Tổng trưởng ngân khố Josh Frydernberg tuần trước đã công bố kế hoạch ngân sách cho giai đoạn 2019-2020, một bản kế hoạch có thể nói là khá toàn diện và ‘an toàn’, đóng vai trò là một trong những pha nỗ lực cuối cùng nhằm ghi lại điểm cho Liên đảng trước thềm cuộc bầu cử liên bang dự đoán sẽ diễn ra trong tháng 5 tới. Kế hoạch ngân sách liên bang đưa ra hồi thứ Ba nhấn mạnh các thông điệp chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Liên Đảng, bao gồm thúc đẩy phát triển kinh tế, cắt giảm thuế cho người lao động, và nâng cấp cơ sở giao thông hạ tầng.
Bản kế hoạch nghe thì thấy lọt tai, có thể đánh trúng tâm lý của đông đảo người dân, nhưng liệu nó có đủ mạnh và thuyết phục để giúp cứu thua Liên Đảng trong cuộc tranh cử sắp tới – một Liên đảng mà trong thời gian qua đầy những tai tiếng mâu thuẫn nội bộ, một Liên đảng bối rối, mất phương hướng trong chính các nguyên tắc về chính trị của mình. Hay những lời hứa ầm ĩ, những kế hoạch xa thực tế đã trở nên quá quen đối với chúng ta, khiến những tuyên bố hùng hồn của các chính trị gia chỉ thoảng qua tai mà không hề đọng lại một dấu ấn và chẳng mang lại một vệt niềm tin?
Sau đây tôi xin điểm qua một số điều nổi bật trong bản kế hoạch Ngân sách 2019, những khoản dự kiến chi nhiều nhất cho giai đoạn sắp tới.
Cắt giảm thuế cho người thu nhập thấp và trung bình
Chính phủ hứa sẽ cắt giảm thuế cho người lao động thu nhập thấp và trung bình, với mức độ có thể nói là đáng kể nhất trong nhiều năm. Năm ngoái, Liên đảng thông báo sẽ cung cấp cho những người có thu nhập lên đến $90,000 một khoản giảm thuế trị giá tới $530. Con số đó, theo kế hoạch Ngân sách mới của Liên đảng, sẽ được tăng lên hơn gấp đôi, với khoảng $1,080 đối với những người độc thân, và tăng lên đến $2,160 đối với các gia đình có hai nguồn thu nhập.
Và những người thu nhập cao thực tế cũng có thể hưởng lợi từ kế hoạch ngân sách của chính phủ. Nếu Liên đảng được bầu lại, họ dự kiến sẽ san bằng mức thuế đối với các mức thu nhập khác nhau, nếu như vậy nhóm những người giàu có cũng sẽ được hưởng lợi một khoản giảm thuế lớn.
Theo đó, kể từ năm 2024, những người có thu nhập trong khoảng từ $45,000 đến $200,000 đều đóng cùng mức thuế ở mức 30%. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong hệ thống thuế của Úc, vốn được vận hành theo nguyên tắc người nào thu nhập cao hơn thì sẽ phải đóng tỷ lệ thuế cao hơn. Nếu được thực hiện, điều đó có nghĩa là một người Úc có thu nhập $50,000 sẽ được nhận khoản cắt giảm thuế trị giá 1,205$ so với mức phải trả năm 2017-2018. Còn người có thu nhập $200,000 sẽ có thể nhận một khoản hoàn thuế lên đến $11,640 một năm.
Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ không được thực hiện cho tới giai đoạn 2024-2025. Chính phủ Morrison sẽ cần phải thắng cử trong cả hai cuộc bầu cử tiếp theo mới có thể đưa các kế hoạch này thành hiện thực.
Cải thiện giao thông hạ tầng, nhiều nhưng cần đúng chỗ
Khoản đầu tư lớn thứ hai mà Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg công bố trong bản kế hoạch Ngân sách chính phủ đó là nhằm vào củng cố cơ sở hạ tầng nhằm đẩy mạnh an toàn giao thông đường bộ, giải quyết tắc nghẽn đô thị.
