Tóm tắt hai buổi họp của Tiểu ban Duyệt xét Dự án Viện Bảo tàng  ngày 19/3/2023. Bài của Lê Đình Anh

Ông Lê Đình Anh đang đọc bài tóm tắt hai buổi thuyết trình của Tiểu Ban Duyệt Xét Dự Án trong buổi họp ngày 19.3.2023

LTS: Ông Lê Đình Anh là người giới thiệu chương trình hai buổi thuyết trình của Tiểu Ban Duyệt Xét Trung Tâm Văn Hóa Việt Úc và Bảo Tàng trước đây. Trong buổi thuyết trình thứ ba và cũng là buổi cuối cùng vào ngày 19/3/2023, trước khi ông Đinh Hiếu và ông Nguyễn Tân Hải trình bày những gì họ đã tìm ra qua việc duyệt xét và đưa ra những đề nghị cho Ban Chấp Hành Cộng Đồng, ông Lê Đình Anh cũng góp phần tóm tắt hai phiên họp trước của Tiểu Ban Duyệt Xét Dự Án và đưa ra nhận xét của ông. Nay ông nhờ TiVi Tuần-san đăng bài tóm tắt này để phổ biến cho đồng hương tường, nguyên văn như sau:

Thay mặt BTC xin hết lòng cám ơn quý đồng hương đã hy sinh thời giờ quý báu đến đây tham dự thật đông đủ. Sự hiện diện của quý vị nói lên rằng quý vị rất quan tâm đến dự án Trung Tâm Văn Hóa Việt Úc và Bảo Tàng.

Trước khi tóm tắt những điểm chính mà Tiểu Ban Duyệt Xét về việc thực hiện Dự Án Trung Tâm Văn Hóa và Bảo Tàng đã trình bày với đồng hương trong hai buổi thuyết trình ngày 15/1 và 19/2 vừa qua, xin phép được nhắc đến kỳ bầu cử Cộng Đồng vào tháng 9 năm ngoái để thấy được nguyện vọng của số đông đồng hương.

Liên Danh Phục Hồi và Phát Triển với chủ trương xây dựng Viện Bảo Tàng (VBT) bằng mọi giá chỉ đạt được không tới 30% số phiếu của cộng đồng. Hơn 70% cử tri ủng hộ Liên Danh Xây Dựng & Phát Triển đã gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Tân BCH rằng đồng hương rất quan tâm đến việc ai thực sự làm chủ Dự án: Cộng Đồng hay công ty VBT? Và Dự án sẽ xây dựng cái gì để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng?

Hội Đồng Cố Vấn & Giám Sát cũng nhận định rằng lấy lại Dự án sẽ vực dậy niềm tin của đồng hương đối với Cộng Đồng. Nếu không thành công sự phân hóa trong cộng đồng càng ngày càng trầm trọng hơn, có nguy cơ gây rạn nứt và đổ vỡ. Đó cũng là lý do mà Tiểu Ban Duyệt Xét ra đời.

Sau đây là tóm tắt hai buổi thuyết trình của Tiểu Ban Duyệt Xét nhằm giúp những ai không tham dự có một cái nhìn đầy đủ.

Việc xét duyệt Dự án

Ngay khi nhận trách nhiệm với Cộng Đồng, Luật sư Nguyễn Tân Hải cho biết Tiểu Ban Duyệt Xét đã nộp Caveat đến Thành Phố  Maribyrnong để ngăn chặn việc hoàn tất mua bán miếng đất để xây dựng VBT mà không có ý kiến của VCA-VIC (Cộng Đồng Người Việt Tư Do Tiểu bang Victoria) bởi vì VCA-VIC chính thức là chủ nhân của Dự án. Tiểu Ban cũng cho biết nguyên thủy của Dự án được chính phủ tiểu bang tài trợ cho Cộng Đồng có tên gọi là Trung Tâm Văn Hóa & Bảo Tàng người Úc gốc Việt (Australian Vietnamese Cultural Centre and Museum), nhưng bà Nguyễn Phượng Vỹ và ông Nguyễn Thế Phong đã phù phép biến thành công ty VMA (Vietnamese Museum Australia Ltd)?

Tiền tài trợ của chính phủ Victoria, khởi đầu là dành cho CĐNVTD Vic để thực hiện Dự Án, đã bị thay đổi, nay biến thành dành cho Ct VMA. Việc thay đổi này được thực hiện qua nhiều bước, trong nhiều giai đoạn phức tạp. Việc tìm kiếm nguyên do khởi đầu từ đâu, đã xảy ra thế nao để dẫn đến kết cuộc như hôm nay là công việc của Tiểu Ban Duyệt Xét đã và đang làm trong thời gian qua.

