Vòng quanh thế giới (6): Thăm cố đô Roskilde

18 Tháng Mười, 2017 | Đan mạch
Roskilde Cathedral là nơi có nhiều mộ của vua chúa nhất. (Hình: TVTS)

Đến Copenhagen, du khách có thể tìm thấy những địa điểm du ngoạn, thăm thú qua các tờ quảng cáo, hướng dẫn ở các khách sạn hay trụ sở/ văn phòng hướng dẫn du lịch (tourist information).

Sẽ có từ khoảng từ 30 đến 40 địa điểm để bạn đi xem bao gồm nhà thờ, lâu đài, thư viện, bảo tàng viện đến nhà hát, công viên. Qua mấy số báo, chúng tôi đã mời bạn đọc đi ngắm thủ đô Đan Mạch bằng xe bus và tàu. Tuy chưa đi hết  mọi nơi nhưng cũng đã xem một số chỗ đáng xem.

Và tuy không đi tour như cùng đi với các phái đoàn, bạn cũng có thể mua vài tour đi trong ngày hay trong vài ngày khi bạn đã đến thành phố một nước nào đó.

Bạn có thể đi tour trong ngày như chúng tôi với công ty Hamlet Tours. Bạn tự đặt hoặc nhờ khách sạn đặt chỗ cho bạn, sẽ được đón đưa tận khách sạn. Công ty du lịch này quảng cáo có chuyến thăm thú nội thành gọi là “Grand Inner City Tour” bao gồm Canal Tour (đi tàu trên kênh), Christiansborg Palace (tòa nhà quốc hội), Amalienborg Square (quảng trường cung điện nữ hoàng sinh sống), Rosenborg Palace (cung điện nay trở thành bảo tàng viện) và có thể đưa bạn đi xem thêm khu Nyhavn (“tân cảng” nhưng cũng xưa mấy trăm năm nơi thu hút du khách nhiều nhất) và The Old Stock Exchange (thị trường chứng khoán cũ, di tích lịch sử bốn trăm năm cạnh trụ sở quốc hội).

Phí tổn chuyến đi bao gồm vé vào cửa (nếu có) và không bao ăn trưa là 795 krone Đan Mạch tức khoảng $173 Úc kim (nếu hối xuất khi đổi là AUD $1 = DKK4.6).

Chỉ giữa lòng nhà thờ Roskilde Cathedral mới không thấy mồ của vua chúa, hoàng hậu, nữ hoàng. (Hình: TVTS)

Nhưng nếu bạn đã đi du ngoạn (sightseeing) bằng xe bus, tàu hay đi bộ với chúng tôi qua mấy số báo vừa rồi thì  hầu như đã đi các nơi nói trên, ngoại trừ cung điện Rosenborg Palace mà chúng tôi không nhảy xuống xe bus để xem.

Chương trình du lịch kiểu tự túc của chúng tôi chú trọng vào việc xem những thắng cảnh di tích nội thành,  dùng thời giờ tản bộ ngắm phố và mua sắm, rồi nếu còn thì giờ thì mua vé đi thăm những di tích thắng cảnh xa, vài chục hay vài trăm cây số.

Khác với những chuyến đi Âu Châu trước đây chúng tôi xem thắng cảnh di tích xa từ 100 đến 300 cây số và đi về trong ngày, chuyến đi Đan Mạch này chúng tôi chỉ chọn những tour gần, như “Grand Day Trip around Copenhagen”, xem bốn địa điểm đáng xem, mỗi nơi xe chạy mất khoảng từ 40 đến một tiếng đồng hồ tùy theo tình trạng giao thông, gồm: The Roskilde Cathedral, The Viking Ship Museum, Frederiksborg Palace và Kronborg Castle. Giá chuyến đi 925 krone (khoảng 200 Úc kim) bao gồm xe van  chở tối đa 16 người, hướng dẫn viên, vé vào cửa nhưng ăn trưa tự túc. Chuyến chúng tôi đi chỉ có 12 người nên việc tụ họp, di chuyển tương đối gọn gàng.

