Nước Úc có một lần tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1999 dưới thời chính phủ John Howard. Thủ tướng Howard là một người bảo thủ và bảo hoàng nên đã từng nói “chiếc xe đang chạy tốt thì cớ sao phải thay thế”. Để một cuộc trưng cầu dân ý thành công không phải dễ bởi từ ngày hình thành Liên bang, trong số 44 cuộc trưng cầu dân ý, chỉ có 8 lần thành công. Người lãnh đạo Phong trào Cộng hòa (Republic Movement) hồi đó là Luật sư triệu phú nổi tiếng Malcolm Turnbull, sau này làm thủ tướng. Vì chính phủ đã không vận động để ủng hộ một nước Úc cộng hòa nên thất bại là chuyện hầu như hiển nhiên dù phe cộng hòa được những người cấp tiến, có tiền bạc và quyền lực ủng hộ, quảng cáo bằng nhiều phương tiện. Trả lời câu hỏi thay đổi Hiến pháp để thiết lập một nước Úc cộng hòa, chỉ có 45.13% trả lời Yes trong khi có 54.87% trả lời No.
Thất bại này đã khiến phong trào cộng hòa đã không lấy lại khí thế của thập niên 1990 trước đây. Hai chính phủ Lao động vắn số của Kevin Rudd và Julia Gillard không thể nào khơi lại phong trào cộng hòa vừa mới thất bại dù hoàng gia Anh bị nhiều tai tiếng, không được cả người Anh yêu chuộng. Và các chính phủ Tự do của Tony Abbot, Malcolm Turnbull và Scott Morrison tiếp theo đều làm ngơ trước đề nghị và thúc đẩy mở lại cuộc trưng cầu dân ý nền cộng hòa. Nhưng một cựu chủ tịch phong trào cộng hòa là Thủ tướng Turnbull đã nói thẳng trưng cầu dân ý chỉ có thể diễn ra sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, vì sau này càng ngày nữ hoàng càng được người dân Anh và Úc yêu mến hơn. Những tiếng nói cộng hòa đã không có trọng lượng để người ta bàn thảo vì có những vấn đề khác được xem là ưu tiên hơn như kinh tế, hậu đại dịch và thành lập một Tiếng nói Thổ dân (Indigenous Voice) trong hay bên cạnh Quốc hội Liên bang.
Tuy nhiên, ngay khi có tin nữ hoàng qua đời, Thủ lãnh đảng Xanh Adam Bandt đã bắn ngay một phát súng lệnh mở màn cho việc đặt lại vấn đề cộng hòa. Nhiều người chỉ trích Dân biểu Bandt đã không tế nhị đặt vấn đề dứt bỏ vương triều Anh tại Úc ngay khi Nữ hoàng của Úc chết. Một vài thượng nghị sĩ đảng Xanh ủng hộ lập trường cộng hòa của đảng. Có thượng nghị sĩ Xanh gốc Thổ dân còn gọi hoàng gia Anh là kẻ vấy máu người Thổ dân. Trong khi một phần thế giới theo dõi tang lễ nữ hoàng, chia buồn; cả trăm nhà lãnh đạo thế giới đến tận London để kính viếng thì có thượng nghị sĩ Xanh gốc Thổ dân mong cho nữ hoàng suốt đời ở trong hỏa ngục. Đảng Xanh và một số lãnh tụ chính trị, nhà hoạt động xã hội kêu gọi Thủ tướng Anthony Albanese hãy cho tổ chức trưng cầu dân ý nhưng ông Albanese nói ông sẽ không làm trong nhiệm kỳ này mà phải đợi đến nhiệm kỳ sau bởi vấn đề Tiếng nói Thổ dân quan trọng và cấp bách hơn, và một lúc tổ chức hai cuộc trưng cầu dân ý là điều không thể thực hiện và khó thành công. Tân vương Charles III nói ông rất yêu mến nước Úc nơi ông từng có thời gian theo học bậc trung học nhưng quyền thay đổi thể chế của Úc hoàn toàn tùy thuộc người dân Úc, và ông sẽ không cay đắng nếu dân Úc không muốn ông là vua của họ.
Nhưng vấn đề hoàng gia Anh vẫn chưa chấm dứt bởi trước hết Úc phải thay đổi đồng tiền mới mang hình Nữ hoàng II bằng hình Vua Charles III. Thay tiền kẽm chạm hình Vua Charles không là vấn đề, nhưng in hình ai đó trên đồng tiền giấy $5 là vấn đề gây tranh luận, trong chính phủ và đối lập, cũng như trong dân chúng. Tổng trưởng Ngân khố Jim Chalmers tháng vừa qua đã gây ra tranh cãi với Thủ lãnh Đối lập Peter Dutton khi ông đề nghị thay hình nữ hoàng trên tiền giấy $5 với hình một người Úc mặc dù không đề nghị đó là người Úc nào trong vòng 18 tháng. Ông Dutton cũng chỉ trích ông Phụ tá Bộ trưởng Ngân khố Andrew Leigh, và cho rằng sẽ rất ngạc nhiên nếu Thủ tướng Anthony Albanese ủng hộ việc thay đổi hình quốc vương Anh trên đồng tiền giấy $5, vì hiện tại chúng ta đang tranh luận về nền cộng hòa nên việc thay đổi phải do người dân quyết định qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Đúng vậy, chừng nào quốc vương Anh còn là quốc trưởng của Úc, việc thay đổi không thích hợp, dù biểu tượng đó là một người Úc hay người của các Quốc gia Đầu tiên, tức Thổ dân.
(Trích Xã luận TVTS số 1906 phát hành ngày 5.10.2022)