Vòng quanh thế giới (4): Kiến trúc Copenhagen ven sông nước

05 Tháng Mười, 2017 | Đan mạch
Người Đan Mạch thích cờ; cờ vải, cờ giấy, cờ to, cờ nhỏ; họ treo quốc kỳ có khoảng 800 tuổi của họ bất cứ ở đâu khi có dịp, như cờ ở trong công viên giải trí Tivoli này. (Hình: TVTS)

Tại thành phố Oslo, khi bước qua một bức tượng dựng trước tiền đình tòa nhà quốc hội Na Uy, người bạn chỉ vào bức tượng đề Christian Frederik Norges Konge 1814 và nói đây là Christian Frederik Vua Na Uy năm 1814, và cũng là vua Đan Mạch (tức Christian VIII 1839-48). Thấy tôi ngạc nhiên hỏi tại sao vị vua được đúc tượng đặt trước trụ sở quốc hội Na Uy lại là vua của Đan Mạch, thì mấy người bạn giải thích ngày đó Na Uy trực thuộc nước Đan Mạch.

Bây giờ tôi mới biết Đan Mạch đã một thời  làm chủ các nước láng giềng như Na Uy, Thụy Điển.  Không những có liên hệ về mặt nhà nước (liên minh từ thế kỷ 14), các nước này còn có nguồn gốc chủng tộc pha trộn với giống người viking và cũng vì thế mà tiếng nói của họ gần giống nhau. Khi nói chuyện họ có thể hiểu nhau như các người bạn mới quen ở Na Uy cho biết.

Bắc Âu có 5 quốc gia gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland. Tôi chỉ đi thăm 4 nước đầu.

Ngày trước Iceland thuộc Đan Mạch nhưng sau đó tự trị và trở thành một nước độc lập năm 1918. Vương quốc Đan Mạch hiện nay ngoài Đan Mạch (dân số khoảng 5.5 triệu với diện tích 43,000 cây số vuông), còn hai lãnh thổ tự trị là quần đảo Faroe (dân số khoảng 50,000) và Greenland (dân số khoảng 58,000 người với diện tích 2.2 triệu cây số vuông nhưng phần lớn là băng đá). Hai lãnh thổ tự trị này nói ngôn ngữ của họ.

Đời sống hai bên con kênh hẹp ở Copenhagen nơi những chiếc cầu thấp lè tè (xa xa giữa hình) phải được kéo lên để thuyền có buồm hay nhiều tầng đi qua. (Hình: TVTS)

Vương quốc Đan Mạch được thống nhất vào thế kỷ 10. Chế độ quân chủ nước này tồn tại lâu hàng đầu thế giới, chỉ sau Nhật Bản, Anh…

Quốc kỳ Đan Mạch có lâu đời nhất thế giới, cả 800 năm tuổi. Người Đan Mạch thích cờ quạt, đi đâu cũng thấy treo cờ. Cờ to cờ nhỏ, treo hay trưng bày khi có dịp, kể cả trên chiếc bánh sinh nhật. Nói thích cờ là biểu hiệu tinh thần ái quốc, dân tộc cũng được. Mà tỏ niềm vui cũng đúng.

Nữ hoàng Margrethe II  77 tuổi trị vị được 45 năm. Người kế vị là Thái tử Frederik, vợ là Công chúa Mary người Úc. Hoàng gia Đan Mạch rất được dân chúng ủng hộ và Công chúa Mary cũng được cả hoàng gia lẫn dân Đan Mạch yêu mến.

Người Đan Mạch theo đạo Thiên Chúa cả ngàn năm nhưng đến thời kỳ cải cách tôn giáo, giống các nước Bắc Âu, họ theo giáo phái Lutheran. Tín đồ  chiếm khoảng ba phần tư dân số. Công giáo là thiểu số, chiếm khoảng một phần trăm. Nữ hoàng Margrethe II là vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Đan Mạch.

Du thuyền Dannebrog của Nữ hoàng Đan Mạch dài 78 mét đóng năm 1931 nằm trên sông. (Hình: TVTS)

Ngắm cảnh bằng tàu

Bạn đã cùng tôi đi một vòng thành phố bằng xe bus nhảy lên nhảy xuống. Hãy chiêm ngưỡng một thành phố trên sông biển, có kênh đào đẹp không thua gì Amsterdam của Hòa Lan. Thay vì mua vé boat tour nhảy lên nhảy xuống, chúng tôi mua vé boat tour giá 80 krone đi một chuyến dài một tiếng, không dừng ở  6 trạm như đi xe bus dừng 16 trạm.