Nhà thờ Chính tòa Roskilde

Roskilde là cố đô của Đan Mạch, cách Copenhagen khoảng 40 km và mất khoảng 45 phút đi xe. Tờ quảng cáo ghi về địa điểm này: “Không nhà thờ nào trên thế giới có nhiều mộ của vua và hoàng hậu bằng”.

Chôn các giáo hoàng hay tổng giám mục trong các thánh đường là chuyện bình thường trong các giáo hội Thiên chúa giáo. Các vua chúa cũng không ngoại lệ, dù phần lớn họ được chôn trong cung điện, lâu đài hay lăng tẩm của họ.

Mô hình được cho là mộ của Nữ hoàng Margrethe II tại Nhà thờ Chính tòa Roskilde. (Hình: TVTS)

Chúng tôi sẽ không nói nhiều về nguồn gốc xa xôi các triều đại và lịch sử của các nước chúng tôi du lịch,  chỉ lướt qua.

Tổ tiên người Đan Mạch là người Viking (cướp biển). Đến thế kỷ thứ 10, Harold Bluetooth (Harald Răng Xanh), vua của Đan Mạch và Na Uy đã chọn Roskilde làm kinh đô. Ông theo đạo Công giáo và du nhập tôn giáo này (Roman Catholic) vào nước ông. Roskilde như vậy là nơi có tòa tổng giám mục đầu tiên của Đan Mạch. Khoảng thế kỷ 15, tòa giám mục dời về  Copenhagen khi thành phố này trở thành thủ đô của Đan Mạch.

Nhà thờ Chính tòa Roskilde hiện nay được xây vào khoảng thế kỷ 12 theo kiểu Gothic (tháp nhọn) và  kiểu Romanesque (mái vòm cung) là nhà thờ xây bằng gạch đầu tiên tại Bắc Âu.  Kiến trúc sư của ngôi thánh đường này là Tổng giám mục Absalon (làm giám mục Roskilde từ năm 1158-1192). Ông cũng là chính trị gia nổi tiếng và quan trọng của Đan Mạch, tượng của ông được gắn trước trụ sở Tòa thị Chính Copenhagen mà chúng tôi đã nói trong số báo trước.

Nhà thờ này bị cháy và xây lại, tu bổ  nhiều lần và nới rộng ra. Đây là nơi chôn chính thức các vua chúa hoàng hậu kể từ thế kỷ 15.

Từ thế kỷ 16 khi xảy ra cuộc cải cách tôn giáo, như nhiều nước Âu Châu khác, Đan Mạch theo đạo Tin lành phái Lutheran trong đó nhà vua là lãnh đạo tôn giáo tối cao.

Chiếc thuyền đóng năm 2004 mô phỏng lại tàu Skuldelev 2 người Viking đóng tại Ái Nhĩ Lan vào năm 1042, được Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đặt tên Havhinsten fra Glendalough (Hải Mã), hiện đậu trước bảo tàng viện Viking ở Roskilde sau một chuyến trở về thăm “quê cũ” năm 2007. (Hình: TVTS)

Không kể hòm của các quý tộc, có ít nhất khoảng 40 vị vua, nữ hoàng và hoàng hậu được chôn ở nơi đây trong những cái hòm cẩm thạch, đá quý để trang trọng trên sàn nhà thờ hay trước những tiểu nguyện đường. Trừ không gian giữa nhà thờ (các dãy ghế ngồi) và cung thánh (bàn thờ), các nơi khác là những nơi trưng bày hòm nổi của các vua chúa, như vua lập quốc Harald Bluetooth, nữ hoàng đầu tiên Margrethe I, các vua nổi tiếng như Christian IV, Christian IX v.v… Và một hòm mẫu  bằng pha lê đặt trên ba con sư tử  màu trắng, được cho sẽ là nơi an nghỉ của đương kim Nữ hoàng Margrethe II.

