Kể chuyện đường xa 6: Đường đến viện bảo tàng Viet Museum

25 Tháng Mười, 2018 | Du lịch,Mỹ châu
Tác giả bút ký du lịch Nguyễn Hồng Anh trước sân Viện bảo tàng Thuyền Nhân & VNCH: Hai chiếc thuyền và cái thúng nằm bên phải, bên trái có bức tường cẩm thạch khắc hình và tên của 7 vị tướng tá tuẫn tiết, 2 kỳ đài cờ bay 365 ngày đêm. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh

* * *

Đi San Jose để gặp lại bạn bè cùng lớp, cùng trường Chính trị Kinh Doanh và cùng Viện Đại học Đà Lạt của thuở trước năm 1975 là một lý do để chúng tôi du lịch Bắc Mỹ trong tháng 9 vừa qua. Nhưng ngoài kỷ niệm một thời đi học, hưởng thụ cuộc sống do “đời cho ta” sau mấy chục năm làm việc và viết lách, tôi vẫn bị méo mó nghề nghiệp. Đi để thấy và để viết, dĩ nhiên là theo ý mình.

Bởi tôi vẫn còn nhớ, giữa thập niên 1980 khi tôi mới cho ra đời tuần báo TiVi Tuần-san, kiếm đủ tiền để trả tiền in báo hàng tuần là một ước mơ nói gì đến chuyện đi du lịch để viết bài như trong 28 năm qua, thế mà tôi đã từ chối đề nghị của một hãng hàng không (dĩ nhiên là không phải Hàng không Việt Nam) “cho” vé máy bay để viết bài quảng cáo cho hãng máy bay của họ. Người giới thiệu tưởng rằng tôi sẽ chụp ngay cái cơ hội đó, nhưng dù “nghèo rớt mồng tơi” nhà báo mới vào nghề không muốn được trả tiền để viết bài theo ý người khác.

Viết theo ý mình nhưng viết gì khi đến thành phố  San Jose?

Với tôi, ngoài du ngoạn và tả cảnh, tôi muốn biết sinh hoạt của người Việt nơi mình đến: từ chính trị, văn hóa đến kinh tế và xã hội  và cả chuyện (tranh chấp) cộng đồng nếu có. Để thỏa mãn chính mình (một người làm báo) và cũng để kể chuyện mua vui vài trống canh hầu bạn đọc.

Hình ảnh chụp đầu tiên khi vừa đặt chân đến San Jose: Nghị viên Nguyễn Tâm (phải) và Nguyễn Hồng Anh tại văn phòng của nghị viên ở khu người Việt. Hình: TVTS

Lion Alvin Center, khu buôn bán người Việt loại lâu đời nhất ở San Jose nơi có quán Nam Vang (thứ hai từ phải) và văn phòng nghị viên Nguyễn Tâm trong đó 10 căn shop nằm liên tiếp (hình) do người bạn học của tôi sở hữu khoảng hai chục năm naỵ Hình: TVTS

Thung lũng hoa vàng 5 phút với ông nghị viên

Khi máy bay đến gần San Jose, tôi thấy một bên đồi núi màu xanh thẫm và một bên đồi đất đỏ và cát vàng.  Thành phố nằm giữa trời nắng chói chang, nhà cửa rất ít, thì hóa ra đây là sa mạc chứ đâu phải “thung lũng hoa vàng” như người Việt gọi cách âu yếm, lãng mạn?  Máy bay giảm cao độ mới bắt đầu thấy nhà cửa nhưng cũng chỉ là đồi trọc, vì tôi ngồi ở cánh phải.

Chỉ khi đáp xuống thì mới đỡ rầu vì thấy mình không đi du lịch nhầm chỗ. Cũng có cây xanh nhưng hoa vàng có lẽ phải đợi mùa khác? Vì giàu có bậc nhất nước, thành phố San Jose muốn gì tùy ý. Rước cả sông hồ, đồng xanh dựng ngay giữa phố cũng được. Rồi tôi yên trí ngay sau cảm giác thất vọng vì cảnh vật loáng qua lúc đang ngồi trên máy bay.

