![]() |
Nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên. Hình: facebook |
Ông Nguyễn Đắc Kiên, phó phòng, biên tập viên trang báo mạng của báo Gia đình & Xã hội vừa bị buộc thôi việc vì có bài trên blog phản đối lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cái gọi là “suy thoái”.
Chương trình thời sự của đài truyền hình VTV1 lúc 7 giờ tối hôm Thứ Hai tường thuật buổi họp trong đó có một đoạn phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng đả kích những người đòi bỏ điều 4 trong bản Hiến Pháp giành độc quyền cai trị cho đảng CSVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:
“Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ điều 4 Hiến Pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”
Bất bình vì sự ngoan cố của những kẻ cầm đầu đảng CSVN, nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên viết trên Facebook bài “Vài lời với Tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.”
Bài viết này đã được các mạng xã hội truyền đi nhanh chóng với những lời ca ngợi sự can đảm và thẳng thắn của một người ký giả dám nói ra suy nghĩ thật của mình dù đang làm cho một tờ báo của chế độ.
Nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên đặt câu hỏi với ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là ông “nói ai” suy thoái đạo đức. Theo nhà báo Kiên, ông Trọng chỉ có thể nói điều đó với đám đảng viên đảng CSVN chứ không thể nói được với “nhân dân cả nước.” Bởi vậy, ông mới nói ông Trọng là “không có tư cách” vì hơn 80 triệu dân Việt Nam không phải là đảng viên đảng CSVN.
Vả lại, ngay trong hàng ngũ đảng viên của Ðảng CSVN, rất nhiều người cũng đã ký tên trên bản kiến nghị đòi chế độ Hà Nội bỏ điều 4 trong bản Hiến Pháp.
Hà Nội mở chiến dịch quảng cáo lấy ý kiến nhân dân để sửa lại bản Hiến Pháp có từ năm 1992, dự trù sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 năm nay.
Trong một thông báo ngắn ngày 26 tháng 2, 2013, báo điện tử Gia Ðình và Xã Hội (báo của Bộ Y Tế-Tổng Cục Dân Số-Kế Hoạch Hóa Gia Ðình) nói “do anh Nguyễn Ðắc Kiên (nguyên phóng viên) vi phạm quy chế hoạt động của báo và hợp đồng lao động nên Hội Ðồng Kỷ Luật của báo Gia Ðình & Xã Hội đã họp và ra quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Ðắc Kiên.”
Ông Nguyễn Đắc Kiên bắt đầu làm báo từ năm 2006 cho tờ điện tử VnExpress và chuyển sang Gia đình & Xã hội vào năm 2008.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ việc, nhà báo 30 tuổi Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia đình và Xã hội đã trở nên nổi tiếng và trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn mạng.
Tại một hội thảo về vai trò của giới truyền thông trong lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với chính sách và chủ trương lớn của Nhà nước diễn ra vào sáng thứ Tư ngày 27/2 tại Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, đã kêu gọi các ‘nhà báo cũng như toàn xã hội ủng hộ, hỗ trợ, bảo vệ bằng mọi phương cách có thể đối với những nhà báo dũng cảm như Nguyễn Đắc Kiên’.
Tiến sỹ Quang A nói với đài BBC: “Có những người như anh Kiên là sự đáng quý cho dân tộc Việt Nam,” ông nói. “Tương lai Việt Nam là ở những người trẻ như anh Nguyễn Đắc Kiên.”
“Anh Kiên là người trẻ có công ăn việc làm tử tế. Anh ấy biết rõ những hậu quả có thể xảy ra với việc nêu chính kiến của anh ấy nhưng anh ấy vẫn mạnh dạn lên tiếng,” ông A giải thích vì sao ông kính trọng ông Kiên.
“Nếu tất cả mọi người chúng ta đều im lặng thì vô hình chung chúng ta đồng lõa với những thế lực muốn dân tộc này chìm đắm trong cõi u mê,” ông nói thêm.
Ông cho biết tại hội thảo sáng nay, tên Nguyễn Đắc Kiên ‘đã được nêu lên không dưới 20 lần với sự kính trọng không chỉ của tôi mà của rất nhiều người khác’.
Về nội dung bài viết của ông Nguyễn Đắc Kiên, Tiến sỹ Quang A ‘đồng cảm về mọi mặt’ vì đây cũng là những nội dung chính trong bản Kiến nghị 72 về sửa đổi Hiến pháp mà ông tham gia ký tên.
“Trong hội thảo người ta có nêu sáng kiến lập một quỹ để hỗ trợ các nhà báo gặp ‘tai nạn’ về pháp lý và không loại trừ những hỗ trợ về mặt vật chất,” ông nói. “Đã có nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực ủng hộ ý tưởng này.”
Ông Nguyễn Đắc Kiên nói rằng ông không phải là “anh hùng” khi phê bình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN mà chỉ nói theo lương tâm và cũng đã dự trù những tình huống xấu sẽ xảy đến với ông.