Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến phi trường Nội Bài chiều Chủ Nhật 10/9/2023. Xe ông Biden tới thẳng Phủ Chủ tịch nơi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang chờ sẵn để đón tiếp một cách long trọng nhất. Không thấy có Chủ tịch Nước đón Tổng thống Mỹ như trước đây theo nghi thức ngoại giao thông thường. Bởi trên thực tế, Tổng Bí thư đảng CSVN mới là… quốc trưởng! Ông Trọng mời chứ không phải ông Võ Văn Thưởng hay ông Phạm Minh Chính.
Hai ngày trước, trả lời báo điện tử Chính Phủ,Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói: “Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam trong vài ngày tới là một chuyến thăm rất đặc biệt với những lý do sau: Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam… Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam”.
Người dân Việt Nam đứng hai bên đường nhìn xe Tổng thống Mỹ từ phi trường đến Phủ Chủ tịch. Thế giới cũng theo dõi, xem quan hệ hai nước sẽ nâng lên mức nào, trên danh xưng cũng như thực chất.
Điều đáng chú ý, người ta không thấy ông Thưởng và ông Chính trong dịp này, chỉ thấy ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm đứng gần ông Trọng khi TT Biden bước xuống xe và sau đó đứng dưới khán đài trong khi lễ đón tiếp diễn ra.
Chiều 10/9, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội, lễ đón chính thức diễn ra tại Phủ Chủ tịch. Bộ trưởng Tô Lâm đứng hàng sau bên phải. Hình: VTCNews
Báo điện tử etivituansan phát hành ngày 6/9 có bài xã luận như sau:
Quan hệ Việt-Mỹ sẽ nâng lên tầm cỡ nào?
Năm 1975, Hà Nội không tôn trọng Hiệp định Paris, cưỡng chiếm Miền Nam, giam cầm đày đọa hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa không xét xử, cưỡng bức người dân Miền Nam về vùng kinh tế mới, tịch thu tài sản và xua đuổi người Hoa khỏi nước, đàn áp người dân Miền Nam khiến họ phải vượt biên tìm tự do làm hàng trăm ngàn người chết trên biển cả, khiến thế giới phải xúc động mở rộng tay đón người tị nạn được gọi là thuyền nhân hay boat people.
Hà Nội tưởng rằng Mỹ sẽ bồi thường chiến tranh, nhưng ngược lại, Hoa Thịnh Đốn đã không những chẳng viện trợ nhân đạo mà còn trừng phạt Hà Nội bằng cách cấm vận nhà nước cộng sản này khiến VN trong một thời gian dài trở thành một trong 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Điển hình là người dân phải ăn bo bo, một loại thực phẩm người dân Miền Nam chưa bao giờ nghe, nhưng được nhà văn miền Bắc Dương Thu Hương cho rằng đó là thực phẩm dành cho ngựa ăn mà thôi.
Khác với các nước Tây phương dân chủ, phải đợi đến 20 năm sau Hoa Kỳ mới thiết lập bang giao với CHXHCN Việt Nam, mở đường cho nhà nước CSVN ký hiệp định thương mại song phương, rồi chấp thuận quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đối với cựu thù địch. Từ đây các ông nón cối, nón tai bèo, cán ngố ốm tong teo (đu cành đu đủ không gãy, cách nói dân gian Miền Nam) bắt đầu trở thành người văn minh giàu có và chảnh hơn, biet mặc vét-tông, ăn món lạ (như dát vàng) và bụng trở nên bự hơn, sánh vai với lãnh tụ các nước văn minh trên thế giới.
Năm 2000, ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức đến thăm Việt Nam Cộng Sản. Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được Tổng thống Barack Obama mời thăm chính thức HK và hai nước đồng ý nâng quan hệ Việt-Mỹ lên “đối tác toàn diện”, mở đầu cho một quan hệ đầm ấm. Đặc biệt, năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm chấm dứt chiến tranh VN, TT Obama mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm HK và đón tiếp Trọng ở Tòa Bạch Ốc. Đây là lần đầu tiên và cho đến hôm nay, một tổng bí thư đảng cộng sản được đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc, một sự kiện mà cả Tập Cận Bình cũng không được hưởng khi Trump mời đến thăm HK, bởi với Mỹ, người đứng đầu đảng không phai là nguyên thủ quốc gia. Dịp đó, Phó TT Joe Biden đã có dịp làm quen với Trọng và giờ đây hầu như Biden coi Trọng là một “quốc trưởng” hay hơn thế nữa, người có quyền uy tuyệt đối mà một tổng thống Mỹ có thể nói chuyện và đưa ra nghị trình mà VN có thể chấp nhận hay bác bỏ.
Cách đây một tuần, Tòa Bạch Ốc thông báo tổng thống Mỹ sẽ chính thức thăm Việt Nam vào ngày 10/9 và sẽ gặp Nguyễn Phú Trọng. Trước đó Biden tự tin nói lãnh đạo VN muốn gặp ông và qua chuyến đi này, quan hệ hai nước sẽ nâng lên một tầm cao hơn. Người ta đang bàn tán liệu dịp kỷ niệm 10 năm hai nước đang có quan hệ “ đối tác toàn diện” sẽ nâng lên mức thông thường là “đối tác chiến lược”, hay sẽ “nhảy lớp” nâng lên tầm “chiến lược toàn diện” ngang hàng với Trung Cộng (vào năm 2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Đại Hàn (2022)?
Do dù ở cấp nào đi nữa, hai nước sẽ có quan hệ sâu sắc hơn bởi cả hai đều cần nhau để đối đầu với Trung Cộng. VN vẫn tiếp tục đi hàng hai, bởi họ cùng chung ý thức hệ với TC và bị “lời nguyền địa lý”. Biden gặp Trọng, Mỹ Việt đều có lợi, nhưng giấc mơ dân chủ cho VN sẽ còn xa hơn nữa!