Ngày Ba Mươi Tết và Đêm Giao Thừa Mậu Tý: từ Melbourne tới Sài Gòn, Hà Nội

06 Tháng 2, 2008 | Tin Việt Nam


Cuối tuần này hội chợ tết do Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria tổ chức sẽ diễn ra trong 3  ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật cuối tuần. Đó là sinh hoạt và cảnh ăn tết ở xứ người.


 









Hội chợ Tết ở Richmond, thành phố Melbourne, Úc


 


Người Việt còn đón giao thừa bằng đi lễ ở chùa hay ở nhà thờ. Như tại nhà thờ St John ở East Melbourne, giáo dân đã dự lễ giao thừa lúc 8 giờ rưỡi tối bằng buổi cầu nguyện cho đất nước và giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Sau đó là thánh lễ đồng tế do cha phó xứ Võ Thanh Xuân chủ tọa với sự hiện diện của chánh xứ  Johnson người Úc, cha Đinh Thanh Bình và cha Ri ở VN qua du học và giúp xứ này. Và sau đó là trò xổ số do đoàn thiếu nhi phụ trách. 


 


Và hôm nay Thứ Năm 7.2.08 nhằm ngày mồng Một Tết, đa số người Việt Nam ở Melbourne va Úc vẫn đi làm việc.  Quán xá của người Việt và Hoa vẫn mở. Một ngày như mọi ngày, không có gì lạ. Nhiều người đã không còn bỏ việc làm như hơn 20 năm về trước để ở nhà cu ki một mình hay đối ẩm với vài người bạn hầu mong tạo nên vẻ tết như ngày còn ở Việt Nam. Và có rất nhiều người đã trở về Việt Nam ăn tết.


  


TVTS xin trích vài bản tin liên quan đến những ngày cuối năm ở Việt Nam qua báo chí trong nước, dĩ nhiên là không thèm nhắc đến những bài diễn văn đầu năm của các lãnh tụ chóp bu đảng CSVN, bởi nghe cũng chán. Biết đâu lại xu xẻo cho ngày đầu năm?


 


Ngày cuối năm tại  Hà Nội


 


(VnExpress) – Hầu hết siêu thị tại Hà Nội bán hàng đến chiều 30 Tết và khai trương năm mới vào mùng 2 Tết. Một vài siêu thị của Hapro còn bán hàng liên tục hết ngày 30, chỉ nghỉ vào Giao thừa, và sáng mùng 1 lại mở cửa, phòng trường hợp khách nước ngoài ở thủ đô muốn mua sắm.


 


Năm nay, tình trạng quá tải tái diễn tại các siêu thị, đặc biệt trong các ngày 26 và 27 tháng Chạp (thứ bảy và chủ nhật). Trong hai ngày này, người dân tranh thủ cuối tuần mua sắm, nhiều người ngoại tỉnh cũng mua hàng trước khi về nghỉ Tết, khiến các siêu thị tại Hà Nội đông nghẹt. Tại siêu thị Big C, mỗi ngày trong dịp giáp Tết có trung bình 25.000 lượt người đến mua sắm, tăng 30% so với ngày thường, riêng trong hai ngày 26 và 27 tháng Chạp có tới 30.000 lượt.


 


Các siêu thị cho hay đều lường trước tình trạng quá tải và chuẩn bị phục vụ một lượng khách lớn, song vẫn không tránh được việc tắc nghẽn do đến những ngày cuối cùng trước Tết, người dân mới đồng loạt đổ đi mua sắm.


  


Chợ Hoa Nguyễn Huệ


  


(Thanh Niên) – Mặc dù lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) chính thức bắt đầu lúc 20h30 tối nay (5.2 – tức 29 tháng Chạp) nhưng mới 19h, hàng chục ngàn người dân thành phố đã đổ về khu vực trung tâm để tham quan đường hoa.


 









Chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ


Dòng người dày đặc chen chúc trên đường Lê Lợi (đoạn từ Pasteur đến trước UBND TP.HCM) và suốt tuyến đường Nguyễn Huệ, từ vòng xoay trước UBND TP.HCM đến đường Tôn Đức Thắng.


 


Hòa vào dòng người đông đúc, chị Nguyễn Thị Hoa, nhà ở quận Bình Tân đưa cả gia đình đi tham quan đường hoa Nguyễn Huệ ngay trong đêm khai mạc cho biết: “Nghe nói đường hoa Nguyễn Huệ năm nay thiết kế với những nét cổ xưa, bụi tre, cây cầu khỉ… nên tôi dắt mấy cháu đi cho biết”.


  


Giao Thừa và pháo bông


 


(VnExpress) – Đúng 0h, ngàn vạn bông hoa pháo đầy màu sắc đồng loạt nở tung, sáng rực trên bầu trời báo hiệu thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm mới, năm Mậu Tý. Cả triệu người như đều chung tâm trạng hân hoan đón chào mùa xuân mới.