Tôi không biết nữ hoàng sẽ có cảm giác thế nào khi bà tới đây để viếng tổ tiên và thấy cái hòm dành cho bà đặt sẵn tại Roskilde Cathedral?

Cũng lúc chúng tôi đi thăm ngôi thánh đường này vào tháng 8 thì cũng được nghe chuyện bên lề của hoàng gia Đan Mạch trên báo chí nói rằng Hoàng tế Henrik 83 tuổi nói rằng ông không muốn chôn cạnh vợ mình, vị nữ hoàng 77 tuổi, tại Nhà thờ Chính tòa Roskilde sau khi chết, lý do là ông không hài lòng bởi ông không bao giờ được coi ngang hàng với vợ. Cũng nghe nói ông muốn chôn ở Pháp. Phát ngôn viên hoàng gia nói nữ hoàng từ lâu đã quen với quyết định của hoàng tế và chấp nhận quyết định của ông.

Theo báo chí, ông cho rằng tại sao một người đàn bà khi làm vợ vua thì được gọi là queen trong khi ông làm chồng của nữ hoàng thì chỉ được gọi là prince consort thay vì king consort.  Nghe nói ông muốn được gọi ngắn gọn là king.

Hoàng tế Henrik sinh đẻ tại Pháp, thuộc dòng dõi quý tộc, lấy Nữ hoàng vào năm 1967 và không bao giờ hài lòng với cái tước nữ hoàng ban cho là prince consort khi bà lên ngôi năm 1972.

Xác những chiếc tàu niên đại thời Viking đóng vào đầu thế kỷ thứ 11 triển lãm tại The Viking Ship Museum ở Thành phố Roskilde. (Hình: TVTS)

Nhìn bên ngoài, ngôi thánh đường này dù có gần cả ngàn năm tuổi, với sự tu bổ hay nới rộng nhưng cũng không nổi bật so với vô số thánh đường trên thế giới. Tuy nhiên vào bên trong thánh đường mới thấy sự độc đáo của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc.

Có nhiều tranh vẽ trên tường hay trần, tranh nói về sở thích, ước muốn hay những chiến công của các vị vua. Và mỗi cái hòm, bức tượng của vua chúa, người hầu là cả một công trình nghệ thuật, trau chuốt, chi li. Quả là có một không hai.

Cũng có vô số bia và mộ không tên nằm sát mặt sàn nhà thờ. Đi xem Nhà thờ Chính tòa Roskilde tôi có cảm tưởng đi thăm viếng một nghĩa trang sang trọng. Rất sang trọng. Nói vậy, ngoài các mộ bia và hòm, những thứ khác trong ngôi thánh đường cổ kính này cũng có giá trị nghệ thuật như bàn thờ, bục giảng, ghế ngồi, khu vực dành cho ca đoàn…

Thánh đường mở cửa cho du khách xem trừ khi có phụng vụ. Vé vào cửa 60 krone. Roskilde Cathedral được UNESCO liệt vào danh sách di sản thế giới, mỗi năm có trên một trăm ngàn người thăm viếng.

Cũng tại cố đô  Roskilde, có một nơi đáng xem, đó là bảo tàng viện tàu bè của tổ tiên người Đan Mạch: The Viking Ship Museum, cách Roskilde Cathedral khoảng sáu, bảy cây số.

Xưởng đóng lại những chiếc tàu của người Viking thời xưa tại bảo tàng viện Roskilde. (Hình: TVTS)

Bảo tàng viện tàu Viking

Chúng tôi đã được nghe nói về người Viking và thuyền bè của người Viking. Nhưng bây giờ mới đến tận các nước Bắc Âu xa xôi để xem những di tích, cổ vật của thời người Viking.

