Hôm 20 tháng 4, hãng tin Reuters công bố bản tin độc quyền về việc Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thông qua một luật mới nhằm siết chặt quản lý mạng xã hội.
Với luật mới này nếu được ký thông qua thì các phát ngôn trên mạng bị cho là “bất hợp pháp” đều sẽ bị gỡ bỏ trong vòng 24 giờ.
Tuy bản tin trên không công bố nội dung chi tiết cũng như tên của điều luật mới, nhưng hiện nay Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất nghị định số 72/2013/ND-CP sửa đổi.
Đây là nghị định được sử dụng để quản lý việc cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng, vốn đã được các cơ quan nhà nước sử dụng để yêu cầu các công ty sở hữu mạng xã hội có nhiều người dùng ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok… phải gỡ bỏ nội dung “chống chính quyền”.
Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng môi trường internet ở Việt Nam sẽ trở nên ngột ngạt hơn nữa với sự xuất hiện của điều luật mới.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế, bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến này:
“Ở Việt Nam thì mạng xã hội, trong đó có Facebook, là một trong những nơi duy nhất để người ta bày tỏ sự thái độ phản kháng của mình, cho dù phải đối diện với nguy cơ bị xử tù lâu năm nếu bài đăng của họ bị cho là vi phạm pháp luật.
Những điều luật hà khắc như thế này là mối đe dọa diệt vong đối với sự tự do biểu đạt ở Việt Nam.”
Facebook, YouTube, TikTok hay Twitter là các mạng xã hội được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đây cũng là các công cụ mà người Việt Nam dùng để bày tỏ quan điểm trong đó có quan điểm chính trị.
Chỉ duy nhất đại diện của công ty TikTok trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters cho biết, sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp địa phương hiện hành để đảm bảo nền tảng này vẫn là một không gian an toàn cho sự thể hiện sáng tạo, đồng thời khẳng định sẽ gỡ bỏ nội dung vi phạm các nguyên tắc của nền tảng.
Bà Ming Yu Hah kêu gọi các công ty mạng xã hội “chống lại” các điều luật này và “đặt quyền con người lên trên lợi nhuận và quyền tiếp cận thị trường”.
Hiện tại, các nền tảng mạng xã hội thường có vài ngày để xử lý các yêu cầu từ chính phủ Việt Nam, các nguồn tin cho biết.
Các quy định sửa đổi này, vốn vẫn chưa được công bố, dự kiến sẽ được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào tháng tới và có hiệu lực từ tháng Bảy.
Các nguồn tin nói chuyện với Reuters không muốn được nêu danh tính do sự nhạy cảm của vấn đề. Các Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
TikTok, do hãng ByteDance của Trung Quốc sở hữu, sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp hiện hành của chính quyền sở tại để đảm bảo TikTok vẫn là không gian an toàn cho thể hiện sáng tạo, đại diện TikTok tại Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh nói với Reuters. Ông Thanh cho biết TikTok sẽ gỡ bỏ những nội dung vi phạm nguyên tắc của họ.
Việt Nam với dân số 98 triệu người nằm trong số 10 thị trường hàng đầu của Facebook với số lượng người dùng vào khoảng từ 60 đến 70 triệu, theo dữ liệu của công ty năm 2021.
Việt Nam đem đến doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ đô la cho Facebook. Thị trường này đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với các thị trường châu Âu, theo các nguồn tin nắm rõ vấn đề.
YouTube có 60 triệu người dùng tại Việt Nam và TikTok có 20 triệu, theo ước tính của chính phủ năm 2021.
(Tổng hợp từ RFA, VOA, Reuters)