(TiVi Tuân-san) – Người Việt tị nạn cộng sản sau năm 1975 và những thân nhân của họ được đoàn tụ vào đầu thập niên 1980 sinh hoạt trong Cộng đồng Người Việt Tự do Úc châu (gọi tắt là Cộng đồng) nói chung và ở Tiểu bang Victoria nói riêng, có mấy ai biết được cơ cấu tổ chức của Cộng đồng mình? Bao nhiêu người biết Cộng đồng mình có Nội quy và thấy Nội quy đó?
Họ sinh hoạt bởi vì cùng chung một chí hướng và tình cảm: Là người tị nạn trốn chạy khỏi chế độ cộng sản, ở nơi xứ lạ tình đồng bào, đồng hương đã nối kết họ với nhau để tương thân tương ái và duy trì một cộng đồng với tôn chỉ chống lại chủ nghĩa cộng sản, tranh đấu cho tự do và dân chủ cho đất nước còn lại bên kia bờ đại dương trong khả năng của mình. Đã có những người trở về và hy sinh tính mạng, bị bắt và bị tử hình hay tù đày. Và vẫn còn những người tranh đấu bền bỉ, công khai hay âm thầm.
Cộng đồng Người Việt Tự do từ khởi đầu được thành lập có tôn chỉ bao gồm một vài mục tiêu như nói ở trên, cho nên không lấy làm lạ những cuộc biểu tình chống nhà nước cộng sản Việt Nam từ đầu thập niên 1980 thường do Ban Chấp hành Cộng đồng tổ chức và lãnh đạo. Cũng bởi vì tôn chỉ đó mà Cộng đồng đã không xin được những ngân quỹ của chính phủ để hoạt động như các hội đoàn, tổ chức an sinh xã hội khác, mặc dầu trên thực tế Cộng đồng đã giúp đỡ cho rất nhiều người về mặt an sinh xã hội bao gồm cả việc giúp đỡ một số người xin được tư cách tị nạn khi đến đây.
Bởi vậy, trên danh nghĩa chính thức, Cộng đồng cũng chỉ là một hội đoàn (association) dù có nhiều người tham gia và quy tụ vài chục hội đoàn hoạt động bên cạnh như một thành viên (affiliated). Đó là một thực tế và được các thành viên -dù cá nhân hay hội đoàn chấp nhận cho đến ngày hôm nay.
Cộng đồng NVTD không phải là một quốc gia
Nhưng Cộng đồng không phải là một quốc gia để hoạt động “một cách dân chủ” với tam quyền phân lập. Cộng đồng cũng không thể hoạt động như một nước Việt Nam thời Đệ nhị Cộng hòa trong đó ngành Tư pháp, ngoài Tối cao Pháp viện, còn có Giám sát viện để kiểm soát tài sản và chế tài cả tổng thống lẫn thủ tướng và các bộ trưởng v.v… nhưng trong thực tế, viện giám sát này đã chẳng làm gì được họ.
Bởi vậy mới có phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh vào năm 1974 với mục tiêu tốt nhưng lại góp một tay vào giai đoạn cực kỳ khó khăn nhất của Miền Nam trước cảnh thù trong (những người chống Mỹ và chế độ VNCH, những thành phần thứ ba, nằm vùng) và giặc ngoài (Mặt Trận Giải phóng Miền Nam và chủ của họ là Cộng sản Bắc Việt) để nhanh chóng làm sụp đổ nền Đệ nhị Cộng hòa vào ngày 30.4.1975.
Những ai cho rằng tổ chức hay hội đoàn của họ có vài chục hội viên mà vẫn có Ban Giám sát là nói ngoa hay chỉ là sự bày vẽ để có chức tước mà tự sướng, nói như ngôn ngữ hiện nay. Hay nói rõ ra, hám hư danh!
Chẳng biết Hội đồng Cố vấn và Giám sát (gọi tắt là Hội đồng hay Hội đồng CV&GS) của các Cộng đồng Người Việt Tự do có từ lúc nào bởi chẳng mấy ai quan tâm vai trò Hội đồng này.
Nghe nói, nó hình như được thành lập từ thập niên 1990 mà người am tường “chuyện dài Cộng đồng” cho rằng Hội đồng được lập ra để phân chia quyền hành giữa các nhóm, tạo ảnh hưởng hay kiểm soát lẫn nhau, gọi là giám sát. Cứ xem các vở bi hài kịch hội họp tố cáo nhau trong một năm qua, Hội đồng Giám sát này ra vẻ nằm trên Ban Chấp hành với quyền lực tuyệt đối như Bộ Chính trị đối với Chính phủ của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Chức cao thì quyền phải lớn?
