Vòng quanh thế giới (2): Kinh nghiệm mua vé máy bay và thuê khách sạn

20 Tháng Chín, 2017 | Đan mạch
Hú vía và vất vả để tìm ra chuyến bay này tại phi trường Helsinki của nước Phần Lan. Hình: TVTS

Nếu bạn du lịch theo lối tự túc, thì bạn cần biết một số thông tin khi chuẩn bị cho một chuyến đi. Ngoài việc chọn địa điểm du lịch là lý do chính cho chuyến du hành, bạn cần chọn phương tiện di chuyển, nơi ăn chốn ở theo sở thích và khả năng  tài chánh của mình.

Phương tiện di chuyển

Mỗi khi muốn đặt vé máy bay, tôi thường nghĩ tới vài hãng hàng không như Qantas, Singapore Airlines, Qatar Airways hay Emirates Airline.

Theo nhận xét của tôi, đi Qantas là đi máy bay nổi tiếng an toàn bậc nhất thế giới, chưa từng bị tai nạn và cũng tỏ sự “yêu nước”, người Úc ủng hộ dịch vụ Úc. Nhưng ngày nay, sự phục vụ về mặt ẩm thực và phương tiện trong khoang tàu cho hành khách hạng econmy không còn thuộc hạng nhất dù bạn đi máy bay khổng lồ A-380 của Qantas. Đó là chưa kể đối với những chuyến đi xa như Bắc Âu phải chuyển máy bay đến 2 lần, làm chuyến đi có thể dài tới cả 30 tiếng đồng hồ hoặc hơn nữa, mà giá vé cũng thuộc loại đắt.

Singapore Airlines nổi tiếng phục vụ tốt nhưng giá vé đắt hơn nhiều hãng khác. Đã gần hai thập niên chưa đi lại hãng hàng không này nên tôi không có nhiều nhận xét.

Qatar Airways là hãng hàng không tôi đã đi trong hai chuyến đi Âu Châu gần đây. Có nhiều chuyến thời gian bay ngắn so với các hãng khác, giá rẻ nhất so với 4 hãng máy bay nói ở trên và việc phục vụ khách hàng cũng rất tốt, nhưng vừa qua do bị vài nước Ả Rập anh em tẩy chay, chế tài nên tôi đã chọn mua vé của hãng Emirates Airline.

Hãng này là của Vương quốc Ả rập Thống nhất, nước dầu hỏa giàu hàng đầu thế giới và có một đội máy bay mới và tối tân bậc nhất. Phục vụ cũng thuộc hạng đầu dù giá có đắt đỏ hơn Qatar Airways một chút. Nhưng điều tôi thích nhất là có nhiều chuyến bay để lựa chọn, ý tôi muốn nói là có những chuyến bay với thời gian ngắn như đi Bắc Âu. Tôi mua vé đi Copenhague (Đan Mạch) chỉ bay mất 23 tiếng đồng hồ, gồm khoảng 2 tiếng rưỡi chuyển máy bay tại phi trường Dubai và mỗi ngày có khoảng 3 chuyến bay từ chiều trở đi.

Bạn có thể nhờ đại lý mua dùm mà cũng có thể mua vé online như trường hợp của tôi. Mua vé càng về khuya đắt hơn cả một trăm đô la Úc  cho một chuyến bay.

Bởi tôi muốn đi du lịch 5 nước (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan) nên mua vé từ Melbourne tới Copenhagen, rồi từ Warsaw trở  về Melbourne. Mua vé như vậy không phải là khứ rồi nên đắt hơn, tuy nhiên giá vé cho chuyến đi và về tôi đặt thẳng với Emirates Airline cũng chỉ là khoảng $1,900 Úc kim/ người.

Có hai công ty online mà một số người quen của tôi thường sử dụng để mua vé máy bay, đặt khách sạn, thuê xe là expedia và skyscanner. Dịch vụ của họ có tốt hay không, vẫn tùy nhận xét của mỗi người.

Nhìn tên 5 nước trên bản đồ và chọn đi Bắc Âu trước, nên tôi chọn đi Copenhagen (Đan Mạch) nằm ở phía tây của Âu Châu trên nước Đức, sau lên Oslo (Na Uy) ở phía bắc, qua Stockholm (Thụy Điển) phía đông, rồi tới Helsinki (Phần Lan) cũng hướng đông và sau cùng xuống Warsaw (Ba Lan) ở phía nam.