Nếu bạn đi bus tour, đến trạm số 1 là Gammel Strand hãy nhảy xuống, tới phòng bán vé cạnh đó mua vé. Ở đây bán nhiều loại vé đi chơi bằng thuyền đường ngắn và xa. Như đã nói trong số báo trước, Gammel Strand là tên con đường có nhiều quán xá, nhà cửa màu mè vui mắt. Boat tour có tour guide giải thích bằng tiếng Anh về những nơi tàu đi qua và thắng cảnh, di tích thấy trên đường đi.

Trước khi tàu chạy, sẽ có người bán bia và nước ngọt dạo mang xuống tàu mời khách. Nào, hãy cầm một ly bia nốc một ngụm trước khi tàu rời bến để được sảng khoái, hứng thú ngắm cảnh, nhưng lưu ý bạn hãy luôn luôn ngồi trên ghế, chớ đứng dậy vì  có thể bị “mất đầu” khi tàu chạy qua cầu, bởi cầu rất thấp, chỉ có tour guide phải đứng lên ngồi xuống chỉ chỏ, giải thích cho du khách.

Tàu chạy qua khu phức hợp có nhiều binh đinh mái màu xanh lục, xây cách đây khoảng 400 năm, làm trụ sở thị trường chứng khoán theo lệnh vua Đan Mạch Christian IV xây.  Trên tháp có ba vương miệng tượng trương cho liên minh ba nước Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển thời đó.

Một công hai việc: mái nhà của nhà máy điện (bên kia sông) trở thành dốc trượt tuyết dài 440m giữa thành phố. (Hình: TVTS)

Du khách còn thưởng lãm những kiến trúc hai bên con kênh, cũ và mới, để thấy rằng người Đan Mạch có thiên khiếu về kiến trúc không thua gì các nước Tây Âu khác.

Đến khu vực có nhiều tòa nhà ba bốn tầng là nhà kho, du khách sẽ thấy có một mặt của một nhà kho cửa được trình bày rất đẹp mắt từng chi tiết theo yêu cầu của vua bởi vì từ bên kia sông nhà vua có thể trông thấy, còn mặt kia chỉ những ô nhỏ đủ ánh sáng xuyên qua.  Ý vua là ý trời!

Nhìn về phía trái con sông, bạn sắp đến một nơi nổi tiếng của Copenhagen, đó là Nyhavn tiếng Đan Mạch có nghĩa new harbor. “Cảng mới” nhưng tuổi cũng hơn ba trăm năm khi  vua Frederik cho xây con kênh đào Nytory nối từ biển, là nơi tàu bè khắp thế giới đến Copenhagen buôn bán. Nyhavn vì vậy nổi tiếng là nơi ăn chơi của giới thủy thủ xa nhà với rượu bia và gái điếm. Nhưng với người Đan Mạch, họ sẽ khoe với du khách rằng đây là nơi một nhà văn nổi tiếng của họ sinh sống. Văn hào Hans Christian Anderson (1805-1875)  đã từng sống trên 20 năm vào cuối đời ở Nyhavn. Ông là tác giả những tiểu thuyết như The Little Mermaid, The Red Shoes, Frozen, Thumbelina.

Vì vậy không lạ gì ngoài nhà cửa đầy màu sắc lòe loẹt, những tàu gỗ cổ xưa neo dưới bến cùng những chiếc tàu hiện đại và hàng hàng lớp lớp nhà hàng, quán bar dọc con kênh. Không khí ở đây vui nhộn và thoải mái. Thực khách ngồi trên ghế trong các lều vải hay thòng chân xuống bờ gỗ con kênh.  Đến Copenhagen,  du khách nghe nói hãy  tìm đến Công viên Tivoli để vui chơi, đồng thời du khách cũng không thể bỏ qua khu phố và “cảng mới” Nyhavn.

Cũng nên biết rằng Copenhagen trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là cảng của thương nhân (merchants’ harbor).

Quán ăn dưới kênh với hiệu bia nổi tiếng Carlsberg của Đan Mạch. (Hình: TVTS)

Ngắm tàu nữ hoàng và Opera House

Tiếp tục hành trình, bên tay phải có một bán đảo nhỏ có nhiều nhà hàng nằm sát bờ sông có tên Papiroen (Paper Island) là một con đường, một chợ thực phẩm (Copenhagen street food market) có trên 30 tiệm ăn nằm sát nhau. Và kìa, cũng bên phải con sông, bạn đã thấy tòa nhà nhiều  tầng có mái hình chữ nhật nằm doi ra ngoài sông, đó là Copenhagen Opera House khánh thành vào năm 2005  và còn được gọi là Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch. Năm  trong tổng số 14 tầng của nhà hát nằm dưới mặt đất. Hội trường chính có sức chứa 1,400 người. Kiến trúc sư Henning Larsen vẽ kiểu và đây là quà tặng của vợ chồng đại gia Moller, chủ nhân công ty thương thuyền Moller,  tặng cho nhân dân Đan Mạch. Nhà hát kiểu tân hiện đại thuộc loại tốn kém nhất thế giới từ trước tới nay với chi phí xây cất trên $500 triệu Mỹ kim.

