Năm 2015, hơn một tháng trước khi có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ, ông Trọng đã tới Trung Quốc và gặp ông Tập.
Năm 2022, nghe phong phanh Tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á sắp tới, Nguyễn Phú Trọng đã tức tốc đi Bắc Kinh, dĩ nhiên là nói theo lời mời của Tập Cận Bình cho nở mày nở mặt.
Nhưng đấy là tập quán chư hầu của cộng sản VN. Trước khi Trọng lên đường tới Bắc Kinh, Hoàn cầu Thời báo chạy bài xã luận nói rằng ông Trọng sang Tàu ngay khi Tập tái cử nhiệm kỳ ba cho thấy “Việt Nam sẽ không đứng về phía Mỹ”.
Khi Trọng rời Bắc Kinh, Hòa cầu Thời báo cho rằng chuyến thăm của ông Trọng “một lần nữa chứng minh rằng phương Tây đã không hiểu được và không giải thích được mối quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng của họ.”
VOA đưa ra vài nhận định của chuyên gia về chính sách đối ngoại của Việt Nam, trích đoạn qua bài viết:
Thông điệp gì từ chuyến thăm Trung Quốc của tổng bí thư Việt Nam
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc mà truyền thông cả hai nước ca ngợi là “thành công tốt đẹp”.
Sự vui mừng về thành công và tầm quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng, người đang nắm nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện qua việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam ra đón ông tại sân bay khi về tới Hà Nội hôm 1/11.
Ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ngay sau khi Đại hội Đảng, tổ chức mỗi 5 năm một lần, kết thúc. Ngoài ông Tập, người vừa trúng cử chức tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ 3 cũng chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc, ông Trọng còn hội kiến tất cả các lãnh đạo cao cấp khác tại Bắc Kinh – gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư và Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương.
Ông Trọng cùng phái đoàn Việt Nam và các lãnh đạo nhà nước Trung Quốc ở Bắc Kinh đã “đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung và tình hình quốc tế” trong các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, theo VietNamNet. Mười ba văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong chuyến thăm của ông Trọng.
Trong Điện cảm ơn gửi ông Tập ngay sau khi về tới Hà Nội hôm 1/11, ông Trọng nói rằng: “Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức hài lòng về kết quả phong phú của chuyến thăm” và “tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước” cũng như “góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy chính trị, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc,” theo Báo Điện tử Chính phủ.
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở ở Singapore, chuyến thăm vừa qua của ông Trọng được coi là “thành công” vì đã đạt được những gì đã đặt ra nhưng không làm thay đổi bản chất quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
“Các phía, hai bên Việt Nam và Trung Quốc, đều nói là (chuyến thăm) thành công (nhưng) nếu so sánh với chuyến thăm của ông Trọng (tới Bắc Kinh) hồi tháng 1/2017 đến giờ thì không có gì khác nhau nhiều lắm,” TS Hợp nhận định. “Quan điểm của hai phía về hợp tác giữa hai Đảng vẫn thế, không có gì mới hơn.”
Ông Trọng thăm Bắc Kinh ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2 chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2017 và vào cuối năm đó tiếp đón ông Tập tại Hà Nội khi người đứng đầu Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau khi trúng cử nhiệm kỳ 2 lãnh đạo Đảng Cộng sản của nước này.
(Nguồn: VOA)