Hình: TVTS

Vé máy bay

Sau khi đã quyết định mỗi thành phố sẽ ở bao nhiêu ngày, bây giờ bạn phải chọn phương tiện di chuyển từ nước này sang nước kia. Đi xe hơi, tàu lửa, tàu thủy hay máy bay?

Năm 2015, trong chuyến du lịch các nước Âu Châu từ Hòa Lan đến Áo, tôi đều đi bằng xe lửa tốc hành, đến tận nơi mới mua vé. Lần này tôi ngại ngồi xe lửa vì trung bình từ nước này qua nước nọ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Vả lại, từ Thụy Điển (Stockholm) đi Phần Lan (Helsinki) không có xe lửa vì hai thành phố cách nhau bởi Biển Baltic.

Người ta nói rằng, ngoài giá vé rẻ (khoảng $80 Úc kim), nếu ai thích ngắm biển trời mênh mông thì ngồi trên tàu khách Viking Line lớn như tàu Spirit of Tasmania của Úc thì cũng là một cái thú, nhưng con đường dài khoảng 18 tiếng, đó là chưa kể chuyến đi từ Phần Lan (Helsinki) tới Ba Lan (Warsaw) không thể đi xe lửa hay tàu vì phải đi qua nhiều nước  như Nga, Estonia, Latvia, Lithuania và thành phố Warsaw thì nằm sâu trong nội địa. Vậy giải pháp duy nhất để tiết kiệm thì giờ di chuyển là đi máy bay.

Bạn cũng nên biết, vé máy bay đi giữa các nước Âu Châu không đắt như bay giữa các thành phố ở Úc.

Tôi lên mạng kiwi.com mua vé từ Copenhague đi Oslo giá $140 Úc kim/người.

Từ  Oslo đi Stockholm vì cận ngày, phải mua vé bay qua Helsinki roi lấy hành lý, đổi chuyến bay khác, trở ngược lại Stockholm nên giá cao gấp khoảng đôi, nhưng cũng chỉ $248 Úc kim/người.

Vì mua qua online, không đề tên hãng máy bay chuyến thứ hai mà chỉ gọi Braathens Regional Airlines, hỏi công ty wiki.com thì họ nói đến tại chỗ mới biết, nên khi check in tại phi trường Helsinki, hỏi nhân viên ở phi trường, kể cả nhân viên của hãng Finnair (Hàng không Phần Lan), chẳng ai biết. Nhân viên ở Terminal 2 (đường bay quốc tế)  chỉ qua Terminal 1 (nội địa).  Tới T1 họ bảo qua T2. Chạy đi chạy lại mấy lần, năn nỉ, các nơi đều bảo hãy check in ở máy tự động. Thì giờ chuyển máy bay chỉ có 2 tiếng mà chạy lui tới mất cả gần tiếng rưỡi vẫn chưa thấy cái hãng Braathens nằm ở đâu.

Cuối cùng một cô nhân viên của hãng Finnair nói vé này của Finnair, vào bảo đợi check in. Rồi cô xuất cho hai cái boarding pass  của hãng Finnair. Đến lúc này tôi mới biết cái hãng  hàng không địa phương Braathens kia hợp tác với Finnair, đi máy bay chong chóng 2 động cơ (trên chuyến bay từ Oslo đi Helsinki, tôi hỏi hai hành khách cư dân Helsinki, nhưng cả hai đều chưa bao giờ nghe tên hãng Braathens Regional Airlines).

Hú hồn và mệt lả với chuyến bay này!  Khi đặt vé, nếu gặp trường hợp này (đổi máy bay và tự chuyển hành lý), bạn nên tránh mua, dù tôi biết nếu mình hỏi nhân viên phi trường nhiều lần mà họ không chỉ bảo giúp và trễ máy bay thì công ty bán vé online phải bồi hoàn vé máy chuyến khác hay trả tiền khách sạn cho mình, nếu phải ở lại đêm.

từ Stockholm đi Helsinki: $125/người.

từ Helsinki đi Warsaw: $125/người (đường bay này dài khoảng gấp đôi giữa thành phố các nước Bắc Âu).

