Từ việc phạt hành chính những người dân bàn luận về cái chết của Tổng bí thư đến việc gia tăng yêu cầu Facebook hạn chế những bài viết trái chiều, Chính phủ Việt Nam tăng cường đàn áp những tiếng nói phản biện trước khi cử hành quốc tang cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Bộ 4T yêu cầu Facebook chặn hiển thị bài viết ở Việt Nam
Ngay ngày 19/7, chỉ ít lâu sau khi truyền thông nhà nước Việt Nam công bố người đứng đầu đảng cầm quyền trong 13 năm qua đã qua đời, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên viết bài mang tựa đề “Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại được đặc cách chờ lịch sử phán xét?”.
Trong bài viết trên Facebook cá nhân, người cùng gia đình đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, khẳng định “Không cần chờ đến lịch sử, nhân dân Việt Nam được quyền phán xét ông ngay lập tức.”
Trước đó một ngày, bà cũng viết một bài nhận định về việc ông Tô Lâm phải kiêm nhiệm hai chức sau khi ông Trọng qua đời, trong đó có nhắc lại việc ông này ăn món thịt bò dát vàng tại một nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn năm 2021 khi còn làm Bộ trưởng công an.
Ngày 22/7, bà nhận được thông báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh từ Facebook về hai bài viết trên với nội dung “Bài viết của bạn không hiển thị tại Việt Nam” vì “Chúng tôi nhận được yêu cầu từ Vietnam Ministry of Information and Communications (Bộ Thông tin và Truyền thông- Bộ 4T- PV) đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết của bạn.”
Đưa ra lời giải thích về quyết định trên với tài khoản của bà Phạm Thanh Nghiên, công ty con của Meta nói đã “đánh giá yêu cầu pháp lý trước khi hành động theo yêu cầu pháp lý hoặc yêu cầu của chính phủ” và đã “tính đến các tác động về nhân quyền.”
Facebook khuyến nghị bà Nghiên liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nếu có bất kỳ câu hỏi nào.
Bà Phạm Thanh Nghiên từng bị án bốn năm tù giam sau khi tọa kháng ở nhà với biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Nhiều Facebooker bị phạt tiền, có người bị công an đánh
Sau khi ông Trọng qua đời, nhiều người dùng ở Việt Nam bày tỏ niềm tiếc thương ông trên mạng xã hội Facebook, bên cạnh đó cũng không ít tiếng nói chỉ trích những việc ông đã làm và chưa làm được trong thời gian ông tại thế.
Song song với đàn áp trực tuyến xuyên biên giới, nhà chức trách Việt Nam trừng phạt những người ở trong nước dám có tiếng nói trái ngược với chế độ.
Truyền thông nhà nước dẫn nguồn từ công an thành phố Hồ Chí Minh đưa tin sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, trong những ngày qua phát hiện một số đối tượng trong và ngoài nước sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng tải những thông tin bị cho “thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc; công kích phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”
Báo chí nhà nước cũng đưa tin trong hai ngày 20/7 và 21/7, Phòng Phòng An ninh mạng & Phòng/Chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP HCM đã áp dụng mức phạt hành chính 7,5 triệu đối với ba người vì đăng tải nhiều bài viết có nội dung nêu trên, và buộc họ viết cam kết không tái phạm.
Một nhà hoạt động ở TPHCM không nêu danh tính vì lý do an toàn cho hay, ông vừa bị công an triệu tập lên đồn để làm việc về bài viết trên trang cá nhân bày tỏ sự bất bình về chuyện nhà nước ra lệnh phải “than khóc” đối với ông Trọng ở khắp nơi.
Ông cáo buộc trong quá trình làm việc, một số viên an ninh đã đánh và ép ông phải thừa nhận trang Facebook cùng bài viết của mình nhưng ông phủ nhận và từ chối ký tên. Trước khi cho người này về, công an nói sẽ triệu tập làm việc tiếp.
(Bản tin trích từ RFA)