Ông Lê Đình Anh thứ nhất từ phải của hàng ghế đầu trong buổi thuyết trình ngày 19.3.2023. Hình: TVTS

Để xác định lại ý muốn của đồng hương, ngay trong buổi đầu ra mắt của Tiểu Ban, Nha sĩ  Đinh Hiếu đã đặt hai câu hỏi:…

1/ Quý vị nào muốn DỰ ÁN thuộc quyền sở hữu của cộng đồng/ CĐNVTD  Úc Châu xin đưa tay lên?

2/ Quý vị nào muốn DỰ ÁN thuộc quyền sở hữu của công ty VMA xin đưa tay lên?

Khi được hỏi ý kiến hầu hết đồng hương có mặt đều tán thành việc CĐ phải là sở hữu chủ của dự án.

Tiểu Ban DX cũng cho biết ông Nguyễn Văn Bon, cựu Chủ Tịch CĐ niên khóa 2019-2022 đã ký chuyển giao dự án Trung Tâm Văn Hóa & Bảo Tàng người Úc gốc Việt sang cho công ty VMA là bất hợp lệ vì không tuân thủ Nội Quy CĐ.

Trích điều 11.2- Tất cả mọi hình thức thế chấp, sang tên hay mua bán bất động sản của Cộng Đồng chỉ được thực hiện nếu có sự đồng thuận của trên 3/4 thành viên hiện diện tại Đại Hội Thường Niên hoặc Đại Hội Bất Thường.

Tiểu Ban DX cho biết thêm việc bà Nguyễn Phượng Vỹ, cựu CT CĐ đã đưa Chương 6 về Viện Bảo Tàng vào bản Tu Chính Nội Quy Cộng Đồng trong buổi họp khoáng đại vào năm 2019 là hoàn toàn bất hợp lệ vì chỉ có 12 người tham dự

Buổi Thuyết Trình 2: Ai làm chủ?

Để làm rõ vấn đề về dự án Trung Tâm Văn Hóa & Bảo Tàng người Úc gốc Việt, tên gọi ban đầu khi nhận được tiền tài trợ của chính phủ tiểu bang Victoria lại biến thành công ty VBT, tiểu ban đã mời ba vị cựu CT CĐ Nguyễn Thế Phong, Nguyễn Phượng Vỹ & Nguyễn Văn Bon đến tham dự để trả lời những thắc mắc của đồng hương và làm sáng tỏ về dự án VBT nhưng đáng tiếc đã không nhận được được sự hợp tác.

Ông NTP từ chối thẳng không hợp tác. Bà NPV và ông NVB không muốn hợp tác trực tiếp với Tiểu Ban, chỉ muốn ra gặp mặt nói chuyện trước đồng hương. BCH CĐ sẽ tổ chức một buổi họp trong thời gian sắp tới để đồng hương có cơ hội chất vấn 2 vị cựu chủ tịch này. Du là có hay không có sự hợp tác của các cựu Chủ Tịch, Tiểu Ban vẫn có thể tìm được những hồ sơ bằng chứng để giải đáp sự quan tâm của đồng hương.

NS Đinh Hiếu xác nhận rằng cho đến thời điểm này Công ty VMA là chủ của dự án VBT. Sau này, nếu Công ty VMA mua được đất ở Footscray, và “giữ” tiền tài trợ của chính phủ để xây, thì toàn bộ “cơ sở của viện bảo tàng” sẽ do Công ty VMA làm chủ. Quyền định đoạt lên số phận của toàn bộ cơ sở của viện bảo tàng, sẽ do Ban Quản Trị của Công ty VMA nắm giữ. Cứ cho rằng đại diện CĐ Liên Bang và CĐ Victoria có là thành viên sáng lập (founding member) đi chăng nữa thì quyền quyết định vẫn chỉ là thiểu số 2/11.

Cử tọa chăm chú theo dõi những hình ảnh, tài liệu, chứng từ mà Nha sĩ Đinh Hiếu thu thập, trình bày trên màn ảnh và giải thích. Hình: TVTS

Thấy đươc viễn ảnh: toàn bộ cơ sở, toàn bộ tiền tài trợ của chính phủ, toàn bộ tiền đóng góp của đồng hương, toàn bộ kỷ vật và tài sản trí tuệ của cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn nằm trong quyền kiểm soát của một nhóm người trong BQT, nhưng không do “chúng ta” bổ nhiệm, liệu chúng ta có tiếp tục ủng hộ, hoặc tiếp tục thực hiện để đi đến kết cục hoàn thành dự án này hay không? Đồng hương chắc đã có câu trả lời.

