Chính phủ Trung Quốc bất ngờ giành quyền kiểm soát hãng bảo hiểm Anbang

Chủ tịch hãng bảo hiểm Trung Quốc Anbang, ông Wu Xiaohui, tại một sự kiện hồi tháng 3.2017. Photo Courtesy: Reuters

Chính phủ Trung Quốc ngày 23.2 bất ngờ giành quyền kiểm soát công ty bảo hiểm khổng lồ Anbang Insurance Group Co Ltd của nước này và tuyên bố Chủ tịch công ty đã bị khởi tố. Động thái gây chấn động này phản ánh Bắc Kinh sẵn sàng mạnh tay với những doanh nghiệp lớn nhằm ngăn chặn rủi ro tài chính.

Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) nói rằng việc Anbang vi phạm các quy định pháp luật và quy chế giám sát “có thể đặt ra rủi ro lớn đối với khả năng thanh toán của công ty”. Ngoài ra, CIRC chỉ tuyên bố giành quyền kiểm soát Anbang mà không cung cấp thêm chi tiết cụ thể.

Tuyên bố cũng nói Chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất của Anbang là ông Wu Xiaohui đã bị khởi tố vì tội kinh tế. Ông Wu bị bắt hồi tháng 6 năm ngoái trong bối cảnh Anbang – từng là một trong những công ty Trung Quốc thâu tóm tài sản ở nước ngoài mạnh nhất – đối mặt một loạt rắc rối.

Trong quá trình kéo dài 1 năm bắt đầu từ ngày 23.2 nhằm đưa Anbang về dưới sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc, công ty này sẽ được quản lý bởi một nhóm công tác gồm các quan chức từ CIRC, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và một số cơ quan hữu quan khác. Nhóm công tác này sẽ tiếp quản việc tái cơ cấu cổ phần của hãng bảo hiểm khổng lồ, duy trì hoạt động bình thường của công ty, bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng và cổ đông – theo tuyên bố của CIRC.

Anbang nắm giữ lượng tài sản 1,97 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 310.85 tỷ Mỹ kim, và xếp thứ 139 trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune (Global Fortune 500). Trong số những tài sản mà công ty này thâu tóm ở nước ngoài có khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở New York, Mỹ.

Việc Chính phủ Trung Quốc giành quyền kiểm soát một công ty lớn như Anbang cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đi xa đến đâu trong việc ngăn chặn rủi ro tài chính, đồng thời gửi một tín hiệu cảnh báo đến các công ty thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

“Ở một phương diện nào đó, Anbang đã trở nên quá lớn để có thể đổ vỡ”, một luật sư đề nghị giấu tên ở Bắc Kinh phát biểu.

Ông Scott Kennedy, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định. “Chính phủ Trung Quốc không muốn một công ty của nước này rơi vào cảnh vỡ nợ vay nước ngoài, và họ muốn cảnh báo đối với các doanh nghiệp Trung Quốc”.

Sau một loạt thương vụ lớn với tổng trị giá hơn 30 tỷ Mỹ kim, Anbang bắt đầu rơi vào ngõ cụt ngay từ trước khi Chủ tịch Wu bị bắt. Công ty đã không thể hoàn tất một số vụ đầu tư và bị chỉ trích vì cấu trúc cổ phần thiếu minh bạch.

Dưới sự lãnh đạo của ông Wu, Anbang là một trong những công ty Trung Quốc đi đầu trong làn sóng thâu tóm tài sản ở nước ngoài. Không chỉ mua khách sạn Waldorf Astoria với giá 1.95 tỷ Mỹ kim, Anbang còn mua lại nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ ở Hàn Quốc và châu Âu, cùng chuỗi nhà hưu trí lớn nhất ở vùng British Columbia của Gia Nã Đại.

Tuy nhiên, “chiến dịch” thâu tóm tài sản ở nước ngoài của Anbang cũng như các công ty Trung Quốc khác đã chững lại từ năm ngoái khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát dòng vốn nhằm bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ và hạn chế rủi ro đối với hệ thống tài chính.

Theo VnEconomy