Khách sạn Imperial Hotel ở Copenhague. Hình: TVTS

Đặt khách sạn

Sau khi đặt máy bay xong, đến lượt đặt khách sạn. Đi Âu Châu thuê khách sạn đã đắt, đi Bắc Âu còn đắt hơn. Tôi còn nhớ chuyến đi Âu Châu năm 2015, Amsterdam (Hòa Lan) là nơi khách sạn đắt nhất, gấp rưỡi Berlin (Đức, khách sạn 4 sao chỉ khoảng $180). Nhưng tôi tìm khách sạn giữa trung tâm Copenhague (Đan Mạch) chẳng thấy cái nào 4 sao dưới $300. Sở dĩ tôi muốn ở 4 sao  vì nghĩ rằng khi mới tới nơi và khi sắp trở về, cần chỗ ở tốt tốt một chút để được thoải mái. Du lịch mà! Với những thành phố khác, thì tàm tạm, có nơi ngủ là được rồi.

Tại Copenhague, tôi chọn khách sạn 4 sao Imperial Hotel, giá $335/đêm không bao ăn sáng.

Khách sạn này nằm giữa thành phố, cách ga xe lửa trung ương chừng 200 mét. Rất thuận tiện cho việc đi lại. Trên mạng, một số người khen khách sạn này về nhiều mặt, chỉ chê phòng tắm hơi nhỏ (phải đứng tắm trong bồn tắm).

Tại Oslo (Na Uy), tôi chọn khách sạn 3 sao Anker Hotel, giá $170/ đêm.

Bây giờ trở về Melbourne, ngồi viết bài,  tôi mới biết có bao ăn sáng vì lúc check in, khách sạn chẳng buồn nói cho mình biết. Không có máy lạnh, chỉ có lò sưởi (may Na Uy là xứ lạnh). Phòng ốc tạm được bởi vì xưa kia là chung cư dành cho sinh viên. Không có safe box để cất đồ quý giá và giấy tờ, tệ nhất là trong phòng ngủ không có wifi, muốn sử dụng computer hay nhận email, phải xuống phòng tiếp tân, mà đôi lúc cũng gặp trở ngại thì được nhân viên tiếp tân giải thích  do có quá nhiều người xài!

Nhưng được ưu điểm là giá phòng phải chăng, cách ga xe lửa trung ương chừng 500 mét và cách hoàng cung Na Uy chừng một cây số. Ngoài ra, khách sạn ở cạnh con sông thơ mộng, có đường mé sông cho người đi bộ ngoạn  cảnh đẹp, êm đềm, có nhiều cây. Nơi đây chỉ cách trụ sở Nhà Việt Nam của Hội Người Việt Tị Nạn Na Uy vài trăm mét.

Tại Stockholm, tôi chọn một khách sạn không giống ai mà tôi gọi là khách sạn hầm, đó là First Hotel Kungsbron.

Đây là khách sạn 3 sao, $162/ đêm bao ăn sáng khá ngon, rẻ không thể nào rẻ hơn nữa ở một thành phố Bắc Âu vốn là những nơi đời sống rất đắt đỏ.

Cách ga xe lửa trung ương 150 mét nhưng rất yên tĩnh. Yên tĩnh hơn nữa bởi ngoài nhà hàng của khách sạn, phòng tiếp tân nằm ở phòng trệt, còn tất cả các phòng ngủ đều ở dưới tầng hầm rộng mênh mông, rất dễ lạc đường, nhất là khi từ tầng trệt, phòng tiếp tân trở lại phòng ngủ.

Trong bốn đêm ở khách sạn này nếu có thả bom nguyên tử,  bảo đảm chúng tôi sẽ sống sót, bởi trên chúng tôi còn năm sáu tầng lầu là văn phòng!

Khi lướt mạng, chúng tôi được các khách từng ngụ ở đây nói rằng phòng ngủ không có cửa sổ, không thấy ánh mặt trời, nhưng tôi tưởng chỉ một hai phòng nào đó ở tư thế không có cửa sổ, chứ không ngờ toàn bộ phòng ngủ của khách sạn đều ở dưới hầm. Mọi phương tiện đều tốt, kể cả wifi, đường hành lang trải thảm đẹp, đèn đóm sáng sủa, chỉ có điều khách sạn không sử dụng điện thoại, nên khi mình muốn họ thức dậy dùm, nhân viên tiếp tân phải xuống hầm gõ cửa!