Là những người tỵ nạn cộng sản, không ai trong chúng ta lại không muốn được nhìn thấy một viện bảo tàng của người Việt tỵ nạn, nơi trưng bày những chứng tích tội ác của cộng sản đối với đồng bào, nơi lưu giữ những di sản của Việt Nam Cộng Hòa, nơi trưng bày những chứng tích của hành trình vượt biển tìm tự do, nơi để cho thế hệ con em chúng ta hãnh diện với quá khứ cha ông của chúng.

Câu hỏi được đặt ra là: chúng ta muốn Viện Bảo Tàng được hình thành và xây dựng bởi Cộng Đồng Người Việt Tự Do, cơ cấu chính danh đại diện cho đồng bào, Viện Bảo Tàng là của CĐ và do CĐ làm chủ, hay là Viện Bảo Tàng được xây dựng và làm chủ bởi một công ty tư nhân, trong đó có sự đóng góp của tất ca chúng ta, có sự đóng góp từ chính phủ bằng tiền thuế của chính chúng ta?

Để truy tìm căn nguyên vì sao dự án Trung Tâm Văn Hóa & Bảo Tàng lại biến thành công ty VMA, Tiểu ban đã liên lạc với công ty PwC, công ty cố vấn mà cô Nguyễn Tú Anh là luật sư làm việc, để đòi công ty cung cấp những chứng từ quan trọng. Diễn tiến mới nhất ra sao LS Nguyễn Tân Hải  sẽ trình bày đầy đủ hơn trong phần tường trình cuối cùng này.

Ông Lê Đình Anh (góc trái) mời đại diện Cộng Đồng trao quà tặng cho Luật sư Nguyễn Tân Hải và Nha sĩ Đinh Hiếu sau buổi thuyết trình cuối cùng. Hình: TVTS

Thay mặt cho đồng hương xin chân thành cám LS Nguyễn Tân Hải & NS  Đinh Hiếu đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để giúp  mang lại công lý, sự thật, công bằng cho đồng hương đối với những tài sản thuộc quyền sở hữu của Cộng Đồng NVTD Vic.

Từ khi nhận làm thiện nguyện trong Tiểu Ban Duyệt Xét, LS Hải đã là mục tiêu tấn công của một số người thuộc VBT. Họ tạo dư luận bàn tán cáo buộc LS NTH đã về VN làm việc với CS và phản bội Cộng Đồng? Nhưng khi yêu cầu đưa ra bằng chứng về những lời cáo buộc trên thì tất cả đều không trả lời được mà chỉ nói vu vơ. Là người đã sinh hoạt với CĐ trong suốt hơn 40 năm qua, cá nhân chúng tôi biết rất rõ. Năm 1991 khi được văn phòng LS Philip Fox cử về Việt Nam làm việc 2 năm, LS NTH đã từ chức CTCĐ vào ngày 10/11/1990 với lý do rất rõ ràng vì có sự mâu thuẫn giữa việc làm và Cộng Đồng nên LS Hải đã quyết định: “chọn công việc”.

Trong suốt thời gian làm việc ở VN và từ khi trở về Úc đến giờ, gần 30 năm qua, chưa bao giờ LS Hải có bất cứ lời nói và hành động nào đi ngược lại với lý tưởng quốc gia, làm tổn hại đến CĐ. Điều duy nhất LS Hải làm tổn hại la nhóm lợi ích VBT và nhóm người khuynh loát CĐ suốt hơn 20 năm qua. LS NTH không chống cộng ồn ào nhưng những bài bình luận chính trị trên báo TiVi Tuần San online đủ để chứng minh lập trường chính trị của ông. Ông đã trở thành mục tiêu tấn công của nhóm người thuộc VBT vì ông đã đóng góp khả năng chuyên môn của mình để đòi hỏi quyền lợi cho Cộng Đồng. Một lần nữa, chúng tôi xin cám ơn LS Nguyễn Tân Hải.

Chỉ có Ban Chấp Hành CĐ mới là chính danh, hợp pháp đại diện cho Cộng Đồng Người Việt nhận trách nhiệm điều hành dự án. Chỉ có BCH CĐ làm chủ dự án thì đồng hương mới tin tưởng hết lòng ủng hộ. Tôi tin rằng công lý, sự thật, và lẽ công bằng cuối cùng sẽ được trả lại cho Cộng Đồng. Những ai đã làm sai, nếu không thực tâm dừng lại, hồi tâm trở về với Cộng Đồng chắc chắn sẽ bị mang ra ánh sáng.

Lê Đình Anh