Ngày đầu đến khách sạn Best Western Lanai, tôi hỏi anh receptionist người Việt, dĩ nhiên anh này phải nói tiếng Việt thì mới ích lợi cho khách sạn (như họ quảng cáo). Anh chẳng biết gì về trung tâm thành phố, cách di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng như hầu hết các nhân viên khách sạn khác mà chúng tôi gặp. May chúng tôi ở một thành phố mà Uber phục vụ khách có lẽ tuyệt vời nhất trên thế giới theo như chúng tôi đoán.  Ở vài nơi như San Francisco, gọi mấy lần liên tiếp, đợi cả hai chục phút, xe không tới mà lệ phí thì lấy liên tiếp, tôi dự tính khiếu nại nhưng vì mỗi lần chỉ tốn mười mấy Mỹ kim nên chưa hưởn để khiếu nại, mà nghe nói khiếu nại cũng như không.

Bất kể một đoạn đường dù ngắn dù dài, thành phố này qua thành phố khác, chỉ mất vài phút là có xe đến đón ngay. Nhất San Jose thung lũng điện tử với Uber!

Nhưng anh tiếp viên trẻ người Việt cũng làm được việc cho chúng tôi về mặt thông tin ăn uống. Tôi mới tới khách sạn, đi mất gần 20 tiếng, đói bụng, ăn chỗ nào gần đây? Khách sạn này cung cấp ăn sáng khá ngon cho mọi khách trọ nhưng không có bán thức ăn, nước uống.

Anh nói: “Đi qua bên kia đường là khu người Việt, nhiều quán xá. Có quán mì hủ tiếu Nam Vang ngon lắm”.

“Còn phở thì sao? Ăn ở đâu?”

“Phở thì có Phở Hà Nội, Grand Century Mall khu mới của người Việt, nhưng ở xa đây”.

Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc (trái) và Nguyễn Hồng Anh trước Viet Museum. Hình: TVTS

Vài du khách người Việt đến thăm Viet Museum. Hình: TVTS

Thế là chúng tôi đi bộ ra cái khu nằm bên kia Tully Road, cái đường nghe đã nhiều, thấy chữ cũng đã nhiều, “văn kỳ thanh” đã lâu nhưng bây giờ mới “kiến kỳ hình”.

Thú thật, mới thấy khu này thì hơi thất vọng, bởi nó có lớn lao chi mô mà người ta nói nhiều và ca nhiều thế? Lác đác trên Tully Road có vài quán tên Việt Nam. Nhưng phải đi qua khỏi Tully Road băng qua một hai đường nữa mới thấy một khu vực có nhiều xe hơi đậu giữa car park. Tới gần thấy ngay chữ Nam Vang. Mà sao cửa đóng và bên trong tối âm u? Dí mắt vào, mới thấy bên trong nhiều người. Mà không chỉ quán Nam Vang, các quán khác cũng vậy. Có lẽ tập quán ở đây dành cho khách hàng sự riêng tư kín đáo, không muốn người đi đường thấy?  Mà cũng có thể cách làm ăn để khách đi ngang qua không biết quán nào đắt quán nào ế? Dán mắt hay đẩy cửa vào thì mới biết bên trong bàn ghế ra sao, khách nhiều hay ít.

Tôi đề nghị nhà tôi đi một vòng xem các tiệm trước khi ăn. Đi qua hướng phải thấy có poster đăng ảnh Nghị viên Nguyễn Tâm. À! Đây là nhân vật người Việt nằm trong danh sách ưu tiên tôi muốn tìm gặp để chào và hỏi vài câu cho biết dân tình San Jose như thế nào.

Nhưng cũng phải dán mắt vào cửa kính thì mới biết bên trong có người không. Cờ quạt đầy và hồ sơ ngổn ngang trông như phòng làm việc của rất nhiều “tòa soạn” báo Việt ngữ ở hải ngoại chứ không phải của một ông nghị, một nghị viên của thành phố lớn hàng thứ 10 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nên nhớ nghị viên San Jose làm việc toàn thời, lãnh lương đầy đủ và hình như lương hơi “bị” nhiều (lương căn bản khoảng 100 ngàn Mỹ kim) chứ không như nghị viên các thành phố Greater Dandenong, Yarra, Maribyrnong của chúng tôi ở Melbourne và hầu như khắp nơi ở Úc bởi họ chỉ được trợ cấp chút đỉnh với việc làm bán thời của họ.

