Cuộc chiến đòi đất đến hồi quyết liệt: Nhà nước cảnh cáo TGM Ngô Quang Kiệt và gọi bằng “ông”.

21 Tháng 9, 2008 | Tin Việt Nam

 








Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt (đứng) phát biểu tại trụ sở UBND Hà Nội ngày 20.9.08

(TH) Hôm qua, Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã tới trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề trình bày về vấn đề đất đai của giáo hội, đặc biệt là vấn đề Tòa Khâm Sứ cũ, sau khi nhà nước cho xe ủi đất tới san bằng để trồng cây xanh, xây thư viện.


Sau đây là nguyên văn bài phát biểu của Đức cha Ngô Quang Kiệt:


Tôi hết sức cám ơn ông Chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà nội cũng như là tất cả các ban ngành trong Thành Phố Hà nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp xúc vừa trân trọng vừa cởi mở và chân tình.


Những lời ông Chủ tịch nói kết thúc thật là đẹp và tất cả chúng ta ai cũng mong muốn, thật ra có một sự hài hoà trong cái khối đoàn kết thống nhất.


Tuy nhiên muốn có cái hài hoà trong cái mối thống nhất thì đâu chỉ có cái tình mà phải có lý nữa, tục ngữ pháp có nói rằng: những cái tính toán nó đúng mực nó mói là những người bạn tốt được. Muốn bạn tốt với nhau cũng phải tình lý phân minh chứ không phải chỉ có tình mà thôi. Chính vì thế tôi cung xin có một vài lời cuối cùng trước những lời kết thúc của ông Chủ tịch.

Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel…


Chúng ta phải công nhân trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng.


Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”.

Cái thứ hai, ông chủ tịch có nói mọi cư xử phải vừa dựa trên pháp luật và cũng phải trên tình người, và công dân. Cái điều đó tôi rất đồng ý, rất là tâm đắc. Tuy nhiên trong cái thực chúng ta phải làm như thế.


Đó về phương diện pháp luật chúng ta phải làm theo pháp luật, thì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý. Ông chủ tịch có nói rằng: đất đai thì nó từ ngàn xưa không biết nguồn gốc từ đâu mà đến thời Giáo Hội Công Giáo thì lại được trao cấp cái đó thì chúng tôi công nhận cái đó.


Thế nhưng ít ra khi cấp như thế người ta có một mảnh giấy công nhận là đây được cấp. Và đến thời chính quyền sau có thể thay đổi, nhưng phải có giấy tờ để chứng minh cái sự thay đổi (và không ai có thể thay đổi được là làm sao?).


Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó. Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thut trao cho cơ quan nào… hoàn toàn không có.


Thực ra có thể nói việc quản lý của cơ quan nào đó là chưa có hợp pháp, trên cái căn bản là chúng ta phải có giấy tờ, chứ bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi rồi ngang nhiên ở đó rồi không có giấy tờ gì hết và họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao?! Phải có giấy tờ, cần có văn bản pháp lý.


Thế thì về vấn đề pháp luật thì vấn đề đất 42 chúng tôi chưa hai lòng với câu trả lời của ông. Chúng ta phải sống theo pháp luật, thì phải có văn bản giấy tờ của chính quyền. Thời chính quyền này có thể thay đổi, chính quyền sau có thể thay đổi nhưng phải có giấy tờ văn bản rõ ràng. Chúng tôi thấy đất 42 chưa có cái văn bản đó.

Cái vấn đề thứ hai, ông chủ tịch có nói rai ngoài vấn đề pháp lý, chúng ta phải cư sử theo tình người, nguyện vọng của người dân thì chúng tôi thấy vẫn chưa được: biết bao nguyện vọng chúng tôi nêu lên, ít nhất là qua 15 lá đơn của Toà Tổng Giám mục Hà nội và hội đồng Giám Mục bao nhiêu lần nữa, nguyện vọng chúng tôi về cái đất đó gắn bó với chúng tôi nó gần gũi với chúng tôi.


Nguyện vọng thật là chính đáng nhưng không bao giờ được giải quyết cả. Cho nên có thể nói đó cho chúng tôi thấy cái lý thuyết, nguyên tắc ông chủ tịch đưa ra rất hay nhưng chưa thực hiện được, nguyện vọng cũng như pháp lý.

Chúng tôi không chanh chấp với nhà nước. Bằng chứng đó là, như ông chủ tịch có nói đó, trong tờ kê khai của linh mục Nguyên Tùng Cương, lúc đó là quản lý tòa Tổng Giám Mục, có 95 cơ sở. Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung.


Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Xanh Pôn chúng tôi không bao giờ giám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi giám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung.


Nhưng khách sạn Láng Hạ chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh. Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước.


Nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý. Bằng chứng cái trường Hoàn Kiếm bên cạnh, chúng tôi có bao giờ dám đòi đâu. Bởi vì nó phục vụ lợi ích chung, các bệnh viện nó phục vụ lợi ích chung. Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc.

Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả.


Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. (TVTS nhấn mạnh bằng ghi đậm)


Thế nhưng chúng ta không phải chỉ có tình cảm mong muốn là được mà phải có lý luận xây dựng thật là vững chắc trền nền tảng pháp lý.


Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội dã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác thì chúng tôi thấy hy vọng như thế chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho Thành Phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển.

Tôi xin cám ơn.


