Thất bại là lợi thế cho Morrison vào bầu cử tới

06 Tháng Ba, 2019 | Bình Luận
Thủ tướng Scott Morrison khi tham dự APEC CEO Summit 2018 tại Port Moresby, Papua New Guinea hồi tháng 11.2018. Photo Courtesy: Fazry Ismail/Pool via REUTERS/File Phot

Việc chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison bị thất bại trong vụ chận đứng Dự luật Medivac được thông qua vào Thứ Ba tuần qua, ngày đầu tiên quốc hội tái nhóm sau kỳ nghỉ lễ, có tính cách lịch sử.  Đây là lần đầu tiên trong gần 80 năm (1941) và 90 năm (1929), một chính phủ bị đánh bại ngay tại Hạ viện nơi chính phủ phải nắm đa số hay được sự ủng hộ của đa số quá bán dân biểu mới có thể cầm quyền.

Nhưng tại sao có chuyện Chính phủ Morrison thất bại một cách ê chề như vậy? Bởi vì đảng Tự do thất bại trong cuộc bầu cử bổ túc đơn vị Wentworth khi cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull từ chức, rồi Dân biểu Tự do Julia Banks đơn vị Chisholm bỏ đảng để trở thành độc lập, cho nên liên đảng Tự do Quốc gia trở thành một chính phủ  thiểu số, chỉ tồn tại với sự ủng hộ của các dân biểu độc lập. Nếu đảng Lao động hợp với toàn thể các dân biểu độc lập và một dân biểu của đảng Xanh, họ có thể lật đổ chính phủ bằng cách đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm nếu được đa số   thông qua. Sở dĩ Chính phủ Morrison còn tồn tại và hoạt động vì được một số dân biểu độc lập hứa ủng hộ khi thông qua những dự luật mà họ chấp nhận.

Nhưng sau khi chiếm được đơn vị thành đồng của Tự do tại Wentworth, Bác sĩ Kerryn Phelps -một người tả khuynh và tranh đấu cho công bằng xã hội trong đó có hôn nhân đồng tính và tầm trú, tị nạn- đã đưa dự luật có tên là Medivac Bill, cho phép những người tầm trú đang bị giam giữ ở Nauru và Đảo Manus được di chuyển vào nước Úc qua sự đề nghị  của các bác sĩ. Liên đảng chống hoàn toàn dự luật này. Đảng Xanh ủng hộ. Lao động ban đầu ủng hộ nhưng sau đó nhượng bộ bằng cách  tu chính lại một số điều khoản để nội bộ đảng Lao động cũng như các dân biểu độc lập có thể chấp nhận mà thông qua.

Dự luật này tương đối được thảo luận kỹ càng, sôi nổi và gây được sự chú ý của công luận, người Úc cũng như người nước ngoài bao gồm những người đang hăm he tìm cách vào nước Úc bằng đường biển cũng như những tay tổ chức chở lậu người vào Úc từ Nam Dương, Tích Lan hay ngay cả Việt Nam, như Bộ trưởng Nội an Petter Dutton cảnh báo.

Trong thời gian tranh luận, Chính phủ Morrison không lùi một ly. Ông Morrison chính là người đã thành công trong việc ngăn chận người tầm trú ồ ạt đến Úc trong thời gian ông làm Bộ trưởng Di trú và Nội an.     Ông cáo buộc các chính phủ Lao động từ Kevin Rudd đến Julia Gillard là những người chịu trách nhiệm về con số 50,000 người đến Úc trên 800 chiếc thuyền trong đó có khoảng 1,200 người bao gồm trẻ em chết đuối. Ông cho rằng nước Úc không những phải chỉ có nhiệm bảo vệ biên cương, được quyền cho phép ai tới Úc, mà còn bảo vệ mạng sống của con người, nhất là những trẻ em khi đến Úc bằng thuyền một cách bất hợp pháp, vì đó  cũng là nhân đạo. Chính phủ Liên đảng  khẳng định bất cứ thuyền nhân nào đến Úc đều sẽ không bao giờ được cho ở lại nước Úc.

Không ai có thể chối cãi Liên đảng đã thành công trong việc bảo vệ biên cương. Thủ tướng John Howard là người đã thành công trong việc ngăn chận người  tầm trú bằng cách mở ra những trại tạm giam và thanh lọc ở ngoài nước Úc và chính ông Howard cũng là người mở cửa đón rất nhiều người tị nạn ở các trại tị nạn bên Phi Châu.  Nhưng khi lên cầm quyền, Thủ tướng Rudd đã dẹp bỏ các trại giam giữ đó khiến thuyền nhân ồ ạt tới Úc. Đến khi Thủ tướng Gillard muốn ngăn chận thì cũng bó tay vì chính sách mềm yếu của lao động. Cho đến khi ông Tony Abbott lên cầm quyền, với “bàn tay sắt”, thì dịch vụ chuyên chở người vào Úc mới từ từ chấm dứt.

Nhưng nay, với luật cho  2 bác sĩ được quyền cho phép người tầm trú ở Nauru và Đảo Manus được vào Úc vì lý do bệnh hoạn, vấn đề đặt ra: đây có là tín hiệu cho những tay chở lậu người vào Úc không? Chúng ta phải còn chờ xem, nhưng trước mắt, đây là cơ hội để Liên đảng có một đề tài tranh cử và kiếm phiếu của những cử tri lo sợ phải chi hàng tỉ đô la nuôi ăn và bao bọc  mà biết đâu trong tương lai sẽ có những người làm hại nước Úc ngay khi họ chưa trở thành công dân Úc?

(Xã Luận báo in TVTS số 1717 phát hành ngày 20.2.2019)