Tôi nói với nhà tôi bây giờ hãy đi ăn trước, còn gặp ông nghị được thì tốt mà không được, cũng chẳng sao.  Bởi mục đích của chúng tôi là đi du lịch và cũng đã “nhất trí” là đi hưởng thụ chứ không phải đi làm việc.

Nhưng hình như không gặp một vài người Việt địa phương thì nó thiếu thiếu sao đó. Cho nên, sau khi ăn hủ tiếu Nam Vang cũng tạm được (đối với  chúng tôi), chúng tôi trở lại văn phòng của ông nghị viên bên cạnh, thấy có ông tóc dài quấn búi tó củ hành là biết ngay mình đã tìm đúng người. Ông đang cắm cúi dán mắt vào màn ảnh, đánh máy.

Cóc! Cóc! Ông nghị viên bước ra. Tôi xin lỗi ngay vì đường đột đến mà không hẹn. Nhưng tôi nói với ông tôi là chủ bút tờ TiVi Tuần-san phát hành ở Úc Châu, vừa đặt chân đến San Jose, đi ngang qua thấy ông, nên vào chào và hỏi thăm vài câu, chứ sẽ không làm mất thì giờ ông. Nguyễn Tâm xin lỗi vì sắp đi phi trường đón người và sau đó cũng có hẹn nên sẽ vừa làm việc trên máy computer vừa nói chuyện.

Bức tường tưởng niệm. Hình: TVTS

Phía sau của bảo tàng viện. Hình: TVTS

Hỏi qua loa vài câu, tôi nói tôi nghe ông nhà văn Giao Chỉ có bảo tàng viện Việt Nam gì đó, còn ông nghị viên mới đây có làm cái Vườn Văn Hóa Việt, có thể dẫn tôi đi xem để viết báo được không?

Ông Nguyễn Tâm nói tiếc là ông bận việc nhưng sẽ sắp xếp để mời chúng tôi đi xem cái vườn mà như nghe nói trên youtube là công đầu của ông trong tư cách là nghị viên người gốc Việt của khu vực 7 ở Thành phố  San Jose.

Tôi nói với nhà tôi lúc này ông nghị rất bận bịu, mới thắng cử vòng đầu là vòng rất khó khăn vì có nhiều người Việt tranh cử, chia phiếu. Nghe vậy, nhà tôi hỏi ông nghị “anh nghĩ anh sẽ thắng không”  thì ông trả lời ngay “Chị hỏi chi lạ vậy? Tôi là nghị viên đương nhiệm mà”, khiến tôi phải đánh trống lãng “Anh Tâm nói đúng, ứng viên đương nhiệm lúc nào cũng có lợi thế vì cử tri biết việc họ đã làm trong nhiệm kỳ trước, vả lại, kỳ này chỉ còn một mình anh Tâm là người Việt nên hầu như sẽ thắng ứng viên gốc Mễ Tây Cơ”.

Ông nghị gọi điện thoại cho nhà văn Giao Chỉ, tức cựu đại tá Vũ Văn Lộc, giới thiệu tôi là nhà báo từ Úc sang Mỹ dự đại hội cựu sinh viên và du lịch và nhân tiện, cũng muốn gặp gỡ vài người ở đây. Ông Vũ Văn Lộc nói sẽ đến đón tôi đi xem bảo tàng viện.

Sau khoảng 5 phút gặp mặt, tôi xin cáo lui. Chúng tôi trao cho nhau email, hẹn sẽ liên lạc và gặp sau. Nhưng tôi đã không nhận sự trả lời của ông nghị sau vài lần gởi email trong 6 ngày ở San Jose. Tôi nói với nhà tôi các chính trị gia thường bận, lại gặp các chính trị gia trong mùa bầu cử mà không có liên hệ gì với việc tranh cử của họ thì không đúng lúc. Cần thông cảm cho ông nghị viên đang lo bị thất cử, một người có làm được nhiều việc ích lợi cho cộng đồng (như chống cộng) nhưng cũng đang bị một số thành phần trong cộng đồng chống, muốn cho ông thua ứng viên Mễ. Chuyện đời mà! Mình đi rong chơi, gặp đâu ghé đó, vui và có duyên thì hỏi chuyện và kể chuyện cho vui. Không sao cả.