Một điểm đáng lưu ý đối với người dân cư ngụ tại bang Victoria đó là, chính phủ dự kiến sẽ xây dựng hệ thống đường xe lửa tốc độ cao, nối trung tâm thành phố Melbourne với Geelong, giúp giảm một nửa thời gian di chuyển so với các tuyến V-lines thông thường. Nếu được đưa vào hoạt động, tuyến đường tàu cao tốc này sẽ giúp di chuyển từ Geelong tới Melbourne còn nhanh hơn cả đi từ Frankston. Đây là một đầu tư thực sự cần kíp, có thể giúp luân chuyển cư dân ra khỏi khu vực trung tâm thành phố sang các khu lân cận, giảm gánh nặng đối với Melbourne.
Tuy nhiên, bản Ngân sách của chính phủ không thấy đề cập đến việc cải thiện hệ thống tàu điện và các phương tiện công cộng khác để đi lại giữa trung tâm thành phố và các khu vực ngoại ô. Tại bang Victoria, chúng ta có thể thấy giá vé Myki tăng đều đặn mỗi năm nhưng dịch vụ dường như ngày càng xuống cấp, với liên tục các việc sửa chữa đường ray, thường xuyên có những thông báo đột xuất về trễ chuyến hay hủy chuyến.
Phương tiện giao thông công cộng hàng ngày phục vụ việc đến trường học, công sở là nhu cầu thiết yếu đối với một số lượng lớn người dân sinh sống tại đây, bao gồm cả người bản địa và người nước ngoài cư trú trong thời gian ngắn. Nhưng dường như, ngược lại với mức độ tăng dân số nhanh chóng, hệ thống giao thông công cộng tại Victoria dường như không có nhiều tiến triển, và không đủ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng này của hơn 5 triệu dân tại Melbourne. Trong thực tế, một khi phương tiện giao thông công cộng đủ đáp ứng và đáng tin cậy, sẽ có thêm nhiều người lựa chọn đi lại bằng phương tiện này, từ đó sẽ tự động giảm tải lượng xe cộ lưu thông trên các tuyến đường sá, dẫn đến giảm tắc nghẽn đô thị.
Khoản tiền mà chính phủ công bố đầu tư cho cơ sở giao thông hạ tầng lên đến 100 tỷ đô la trên khắp nước Úc. Một số tiền lớn thật đấy, nhưng nếu không đầu tư vào đúng nơi cần thiết thì cũng sẽ chỉ là vô nghĩa. Liệu chúng ta sẽ thấy hệ thống xe lửa, xe điện, xe buýt hoạt động hiệu quả, đúng giờ và ít sự cố hơn, hay lại chỉ là những ga tàu được tu bổ bóng loáng trong khi trễ, hủy chuyến vẫn diễn ra như cơm bữa.
Ưu tiên hỗ trợ các vấn đề sức khỏe tâm thần
80 tỷ đô la là khoản đầu tư mà chính phủ Morrison lên kế hoạch sẽ chi thêm cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Một trong những ưu tiên của chính phủ là hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tâm thần (mental health) đặc biệt trong cộng đồng người trẻ. Một con số đáng báo động vừa được tổ chức phi lợi nhuận Headspace công bố mới đây đó là, thống kê cho thấy khoảng 31 phần trăm trong số các nam thanh niên tại Úc gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Năm 2017 chứng kiến 3128 vụ tự tử, trong đó phần lớn nguyên nhân đến từ các vấn đề về rối loạn tâm thần.
Tổng trưởng Ngân khố Frydenberg cho biết một trong những khoản chi sẽ được dùng để mở thêm hơn 8 trung tâm Headspace trên khắp nước Úc, là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ miễn phí hoặc chi phí thấp cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-25. Kế hoạch này cho thấy chính phủ Liên đảng đặt ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vấn đề ở chỗ, chi hàng chục triệu đô la để mở thêm các trung tâm là điều không khó, nhưng đảm bảo các trung tâm đó có các dịch vụ chất lượng và tạo ra được một sự thay đổi đáng kể mới là điều cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nhận xét về kế hoạch ngân sách này, bác sỹ tâm lý Ian Hickie tại Trung tâm nghiên cứu tâm thần Đại học Sydney nói rằng: “Bạn không thể cứ mở thêm những cánh cửa trong khi chẳng có gì đằng sau những cánh cửa ấy”. Theo giáo sư Hickie, “Cái đang thiếu đó là những dịch vụ phức tạp được cung cấp một cách dễ tổ chức và tiếp cận”.