Trên thực tế, các Hội đồng chỉ có cái tên, chẳng làm gì ngoài việc chủ tịch được xướng danh và ngồi ghế trên trong các buổi họp hay hoạnh hoẹ trực tuyến như hiện nay. Trong khoảng 20 năm qua, Hội đồng này đã không làm được việc gì khi có tranh chấp, nếu không muốn nói là tê liệt. Có cái tên mà chẳng có quyền gì, nói chẳng ai nghe, dọa dẫm chẳng ai ngán.
Tình trạng này đã xảy ra ở Tiểu bang New South Wales và đang xảy ra ở Tiểu bang Victoria. Nên chẳng lạ, một trong những người đóng góp vào việc thành lập tổ chức Cộng đồng Người Việt Tự do là ông (cựu luật sư, cựu giám đốc SBS Radio) Lưu Tường Quang trong cuộc bầu cử Hội đồng CV&GS New South Wales vừa qua, đã nói rằng từ nay Hội đồng CV&GS hãy thôi đóng vai trò giám sát mà chỉ làm cố vấn khi có yêu cầu để Ban Chấp hành làm việc.
Ban Chấp hành Cộng đồng ở Victoria không quan niệm như ông Lưu Tường Quang mà đã bắt tay thành lập Ban Tu chính Nội quy, hoạt động độc lập, để làm nội quy mới cho thích hợp với tình hình mới, chỉ giữ lại Ban Cố vấn và thêm Hội đồng Hòa giải mỗi khi cần xin ý kiến hay làm trọng tài nếu có tranh chấp. Trong khi đó, báo TVTS đã vài lần trong các bài bình luận, đề nghị hãy dẹp luôn cả cái Hội đồng CV&GS để dễ làm việc, vì tốn thì giờ cãi cọ mà chẳng đi đến đâu, dọa đưa nhau ra các cơ quan công quyền hay tòa án (tốn tiền lắm, không dễ đâu).
Giám sát hay bám sát phá hoại?
Hội đồng CV&GS hiện nay chẳng làm được việc gì ngoài kiên trì bám sát để gây khó khăn cho Ban Chấp hành trong khi Ban Chấp hành phải làm biết bao công việc từ xã hội, văn hóa đến các hoạt động như biểu tình, ngăn chặn sự xâm nhập và phá hoại của cộng sản và liên hệ với các cấp chính quyền, từ địa phương đến tiểu bang, liên bang như họ đang làm hiện nay.
Nếu trong phiên họp khoáng đại lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật 4.8.2024 tại Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng ở số 90 Knight Avenue, North Sunshine mà bản Tu chính Nội quy 2024 được thông qua, thì đấy là một may mắn cho các đồng hương, cho Ban Chấp hành hiện tại và các Ban Chấp hành tương lai, vì sẽ không còn bị Hội đồng CV&GS cứ bám theo giám sát hay bị người khác xúi giám sát ngày đêm, bất cứ lúc nào với phương tiện mạng xã hội hiện nay.
Nếu Tu chính Nội quy không được thông qua với trên 75% số phiếu, Ban Chấp hành vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi bầu lại vào khoảng tháng 9 năm 2025.
Và một Ban Chấp hành mới sẽ rất có nguy cơ bị Hội đồng CV&GS mới moi móc đủ thứ chuyện và giải thích nội quy theo ý họ để truất phế, bởi như người ta thường nói, người Việt hay chia rẽ, không làm việc chung với nhau được.
Một số người chẳng biết mô tê gì về luật lệ mà phán như một nhà lập pháp chính hiệu, giải thích các điều lệ rườm rà, chồng chéo nhau của nội quy Cộng đồng như một luật gia hiến pháp.
Xe hư nặng, phải sửa
Một tổ chức cần làm việc có thực chất chứ không cần cái hư danh như “Hội đồng CV&GS” nghe kêu to như cái thùng rỗng, tưởng rằng chức vụ này như ông vua bà chúa hay cỡ tổng bí thư. Hữu danh vô thực thì giữ làm gì!
Hội Cộng đồng NVTD (association) không phải là một quốc gia (nation). Mà một quốc gia có lúc Hiến pháp cũng phải tu chính đấy! Chiếc xe Hội đồng Cố vấn & Giám sát đã hư, nặng đến độ không chạy được thì phải tu sửa, bỏ giám sát, chỉ giữ cố vấn và thêm hội đồng hòa giải khi cần.
Hãy kiên nhẫn đợi đến tháng 9 năm tới. Vẫn còn thời gian để tu chính Nội quy thêm một lần nữa nếu có liên danh khác ra tranh cư, hay hủy bỏ nó (như liên danh hiện nay đã dẹp Nội quy 2019) để trở về với Nội quy 2012, và vẫn tiếp tục là một cộng đồng chia rẽ, từ thế hệ này đến thế hệ khác trong thoáng 50 năm.
Buồn thay!
(Trích báo điện tử www.etvts.com.au phát hành Thứ Tư 24/07/2024)