Khách sạn hầm  First Hotel Kungsbron ở Stockholm, Thụy Điển nơi an toàn để “tránh bom nguyên tử”. Hình: TVTS

Tại Helsinki, chúng tôi thuê apartment vì thứ nhất là nó rẻ, thứ đến là gần ga xe lửa trung ương và trung tâm thành phố, đi bộ chừng 10 phút.

Khi đặt thuê online, được các khách cũ nhận xét gần đường phố nhưng yên tĩnh, chỉ có vấn đề làm sao nhận chìa khóa để vào phòng và rủi khi đến giờ checkout, mình chưa ra, nó tự động khóa lại thì làm sao mình đi ra khỏi apartment, vì sử dụng password để ra vào và không có chủ nhà ở đó.

Nhà tôi rất sợ chuyện này bởi đi chơi đâu cần phòng rộng, bếp nấu ăn v.v… Nhưng tôi thích trải nghiệm cái gì mới lạ và nhất là tiền phòng chỉ có 96 Euro tức khoảng $149 Úc kim (Phần Lan là nước duy nhất ở Bắc Âu dùng Euro).

Khi tới nơi mới biết địa chỉ  Eerikinkatu 22, Teelainen Suurpiiri, Helsinki chỉ là một apartment (loại studio) trong chung cư nhiều tầng.

May nhờ ông taxi giúp gọi điện thoại thoại dùm thì chủ nhà ngồi đợi trên apartment xuống mở cửa, chứ cả cái chung cư không có gác dan, nhân viên trực thì đành ngồi dưới sân đợi.

Chung cư này ban đêm cổng đóng, do đó nếu không có chìa khóa thì chẳng vào sân được, nói chi việc lên lầu của mình.

Ngày check out, phải để chìa khóa trên bàn, tự động đi ra. Quên gì, chẳng thể trở lại phòng, trừ khi có điện thoại gọi chủ nhà ở đâu đó trong thành phố tới mở cửa. Có vẻ apartment này do một chủ căn hộ sở hữu, đưa lên mạng cho thuê.

Tại Warsaw, chúng tôi thuê khách sạn 4 sao rưỡi Radisson Blue Centrum Hotel, giá $162/đêm không bao ăn sáng.

Khách sạn 10 tầng, mới, phòng ốc rất rộng, có xa lông, bàn làm việc rộng, nằm trên con đường lớn của thành phố, cách khu phố cổ Old Town, Dinh Tổng thống chừng 1.5 cây số, và xa  ga xe lửa trung ương, Warsaw Central shopping centre  cũng chừng đó  (tức khoảng 15 phút đi bộ).

Đây là khách sạn chúng tôi ở xa trung tâm phố nhất nhưng là khách sạn tốt nhất trong chuyến du lịch với giá rẻ nhất, bởi Ba Lan là một nước cựu xã hội chủ nghĩa nên giá cả tương đối rất dễ chịu đối với du khách từ các nước phương tây giàu có như Úc.

Hình: TVTS

Kể chuyện đường xa bằng bút và camera

Đi du lịch tự túc phải đối diện với cái khó khăn nhất là phương tiện di chuyển và ăn ở. Chúng tôi dùng kinh nghiệm cá nhân để mang lại những thông tin cần thiết cho các bạn khi lựa chọn, như đã từng làm trước đây.

Vấn đề khác là biết địa điểm nào để ngắm cảnh, du ngoạn hay tham quan một khi đến thành phố đó?

Các bạn có thể hỏi thăm Bác Google như tôi đã làm trước khi lên đường hay theo dõi loạt bút ký  “Kể Chuyện Đường Xa”  của chúng tôi trong các số báo kế tiếp.

Ngoài ra, trong tuần tới các bạn có thể lên mạng tvtsonline.com.au của TiVi Tuần-san tìm  mục VÒNG QUANH THẾ GIỚI  để xem hình ảnh sống động qua các video “vừa đi vừa quay phim kể chuyện” thấy gì hay thì quay, biết đến đâu nói đến đó, một phóng sự bằng phim ảnh của Nguyễn Hồng-Anh trong chuyến du lịch 4 nước Bắc Âu và Ba Lan.

 

(Du lịch báo in TVTS số 1641 phát hành ngày 06.09.2017)