Quốc hội VN chỉ trích chính sách về bauxite

11 Tháng 6, 2009 | Tin Việt Nam

 








Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (trái) và Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng

 


Các dự án khai triển bauxite vẫn tiếp tục mặc sự ta thán, phản đối của người dân, các trí thức, các chuyên gia và Quốc hội của VN. Để tránh né, chính phủ đã chia nhỏ các dự án, làm cho những dự án này không vượt quá 20 ngàn tỉ đồng VN do đó khỏi phải trình Quốc hội. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã bị quay vì vấn đề “lách luồn” này của chính phủ.


 


Theo nguồn tin từ Việt Nam, việc chia nhỏ các dự án ra để việc khai thác bauxite vẫn được tiến hành là một chiến thuật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong cuộc chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ngày Thứ Năm hôm qua, ông Bộ trưởng Công thương đã không làm các đại biểu hài lòng.


 


Báo Dân Trí ở VN đưa tin như sau:



Không thể xé lẻ dự án bô xít để “né” Quốc hội!


Bô xít và giá điện được các đại biểu “xoáy” nhiều nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6. Tuy nhiên, phần trả lời của người đứng đầu Bộ Công thương không làm dịu được “sức nóng” trong những truy hỏi liên tiếp của các đại biểu.


 


“Các dự án bô xít không… liên quan đến nhau!” 


 


Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Bộ Công thương xé lẻ các dự án bô xít nhằm “né” thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Trong khi đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lí luận, các dự án bô xít độc lập, không liên quan đến nhau.


 


Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) đã khơi mào vấn đề khai thác bô xít ngay từ đầu phiên chất vấn. Theo ông Trừng, Nghị quyết 66 của Quốc hội ghi rõ, dự án có tổng mức đầu tư hơn 20 ngàn tỉ đồng sẽ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, vậy dự án khai thác, phát triển bô xít ở Tây Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 20 ngàn tỉ đồng, tại sao Bộ Công thương không đề nghị Chính phủ  trình dự án ra Quốc hội?


 








Đại biểu Phạm Thị Loan. Ảnh Việt Hưng – Dân Trí

 


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại, trong qui hoạch phát triển bô xít Chính phủ đã phê duyệt có nhiều dự án, từ khai thác chế biến bô xít thành alumin, từ alumin thành nhôm nguyên liệu, dự án đường sắt nối liền Tây Nguyên với biển… Các dự án có tính độc lập và dự án này không liên quan, không phụ thuộc vào dự án kia. Ngay cả dự án đường sắt không phải chỉ vận chuyển alumin mà còn vận chuyển các hàng hoá khác…


 



Theo ông Hoàng, các dự án bô xít ở Tân Rai, Nhân Cơ có tổng mức đầu tư 12 ngàn tỉ đồng, không phải trình ra Quốc hội. Sau này, các dự án Đăk Nông 2, 3, 4 có công suất 1,5-2 triệu tấn alumin vốn đầu tư có khả năng vượt quá 20 ngàn tỉ đồng, sẽ phải trình ra Quốc hội. Dự án đường sắt cũng tương tự như vậy.


 


Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng chưa “thông” với trả lời của Bộ trưởng Hoàng, tiếp tục đứng dậy: “Tôi không đồng ý giải thích của Bộ trưởng. Khai thác bô xít gồm cả 3 giai đoạn, 12 dự án, về bản chất gắn bó chặt chẽ và hệ thống với nhau, chỉ khi Bộ Công thương tách ra, nó mới độc lập và nhỏ hơn 20 ngàn tỉ đồng”.


 


Đại biểu Vũ Văn Ba (Khánh Hoà) cũng không đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Hoàng vì theo ông, nếu không khai thác bô xít chắc chắn sẽ không nghĩ đến việc làm đường tàu. Ông Ba cho rằng, không thể tách thành các nhóm để kinh phí thấp hơn hạn mức thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.


 


Bộ trưởng Hoàng lí giải, chia ra các dự án không phải ý kiến của Bộ Công thương và Bộ không có thẩm quyền làm việc này. 


 



Theo ông Hoàng, ngay dự án alumin không cần phải có dự án đường sắt mới hoạt động được vì theo qui hoạch ở qui mô ban đầu có thể vận chuyển bằng ô tô. Chỉ sau này mới tính đến đường sắt, nhưng cũng không phải là đường sắt chuyên dụng mà là đường sắt cho vận tải đa dụng!


 


Đến lượt nữ đại biểu Phạm Thị Loan bày tỏ sự lo ngại thông qua việc đặt vấn đề, alumin vẫn là thô, hiệu quả chưa thấy bao nhiêu, trong khi lại gây ra nhiều lo ngại. Từ đó, bà Loan nêu câu hỏi, khai thác bô xít như vậy có phải là đi ngược chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô?


 


“Với hàm lượng ô xít nhôm 98,2% alumin không thể gọi là quặng thô”, ông Hoàng đáp lại. Theo vị Bộ trưởng Công thương, không có tài liệu nào trên thế giới nói alumin là thô.


 


Trả lời của Bộ trưởng Hoàng vẫn không thuyết phục được đại biểu Loan. Nữ đại biểu Hà Nội này cho rằng, alumin vẫn là bán thành phẩm và từ alumin đến nhôm còn cần đến một quá trình dài, với nhiều chế phẩm nữa và như thế là thiệt hại cho đất nước…