Nhà hát Copenhagen đối diện với Hoàng cung Amalienborg Palace nằm bên kia sông. Nghe nói Nữ hoàng Margrethe II là người yêu chuộng nghệ thuật nên nhà hát đẹp tuyệt vời này được xây đối diện với nơi nữ hoàng ở chăng? Từ hoàng cung đi ra bờ kênh cũng khá xa và trước con kênh có một hòn non bộ/ đài phun nước lớn  nằm trong công viên nhỏ, làm cho cảnh vật thơ mộng thêm. Cũng nghe nói nữ hoàng là một họa sĩ, có vẽ tranh và được triển lãm đâu đó.

Cũng bên phía tay phải, trong khu vực dọc cảng Langelinie, du khách sẽ thấy tòa nhà màu trắng xuôi xuôi, đó là dốc trượt tuyết nhân tạo dài hàng đầu thế giới,  440 mét và cao 85 mét hoàn tất trong năm nay. Đan Mạch là nước chuộng bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới với mục tiêu đặt ra sẽ không còn tạo ra khí thải vào năm 2025. Họ đã biến mái của nhà máy năng lượng xanh Amager Bakke trở thành dốc trượt tuyết sát trung tâm thành phố (cách tòa đô chánh Copenhagen 5 km). Một công hai chuyện, nhưng xanh là ưu tiên. Copenhagen là thế đó!

Những căn nhà (flat) do kiến trúc sư Utzon (tác giả Sydney Opera House) vẽ kiểu. (Hình: TVTS)

Tiếp tục hành trình dọc con sông, bạn sẽ thấy chiếc tàu màu trắng, bong tàu màu vàng, mũi tàu có dấu hiệu của vua chúa, đó là du thuyền Dannebrog dài 78 mét của hoàng gia Đan Mạch, được đóng năm 1931. Thỉnh thoảng nữ hoàng đi du ngoạn xa tận Greenland và Faroe là hai lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Hôm nay du khách được dịp chiêm ngưỡng du thuyền của nữ hoàng cũng được gọi là dịp hiếm có.

Ngày hôm trước, chúng tôi đã được ngắm nàng tiên cá (The Little Mermaid) từ trên bờ cảng Langelinie, bây giờ tàu đang chạy qua khu vực này và chúng tôi nhìn nàng tiên cá từ giữa con sông. Như thế chúng tôi đã ngắm trọn vẹn biểu tượng của Thành phố Copenhagen và Đan Mạch ở mọi góc cạnh.

Còn nữa, hết tàu đến máy bay,  chiếc thủy phi cơ đang đậu ở “sân bay” trên nước là chiếc máy bay chở du khách đi từ Copenhagen tới Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch, cách Copenhagen 187 km và mất khoảng 40 phút để bay tới cảng Aarhus.

Đến đây tàu du ngoạn boat tour quay chữ U trở về bến. Từ đây chúng ta có thể thấy một chiếc tiềm thủy đĩnh dựng trên bờ sông trước mặt nhà máy Amager Bakke kiêm dốc trượt tuyết.

Và bên phải là đài phun nước và cung điện của nữ hoàng. Và bạn lại thấy Copenhagen Opera House một lần nữa.

“Đan Mạch tính”: Những tòa nhà kiến trúc sư xây với chủ đích phải xấu xí (ugly). (Hình: TVTS)

Nhà cửa và đời sống dọc con kênh

Bây giờ tàu quẹo trái rời con sông lớn và đi vào một con kênh.  Đến đây, người hướng dẫn lại dặn dò du khách hãy coi chừng đụng đầu vào cầu khi tàu chạy trên kênh. Không khí ở kênh này ấm cúng hơn ở sông, như người hướng dẫn giải thích.  Bạn có thể nhìn thấy tận bên trong những nhà hàng dọc con kênh. Nhìn những du thuyền có cột buồm thật cao đậu đầy kín dọc con kênh, tôi nghĩ rằng phải có hướng đi nào đó để tàu đi ra sông và biển, chứ không thể nào đi qua những cây cầu thấp lè tè mà du khách phải ngồi xuống ghế tàu để tránh dập đầu.

