Việt Nam sẽ có hơn 1,500 đại triệu phú (multi-millionaire) năm 2026

02 Tháng 3, 2022 | Tin tức,Tin Việt Nam
Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Hình: VnExpress

Gọi là triệu phú (millionaire) khi người đó có hơn một triệu đô la không kể giá trị căn nhà họ đang ở. Gọi là đại triệu phú hay đa triệu phú (multi-millionaire) là những người có nhiều triệu, hàng chục triệu cho đến 999 triệu đô la. Vượt ngưỡng cửa đó, họ được gọi là tỷ phú (billionaire).

Việt Nam hiện có 6 tỉ phú mà người nhiều tỉ đô la nhất là Phạm Nhật Vượng.

Nhưng Việt Nam hiện có nhiều người là multi-millionaire mà báo chí trong nước gọi  “siêu triệu phú”.  Năm 2016 có 589 người, năm 2020 có 1,247 người, năm 2021 có 1,234 người và  năm 2026 dự phóng có 1,554 người.

Phương pháp đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân đươc dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái và thời điểm đó.

Sau đây là bản tin về số lượng những đại triệu phú (multi-millionaire) ở Việt Nam từ vnexpress, những người có tài sản trên 30 triệu Mỹ kim.

* **

Lượng người có tài sản trên 30 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) ở Việt Nam sẽ vượt mốc 1.500 vào 2026, theo báo cáo của Knight Frank.

Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) mới nhất của Knight Frank – Tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh – lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% giai đoạn từ nay đến năm 2026. Công ty này định nghĩa người siêu giàu là cá nhân có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên, bao gồm cả giá trị bất động sản cư trú chính.

Cụ thể, đến 2026, Việt Nam được dự đoán có 1.551 người siêu giàu, so với con số của năm 2021 là 1.234. Cùng với đó, lượng người giàu, tức có tài sản ròng từ một triệu USD trở lên sẽ tăng mạnh hơn 59%. Năm ngoái, cả nước ước tính có khoảng 72.135 người giàu theo tiêu chuẩn này. Chỉ sau 4 năm nữa, con số dự kiến đạt đến 114.807 người.

Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam cho rằng đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 USD/m2 năm nay do nhu cầu trong nước tăng cao cũng như ước tính dân số siêu giàu Việt Nam tăng 26% giai đoạn 2021 – 2026, ngang ngửa với Hong Kong và Đài Loan.

Báo cáo cũng dự báo tiêu thụ đồng hồ và rượu vang của giới nhà giàu Việt Nam sẽ tăng 16% giai đoạn tới. Số liệu nhập khẩu thời gian qua cũng phản ánh thực tế này, với tổng giá trị đồng hồ nhập khẩu tăng 28,2% mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.

Doanh số xe hơi trong nước và tổng giá trị rượu vang nhập khẩu giai đoạn trước đại dịch (2016 – 2019) duy trì mức tăng trưởng tích cực, tương ứng là 12,9% và 9,8% mỗi năm.

Thế giới có hơn 610.000 người siêu giàu năm ngoái. Đến 2026, Knight Frank dự báo lượng người siêu giàu toàn cầu tăng thêm 28%. Trong đó châu Á và châu Đại Dương có mức tăng trưởng cao nhất (33%), kế tiếp là Bắc Mỹ (28%) và Mỹ Latinh (26%).

Gần một phần ba tổng tài sản của người siêu giàu nằm ở nơi cư trú chính và bất động sản nhà ở thứ hai. Nhìn vào năm 2022, khảo sát Knight Frank Attitudes Survey cho thấy gần một phần tư (23%) dân số siêu giàu có kế hoạch đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại.

Ngoài ra, lần đầu tiên doanh số NFT (tài sản kỹ thuật số không thể thay thế) đã tăng đáng kể trong dân số siêu giàu, khi các nhà đấu giá hàng đầu thế giới bán được 228 triệu USD NFT hoặc tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số (crypto art) trong năm ngoái. Tổng doanh số NFT được bán trên các nền tảng trực tuyến cũng đạt trên 81 tỷ USD và xu hướng này vẫn không ngừng gia tăng.