Nhưng về Úc, tôi đã quên cám ơn ông nghị thêm một lần nữa cho phải phép ngoại giao, vì như tôi nói với nhà tôi, cũng nhờ ông nghị mà chúng tôi được bác nhà văn Giao Chỉ đến tận khách sạn đón đi xem bảo tàng viện của bác, giải thích trong mấy tiếng đồng hồ. Để có thêm chuyện mà kể, có phim mà chiếu trên truyền hình trực tuyến TiVi Tuần-san.

Ông Vũ Văn Lộc đang hướng dẫn một phụ nữ người Việt trông chăm sóc khu vườn của viện bảo tàng với tính cách thiện nguyện. Hình: TVTS

Bức tượng Ngậm Ngùi và quân phục của nam và nữ quân nhân VNCH là những quân phục nguyên thủy (Đa số các di vật trong viện bảo tàng này là nguyên thủy, không phải đặt làm sau này). Hình: TVTS

Viện bảo tàng Thuyền nhân & VNCH

Bảo tàng viện có tên chính thức là “Viet Museum” và tên tiếng Việt là “Viện bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa”. Nhưng tại sao tôi gọi cái bảo tàng viện này là… của Bác Lộc?

Vì cái bảo tàng viện này không phải của cộng đồng người Việt Nam, của hội đoàn nào mà là  do ông Vũ Văn Lộc làm nên. Ông là giám đốc IRCC (Immigrant Resettlement and Cultural Center – Trung tâm Tái định cư và Văn hóa Di dân), một cơ quan thiện nguyện được thành lập từ năm 1976.

Ở San Jose ai mà chẳng biết ông Vũ Văn Lộc, nguyên là đại tá Quân lực VNCH, động viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức nhưng học ở Đà Lạt, qua Mỹ theo diện di tản vào những ngày của 30.4.1975.

Với mấy chục năm làm trong cơ quan thiện nguyện giúp người Việt định cư, ông cũng đã làm khối việc giúp cộng đồng. Ngoài ra, ông  còn viết báo với bút hiệu Giao Chỉ San Jose và xuất hiện khá thường xuyên trên các chương trình truyền hình, youtube ở Bắc Mỹ, nhất là của CaliToday News. Ông làm việc cộng đồng, được khen rất nhiều và bị chê cũng không ít, và điều đó chẳng có gì lạ.

Nhưng việc đáng nói nhất là làm được cái bảo tàng viện Viet Museum. Ông là người sáng lập, hiện đang đóng vai trò điều hành, và nếu ông không còn trên cõi đời này nữa (năm nay hình như Bác Lộc đã 86 tuổi), thì chưa biết sẽ trao lại cho ai, hay là giao lại cho chính quyền Thành phố San Jose hay hệ thống bảo tàng viện của Hoa Kỳ, như ông nói với chúng tôi.

Tại sao? Vì đất và cơ sở là của thành phố nhưng di vật và hiện vật bên trong tòa nhà là của ông sưu tầm hay do người ta đóng góp, tặng mà trị giá ước tính trên hai triệu Mỹ kim.

Tranh, huy chương và bể nước (góc phải) tượng trưng cho đại dương nơi hàng trăm ngàn thuyền nhân chết trên đường vượt bên. Hình: TVTS

Trại cải tạọ Hình: TVTS

Viet Museum nằm trong công viên Kelley Historic Park cách khu người Việt chừng 15 phút lái xe. Ở trong công viên lịch sử này có những căn nhà có tuổi vài trăm năm, được bảo tồn như là những di tích lịch sử của lớp người tiên phong đến định cư ở San Jose khi còn là một thung lũng hoang sơ. Một số được dùng làm viện bảo tàng của người Thổ Nhĩ Kỳ, Mễ Tây Cơ, người gốc Phi Châu, người Tàu. Nhưng căn nhà nổi bật nhất là Viet Museum, một tòa nhà hai tầng kiểu Victorian.

Ông Lộc nói sở dĩ không đặt Viet Museum ở ngoài phố vì vấn đề thuê/mua cơ sở, bảo toàn, an ninh. Trong khi đó, nhà ở trong công viên lịch sử được chính quyền cấp, có nhân viên thành phố bảo vệ. Và cũng là khu di tích lịch sử của nhiều sắc dân nên sẽ có nhiều người đến thăm viếng hơn.

