> xem video Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn về Hoang Sa
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chúng ta đã làm chủ thực sự Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ 17”. Ảnh: Hoàng Hà |
Lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam công khai tuyên bố chủ quyền của Việt Nam về đảo Hoàng Sa. Và cũng là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cao cấp công khai tuyên bố Việt Nam đang làm chủ những hòn đảo nào ở quần đảo Trường Sa và sẽ đòi lại chủ quyền những hòn đảo bị chiếm bằng “hòa bình”.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia người Úc về Việt Nam, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội mang tầm quan trọng đặc biệt, nhất là khi được truyền thông đại chúng Việt Nam tường thuật chi tiết.
Báo Dân Trí đưa tin về cuộc chất vấn vào ngày Thứ Sáu 25 tháng 11 như sau:
Thủ tướng: “Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và thực tế chúng ta đã làm chủ từ cách đây vài thế kỷ.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đinh Bộ Lĩnh (An Giang) bắt ngay vào vấn đề đang được quan tâm là các hoạt động đối ngoại. “Xin Thủ tướng cho biết những giải pháp cụ thể của Chính phủ để thực hiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Lĩnh chất vấn.
Cũng liên quan đến vấn đề chủ quyền, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị Thủ tướng nêu những giải pháp để ngư dân yên tâm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt cá ở Biển Đông, nhất ở 2 ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa.
Đáp lại câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trên cơ sở chủ trương đối ngoại của ta, trên cơ sở luật pháp của quốc tế, căn cứ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản ứng xử trên biển Đông giữa ta và Trung Quốc, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 vấn đề.
Trước hết là đàm phán phân định ranh giới ngoài vịnh Bắc Bộ, còn trong vịnh Bắc Bộ ta và Trung Quốc đã hoàn thành việc phân định.
Theo Thủ tướng, thềm lục địa của ta có chồng lấn với đảo Hải Nam – Trung Quốc và hai bên đã đàm phán từ 2006, sau đó tạm dừng do quan điểm còn khác nhau. Năm 2011 ta và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.
Ngoài vịnh Bắc Bộ là vấn đề giữa hai nước nên hai bên sẽ đàm phán để có giải pháp hợp lý. Chúng ta đang xúc tiến để phân định.
Khi chưa phân định, với chừng mực khác nhau, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường Trung tuyến, từ đó cùng đối thoại để đảm bảo an ninh, an toàn trong khai thác nghề cá.
Vấn đề thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam có đủ căn cứ, pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, năm 1956, Trung Quốc chiếm các đảo phía đông đảo Hoàng Sa. Năm 1974 Trung Quốc đem quân chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa. Chính quyền miền Nam Việt Nam đã phản đối tới Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng bày tỏ sự phản đối tại thời điểm đó.
“Lập trường nhất quán là quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chúng ta đàm phán bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với hiến chương liên hợp quốc và luật biển.”, Thủ tướng bày tỏ.
Thứ ba, với quần đảo Trường Sa, sau giải phóng miền Nam (1975), chúng ta tiếp quản 5 hòn đảo của quần đảo Trường Sa. Sau đó với chủ quyền của mình, chúng ta tiếp tục mở rộng để tiếp quản 21 đảo. Hiện ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo, Philippin 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo…
Trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam đang nắm giữ số đảo nhiều nhất và cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên các đảo chúng ta năm giữ, với 21 hộ, trên 80 khẩu, với 6 khẩu sinh ra và lớn lên ở đảo này.
Chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện Công ước luật biển, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các bên không làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực…
Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ. Tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy hải sản ở khu vực này.
Thực hiện đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông, bởi đây là mong muốn của tất cả các bên liên quan, do biển Đông là tuyến đường chiếm dung lượng vận tải lớn (50% từ Đông sang Tây).
Cuối cùng, theo Thủ tướng, tới đây phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế theo Công ước luật biển 1982.