Nhưng không sao, đã có giải đáp. Tour guide chỉ cho chúng tôi thấy một cây cầu đang được cất lên, kéo lên gần 90 độ sau lưng chúng tôi để tàu chạy qua.

Cũng từ kênh này, bạn có thể thấy tháp xoắn ốc của nhà thờ Chúa Cứu Thế (Chuch of Our Saviour) được xây xong vào  cuối thế kỷ 17. Cao 90 mét, tháp xoắn ốc này có các bậc cấp đi bên ngoài tháp lên tận đỉnh để ngắm thành phố. Cũng nên biết Copenhagen là thành phố binh đinh trung bình khoảng bốn năm tầng mà thôi.

Lại thấy quán ăn ở  lề đường hai bên con kênh, tàu đi sát đến độ khách ăn uống vẫy tay chào khách du ngoạn trên tàu.  Thấy người Đan Mạch ăn uống hơi “bị nhiều”,  không biết ngoài tài kiến trúc, người Đan Mạch có tài về ẩm thực không? Tôi nghĩ phải tìm hiểu đôi chút ẩm thực Đan Mạch trong những ngày ở thành phố này.

Tàu chạy đến tòa nhà màu đen có tên The Black Diamond. Đây là tòa nhà mà trong chuyến đi xe bus nhảy lên nhảy xuống hôm trước tôi đã thấy ở trạm số 16 của xe bus tuyến đường màu đỏ Mermaid Tour đã nói trong số báo tuần qua. Lại thấy tòa nhà The Black Diamond ở một góc độ khác, từ dưới nước. Tên chính thức của tòa nhà này là Thư viện Hoàng gia Đan Mạch, nhưng người ta gọi The Black Diamond cho dễ nhớ và dễ nhận diện bởi tòa nhà xây bằng đá hoa cương đen với những góc cạnh bất thường.

Trước The Black Diamond là một cây cầu hình vòng tròn được tour guide giới thiệu là một cây cầu kiểu đẹp do một kiến trúc sư Đan Mạch  thực hiện.

Nhà thờ Chúa Cứu Thế (Church of Our Saviour) với những bậc cấp bên ngoài để đi lên tháp. (Hình: TVTS)

Tiếp tục hành trình, chúng tôi thấy khoảng chục  tòa nhà sáu tầng khối chữ nhật màu than với mặt tiền bằng kính, là những tòa nhà do kiến trúc sư  Jorn Utzon thực hiện. Ông này chính là người vẽ kiểu tòa nhà nổi tiếng Sydney Opera House. Tour guide chỉ cho chúng tôi thấy trên con kênh này có những người đang tắm trong khi nhiệt độ ngoài trời cuối hè Copenhagen khoảng 19 độ C, chứng tỏ người Copenhagen không sợ lạnh và nước của con kênh có tàu chạy sạch. Lại là chuyện không giống ai ở Đan Mạch!

Tàu chạy qua những tòa nhà được cho là đẹp của kiến trúc sư tài danh Utzon vẽ, chúng tôi thấy những tòa nhà (có lẽ là chung cư, các  thành phố Âu Châu là vậy vì đất hẹp người đông) mà ông hướng dẫn du lịch nói là “ugly”. Ông tour guide nói kiến trúc sư quyết định xây những tòa nhà màu xám một cách xấu xí. Đúng là Đan Mạch!

Và đây, trước mặt du khách là tòa nhà có tên Christiansborg Palace. Tòa nhà này bị cháy nhiều lần và lần xây lại mới nhất vào năm 1927. Bây giờ cung điện Christianborg trở thành tòa nhà quốc hội của Đan Mạch.

Bạn đã trở lại Gammel Strand, con đường nằm cạnh quốc hội và cũng là bến tàu để du khách thăm thắng cảnh của thành phố Copenhagen dưới sông nước hay đi chơi xa hơn nữa, những chuyến đi gọi là grand tour.

Bạn có thể thấy đoàn người sắp hàng đợi xuống tàu trong lúc chúng tôi chuẩn bị lên bờ.  Mời độc giả theo dõi chuyến đi ngoạn cảnh Thành phố Copenhagen của chúng tôi sẽ được đưa lên tvtsonline.com.au với những hình ảnh sống động, hàng tuần vào Thứ Bảy.

Xem bút ký du lịch của Nguyễn Hồng Anh vào mỗi Thứ Tư và sau đó coi những cuốn video phóng sự “Vòng Quanh Thế Giới” trên mạng TiVi Tuần-san vào mỗi Thứ Bảy sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin về những thành phố và những nơi có thể xem, đáng xem khi đi du lịch ở các nước Đan Mạch,  Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan.

 

Nguyễn Hồng Anh

16.9.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1643 phát hành ngày 20.09.2017)