Câu nói “chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”  trong bài phát biểu của Đức cha Kiệt đã bị báo chí nhà nước chỉ trích nặng nề và người ta không lấy làm lạ  khi ngày hôm nay, 21.9.08, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đã có


Kính gửi ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội


Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã nhiều lần có đơn đòi lại nhà đất tại 42 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, trước đây là phòng Văn hóa – thể thao, Nhà văn hóa, Trung tâm thể dục – thể thao quận Hoàn Kiếm. Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang thi công xây dựng công trình công viên cây xanh, thư viện, phòng đọc phục vụ nhân dân.


Đơn đòi lại nhà đất của Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã được các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết và trả lời bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật.


Các văn bản giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều nêu rõ: căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc đòi lại nhà đất tại số 42 phố Nhà Chung là không có cơ sở để giải quyết.


Tuy nhiên, nếu Hội đồng giám mục Việt Nam có nhu cầu sử dụng đất chính đáng thì Nhà nước sẽ xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thực tế UBND Thành phố đã giới thiệu 3 khu đất để Hội đồng giám mục Việt Nam lựa chọn để xây dựng dự án theo đúng quy định của pháp luật.


Tuy nhiên, Tòa Tổng giám mục Hà Nội không quan tâm và nói rõ quan điểm là đòi đất chứ không xin đất của nhà nước nên không thực hiện việc này.


Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố xảy ra một số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến khiếu nại đòi đất có nguồn gốc tôn giáo.


Cụ thể: từ ngày 18/12/2007 đến ngày 08/01/2008, nhiều giáo sỹ, giáo dân thuộc giáo phận Hà Nội đã tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, đẩy đổ cổng sắt, đánh bị thương bảo vệ, dựng tượng, thánh giá tại khu nhà đất 42 Nhà Chung.


Ngày 15/08/2008, tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, một số giáo dân giáo xứ Thái Hà đã đập phá tường rào của Công ty cổ phần may Chiến Thắng vào chiếm đất, chặt cây, đặt tượng Đức mẹ, dựng thánh giá. Linh mục giáo xứ Thái Hà và giáo dân thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp trên khu đất đã chiếm.


Trước những sự việc trên, với trách nhiệm, cương vị là Tổng giám mục giáo phận Hà Nội, ông đã không những không thực hiện đúng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, phối hợp với chính quyền các cấp vận động, khuyên bảo các giáo sỹ, giáo dân chấm dứt các hoạt động vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp tham gia kích động, lôi kéo, khuyến khích bằng các bài trả lời phỏng vấn, thư hiệp thông, các văn bản của Tòa Tổng giám mục do ông ký có nội dung xấu, xuyên tạc sự thật đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài.


Đặc biệt trong thời gian gần đây, ông đã cố tình không chấp hành đúng luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công khai đến khu đất chiếm dụng trái phép để cùng một số giáo sỹ, giáo dân tổ chức các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.


Đồng thời, ủng hộ việc kích động, kêu gọi các giáo sỹ, giáo dân ở các địa phương khác trong cả nước tập trung đông người tại giáo xứ Thái Hà nhằm gây áp lực với chính quyền, đòi lại đất.


Bằng những hành vi nêu trên, ông đã thể hiện rõ ‎ý đồ lợi dụng việc vi phạm pháp luật tại giáo xứ Thái Hà để tạo dư luận tác động đến việc đòi lại đất tạ 42 Nhà Chung.


Tiếp theo các hành vi trên, ngày 19/9/2008, nhân danh Tòa Tổng giám mục Hà Nội, ông đã ký‎ “Đơn khiếu nại khẩn cấp” gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ với những nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo chính quyền, coi thường pháp luật, thách thức nhà nước, như trong văn bản đã nêu: “Chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi”.


Sau đó, Tòa Tổng giám mục đã chỉ đạo bố trí loa với công suất cực lớn từ Nhà thờ lớn hướng sang khu đất và địa bàn dân cư khu vực để đọc nội dung đơn khiếu nại, yêu cầu ngưng thi công dự án công viên cây xanh – thư viện, đe dọa: nếu không ngừng thi công sẽ sử dụng mọi biện pháp để ngăn cản.


Những hành vi nêu trên của ông trong suốt thời gian qua là có hệ thống, thể hiện rõ việc coi thường pháp luật, chưa bao giờ từ bỏ ‎ý đồ đòi đất trái pháp luật.


Đồng thời cũng khẳng định ông đã không thực hiện đúng chức trách với cương vị là Tổng giám mục giáo phận Hà Nội, không thực hiện đúng bổn phận của một công dân đối với đất nước, dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không thực hiện đúng theo phương châm của những người có tôn giáo ở trên đất nước Việt Nam là sống “tốt đời, đẹp đạo”.


Hơn thế, ông còn phát ngôn miệt thị chính dân tộc, đất nước mình, gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân Thủ đô.


Với những hành vi nêu trên, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cảnh cáo ông. Đồng thời, yêu cầu ông, với cương vị là Tổng giám mục giáo phận Hà Nội:


1. Dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không sẽ bị sử l‎‎ý theo đúng quy định của Luật. Đồng thời có trách nhiệm vận động các giáo sỹ, giáo dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật, không được tổ chức các hoạt động tôn giáo trái phép, khẩn trương di chuyển tượng, thánh giá… về đúng nơi thờ tự.


2. Không được tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền với nội dung xuyên tạc, kích động, lợi dụng, lôi kéo giáo sỹ, giáo dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật.


Chính sách của Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và các hoạt động tín ngưỡng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc phải bị nghiêm trị, nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.