Liệu Penny Wong là ngoại trưởng tốt cho Úc?

26 Tháng Mười Hai, 2024 | Bình Luận
Ngoại trưởng Úc Penny Wong. Photo: Reuters

Càng ngày càng thấy chính phủ Lao động của Thủ tướng Anthony Albanese đang đi chệch hướng về mặt ngoại giao và đối ngoại, một đường lối mà các chính phủ Bob Hawke, Kevin Rudd và Julia Gillard đã theo đuổi trong khi tại chức, trừ biệt lệ Paul Keating sau khi bị John Howard đánh bại và về vườn với chủ trương thân thiện với Trung Cộng và chống Hoa Kỳ.

Cựu đại sứ Nhật tại Úc, ông Shingo Yamagami trong cuốn sách mới đây của ông có tựa “Combating China’s Wolf Warrior Diplomacy” (Chống lại Chính sách Ngoại giao Chiến lang của Trung Cộng) kể rằng ông đã bị bà Bộ trưởng Ngoại giao Bóng tối Penny Wong triệu tới văn phòng bà năm 2021 và cảnh cáo ông về việc ông đại sứ chỉ trích công khai Trung Cộng.  Đó chỉ là khi bà Wong còn ở thế đối lập mà thôi nhưng nghĩ bà có quyền, bất chấp nghi thức ngoại giao.

Một người khác là nhà tranh đấu cho nhân quyền và là cựu Dân biểu Lao động Michael Danby kể lại vào năm 2017 ông đã bị bà Wong gọi tới văn phòng bà, lên lớp vì ông Danby chống hiệp ước dẫn độ với Trung Cộng vì làm như vậy sẽ “chọc giận” Trung Cộng. Hiệp ước dẫn độ do bà Ngoại trưởng Tự do lúc đó Julie Bishop đưa ra. Ông Danby là phó chủ tịch ủy ban hỗn hợp quốc hội về các hiệp ước nói có đến 99.92% vụ xử ở Trung cộng đưa đến kết quả có tội cho nên rất nguy hiểm đối với cả triệu người Úc có gốc gác Trung Hoa. Phát ngôn viên của bà Wong bác bỏ lời tố cáo này nhưng khó phủ nhận bà “là người bạn của Trung Cộng” trong vai trò ngoại trưởng.

Và cũng trong vai trò này, Wong đã chọn không cùng đi chung hương với Liên minh đối với Do Thái dù nước này, một nền dân chủ mạnh mẽ duy nhất ở Trung Đông, là đồng minh lâu năm của Úc kể từ ngày nước này lập quốc. Người Úc gốc Do Thái tuy chỉ có khoảng một trăm ngàn người đã đóng góp cho Úc rất nhiều trong mọi lãnh vực. Nhưng kể từ khi Albanese lên cầm quyền và Wong trở thành ngoại trưởng, chính sách của Úc với Do Thái đã có bước rẽ đáng quan tâm.

Wong chỉ trích Do Thái nhiều hơn là khủng bố Hamas dù cuộc chiến hiện nay do Hamas gây nên trong khi Do Thái chỉ tự vệ và tìm cách triệt tiêu một tổ chức một lúc giết 1,200 người và bắt làm con tin 250 người. Thế mà chính phủ Lao động và Wong lại đòi Do Thái phải ngừng chiến, cùng với một số nước khác tại Liên hiệp quốc tìm cách bỏ phiếu cho Palestine trở thành một thành viên.

Mới nhất, Úc bỏ phiếu yêu cầu Do Thái rút quân khỏi Tây Ngạn, không cho người Do Thái di dân đến vùng chiếm đóng ở Tây Ngạn và tiến hành thủ tục để sớm nhìn nhận Palestine là một quốc gia, đòi Do Thái bồi thường thiệt hại cho Lebanon vì vụ gây chảy dầu trong chiến tranh, một nước mà hầu như khủng bố Hezbollah có thực quyền hơn chính phủ Beirut.

Và như giọt nước tràn ly, Wong nói việc Tòa án Hình sự Quốc tế ICC ở Hòa Lan ra trát bắt Thủ tướng  Benjamin Netanya  về tội ác đối với nhân loại là việc làm của cơ quan này và nên để cho luật pháp làm công việc của họ. Điều này có nghĩa nếu Thủ tướng Do Thái đặt chân đến Úc, chính phủ Lao động sẽ bắt ông Netanyahu và nộp cho ICC?

Làm  ăn với nhà nước độc tài bá quyền Trung Cộng là ngắn hạn. Cầm quyền thêm ba năm cũng là đường ngắn. Nhưng ủng hộ Palestine để kiếm phiếu cử tri  Hồi giáo là nguy hiểm. Đường dài là Úc cần phải có những người bạn cùng chung giá trị: dân chủ và pháp trị như Do Thái.

Trung Cộng và Palestine không hội đủ điều kiện này. Lao động hãy lai tỉnh!

(Trích www.etvts.com.au phát hành Thư Tư 11/12/2024)