cho đơn vị, sau đó nếu cậu vẫn còn thích ngành CTCT thì khi nào có khóa học, tôi sẽ cho cậu đi ngay!”

Nhưng mặc cho ông Chỉ huy trưởng “dụ dỗ”, LNĐ dứt khoát không đổi ý.

* * *

LNĐ dại cả trên chính trường (hai chữ “chính trường” hơi đao to búa lớn, xin được giới hạn trong sinh hoạt chính trị tập thể)

Cái dại – phải nói là ngu dại – thứ nhất của LNĐ về mặt chính trị là dại trong thời gian ở tù cộng sản (VC gọi là “học tập cải tạo”) sau 30/4/1975. “Nước” mất nhưng “nhà” chưa tan (không bị vợ bỏ để theo nón cối) là may mắn lắm rồi, đáng lẽ nên theo gương các bạn tù “nín thở qua sông”, giả vờ “học tập cải tao tiến bộ” để sớm được về xum họp với gia đình thì LNĐ lại bày đặt ù lỳ ngoan cố, “chống đối Cách Mạng”, cứ làm như cái tư cách, danh dự của một “sĩ quan CTCT” nó ghê gớm lắm vậy! Hậu quả, chỉ trong 6 năm tù đã bị chuyển trại tổng cộng 11 lần, bị đì chết bỏ, có lần còn bị kề súng vào đầu…

Sau “nửa đời ngu” (nhái chữ “Nửa Đời Hư” của cụ Vương Hồng Sển), Ơn Trên, Ông Bà phù hộ cho vượt biên thành công, được định cư tại “phúc địa” Úc-thòi-lòi, vẫn tiếp tục… dại. Không chịu tìm nơi yên tịnh để hưởng nhàn đã là dại, ra chốn lao xao không chạy theo lợi danh lại càng dại hơn. Nhưng phải nói cái việc cầm bút mong đội đá vá trời mới là cực kỳ ngu dại.

Cách đây mấy năm, thân phụ ở VN bị ung thư, chờ đợi mỏi mòn 2 năm mà vẫn không thấy bóng dáng thằng trưởng nam về thăm, bèn nhắm mắt. Một bà Dì, vốn là người uyên bác trừng trải, bèn lên lớp:

“Cháu dại lắm, có làm đĩ 9 phương cũng phải chừa 1 phương để lấy chồng. Cháu không tham gia đảng phái, không cầu mong danh lợi thì viết báo chống cộng cho cố vào để mà làm gì? Người ta làm lãnh tụ đảng này, hội nọ mà về VN như cơm bữa, còn cháu thì bố sắp chết cũng không dám về thăm. Dì nói thật cháu đừng giận, cả đời cháu chỉ là cái thằng cầm cu cho chó đái!…”

Dĩ nhiên, bà Dì nói như thế bởi vì bà không hiểu thằng cháu: cho dù Ngoại trưởng Alexander Downer có đích thân bảo đảm cái mạng cùi cho LNĐ, kẻ hèn này cũng không thể về. Cứ tạm cho rằng khi về tới phi trường Tân Sơn Nhứt, kẻ hèn này có thể cắn răng chấp nhận lá cờ đỏ phất phới tung bay trên đầu thì cũng còn phải nghĩ tới liêm sỉ của một người cầm bút. LNĐ mà về VN rồi trở lại Úc viết báo chống cộng thì chẳng khác nào một ông giáo sư môn Công Dân Giáo Dục đi chơi bời bị học trò bắt gặp, ngày hôm sau vẫn tỉnh bơ tới lớp tiếp tục… giáo dục công dân!

Chống cộng sản chưa đủ, lại còn chống cả… cộng đồng; nói một cách chính xác hơn là chống các hành động ruồi bu, chống các khuôn mặt thô bỉ trong cộng đồng. Làm công việc này, bạn bè ngày càng thưa thớt, người quen biết dần dần lánh xa, ăn nhậu không ai thèm mời, tai bay vạ gió, sanh nghề tử nghiệp… là việc đương nhiên.

* * *

Vẫn biết thế, nhưng nếu trời cho làm lai từ đầu, không hiểu LNĐ có muốn làm “người BIẾT” hay không?

Bởi vì “biết” ở đây, hiểu theo văn mạch của câu “khôn chết, dại chết, biết sống”, mang cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu. Vậy lỡ không biết được những thứ tốt mà chỉ biết những thứ xấu thì LNĐ sẽ ra sao?

Có lẽ hắn ta sẽ thành công trong việc bẻ hoa hái nhụy cô hàng xóm tóc thề rồi quất ngựa truy phong, sẽ trở thành ông Sĩ quan Trưỡng quầy hàng QTV tham nhũng nổi tiếng nhất Pleiku, sẽ làm “ăng-ten” trong tù để được quản giáo VC cho “thăm nuôi” thả dàn và ra tù sớm hơn, sẽ trở thành ông lãnh tụ bịp bợm hay một tay nhà báo chuyên viết mướn đánh thuê!…

Nếu quả thật như thế, khi được làm lại từ đầu kẻ, này xin được tiếp tục dại khờ, ngu ngơ. Bởi nếu đã không được làm gỗ đá vô tri, kẻ hèn này không còn sự lựa chọn nào khác.

Lão Ngoan Đồng