Tô Lâm ‘sắp đi Mỹ’, có thể cuối tháng 6 này

18 Tháng 6, 2025 | Tin Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm. Photo: Reuters

Mỹ đang gây sức ép với Việt Nam trong các cuộc đàm phán về thuế quan nhằm buộc Việt Nam giảm sử dụng công nghệ Trung Quốc trong các thiết bị được lắp ráp tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

Thông tin trên do Reuters đăng tải, dẫn ba nguồn tin am hiểu vấn đề vào ngày 16/6.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Mỹ, có thể diễn ra vào cuối tháng Sáu, theo các quan chức nắm rõ kế hoạch.

Tuy nhiên, chưa có ngày cụ thể nào được công bố cho chuyến đi.

Việt Nam hiện là nơi đặt các cơ sở sản xuất quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ như Apple và Samsung, những công ty thường xuyên sử dụng linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc.

Meta và Google cũng có các nhà thầu sản xuất các sản phẩm như kính thực tế ảo (VR) và điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Quốc gia Đông Nam Á này đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy việc sử dụng linh kiện nội địa.

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra sẵn sàng hợp tác nhưng cũng nói rằng họ cần thêm thời gian và công nghệ để thực hiện, theo một nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận.

Chính quyền Trump từng đe dọa áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam – điều có thể khiến khả năng tiếp cận thị trường Mỹ của hàng hóa gắn mác “Sản xuất ở Việt Nam” (Made in Vietnam) bị hạn chế nghiêm trọng, đồng thời làm lung lay mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam.

“Việt Nam đã được yêu cầu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ cao của Trung Quốc”, một nguồn tin thân cận với đàm phán nói với Reuters.

“Đây là một phần của quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào linh kiện công nghệ Trung Quốc”, người này nói thêm.

Mục tiêu cuối cùng, theo một nguồn tin khác, là đẩy nhanh quá trình Mỹ tách rời khỏi công nghệ cao của Trung Quốc trong khi nâng cao năng lực công nghiệp của Việt Nam – lấy ví dụ là các thiết bị thực tế ảo (VR) được lắp ráp tại Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ Trung Quốc.

Tất cả các nguồn tin đều yêu cầu giấu tên do tính chất nhạy cảm của các cuộc đàm phán.

Reuters không xác định được liệu Mỹ có đưa ra các mục tiêu cụ thể như hạn mức về hàm lượng linh kiện Trung Quốc trong hàng “Made in Vietnam” hay đề xuất các mức thuế khác nhau tùy theo tỷ lệ linh kiện Trung Quốc hay không.

Apple, Samsung, Meta và Google đều không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Khi thời hạn tạm hoãn thuế quan của Mỹ – vào đầu của tháng Bảy – đang tới gần, thời điểm và phạm vi của một thỏa thuận tiềm năng vẫn chưa rõ ràng.

Các nguồn tin nhấn mạnh rằng trong khi Mỹ có các yêu cầu khái quát về việc Việt Nam giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, việc giảm hàm lượng công nghệ cao của Trung Quốc trong hàng xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu.

Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD các mặt hàng công nghệ như linh kiện điện tử, máy tính và điện thoại sang Việt Nam – chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 33 tỷ USD hàng công nghệ sang Mỹ, chiếm 28% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

Cả hai dòng thương mại này đều đang tăng trong năm nay, theo dữ liệu của hải quan Việt Nam.

Bộ Công Thương Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Các nguồn tin khác trước đó cho biết Việt Nam đánh giá các yêu cầu từ phía Mỹ là “khó” và “gay gắt”.

Mỹ cũng muốn Việt Nam mạnh tay xử lý tình trạng hàng Trung Quốc được dán nhãn gian lận “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao – điều mà phía Việt Nam cũng đang cố gắng xử lý.

Bộ Công Thương hôm 15/6 cho biết vòng đàm phán thứ ba diễn ra tại Washington vào tuần trước đã ghi nhận một số tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề then chốt chưa được giải quyết.

(Nguồn: BBC)