Ông đã bỏ ra khoảng 300 ngàn đô la để tu bổ, sửa sang lại trước khi đưa các di vật mà ông đã sưu tầm trong 30 năm vào tòa nhà này, và khánh thành Viet Museum cách đây khoảng 10 năm.

Từ ngoài đi vào, bên phải của Viet Museum là hai chiếc thuyền mang tên Tân Phát đi từ Cà Mâu và chiếc kia là Hải Nhuận đi từ Huế. Chiếc Tân Phát được đóng lại (replica) y hệt chiếc Tân Phát ngày trước; chiếc Hải Nhuận ngày trước được sản xuất hàng loạt, do đó ông Lộc nhờ đặt lại vỏ từ VN mang qua và đóng/ráp lại như chiếc Hải Nhuận ngày xưa thời vượt biên. Để làm cho trí tưởng tượng của du khách vượt lên một mức cao hơn nữa, ông còn cho dựng một cái thúng của các ngư phủ mà có người đã dùng như một phương tiện vượt biên, một điều tôi đã nghe trước khi tôi vượt biên thành công trên chiếc thuyền 12 mét chở 154 người đi từ bến Bạch Đằng ở Sài Gòn qua tận đảo KuKu của Nam Dương vào ngày 30.4.1980.

Trả lời câu hỏi có tổ chức cộng đồng nào cùng đứng ra để xây dựng viện bảo tàng này không, ông Lộc nói ông làm một mình, bởi nếu có nhiều hội đoàn, chỉ việc đặt cái tên cũng có thể tranh luận cả  nửa năm và sẽ không bao giờ có Viet Museum, một viện bảo tàng về thuyền nhân và VNCH đầu tiên và duy nhất ở hải ngoại.

Vậy thì tiền đâu mà làm, bởi chỉ việc tu bổ sửa sang thôi cũng đã tốn khoảng 300 ngàn đô?

“Đóng góp. Đóng góp của các cá nhân”.

Tranh vẽ cặp song ca Việt Dzũng và Nguyệt Ánh và bên dưới là cái nạng Việt Dzũng hứa tặng Việt Museum một khi qua đờị Hình: TVTS

Tưởng niệm 58,479 quân nhân Mỹ hy sinh tại Việt Nam. Hình: TVTS

Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc chỉ cho chúng tôi cái tấm plaque ghi tên một gia đình tặng số tiền 100 ngàn Mỹ kim gắn trước cửa ra vào của tòa nhà.

Rồi ông đưa chúng tôi đến bức tường phía trái, kéo tấm màn màu xanh và chỉ vào rất nhiều tấm plaque gắn trên tường với tên của nhiều người trong đó có tên của cựu Tổng thống Jimmy Carter, người ra lệnh cho hạm đội Mỹ vớt thuyền nhân trên biển và sau đó hình thành những trại tiếp cư đón nhận thuyền nhân trước khi được định cư ở các nước đệ tam.

Ông cho biết những người có tên trên “bảng vàng” này tặng từ $1000 đô trở lên; có người cho vài ngàn, có người tặng cả chục ngàn.

“Ông Jimmy Carter có cho tiền không?”, tôi hỏi.

“Có. Và ông còn giới thiệu Viet Museum trên đài truyền hình nữa”.

Trong khoảng ba tiếng đồng hồ, ông Lộc dẫn chúng tôi đi xem các di vật được trưng bày trong tòa nhà hai tầng diện tích vài trăm mét vuông, một diện tích hơi nhỏ so với quá nhiều di vật: tranh ảnh, quân phục, huy chương, vũ khí thời Pháp cho đến thời Mỹ (có thể là replica), tượng điêu khắc, giấy chứng nhận ra trại cải tạo, hình ảnh vượt biên v.v… kể cả cái nạng của ca sĩ Việt Dzũng.

Bức tường với những tấm plaque ghi tên các ân nhân, mạnh thường quân đóng góp vào việc xây dựng Viet Museum trong đó có cựu TT Mỹ Jimmy Carter. Hình: TVTS

Ông Lộc nói vấn đề là làm sao sao một di vật dù nho nhỏ như một giấy chứng nhận thả tù nhân được kết hợp với những hình ảnh hay di vật khác, làm thành một câu chuyện. Tất cả tạo thành một câu chuyện dài, chuyện lịch sử Việt Nam hiện đại từ chia đôi đất nước đến ngày mất Miền Nam; lịch sử thuyền nhân Việt Nam và sự định cư thành công của họ trên vùng đất mới, miền đất tự do mà hàng trăm ngàn người đã không tới được khi bị vùi thây giữa biển cả (Bác Lộc chỉ cho tôi cái bể có chiếc thuyền ở dưới đáy với nhiều con cá vàng bơi lội đẹp mắt mà mới thoáng nhìn, tôi tưởng là hồ cá kiểng, như tôi nói với bác).