Hồi đáp Ngân sách của Lao động
Đáp lại kế hoạch Ngân sách của Liên đảng, lãnh đạo Đối lập Bill Shorten cũng đã công bố bản kế hoạch chi tiêu của đảng mình nếu như giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Bản đề xuất ngân sách của Lao động được đánh giá là “có tình toán kỹ càng” nhằm giành vị thế nổi bật hơn so với Liên đảng trong mắt cử tri. Bill Shorten đề xuất một sự thay đổi lớn trong hệ thống Medicare, cũng như đưa ra chính sách cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh chóng hơn.
Lao động đã khôn ngoan đánh vào một vấn đề có thể nói là đánh vào tâm lý xúc động của nhiều người dân, đó là hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Lãnh đạo Shorten hứa sẽ đầu tư một khoản 2.3 tỷ đô la hỗ trợ các bệnh nhân ung thư, với thông điệp “Chúng tôi chọn hy vọng thay vì sợ hãi”.
Về cắt thuế, Bill Shorten đi một bước cao hơn Liên đảng, đưa ra mức giảm thuế ngay lập tức với giá trị lớn hơn cho 3.6 triệu người lao động có thu nhập dưới 48,000 đô la. Như vậy, Lao động về cơ bản thống nhất với chính sách giảm thuế của Liên đảng đối với phần lớn người dân thu nhập thấp và trung bình, trong khi tìm cách tạo ra sự nhỉnh hơn ở tầng lớp thu nhập dưới cùng. Bằng cách chi ra hơn 1 tỷ đô cho nhóm thu nhập thấp này, Lao động đẩy mạnh chiến dịch hướng đến “công bằng” trong thu nhập.
Những lời kêu gọi của lãnh đạo Đối lập vô cùng hào sảng, hướng đến mục tiêu gợi lên “niềm hy vọng” và hứa hẹn “sự công bằng”. Nhưng thực chất ta có cảm giác đó chỉ đơn thuần là những nước cờ để giành hơn kém nhau vài điểm trong cuộc đua đến quyền lực. Đặc biệt, những sự vung vẩy chi tiêu này khiến ta ngờ ngợ, bởi sự triển khai và tác động cụ thể trong thực tế cũng như rủi ro cao về mặt kinh tế.
Ngoài lời hứa cắt mạnh thuế, bổ sung gói hỗ trợ ung thư, Lao động trước nay còn luôn vận động cho “mức lương đủ sống tối thiểu”, kêu gọi cắt giảm 45% khí thải nhà kính trước năm 2030 – đồng nghĩa với sự mất mát lớn nguồn thu từ các nhà máy nhiệt điện đốt than và tốn thêm hàng tỷ đô la xây dựng cơ sở vật chất cho năng lượng tái tạo. Chưa kể kế hoạch đặt ra “mục tiêu quốc gia” nhằm biến một nửa số xe ô tô tại Úc chạy bằng điện trước năm 2030. Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà chính chúng ta cũng có thể lường được một rủi ro kinh tế lớn mà nước Úc sẽ nếm trải nếu như những đề xuất này được thực hiện.
Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã hứa sẽ mang đến mức thặng dư kinh tế đầu tiên trong vòng 12 năm qua vào năm sau, ở mức 7.1 tỷ đô la. Con số chẳng có nhiều để các chính trị gia vung tiền cho các lời hứa ngọt ngào của mình. Và cử tri Úc, buồn thay, thật chẳng có nhiều lựa chọn.
Linh Đan
Melbourne 7.4.2019
(Trích từ báo in TVTS số 1724 phát hành ngày 10.4.2019)
Độc giả có những lời nhắn hay chia sẻ, xin đừng ngại gửi email đến hộp thư của TiVi Tuần-san ở địa chỉ [email protected], chúng tôi sẽ cố gắng hồi đáp thư của bạn.