Viking là giống người sống ở vùng phía bắc Âu Châu từ thời tiền sử. Nhưng giống dân này chỉ được biết đến khi họ tấn công một số vùng đất của nước Anh vào khoảng thế kỷ thứ 7.  Viking được coi là một giống người đi biển thiện chiến. Họ cũng là những thương nhân, nông dân nhưng vì nhu cầu sinh sống đã trở thành những nhà viễn chinh, những chiến binh, những tên cướp biển.

Họ đóng những chiếc tàu có sức chịu đựng sóng biển, đi nhanh, đi xa và cướp phá những nơi họ tới.  Thời đó, nghe nói đến Viking là cả Âu Châu phải sợ vì Viking đồng nghĩa với những tên cướp biển.

Người Viking tung hoành một cõi  trong mấy trăm năm kéo dài cho đến thế kỷ 11, chiếm cứ các phần đất ngày nay là Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Có lẽ vì vậy mà ba nước này có ngôn ngữ gần giống nhau và cũng vì vậy mà cho đến thế kỷ 20, chiến tranh rất nhiều lần xảy ra giữa ba nước này trong đó Đan Mạch đã nhiều lúc lãnh đạo hay cai trị ba vùng đất ở Scandinavia.

Người Viking đóng những chiếc thuyền chắc, thon, dài chừng 30 mét có đủ sức chứa khoảng 100. Hiện nay tại bảo tàng viện tàu Viking ở Roskilde người ta lưu giữ  và triển lãm xác của 5 chiếc thuyền của người Vikng thuở xưa sau khi khai quật, dù xác tàu không còn nguyên vẹn. Nghiên cứu cho thấy gỗ  sồi của những chiếc tàu này có niên đại đầu thế kỷ 11, tức cả ngàn năm.

Những tấm ván gỗ sồi của tàu người Viking con tồn tại với thời gian. (Hình: TVTS)

Đến bảo tàng viện, ngoài xác những chiếc tàu Viking, du khách được xem lại lịch sử, văn hóa của giống dân này, tổ tiên một phần nào đó của những người Bắc Âu ngày nay.

Du khách cũng được xem những xưởng đóng tàu Viking làm bằng gỗ sồi. Họ tái dựng lại những chiếc thuyền mà giống dân này đã đóng cả ngàn năm trước.

Năm 2004 viện bảo tàng Viking Sip Museum đã cho đóng lại một trong những kiểu tàu của người Viking ngày xưa (Skuldelev 2) đã được đóng ở Ái Nhĩ Lan vào năm 1042. Nữ hoàng Margrethe II đặt tên cho chiếc tàu tái tạo này là Havhinsten fra Glendalough (The Sea Stallion from Glendalough). Chiếc tàu có tên Hải Mã này dài 30 mét, hạ thủy tại cảng Roskilde. Năm 2007 chiếc tàu  này đã làm một chuyến hải hành trở về cố hương, đến cảng Dublin của nước Ái Nhĩ Lan.  Chuyến đi mất 6 tuần lễ mới tới đích.  Triển lãm tại đây một năm, chiếc Hải Mã từ Glendalough đã trở về quê cũ Roskilde, đậu trước mặt bảo tàng viện The Vinking Ship Museum. Du khách có thể bước xuống chiếc thuyền này để thăm thú.

Nếu bạn là người thích tàu bè, một chuyến đi thăm tàu của người Viking trong khi ở Copenhagen sẽ mang lại nhiều bổ ích. Những gì bạn thấy tại bảo tàng viện này sẽ làm bạn thích thú hơn nữa khi có dịp xem phim ảnh nói về những tên cướp biển ở Bắc Âu.

Tuần tới, mời bạn tiếp tục đi chuyến “Grand Day Trip around Copenhagen” bằng cách tới lâu  đài Fredericksborg Palace cách viện bảo tàng tàu Viking chừng 40 km và sau đó là pháo đài Kronborg Castle.

 

Nguyễn Hồng-Anh

30.9.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1645 phát hành ngày 04.10.2017)