Chúng tôi được ông Lộc chỉ cho xem những tượng điêu khắc của những nghệ nhân là những điêu khắc gia từ Việt Nam làm, những bức tranh lớn do họa sĩ từ Pháp vẽ, vô số những di vật những người vượt biên, diện HO hay đoàn tụ mang theo tặng cho viện bảo tàng.

Đặc biệt, tôi thấy có bức tượng rất lớn làm bằng thạch cao có tên Mourning Memorial (Ngậm Ngùi – giống bức tượng của điêu khắc gia Thanh Thanh) với hình người lính đội nón sắt, mang ba lô tay cầm súng M16, quỳ một chân mà ông Lộc nói làm được như thế là cả một công trình, nhất là làm sao để người ta nhìn vào không thể lầm tưởng đó là một anh lính Đại Hàn. Bức tượng nặng khoảng 500 ký lô  đã phải dùng đến cần cẩu mang ra khi sử dụng trong các cuộc diễn hành.

Ngoài một số du khách Việt từ xa, bảo tàng viện là nơi mà các em học sinh hay sinh viên trong vùng đến thăm và học hỏi về lịch sử và chiến tranh Việt Nam. Ông Lộc nói viện bảo tàng Việt Nam có mục đích giáo dục đối với các em học sinh nhỏ qua những giải thích và sau đó đặt câu hỏi, em nào trả lời đúng thì được giải thưởng.

Ông Lộc nói du khách Việt Nam không nhiều, nhưng trong mấy tiếng đồng hồ,  chúng tôi thấy có một gia đình Việt Nam 5 người lớn vào xem.

Trước đây khá lâu, chúng tôi đã từng nghe ông Vũ Văn Lộc kêu gọi những ai có những vật gì hay ấn phẩm liên quan đến giai đoạn từ 1955 trở đi, hãy tặng cho bảo tàng viện để làm cho nơi đây trở nên phong phú hơn và hôm nay ông cho chúng tôi biết còn rất nhiều di vật cất trong kho bởi không gian hiện nay không cho phép trưng bày.

Ông Vũ Văn Lộc đang hướng dẫn một nghệ nhân người Việt Nam làm việc ở góc vườn. Hình: TVTS

Có lẽ phải xây thêm cơ sở mới để có chỗ trưng bày?

Ông Lộc cho biết dự trù trong 5 năm tới xây một cái đình mô phỏng cái đình của Làng Đình Bảng ở ngoài Bắc, sẽ xây cạnh tòa nhà Viet Museum.

Chúng tôi trở ra sân, quan sát cảnh vật bên ngoài, được ông giới thiệu xem một nghệ nhân người Việt đang làm việc ở cái workshop cuối vườn. Vòng lại phía trước, xem bức tường đá cẩm thạch có hình 7 vị tướng tá VNCH tuẫn tiết và “hai cột cờ có quốc kỳ treo ngày đêm, treo mọi ngày, không cần phải xin phép ai”, như lời của ông Vũ Văn Lộc.

Tôi nói với ông Lộc: “Thì đây là quốc gia Giao Chỉ”, nước của nhà văn Giao Chỉ?!

Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc lặng lẽ trở vào bên trong, mang ra tặng chúng tôi cuốn sách của ông và mấy cuốn DVD do ông và cơ quan IRCC thực hiện.

Nhà tôi khen công trình sưu tầm di vật và việc thực hiện một viện bảo tàng của thuyền nhân, ra đi mang theo không những tình yêu quê hương mà còn cả những di vật vui buồn, hãnh diện và khốn cùng của một đời người Việt Nam và người tị nạn, như là một  chứng tích cho thế hệ mai sau.

Đó là ý nghĩa của một viện bảo tàng—bảo tàng thuyền nhân và VNCH. “Bảo tàng viện của Bác Giao Chỉ”.

Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 18.10.2018