 


Tại TP HCM, Chiếc đồng hồ lớn trước UBND thành phố thong thả điểm những phút cuối của năm… Đúng 24h, tiếng pháo vang lên và những bông hoa đa sắc gần như đồng thời bung lên trời cao, từ 6 điểm: Bến Nhà Rồng, Khu Công nghệ cao, Công viên Bình Phú, Đền Tưởng niệm Bến Dược…


 


Biển người trước Bến Nhà Rồng như lặng đi trong thời khắc thiêng liêng. Muôn gương mặt như chung một nét rạng ngời. “Đẹp quá”, nhiều tiếng trầm trồ cùng thốt ra, mỗi khi có bông pháo vút cao, rộng mở, tạo thành thảm hoa giữa không trung.


Trong suốt 15 phút pháo nở hoa, chị Phạm Thị Phấn ở quận 5 bám chặt tay người chồng mới cưới. “Tôi thấy rất hạnh phúc. Lúc giao thừa, tôi thầm cầu năm nay sẽ sinh được em bé thông minh, lanh lẹ như bản tính của chuột”, chị Phấn bẽn lẽn nói.


 


23h đêm, dòng người trên các trục đường trung tâm thành phố kéo về Bến Bạch Đằng để chờ đợi phút giây chiêm ngưỡng hoa pháo bay lên từ Bến Nhà Rồng. Về khuya gió sông Sài Gòn thổi mạnh, thoáng hơi sương, nhưng hàng nghìn người kề cận nhau trong sự náo nức chung đón đợi giờ khắc thiêng liêng của năm mới khiến không gian như ấm áp hơn.


  


Bên kia sông Sài Gòn, các khu dân cư quận 4, nhà nhà khấp khởi. Không ít người dồn lên tầng cao, kê bàn trà trên sân thượng để chờ xem hoa pháo. Những trục đường lớn như: Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Hoàng Văn Thụ… trở nên thoáng đãng và ít tiếng còi xe hơn. Cả thành phố lắng mình chờ phút giao năm.


 


Náo nhiệt nhất vẫn là trục Đường hoa Nguyễn Huệ. Hàng nghìn người đổ về đây để thưởng ngoạn sắc hoa xuân và các hình tượng từ hoa tươi, được các nghệ nhân trang hoàng công phu. Nơi đây toát lên khung cảnh đặc trưng của miền Nam, sự hân hoan chào đón năm mới và sức vươn mạnh mẽ của thành phố trẻ.


 


Thủ đô Hà Nội, Hồ Gươm đêm giao thừa như khoác tấm áo mới, lung linh với ánh đèn, rực rỡ với màu hoa mà vẫn mang đậm vẻ huyền ảo của truyền thuyết thủa xưa. Cái lạnh dưới 13 độ C không ngăn được sự háo hức tề tựu của hàng chục nghìn người đổ ra đường đón chờ khoảng khắc linh thiêng nhất của một năm – khoảng khắc giao thừa.


22h, các ngả đường hướng về hồ Gươm chật cứng. Các chương trình ca nhạc, xiếc tại quảng trường Cách mạng tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa Thục, đền Bà Kiệu… đều níu chân người xem.


 









Pháo bông trên Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội


23h đêm, Hồ Gươm ken kín người dân từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa. Bên chùa Trấn Quốc, Hồ Tây, trong tiếng chuông trống bát nhã chúc phúc truyền thống, hàng trăm chiếc đèn trời được các bạn trẻ và phật tử đốt lên gửi gắm mong ước về một năm mới thanh bình, yên vui và hạnh phúc.


 


Trên các tuyến đường, cây mía, cành lộc được bày bán khá nhiều. Anh Hùng ở Hà Tây cho biết, tranh thủ bán hàng kiếm chút lộc đầu năm. Một đôi mía “mẫm” có giá 50.000 đồng, còn một cành lộc 10.000 đồng.


 


Ngay từ chập tối, nhiều tuyến đường quanh Hồ Gươm đã được cấm xe để dành cho người đi bộ. Càng gần Giao thừa, các tuyến phố càng trở nên náo nhiệt. Vỉa hè, các cơ quan, trường học quanh đó được tận dụng tối đa để làm nơi trông xe. Giá giữ mỗi chiếc khoảng 20.000 – 30.000 đồng, tăng gấp 10 – 15 lần ngày thường.


 


Tuy nhiên, trong đêm cuối năm này, rất nhiều thanh niên để đầu trần, kẹp 3 kẹp 4 phi xe máy ầm ầm trên đường phố. “Lẽ ra chúng tôi làm công việc khác thì giờ lại phải bắt những người không đội mũ bảo hiểm”, Trung tá Lê Đức Đoàn, Đội cảnh sát giao thông số 1 (TP Hà Nội) lắc đầu nói. Chỉ trong vòng một tiếng tại hồ Gươm, đã có hàng trăm thanh niên không đội mũ bảo hiểm bị giữ xe.


 


Theo nguồn tin của VnExpress, Tại TP Bắc Ninh dù lệnh cấm đốt pháo nổ được kiểm tra gắt gao hơn, nhưng15 phút trước giao thừa, nhiều gia đình ở làng Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn) đã bắt đầu mang pháo ra đốt. Màn đốt pháo tự do ở đây kéo dài khoảng 30 phút với đủ loại từ pháo hoa, pháo phụt cho tới pháo nổ.